Từ Jordan đến Hoa Kỳ

Một nữ công nhân Việt Nam, cô Vũ Phương Anh, đi xuất khẩu lao động sang Jordan, bị chủ vi phạm hợp đồng và hành hung khi lên tiếng phản đối, đã tới Hoa Kỳ theo diện tị nạn nhờ sự giúp đỡ của tổ chức CAMSA Liên Minh Phòng Chống Nạn Nô Lệ Mới Ở Á Châu.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010.07.18
ngdinhthang-phuonganh-305.jpg Cô Phương Anh và TS Nguyễn Đình Thắng ở phi trường Bangkok, Thái Lan hôm 07/07/2010
Photo courtesy of CAMSA

Thanh Trúc có bài chi tiết về trường hợp này.

Xuất khẩu lao động qua Jordan

Chuyện xảy ra từ 2008 mà đã lôi kéo sự chú ý của người Việt ở nước ngoài, với hơn hai trăm nữ công nhân Việt Nam, đa số ở làng quê, sang Jordan làm trong công ty may mặc W&D Apparel có chủ nhân là người Đài Loan.

Công ty may mặc W&D Apparel chuyên cung cấp đồng phục cho hai công ty lớn ở Hoa Kỳ.

Tháng Hai năm 2008, hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân Việt đã đình công để phản đối chủ nhân W&D Apparel không trả lương theo đúng mức đã ghi trong hợp đồng.

Khi đi thì người ta bắt ký hợp đồng lúc 9 giờ đêm, sáng hôm sau 7 giờ 30 phút ra phi trường.

Cô Phương Anh

Giám đốc W&D Apparel, ông Chen Sen, gọi nhân viên bảo vệ và cảnh sát Jordan đến giải quyết. Hậu quả là năm nữ công nhân bị đánh trọng thương, có người bị hôn mê và nằm liệt giường sau đó.

Từ thành phố Houston bang Texas, cô Phương Anh, vừa đến Hoa Kỳ trong tư cách nạn nhân của trường hợp lao động bị bóc lột và bị ngược đãi mà tổ chức CAMSA, tức Liên Minh Phòng Chống Nạn Nô Lệ Mới Ở Châu Á, căn cứ vào đó để can thiệp cho cô được tị nạn tại Hoa Kỳ, cho biết cô cùng hai trăm bảy mươi sáu chị khác, phần lớn là dân quê, đi xuất khẩu lao động qua Jordan theo chương trình xóa đói giảm nghèo, qua trung gian của ba công ty môi giới trong nước là Tổng Công Ty Da Giày Việt Nam, Công Ty Than Âu Việt, Trường Đại Học Công Nghiệp 1 Hà Nội:

“Phương Anh cũng như các bạn đều hiểu là có một chỉ tiêu về xã và huyện nơi mình ở, nói rằng đây là chính sách do nhà nước để giúp nông dân nghèo ở nông thôn. Tóm lại người ta nói là đi lao động để xóa đói giảm nghèo.

WD-apparel-jordan-250.jpg
Công ty may mặc W&D Apparel ở Jordan. Hình chụp từ youtube.
Đa phần là ở các tỉnh nghèo ở vùng nông thôn phía Bắc. Rất nhiều người còn chưa biết ký tên mình mà phải dùng tay để điểm chỉ thôi, họ cũng như Phương Anh, học rất thấp.”

Số tiền nộp cho công ty môi giới để đi Jordan là hai chục đến ba chục triệu đồng, tương đương hai hay hơn hai ngàn đô la, theo thời giá lúc ấy:

“Có nhiều người còn hơn nữa. Khi đi thì người ta bắt ký hợp đồng lúc 9 giờ đêm, sáng hôm sau 7 giờ 30 phút ra phi trường. Thực chất ra Phương Anh cũng không biết đó là bản hợp đồng, người ta chỉ nói là bọn em ký vào đây, ký nhanh lên rồi đi nghỉ đi vì mai còn phải ra phi trường.

