Lao đao tìm cách truy cập Facebook tại Việt Nam

Facebook bị chặn ở Việt Nam khiến nhiều người sử dụng trang mạng này trong nước nhiều tháng nay phải lao đao tìm cách truy cập.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.03.09
1b1f4abe6920e0a58dc7cb39e2688de1-305.jpg Sau khi vượt tường lửa mới có thể truy cập trang facebook tiếng Việt tại Việt Nam.
Screen capture

Một mặt, việc chặn Facebook của chính phủ khiến việc truy cập thông tin của người dân trong nước bị hạn chế, mặt khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các họat động tiếp thị, PR và bán hàng đang bắt đầu nở rộ cách đây không lâu trên trang mạng vốn rất phổ biến này ở Việt Nam. Việt Hà tìm hiểu và tường trình.

Kết bạn – tìm thông tin

Lên Facebook để kết bạn, tìm hiểu thông tin, viết thư cho bạn bè, hay chỉ đơn giản là chơi game vốn từ lâu đã khá quen thuộc với người dùng Facebook ở Việt Nam. Người việt Nam cũng biết tận dụng mạng xã hội nổi tiếng này để quảng cáo và bán hàng ngay kể cả khi việc truy cập trang mạng này gặp nhiều khó khăn.

Theo xu hướng giới trẻ thích lên Facebook chơi, cộng đồng đông nên mình dễ quảng cáo hơn.

Huyền Ngọc

Những người sử dụng Facebook ở Việt Nam lâu nay đã quen với việc thỉnh thoảng lại nhận được những tag quảng cáo các trang quần áo thời trang hay dịch vụ. Và thường là sau mỗi quảng cáo đi kèm hình ảnh là rất nhiều lời bình đại khái như cái đầm này đẹp quá, cái áo này có màu khác không hoặc hình thức chuyển hàng ra sao… vân vân. Huyền Ngọc, chủ một cửa hiệu bán quần áo nhập online có tên Penu Shop cho biết cô bắt đầu quảng cáo bán hàng trên Facebook từ cuối năm 2009, lý do vì đây là nơi dễ quảng cáo bán hàng. Cô nói:

“Theo xu hướng giới trẻ thích lên Facebook chơi, cộng đồng đông nên mình dễ quảng cáo hơn.”

Ngọc cho biết mặc dù việc bán hàng qua Facebook chưa hẳn đã tốt hơn các trang nội địa khác mà cô đã sử dụng như 5 giây hay 123 mua nhưng xét về mặt quảng cáo thì Facebook hơn hẳn.

Các con số thống kê về sự phát triển internet và thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian gần đây có thể giải thích phần nào sự nở rộ của các dịch vụ quảng cáo và bán hàng trên Facebook tại  Việt Nam. Hiện Việt Nam có khoảng 24 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 27% dân số. Con số người Việt Nam có tài khoản tại Facebook ước tính khoảng hơn 2 triệu người. Trong khi  đó, theo một con số thống kê được đưa ra bởi công ty nghiên cứu thị trường Cimigo có văn phòng tại Việt Nam, thì doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2009 đã đạt hơn 15 triệu đô la, tăng hơn 71% so với năm trước đó.

fb1-250.jpg
Hình chụp cho thấy trang facebook của RFA được công ty Facebook đăng quảng cáo bên cạnh. Screen capture.
Tuy nhiên, việc chính phủ Việt Nam gia tăng các nỗ lực ngăn cản người sử dụng truy cập trang mạng này thời gian gần đây, đã ảnh hưởng ít nhiều đến các họat động quảng cáo và mua bán trên Facebook.

Huyền Ngọc cho biết, hiện cô gặp nhiều khó khăn trong việc upload các bức hình thời trang lên Facebook do việc truy cập trang mạng bị ngăn cản, và do đó việc kinh doanh buôn bán qua Facebook cũng bị ảnh hưởng.

“ Hiện giờ vào Facebook khó quá. Mấy ngày nay vào Facebook không được, nhiều kỹ thuật lắm, phải đổi mã vùng, rồi phải cập nhật, phải các bạn cách vào nên dạo này cũng ít up hình lên đó lắm.”

Facebook chính thức bị chặn tại Việt Nam từ hồi tháng 11 năm 2009. Lúc đó có một văn bản đề ngày 27 tháng 8 năm 2009, được các cư dân mạng truyền nhau được cho là từ Tổng cục An ninh, Bộ Công An Việt Nam. Công văn này gửi cho 10 nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam yêu cầu ngăn chặn 8 website có nội dung xấu, trong đó có Facebook.

Truy cập ngày càng khó

Mặc dù vậy người dùng Việt Nam vẫn có thể tiếp tục truy cập được Facebook bằng cách sử dụng proxy không mấy khó khăn. Nhưng chỉ trước khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam diễn ra không lâu, vào khoảng cuối năm 2010, chính phủ Việt Nam đã gia tăng các nỗ lực chặn Facebook, khiến việc truy cập mạng xã hội này ngày càng thêm khó khăn. Việc truy cập theo cách sử dụng proxy trước kia đã không còn có kết quả. Người sử dụng Việt Nam đã phải sử dụng các con đường vòng khác phức tạp hơn để có thể vào được trang Facebook. Điều này đã khiến một số người dùng Facebook ở Việt Nam không thể truy cập trang mạng thường xuyên.

