Băn khoăn việc thực thi luật về người khuyết tật
2010.10.14
Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc nhìn nhận các quyền của người khuyết tật ở Việt Nam vốn chiếm khoảng 15% dân số cả nước. Đầu năm tới bộ luật này sẽ chính thức có hiệu lực. Những người khuyết tật Việt Nam đang đón chờ những thay đổi quan trọng mà bộ luật sẽ mang lại cho họ. Tuy nhiên cũng còn nhiều băn khoăn đối với luật mới và việc thực thi luật.
Tầm quan trọng của bộ luật
Tôi thấy có nhiều ưu điểm trong đó, ví dụ khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật, rồi doanh nghiệp do người khuyết tật đứng ra làm chủ, đây là một bước ngoặt.
Ô. Nguyễn Công Hùng
Với 431 phiếu thuận chiếm hơn 80% số phiếu, ngày 17 tháng 6 năm nay quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua luật về người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam. Bộ luật với 10 chương và 53 điều sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm tới, trong sự mong chờ của rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật.
Trước khi luật về người khuyết tật được thông qua, chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn nhận được tầm quan trọng của cộng đồng người khuyết tật trong nước. Năm 2007, Việt nam đã trở thành thành viên thứ 118 tham gia ký công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Trước đó, vào năm 1998, Việt Nam đã có pháp lệnh về người khuyết tật. Tuy nhiên pháp lệnh này đã cho thấy nhiều bất cập trong những năm qua liên quan đến vấn đề thực thi các quyền và nghĩa vụ đối với người khuyết tật. Điều này lý giải tại sao luật mới ra đời lại được nhiều người đón chờ đến như vậy. Anh Nguyễn Công Hùng, Giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống, một nhóm tự lực của người khuyết tật tại Hà Nội và Nghệ An đánh giá:
“Bây giờ vừa ra luật về người khuyết tật, đến đầu năm sẽ có hiệu lực. Tôi thấy có nhiều ưu điểm trong đó, ví dụ khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật, rồi doanh nghiệp do người khuyết tật đứng ra làm chủ. Đây là một bước ngoặt thay đổi khá nhiều tính từ trước đến giờ cho người khuyết tật Việt Nam.”
Ông Trần Văn Ca, Chủ tịch Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (gọi tắt là VNAH), có trụ sở tại Mỹ, cho biết luật mới sẽ tạo điều kiện để tận dụng nguồn lực của người khuyết tật Việt Nam vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Ông nói:
“Luật này cũng rất tốt là ngoài việc tôn trọng bảo vệ quyền của người khuyết tật Việt Nam. Để bảo vệ quyền và tạo cơ hội cho số lớn người khuyết tật Việt Nam có thể tham gia vào mọi mặt trong sinh hoạt của xã hội. Góp một phần tích cực hơn trong việc xây dựng đất nước.”
VNAH cũng là một trong các tổ chức phi chính phủ tham gia tư vấn góp ý cho bộ luật này của Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên.
Có mặt ở Việt Nam từ những năm 1990, VNAH đã tham gia tích cực vào việc trợ giúp người khuyết tật Việt Nam như cung cấp chân tay giả, xe lăn. Tuy nhiên theo ông Trần Văn Ca để thực sự có thể giúp người khuyết tật Việt Nam, việc ra đời luật dành riêng cho người khuyết tật là cần thiết:
“Sau một thời gian ngắn, cho họ xe lăn và chân giả, vấn đề kế tiếp là tạo công ăn việc làm, làm thế nào để giúp xã hội hóa cộng đồng người khuyết tật để họ sinh hoạt bình thường. Cho nên mới có việc tham khảo ý kiến và tham gia góp ý kiến vào luật, chính sách với quốc hội và chính phủ Việt nam. Thực tế lúc đấy… những vấn đề về người khuyết tật Việt Nam trong những năm đầu 1990 thành thật mà nói là chưa được xã hội và nhà nước quan tâm lắm. Vì thời buổi đó là thời buổi rất khó khăn cho Việt nam về kinh tế, nên người khuyết tật chưa được quan tâm lắm. Nên chúng tôi mới nghĩ là để giúp cho cộng đồng này thì cần có luật, và pháp lệnh.”
Tương ứng công ước LHQ
Luật này cũng rất tốt là ngoài việc tôn trọng bảo vệ quyền của người khuyết tật Việt Nam. Để bảo vệ quyền và tạo cơ hội cho số lớn người khuyết tật Việt Nam.
