Cách quản trị dịch bệnh của ngành y tế Việt Nam

Chứng bệnh viêm da gây tử vong cho gần 20 người tại huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi trong gần một năm qua, cơ quan y tế Việt Nam vẫn chưa xác định được chính xác đó là bệnh gì.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.05.08
043_03033285(2)-305.jpg Bệnh nhân trong một phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Hà Nội, ảnh minh họa.
AFP photo

Nghi bị nhiễm arsen

Vào mấy ngày cuối tháng tư vừa qua, Bộ trưởng Y tế Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu căn nguyên gây ra chứng bệnh được gọi là ‘lạ’ ở đó suốt gần cả một năm trời qua.

Sau khi nghe chính quyền địa phương báo cáo, cũng như các Vụ, Viện chuyên môn trình bày về những nghiên cứu của họ về chứng bệnh đó, Bộ Y tế Việt Nam do bà bộ trưởng đứng đầu cũng chỉ nêu ra một số nghi vấn về nguyên nhân dẫn đến tử vong cho 8 trường hợp chết tại bệnh viện trong số gần 180 người mắc bệnh tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua. Có 11 trường hợp chết tại gia đình, Bộ Y Tế không tính vào con số tử vong do chứng bệnh chưa được xác định ấy. Lý do được nêu lên là không có những cơ sở để kết luận những người tử vong đó do chứng bệnh lạ gây nên.

Người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam cho rằng với những kết quả nghiên cứu vừa rồi thì có thể đó là một bệnh nhiễm độc với mức độ từ từ qua ăn uống hay qua tiếp xúc. Đối với việc ăn uống thì đoàn cho rằng có thể từ loại gạo mà theo tập tục bà con ủ lúa trước khi mang đi xay xát để nấu dùng.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết những theo dõi của ông về quá trình xử lý tình trạng ‘bệnh lạ’ tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi như sau:

"Ngoài khu vực đó có Viện Ký sinh trùng- Côn trùng được giao nhiệm vụ theo dõi vấn đề đó. Nhưng lúc ấy, họ vẫn không chẩn đoán ra mặc dù có sự hỗ trợ từ các bệnh viện chuyên khoa. Mãi đến gần đây vấn đề lại rộ lên sau khi có nhiều ca bệnh nặng được đưa đến các bện viện để điều trị.

Gần đây Bộ Y tế cử nhiều đoàn đến nỗi như trên báo cho hay là người dân ở đó cũng không thấy thoải mái khi nhiều đoàn đến điều tra, lấy máu. Thực sự cũng đã làm những điều gì có điều tra được. Vừa rồi, có điều tra về dịch tễ học, điều tra về bệnh chứng (case control study) cũng có làm, khám lâm sàng, lấy máu xét nghiệm... Tất cả những xét nghiệm gì có thể làm được rồi đem về các viện ở trung ương để thử."

Đối với vùng Ba Tơ bị nhiễm cả năm trời như thế, nếu tôi làm bộ trưởng y tế thì phải di chuyển dân ra khỏi vùng tức thì và tiến hành điều tra.

BS Nguyễn Vĩ Liệt, Canada

Những giả thuyết được giới chuyên gia trong nước nêu ra về nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh viêm da lạ cho người dân ở huyện Ba Tơ cũng như Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được cho biết có thể do nguồn nước, thực phẩm, nhiễm hóa chất độc hại, côn trùng hay ảnh hưởng của môi trường.... Một trong những nghi vấn lớn nhất là do nhiễm arsen.

Bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt, người từng tham gia công tác y tế cộng đồng tại khu vực Sài Gòn từ năm 1975 đến năm 1977, và hiện đang hành nghề tại Vancouver, Canada thiên về giả thuyết này và theo ông khi nghi ngờ như thế cần phải có những biện pháp ngay như sau:

"Nếu biết được nhiễm chất độc từ nguồn nước, nhất là arsen, thì lập tức phải đem người dân ra khỏi vùng đó liền. Tại vì nếu đúng như thế thì người dân không thể ở được. Thứ nữa, nếu có quặng, mỏ khai thác gần đâu đó thì phải điều tra xem thử có phải chất đó ngấm xuống nước ngầm hay không. Rồi phải điều tra xem lúa gạo, cây trái trồng trong vùng có bị nhiễm độc hay  không. Ngoài ra vấn đề cung cấp nước uống cho vùng bị nhiễm đó cũng rất quan trọng. Đối với vùng Ba Tơ bị nhiễm cả năm trời như thế, nếu tôi làm bộ trưởng y tế thì phải di chuyển dân ra khỏi vùng tức thì và tiến hành điều tra."