Hiện giờ vào Facebook khó quá. Mấy ngày nay vào Facebook không được, nhiều kỹ thuật lắm, phải đổi mã vùng, rồi phải cập nhật.

Huyền Ngọc

Có lẽ cũng chính bởi lý do này mà một thống kê gần đây của DoubleClick Ad Planner cho thấy số người dùng Facebook ở Việt Nam đã giảm. Theo báo cáo này thì chỉ riêng trong tháng 1 năm 2011, số lượng page views của Facebook ở Việt Nam là 340 triệu, giảm 70% so với tháng trước. Tính đến cuối tháng 1, số lượng người sử dụng mạng này ở Việt Nam là 2,6 triệu, giảm 900.000 người so với trước đó.

Theo thống kê mới thì Facebook đã bị một mạng xã hội khác của Việt Nam vượt mặt là mạng Zingme với 4,6 triệu người dùng. Có người còn đặt câu hỏi có phải đây là cơ hội để các trang mạng Việt Nam cất cánh, lấy đi phần bánh thị trường lớn của Facebook tại Việt Nam?

Câu trả lời chưa hẳn như vậy. Theo Vũ Phương Thanh, một blogger có tiếng ở Việt Nam thì Facebook vẫn là lựa chọn số một cho việc quảng cáo và PR tại Việt Nam. Bản thân Thanh cũng có một fan page riêng của mình trên Facebook với tên Gao. Trang này có khoảng 110.000 người theo và 150.000 người active. Đây cũng được coi là một fan page thành công tại Việt Nam. Cô cho biết mạng Facebook có ưu điểm nhiều hơn so với các mạng xã hội khác của Việt Nam. Blogger Vũ Phương Thanh cho biết:

“Mạng xã hội ở Việt Nam bị hạn chế nhiều, chỉ có người Việt Nam dùng thôi còn Facebook thì khắp thế giới dùng. Em cảm thấy mạng xã hội Việt Nam làm rất bất tiện, thêm nữa là mạng xã hội Việt Nam đều clone lại mạng của ngoại quốc chứ không có gì mới cả, họ bắt chước mà cũng không thành công, chưa kể mối liên hệ trên mạng xã hội Việt Nam rất hời hợt và lỏng lẻo. Đối tượng người dùng mạng xã hội Việt Nam thường là không có kiến thức về internet nhiều lắm thì mới dùng mạng xã hội Việt Nam. Còn những người có kiến thức internet nhiều hơn thì hầu như họ không thích dùng mạng xã hội Việt Nam.”

1-250.jpg
Màn hình hiển thị không thể truy cập trang facebook tiếng Việt khi không tìm cách vượt tường lửa. Screen capture.
Là một quản lý PR của công ty Vietnam Artist Agency, Phương Thanh đã quyết định sử dụng Facebook để quảng cáo cho một nhóm nhạc mới là nhóm nhạc 365 và theo cô lựa chọn này đã được chứng minh là đúng khi những con số trên fan page của ban nhạc tăng trưởng đều đặn trong các tháng qua. Cô Thanh nói:

“Lúc đầu mức độ tăng trưởng của nó khoảng 200% còn sau đó giảm xuống và bây giờ dừng ở mức 50% một tháng. Số lượng người follow các bạn bây giờ là khoảng 160.000 người trong một fan page, và các bạn có 2 fan page thì có nghĩa là các bạn có 30.000 người live. Và cái active user là khoảng 20.000 một tháng. Nó vẫn tăng trưởng đều như vậy là thành công.”

Huyền Ngọc, chủ cửa hiệu shop online cũng cho biết cô không có ý định từ bỏ việc quảng cáo bán hàng trên Facebook dù việc truy cập đã khó khăn hơn, bởi cô vẫn có thể bán được hàng, thậm chí cho cả khách ở nước ngoài nhờ vào Facebook.

Có lẽ chính bản thân Facebook cũng nhìn thấy phần thị trường đáng chú ý của mình tại Việt Nam, minh chứng là chuyến thăm hồi cuối năm ngoái của một lãnh đạo Facebook đến Việt Nam.

Tuy nhiên, trước các diễn biến tại các nước trung đông và bắc Phi gần đây, các chuyên gia về mạng quốc tế cho rằng có nhiều khả năng chính phủ Việt Nam sẽ còn tiếp tục tìm cách ngăn chặn mạng này triệt để hơn nữa. Đã có ý kiến cho rằng có thể đến lúc đó, Facebook sẽ tìm cách liên doanh với một website nội địa nào đó cũng giống như đang làm với website Baidu nổi tiếng của Trung Quốc khi Facebook bị chặn hoàn toàn tại đây. Chỉ có điều không biết đến lúc đó các tiện ích và giá trị mà những người dùng như Vũ Phương Thanh vẫn thích trên facebook liệu có còn được duy trì trên mạng mới hay không?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.