Ô. Trần Văn Ca
VNAH đã gửi các chuyên gia và luật sư vào Việt Nam để cùng làm việc với các cơ quan chính phủ khi soạn thảo luật. Tổ chức này cũng giúp tổ chức những đoàn nghiên cứu của Việt Nam sang Mỹ để học hỏi các kinh nghiệm về luật dành cho người khuyết tật tại Mỹ. Ông Ca cho biết, bộ luật được coi là khá hoàn chỉnh so với các luật của các quốc gia khác trong khu vực. Ông nói:
“Thực ra .. theo nhận xét của một số chuyên gia Mỹ và quốc tế thì luật vừa qua của chính phủ Việt nam là một trong những luật đầu tiên trên thế giới có tính cách hoàn chỉnh, khá hoàn chỉnh và cũng rất tương ứng với công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Đó cũng là một trong những nhận xét khá tích cực của chuyên gia quốc tế về bộ luật này. Đối với khu vực thì Việt Nam hiện nay luật này là một quốc gia dẫn đầu.”
Ông Ca đưa ra ví dụ là trong luật mới có điều khoản ràng buộc các cơ quan sử dụng người lao động. Trong lực lượng người lao động của doanh nghiệp phải có khoảng 2% là người khuyết tật, nếu như không đáp ứng được điều kiện đó thì phải đóng một số tiền vào các quỹ để hỗ trợ các chương trình, dự án cho người khuyết tật.
Tuy nhiên ông cũng cho biết vì là luật mới nên những điều khoản này chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc. Ông nói:
“Luật mới này về người khuyết tật có những điều khoản đó nhưng vì đây là luật mới cho nên trong giai đoạn hiện nay những điều khoản như thế có tính chất khuyến khích thôi chứ không bắt buộc bởi vì sự quan tâm của chính phủ là không muốn áp đặt quá nặng đối với doanh nghiệp vì tình hình kinh tế hiện nay ở Việt nam không được khả quan lắm, không muốn có ảnh hưởng không tốt cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.”
Chị Võ Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhận xét bộ luật tuy có đề cập đến vấn đề phân biệt đối xử nhưng còn rất chung chung.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội năm 2007, vấn đề kỳ thị đối với người khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn tồn tại. Những con số nổi bật cho thấy có đến 98% số người được hỏi cho rằng người khuyết tật là đáng thương. Thậm chí có đến 17% cho rằng gặp người khuyết tật là gặp vận đen. Có khoảng 10% người khuyết tật bị khóa, xích trong nhà.
Ngoài ra chị Yến cũng góp ý một vấn đề nữa trong luật người khuyết tật. Đó là quy định về quyền của người khuyết tật và trách nhiệm của xã hội trong việc chăm sóc họ. Theo chị luật vẫn dồn trách nhiệm này lên gia đình quá nhiều, trong khi rất nhiều gia đình có người khuyết tật còn rất nghèo:
“Bộ luật này có điều mình còn phân vân là trong công ước về quyền của người khuyết tật có nói đến cụm từ là tạo điều kiện thích hợp thì phần này trong bộ luật về người khuyết tật của Việt Nam không có đề cập nhiều. Mà điều này cực quan trọng để góp phần cho cái nhìn nhận sự phân biệt đối xử, cái này thiếu trong bộ luật. Điều thứ hai cũng khá là băn khoăn và các chuyên gia nước ngoài cũng băn khoăn là câu trách nhiệm chăm lo người khuyết tật là trách nhiệm của gia đình thì mình cũng băn khoăn. Vì ví dụ gia đình mà nghèo quá thì sao gọi là trách nhiệm gia đình được, mà đúng ra là phải có chính sách rất cụ thể để hỗ trợ cho người khuyết tật thì lúc đó người khuyết tật mới thấy là tôi là đối tượng thụ hưởng chính sách đó, cho nên nó là chuyện đương nhiên chứ tôi không phải là gánh nặng của gia đình hay gánh nặng của ai hết.”
Cũng còn những băn khoăn khác nữa liên quan đến việc thực thi luật, mà đây chính là điều mà Việt Nam vẫn thường gặp phải đối với nhiều bộ luật khác. Tuy vậy, các chuyên gia về người khuyết tật ở Việt Nam cho rằng vẫn còn phải chờ các thông tư dưới luật sẽ đưa ra trong thời gian sắp tới. Hy vọng những điều mà họ còn băn khoăn sẽ được cụ thể hóa.