Gần 100 người nghiện trốn trại tại Hải Phòng

Gần 100 người đã trốn khỏi một trại cai nghiện tại Hải Phòng vào chiều ngày 1 tháng 4 vừa qua gây lo ngại cho người dân địa phương và giới chức địa phương.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.04.03
trontrai-305.jpg Những học viên trốn trại hôm 16/5/2010, ảnh minh họa
Courtesy of vietnamnet

99 học viên cai nghiện ma túy đã trốn khỏi Trung Tâm giáo dục lao động và phục hồi sức khỏe thuộc Sở lao động thương binh xã hội  Hải Phòng vào chiều ngày 1 tháng 4 vừa qua.

Báo chí trong nước trích lời người dân chứng kiến vụ việc cho biết những người trốn trại đã vứt lại quần áo đồng phục của trung tâm sau khi ra khỏi cổng trại. Người dân địa phương hết sức lo lắng khi nhìn thấy cảnh tượng hàng chục thanh niên cởi trần đi từng tốp trên phố, có người thậm chí còn mang theo hung khí.

Theo thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử thành phố Hải phòng, tính đến sáng ngày 2 tháng 4 đã có 5 học viên tự nguyện quay trở lại trung tâm.
Vào sáng ngày 3 tháng 4, chúng tôi liên hệ trực tiếp với văn phòng trung tâm để tìm hiểu thêm chi tiết và nhận được trả lời từ một trực ban của trung tâm như sau:

Việt Hà: Xin anh cho biết thông tin về những người trốn trại hiện đã trở về chưa?

Trực ban: Dạ cũng về một số rồi ạ.

Việt Hà: Vậy con số chính xác có bao nhiều người trốn trại?

Trực ban: Trốn tổng số là 99 người.

Việt Hà: Vậy con số người trở lại trại lúc này là bao nhiêu?

Trực ban: Quay về được khoảng 7 8 hay 9 người

Việt Hà: Anh có biết được là nguyên nhân tại sao họ trốn trại không?

Trực ban: Cái đó thì bên quận còn đang điều tra con bọn em bên đây cũng bất ngờ, không biết nguyên nhân do đâu?

Việt Hà: Vậy từ trước đến nay, trung tâm đã có vụ trốn trại nào như vậy hay chưa?

Trực ban: Dạ chưa, từ trước đến nay bây giờ mới có.

Video: Tra tấn và cưỡng bức lao động tại các trung tâm cai nghiện ở VN

Sáng ngày 2 tháng 4, chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã làm việc với ban quản lý trung tâm và sở lao động thương binh xã hội để đưa ra các biện pháp giải quyết vụ việc. Lãnh đạo thành phố kêu gọi các đơn vị liên quan làm công tác tư tưởng với các gia đình học viên để thuyết phục họ quay trở lại trại. Cổng thông tin điện tử thành phố còn cho biết mặc dù thành phố còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng thành phố đã cố gắng đầu tư tăng dần kinh phí để hỗ trợ tiền ăn học cho các học viên.

Tại Việt Nam, những người nghiện ma túy có thể chọn đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm cai nghiện hoặc bị cưỡng bức cai nghiện tại các trung tâm do nhà nước quản lý.

Đặc phái viên quyền con người của Liên Hiệp quốc, ông Anand Grover trong chuyến thăm đến Việt Nam hồi cuối năm ngoái,  đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải đóng cửa các trung tâm cai nghiện. Ông nói rằng ‘họat động của các trung tâm cai nghiện phục hồi không có tác dụng trong việc giảm ma túy và mại dâm, mặc dù đây là một mục tiêu đề ra cho các trung tâm này’. Ông cũng nói ‘cách tiếp cận hiện tại với các trung tâm điều trị cai nghiện phục hồi vi phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân’.

Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đã đưa ra một bản báo cáo dài 121 trang với tiêu đề ‘quần đảo cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền Nam Việt Nam’. Bản báo cáo này dựa vào các câu chuyện kể của những người đã từng được cai nghiện ở các trại cai nghiện ở Miền Nam. Những người này cho biết họ bị quản chế rất chặt tại các trung tâm cai nghiện. Các trại viên phải làm công việc chân tay trong thời gian kéo dài. Nhiều người làm việc không công trong suốt nhiều năm.  Có nhiều người chỉ nhận được một số tiền công ở mức tối thiểu và sau đó còn bị lãnh đạo trung tâm khấu trừ tiền ăn.

Tính đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 123 trung tâm cai nghiện trên cả nước với khoảng gần 150,000 người đang được quản lý tại các trại cai nghiện hoặc trung tâm giáo dưỡng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.