Không coi trọng việc cứu người

043_03033282(2)-250.jpg
Ngồi chờ khám bệnh trong một bệnh viện tại Hà Nội hôm 12/3/2012, ảnh minh họa. AFP
Ngồi chờ khám bệnh trong một bệnh viện tại Hà Nội hôm 12/3/2012, ảnh minh họa. AFP
Tiến sĩ y khoa Nguyễn Đình Nguyên hiện đang làm việc tại Australia cũng cho biết công việc thường được thực hiện khi có tình trạng xảy ra một dịch bệnh như đang hoành hành ở tỉnh Quảng Ngãi:

"Ở Úc hệ thống của họ chặt chẽ hơn. Ví dụ nơi nào đó báo cáo có gì lạ, thì như trong tổ chức một mạng lưới, tuyến đầu tiếp cận phải làm những điều căn bản trước. Trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân thì công việc đầu tiên phải lo cứu tính mạng chứ không quan tâm đến tìm nguyên nhân. Sau đó báo cáo lên cấp trên kế tiếp. Nếu chuyện lạ hay hiếm gặp thì phải đến giám sát chặt chẽ, lấy mẫu và chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trung ương.

Việc tìm ra nguyên nhân có thể lâu nhưng nguyên tắc đầu tiên phải cứu bệnh nhân ở mức tối đa.

TS. Nguyễn Đình Nguyên, Úc

Sau đó dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh nhân. Nếu một bệnh có triệu chứng giống nhau đồng thời, trên cùng một địa danh thì rõ ràng mang tính cộng đồng chứ không phải đơn lẻ. Trong tình huống đó phải có ngay một đội dịch tễ học đến đó làm thiết kế, nghiên cứu một cách hẳn hoi chứ không thể làm một cách võ đoán được. Tức đội ngũ chuyên gia chuyên về dịch tễ học làm thiết kế rõ ràng. Tức một nghiên cứu khoa  học phải đặt ra giả thuyết. Để trả lời giả thuyết đó phải dùng phương pháp gì. Nếu tìm thấy đúng thì giả thuyết vẫn vững, từ đó đi tiếp bước thứ hai. Nếu tiếp bước hai, bước ba mà giả thuyết đó không còn đứng vững nữa thì buộc phải tìm kế hoạch khác...

Giả thuyết dựa vào thực tế bệnh nhân, thứ hai dựa vào kiến thức của y khoa, thứ ba dựa vào kiến thức y học thế giới. Với ba cơ sở như thế, cần có một mạng lưới liên lạc. Nếu ở Úc không có thì người ta liên lạc với đồng nghiệp ở Mỹ... vì hiện nay sự liên lạc đó cũng nhanh. Các chuyên gia sẽ lập tức đưa ra những thông tin tìm được để rồi ráp lại để phân tích nghiên cứu. Việc tìm ra nguyên nhân có thể lâu nhưng nguyên tắc đầu tiên phải cứu bệnh nhân ở mức tối đa."

Chỉ lo tìm nguyên nhân

Vừa qua, truyền thông trong nước có loan tin Việt Nam nhờ Tổ chức Y Tế Thế giới, WHO, giúp xác định bệnh lạ ở Quảng Ngãi. Thế nhưng đến nay cũng chưa thấy có thông tin gì thêm về giúp đỡ đó được đưa ra.

Trong cuộc làm việc vừa qua của đoàn công tác Bộ Y tế tại tỉnh Quảng Ngãi, bà Nguyễn thị Kim Tiến, bộ trưởng có chỉ thị phải tập trung xử lý để giảm thiểu tử vong. Đây là điều mà tiến sỹ y khoa Nguyễn Đình Nguyên từ Australia cũng nêu ra như là công tác phải thực hiện tức thì khi xảy ra bệnh.

Cách làm lâu nay của ngành y tế Việt Nam đối với bệnh da lạ tại tỉnh Quảng Ngãi bị cho là đi ngược lại yêu cầu đó. Tức giới chuyên môn cứ chăm chăm vào nguyên nhân, trong khi công tác cấp thiết cứu chữa người bệnh lại không được coi trọng.

Tờ Tuổi Trẻ hôm ngày 2 tháng năm đăng bài có tên ‘Đơn độc với tai ương’. Qua đó tác giả ký tên Ban Mai đặt vấn đề có phải những nạn nhân bệnh lạ ở vùng xa xôi, hẻo lánh như Ba Tơ tại Quảng Ngãi nên mọi việc cứu chữa, tìm ra nguyên nhân bị chậm. Tác giả cũng nêu lên yêu cầu của người dân là một giải pháp thật chi tiết nhằm ứng phó với chứng bệnh đó.

Xin được nhắc lại nạn nhân của chứng bệnh chưa được xác định nguyên nhân và được cho là bệnh lạ đó hầu hết là những người dân tộc thiểu số Hre tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ và cả ở xã Ba Ngạc, huyện Sơn Hà. Người mắc bệnh được mô tả có những triệu chứng như trước hết bị sốt cao, mất cảm giác trong miệng và tiếp đến nổi những nốt phát ban ở bàn tay, bàn chân... 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
08/05/2012 11:46

søng thieu ve sinh..an tap thuc pham..de roi sinh benh lay lan..khong khi o nhiem..nuøc uøng thuc pham deu bi o-nhiem...boi vi may dong chi an tap nhap...de roi sinh benh truyen nhiem..thi nøi benh la...o vn...khi gap van de khø khan thi moi thu deu LA..tau la...nguoi la...thuc pham la...nuøc uøng la...nam cho chet thi møi la...boi vi may dong chi..dong ran..deu la..vay thi nam cho chet møi la...