Không trả lương đúng mức

Tuy thế, Phương Anh kể tiếp, những người trong công ty môi giới đều bảo với công nhân là qua Jordan làm việc rất tốt, một ngày tám tiếng, mức lương hai trăm hai mươi đô la. Nếu cộng thêm tiền chuyên cần và tiền trợ cấp xa nhà thì tổng cộng vào khoảng ba trăm đô la:

“Khi sang Jordan rồi thì ngay lập tức chủ nhà máy thu giữ hoàn toàn hộ chiếu của bọn em và bắt bọn em phải đi làm một cách không tưởng tượng nổi, là từ 7 giờ 30 sáng mà làm tới 12 giờ đêm. Những ngày đó là giáp Tết, làm cứ tới một hai giờ sáng là bình thường, ngày nào cũng như vậy.

Và cũng như các bạn, Phương Anh làm mười ngày chỉ nhận được 10 đô la thôi.

Cô Phương Anh

Hôm đó là nghỉ Tết, thì Phương Anh cũng đã nhận tiền. Và cũng như các bạn, Phương Anh làm mười ngày chỉ nhận được 10 đô la thôi. Phương Anh có hỏi thì người ta nói trong thời gian thử việc. Phương Anh cũng không thắc mắc.

Nhưng khi tất cả làm đã một hai tháng thì được 80 đô la, còn những người như em Luyến đi làm bốn năm tháng chỉ nhận được 120 đô la. Sau đó Phương Anh cùng các bạn viết đơn xin ông chủ, là ông Chen Sen, chỉnh lại mức lương đúng theo lời đã hứa với bọn em để bọn em có thể yên tâm làm việc trong ba năm.

Ông chủ nói công ty làm đúng theo bản hợp đồng rồi, muốn hỏi thì các bạn gọi về Việt Nam mà hỏi. Thì Phương Anh cũng đã gọi rồi nhưng chính bà La Thanh Phương cũng như ông Trịnh Quang Trung, những người làm trong Tổng Công Ty Da Giày Việt Nam, nói là các bạn cứ đi làm đi rồi công ty sẽ thương lượng sau.”

Bị đánh đập, bỏ đói


(video: Tường trình đặc biệt giải cứu công nhân Việt ở Jordan của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển)


Vì tiền lương không được giải quyết thỏa đáng trong lúc giờ làm việc quá nhiều, hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân quyết định đình công để phản đối:

“Nghỉ hết Tết rồi bọn em cùng nhau không có đi làm. Đến ngày 18 hay 19 tháng Hai, em không nhớ chính xác, những người cảnh sát, bảo vệ, rồi có cô thông dịch viên tên Vũ Thu Hà nữa. Người ta cầm cái bình xịt hơi cay vào mặt mũi bọn em. Nhiều người chạy hoảng loạn. Chính mắt em và các bạn nhìn thấy người cảnh sát Jordan, rất to lớn, cầm tóc của Ánh và Vang, lôi và đập xuống thành giường và nền nhà, hộc máu mồm máu mũi ra. Phương Anh lấy điện thoại, bật lên và quay lại cái hình ảnh đó. Nhiều người chạy rồi la khóc thì họ cầm tóc của Vang lên, nhìn thấy máu mồm máu mũi như vậy thì họ thả bịch xuống một cái.

Chính mắt em và các bạn nhìn thấy người cảnh sát Jordan, rất to lớn, cầm tóc của Ánh và Vang, lôi và đập xuống thành giường và nền nhà, hộc máu mồm máu mũi ra.

Cô Phương Anh

Sau đó họ kéo tiếp Hà Thị Ngoãn và Đỗ Thị Thuý Hà ra phòng ăn. Thì em cầm điện thoại gọi về cho công ty môi giới thì người quản lý ở đó bảo bây giờ cứ đi làm đi rồi công ty sẽ sang giàn hòa với công ty bên đó. Quay trở lại nhà ăn, nơi mọi người đang kêu khóc, Phương Anh nhìn thấy ông chủ Chen Sen cười rất vui vẻ và bắt tay những người cảnh sát vừa mới đánh những người lao động xong.”

