Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015?

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 và Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 đã khai mạc hôm 25 tháng 8 vừa qua tại Đà Nẵng và kéo dài đến thứ bảy tuần này.

Lên tiếng trước hội nghị, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực, hiện vẫn còn những nhân tố bất định, khó lường, muốn hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, dựa trên những nguyên tắc nhất quán, xuất phát từ lợi ích chung.

Mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN có đạt đến kết quả như dự tính hay không? Xin mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với hai quan chức hàng đầu của nhà nước Việt Nam về kinh tế, tài chánh và thương mại. Hôm nay đài chúng tôi xin gởi đến quý vị câu chuyện giữa Đỗ Hiếu với ông cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết.

Thời gian chuẩn bị quá ít

Đỗ Hiếu: Theo ông thì chặng đường hướng đến sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN dự trù hoàn tất vào năm 2015, tức là chỉ còn 5 năm nữa, thời gian đó có đủ để đạt tới kết quả, được xem là mục tiêu chiến lược, mối ưu tiên hàng đầu đó không, thưa ông?

Cựu BT Lê Văn Triết:Tôi nghĩ rằng việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, quả là có ít thời giờ để có thể chuẩn bị. Theo tôi, quốc gia nào cũng vậy, cần phải chuẩn bị cho mình có đủ thực lực để trở thành một thành viên hữu ích cho cộng đồng , đó là thời gian tương đối còn ít, quá ít. Đấy tôi chỉ có thể nói như vậy.

Tôi nghĩ rằng việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, quả là có ít thời giờ để có thể chuẩn bị.

Cựu BT Lê Văn Triết

Đỗ Hiếu: Thưa ông, ngoài yếu tố về thời gian thì Việt Nam có gặp những cản trở nào khác không, vì qua thượng đỉnh ASEAN 16 họp tại Hà Nội, cách đây hơn 4 tháng, lãnh đạo Việt Nam cho rằng đang có những bước đi thiết thực hướng đến sự hội nhập trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á?

Cựu BT Lê Văn Triết:Về điểm lợi thì chưa nhiều, mà những việc cần phải làm còn rất lớn, cho nên Việt Nam phải có những sự chuẩn bị hết sức khẩn trương, ráo riết. Một khi mình vào cộng đồng đó, mình phải là thành viên hữu ích, nếu không làm được như vậy thì bản thân mình gặp khó khăn nhiều hơn, khi đứng trước những thách thức quá lớn của xu thế phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đỗ Hiếu: Thời gian trước đây, Việt Nam đã có những thành quả đáng kể trong chính sách phục hồi, phát triển, cải tổ kinh tế, được xem là phù hợp, kịp thời, nên được kết nạp vào các định chế quốc tế và mở mang ngoại thương với các đối tác hàng đầu thế giới, những thành quả đó có thể tạo thế thuận lợi cho mục tiêu hội nhập vào cộng đồng ASEAN không, thưa ông?

asean-vietnam-2010-250.jpg
Một người lượm ve chai đi ngang pano "ASEAN - VIETNAM 2010" trên đường phố Hà Nội hôm 9/4/2010.AFP photo/Hoang Dinh Nam.

Cựu BT Lê Văn Triết:Việt Nam gia nhập vào WTO, rồi sau đó ký hiện định BTA (thương mại song phương) với Hoa Kỳ, thì đó là những mặt tốt.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam cũng đã tham gia, trở thành một nước có quan hệ, có bang giao với tất cả bạn bè trên thế giới theo hướng đa phương hóa, đó là một xu hướng tốt và nên phát triển.

Tuy nhiên, xu hướng đó có những thách thức, cùng sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, của các quốc gia khác đối với Việt Nam, nhất là khi mà Việt Nam thật sự còn nhiều yếu kém, tuy rằng đã có bước trưởng thành.

Nếu nói về sức cạnh tranh trên thương trường, thì sức phát triển để mình có thể đứng vững vàng khi vào trong cộng đồng kinh tế ASEAN, như những nước đã có bước đi trước, có sự chuẩn bị, thì phải nói rằng Việt Nam còn một khoảng cách so với người ta.

Đỗ Hiếu: Từng là thành viên trong hội đồng chánh phủ, người đứng đầu ngành thương mại, theo ông thì Việt Nam có triển vọng gì trong tiến trình kết nối và tiến tới xây dựng thành công cộng đồng ASEAN không, thưa ông?

Nếu nói về sức cạnh tranh trên thương trường, thì sức phát triển để mình có thể đứng vững vàng khi vào trong cộng đồng kinh tế ASEAN, như những nước đã có bước đi trước, có sự chuẩn bị, thì phải nói rằng Việt Nam còn một khoảng cách so với người ta.

Cựu BT Lê Văn Triết

Cựu BT Lê Văn Triết:Tôi phát biểu với tư cách một công dân, chức vụ bộ trưởng, tôi đã xa rời từ lâu rồi, tôi cũng không tham gia vào bàn cờ chung của đất nước.

Là một công dân, tôi thấy lịch trình phát triển, xây dựng đất nước, tuy rằng còn nhiều khó khăn, những cũng có những điểm tiến bộ để có thể đưa đất nước Việt Nam đi lên. Nếu có những phấn đấu tốt, có những quyết tâm chiến lược, với tầm nhìn bao phủ khắp cả cộng đồng, chắc Việt Nam cũng là một dân tộc có thể sánh vai với cùng với bạn bè để đi vào cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã dành cho RFA chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.

Thưa quý thính giả, vừa rồi là cuộc trao đổi với ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương mại Việt Nam về sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Cùng đề tài thời sự này, RFA chúng tôi liên lạc với bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế văn phòng thủ tướng Việt Nam, để mời bà góp thêm ý kiến. Cuộc mạn đàm này sẽ được gởi đến quý vị và các bạn trong một buổi phát thanh sau, mong quý vị đón theo dõi.

Theo dòng thời sự: