Có nên cho phép tư nhân xuất bản sách giáo khoa?

Bộ sách giáo khoa lớp 1 do nhóm Cánh Buồm vừa ra mắt tại Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút được sự chú ý của dư luận và báo chí trong nước.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.10.05
Các Em học sinh với sách giáo khoa của mình. Các Em học sinh với sách giáo khoa của mình.
Photo courtesy of eyesofcompassion.org

Trước đó không lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho dạy thí điểm sách tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của Viện khoa học giáo dục Việt Nam.

Trong khi đó theo luật giáo dục Việt Nam, chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất của Bộ Giáo dục và đào tạo được phép giảng dạy trong các trường học ở Việt Nam. Việt Hà phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội xung quanh những sự kiện này.

Không đúng luật?

Việt Hà: Thưa giáo sư, ông có nhận định thế nào về  những sự kiện gần đây liên quan đến việc có một số bộ sách giáo khoa được xuất bản và dạy thí điểm trong một số trường học tại Việt Nam?

Tôi cho rằng là nếu theo quy định của luật hiện nay thì cái đó không đúng luật nhưng đứng về phía bộ giáo dục và đào tạo nên cho thẩm định các bộ sách như vậy.

TS Nguyễn Minh Thuyết

Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi cho rằng là nếu theo quy định của luật hiện nay thì cái đó không đúng luật nhưng đứng về phía bộ giáo dục và đào tạo nên cho thẩm định các bộ sách như vậy và nếu thấy chấp nhận được thì có thể đưa vào dạy thử nghiệm ở phạm vi mở rộng dần, rồi sau đó sẽ quyết định sẽ sử dụng bộ sách đó như thế nào.”

Việt Hà: Nếu như trong tương lai có việc sửa lại luật giáo dục lần nữa và đưa ra quốc hội xin ý kiến thì giáo sư có nghĩ rằng mình sẽ ủng hộ việc quy định một bộ sách hay không?

Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi thì ngay từ năm 2005 thì tôi đã ủng hộ việc có nhiều bộ sách. Nhưng phải nói thế này. Lúc đó có nhiều vị đại biểu quốc hội không tán thành và thực tình là tôi thấy ý kiến của họ cũng có lý, hoàn cảnh của Việt Nam lúc đó có khác với hoàn cảnh các nước khác. Thứ nhất là nếu bây giờ có nhiều bộ sách thì ai là người được quyền chọn các bộ sách đó. Nếu như ở nước ngoài thì theo tôi biết là do nhà trường và thầy cô giáo chọn thôi. Thực sự thì như tôi khảo sát ở Anh thì tôi thấy người ta cũng không hoàn toàn dạy theo riêng một bộ sách nào.

Nhưng ở Việt Nam nếu làm như vậy thì trẻ em phải mua bao nhiêu sách mang đến trường thì không rõ, và như vậy sẽ tạo ra gánh nặng cho gia đình và bản thân các em. Điểm thứ hai là trong xã hội Việt Nam còn tình trạng một số người có quyền quyết định chọn sách ở cơ sở thì người ta cũng có thể nghiêng theo những lợi ích nhất định để chọn bộ sách. Thứ ba nữa là người quản lý được thay đổi, tức là vào nhiệm kỳ sau, thì người quản lý khác lại chọn bộ sách khác nữa. Và nếu như thế thì bộ sách không được ổn định và gây gánh nặng cho nhân dân. Cho nên trong kỳ họp quốc hội đó thì nhiều đại biểu, nhất là các đại biểu miền núi và nông thôn không đồng tình, và tôi thấy cũng phải chia xẻ ý kiến của người ta.”

Việt Hà: Tại sao lúc này ông lại nghĩ rằng nên cho phát hành nhiều bộ sách?

Một ohụ huynh học sinh đang lựa sách giáo khoa. Photo courtesy of nhansuvietnam.vn
Một ohụ huynh học sinh đang lựa sách giáo khoa. Photo courtesy of nhansuvietnam.vn
Nguyễn Minh Thuyết: “Từ trước đến nay tôi vẫn cho rằng phải có nhiều bộ sách vì như thế thì sẽ phát huy được năng lực xã hội nhiều hơn. Nhưng mà chỉ có điều tôi e rằng khi đưa ra quyết định là rất khó vì nó vướng những vấn đề như thế nữa, vả lại tiền để biên soạn bộ sách này ai bỏ ra. Nếu tư nhân bỏ ra thì không nói làm gì, còn nếu mà nhà nước bỏ ra đầu tư thì có thể nói là rất tốn. Việc sử dụng sách ở Việt Nam cũng có điều đặc biệt, là mỗi khi sử dụng một bộ sách thì lại tập huấn cho giáo viên toàn quốc, mà cái việc tập huấn đó khá là tốn kém. Thực sự nó có thực tế hiện nay thì rất khó.”

Một bước tiến mới

Việt Hà: Nhưng mà theo chiều hướng thực tế hiện nay mà theo như báo chí đưa thì theo ông đây có thể coi là một bước tiến cho giáo dục Việt Nam trong lĩnh vực sách giáo khoa nói riêng?

Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi luôn mong muốn có nhiều bộ sách và khi có sự đua tranh như thế thì chất lượng sách sẽ tốt hơn. Nhưng có một vấn đề tôi phải nói thành thật là cái việc có một nhóm tác giả đưa ra một bộ sách như thế thì nó thể hiện một cách làm việc mới, cách suy nghĩ mới. Nhưng bản thân bộ sách ấy thì tôi phải nói là tư tưởng làm bộ sách ấy đã có từ cách đây mấy chục năm và người ta đã thí điểm cách đây mấy chục năm rồi mà không thành công.”

Việt Hà: Ý giáo sư nói về bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Tôi luôn mong muốn có nhiều bộ sách và khi có sự đua tranh như thế thì chất lượng sách sẽ tốt hơn.

TS Nguyễn Minh Thuyết

Nguyễn Minh Thuyết: “Vâng, thì trung tâm của ông Hồ Ngọc Đại đã tồn tại mấy chục năm nay rồi, cũng đã thí điểm phương pháp như thế này rồi nhưng không thành công.”

Việt Hà: Họ nói họ thành công, mà ông thì nói là không thành công, vậy có nghĩa là thế nào?

Nguyễn Minh Thuyết: “Chương trình ấy cũng đã đưa thực nghiệm ở nhiều tỉnh nhưng không được sử dụng. Tôi e rằng là ở bộ sách ấy chỉ có một tư tưởng mà tôi đánh giá cao đó là lấy học sinh làm trung tâm, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm. Nhưng hiện nay thì có thể nói là các sách giáo khoa ở Việt Nam cũng theo tư tưởng đó, chỉ có điều là giáo viên có điều hành được bộ sách theo đúng tư tưởng đó hay không. Thì đó là điều mà tôi nghĩ là bộ sách nào ra cũng vấp phải thực tế như thế. Nhưng mà có một vấn đề là những người làm bộ sách này hiện cũng có thêm một số người mới nên tôi chưa đọc bộ sách, nhưng tôi hy vọng những người mới tham gia sẽ mang đến một sinh khí mới, cách làm mới.

Tôi có đọc trên báo một vài nhận xét của những người đã dạy bộ sách này thì thực sự ra người ta băn khoăn về môn tiếng Việt còn môn khoa học thì người ta lại khen thì tôi hy vọng những nhân tố mới nó sẽ đem những cái mới cho bộ sách còn nếu bộ sách vẫn theo đường lối như của thực nghiệm như ba chục năm nay thì tôi tin không thành công, vì thực ra đường lối ấy cũng học từ Liên xô từ những năm 60 mà dạy nặng lắm. Tôi nghĩ là khó mà phù hợp, mà nếu đưa bộ sách vào thực tế thì phụ huynh người ta còn kêu nhiều hơn.”

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.