Những ngày tiếp sau, các nữ công nhân bị bỏ đói trong ký túc xá. Họ cố liên lạc tiếp về Việt Nam nhưng không ai bắt điện thoại:

“Sau đợt đó người ta cắt hoàn toàn khẩu phần của bọn em. Các bạn bị đánh không được cứu giúp, xin người quản lý đưa đi bệnh viện đều không được giúp đỡ. Bọn em bị bỏ đói, phải gom từng cái băng vệ sinh và từng cái áo lót bán đi. Nhưng một gói băng vệ sinh chỉ mua được một gói mì tôm thôi vì mì tôm ở Jordan rất đắt.”

Đem con bỏ chợ

Khi đó, Phương Anh kể tiếp, nữ công nhân tên Tuyết có người chị làm trong báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội, đã liên lạc với người chị này. Kết quả là hôm sau câu chuyện một trăm bảy mươi lăm lao động nữ đình công ở Jordan bị hành hung và bị bỏ đói được đưa lên báo Tuổi Trẻ.

tran-viet-tu-305.jpg
Ông Trần Việt Tú, phó TLS tòa đại sứ VN, Cairo, Ai Cập, tiếp xúc với 176 công nhân VN tại Jordan hôm 01/03/2008. Hình chụp từ youtube.
Nhưng báo Tuổi Trẻ chỉ đăng hai bài về Jordan rồi ngưng. Người chị làm trong tòa soạn sau đó báo với cô em tên Tuyết ở Jordan là cô bị đình chỉ. Từ Hoa Kỳ, người của tổ chức CAMSA Liên Minh Phòng Chống Nô Lệ Mới Ở Châu Á, đọc được mẫu tin trên báo Tuổi Trẻ và đã tìm cách gọi qua Jordan:

“Rất may mắn là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đọc được mẫu tin đó và đã liên lạc với Phương Anh và các bạn của Phương Anh. Chú Thắng đã nhờ người đưa đến ba ngàn đô la Mỹ, chia đều cho hai trăm bảy mươi sáu người lao động đình công thì mỗi người được năm đồng CT, tương đương bảy tám đô tiền Mỹ.

Sau thời gian đó thì vẫn bị bỏ đói, Phương Anh kêu cứu tiếp với chú Thắng. Chú Thắng liên lạc với tổ chức IOM (Tổ Chức Di Dân Quốc Tế). IOM đã đến giúp, đưa những người bệnh đi.”

Phương Anh cho biết trong thời gian đó hoàn toàn hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân không đi làm việc. Tuy nhiên khi người của công ty môi giới trong nước qua, khoảng một trăm người vì sợ mất tiền nếu phải trở về nên quyết định đi làm. Từ hai trăm bảy mươi sáu còn lại một trăm bảy mươi lăm tiếp tục khiếu nại và xin về là vậy:

Mà chính ông Phương là trợ lý giám đốc của ông Việt, đi theo phái đoàn chính phủ Việt Nam, toàn là đe dọa và còn giật tóc của Vang và Anh đến nỗi ngất xỉu luôn.

Cô Phương Anh

“Khi mà người ta sang là gồm ông Trương Xuân Thanh ở Bộ Ngoại Giao, ông Trần Việt Tú ở Lãnh Sự Quán tại Cairo, Ai Cập. Hơn mười người sang, nhìn thấy bọn em như vậy rồi mà người ta vẫn tiếp tục đưa mười người nữa sang.

Ông Trương Xuân Thanh và ông Trần Việt Tú nhìn thấy bọn em như vậy rồi cũng không một lời hỏi thăm, động viên. Người ta ép bọn em phải đi làm, nếu không đi làm mà về thì phải bồi thường vì đã phá vỡ hợp đồng lao động rồi là đình công bất hợp pháp. Trước khi đình công Phương Anh cũng đã gọi về, cũng đã ra thủ đô Amman để tìm người của lãnh sự quán Việt Nam để  kêu cứu nhưng không có.

Đa phần là muốn về nhưng khi các ông ấy nói vậy thì có một trăm người ở lại bởi vì người ta sợ. Mà chính ông Phương là trợ lý giám đốc của ông Việt, đi theo phái đoàn chính phủ Việt Nam, toàn là đe dọa và còn giật tóc của Vang và Anh đến nỗi ngất xỉu luôn.”

Hiện tại, khi lên tiếng với đài Á Châu Tự Do qua bài này, Phương Anh đã có mặt tại thành phố Houston bang Texas được một tuần. Cô bày tỏ:

“Bởi vì trong suốt thời gian như vậy Phương Anh nhận ra là mình bị lừa cho nên phải giải cứu ngay bản thân mình đã. Bởi vì ông Trương Xuân Thanh nói là tất cả nên đi làm, không nghe lời cô Vũ Phương Anh, Vũ Phương Anh bị thành phần phản động, thành phần phi chính phủ dùng tiền để nhồi sọ rồi mà nếu về Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị bắt.”

Cầu cứu CAMSA

ngdinhthang-250.jpg
TS Nguyễn Đình Thắng. RFA file photo.
Cô nói những lời cảnh báo đó khiến cô không dám trở về mà phải cầu cứu tổ chức CAMSA và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng:

“Lúc đó Phương Anh chỉ nghĩ vì sợ mà Phương Anh chạy trốn chứ có biết chú Thắng là ai đâu. Được ngày hôm nay Phương Anh thực sự cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cùng các cô chú, các anh chị ở tổ chức SOS và tất cả mọi người đã ủng hộ Phương Anh.

Trong thời gian chạy trốn như vậy Phương Anh đã được tận tình chỉ bảo từng bước. Khi về đến thủ đô Bangkok đã có người đến sân bay đưa về nơi an toàn cũng như hướng dẫn Phương Anh làm thủ tục xin tị nạn ở Thái Lan.”

Được hỏi điều gì làm cô tin tưởng là một người xa lạ như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng mà có thể giúp cô được, Phương Anh trả lời:

“Bởi vì nhóm lao động này có phải là con em gì của ông ta vậy mà ông ta lại lo lắng, động viên và an ủi như vậy. Còn người của chính phủ Việt Nam muốn nói sao mà chả được.”

Được ngày hôm nay Phương Anh thực sự cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cùng các cô chú, các anh chị ở tổ chức SOS và tất cả mọi người đã ủng hộ Phương Anh.

Cô Phương Anh

Sau hơn hai năm tá túc ở Thái Lan vẫn dưới sự giúp đỡ của CAMSA, hôm 7 tây tháng này Phương Anh rời Bangkok và đến Hoa Kỳ ngày 9 vừa qua:

“Lần đầu tiên Phương Anh bị trượt, chú Thắng liên lạc với luật sư giúp cho Phương Anh. Khi đậu được tị nạn rồi thì dần dần qua các bước kiểm tra sức khỏe, qua tòa đại sứ Mỹ rồi tất cả mọi thứ Phương Anh đã đến đây vào ngày mùng 9.”

Đến Hoa Kỳ theo diện tị nạn vì bị ngược đãi khi đi xuất khẩu lao động, cô Phương Anh được sự bảo trợ của Interfaith Ministry, tổ chức vô vụ lợi thường giúp đỡ cho những người mới đến định cư tại  Mỹ.

Văn phòng BPSOS ở Texas và những người trong CAMSA trực thuộc BPSOS vẫn tiếp tục hỗ trợ Phương Anh về mặt tinh thần, giúp cô tìm việc làm và ổn định cuộc sống sau bốn tháng nhận hỗ trợ từ Interfaith Ministry.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.