Con đường hội nhập
2010.05.02
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đại đa số họ đã có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều người dân bản xứ.
Mời quý vị theo dõi bài viết sau của Khánh An.
Đầy lo âu, mặc cảm, khó khăn
Trong bối cảnh miền Nam Việt Nam sắp bị thất thủ vào tháng 4 năm 1975, nhiều quan chức, nhân viên, binh lính và những người có mối liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ được ưu tiên di tản trước. Đa số họ là những người có cuộc sống khá đầy đủ, sung túc tại Việt Nam. Thế nhưng, biến cố 30/4 đã bất ngờ xoay chuyển hoàn toàn vận mệnh của họ. Cuộc di tản năm 1975 trở thành một chuyến đi lớn, đưa họ bước sang một ngã rẽ mới với nhiều tâm trạng lo âu, hoang mang, thậm chí hoảng loạn.
Vợ một cựu viên chức Việt Nam Cộng Hòa, hiện đang sống tại tiểu bang Virginia, kể:
“Hai vợ chồng tôi đi đâu cũng sợ. Không dám rời xa bác trai đâu, đi đâu cũng nắm tay cứng ngắc, thấy xứ Mỹ sao mà rộng lớn, đi đâu cũng đi xe không à, mà không có đường nào giống đường nào, tùm lum đường hết trơn. Ở nhà là đóng cửa kín mít, khi nào ổng về ổng gõ cửa, thấy mặt ông mới dám mở cửa ra đó. Sợ lắm! Ai mà nhấn chuông là sợ kinh khủng.”
Fact box | |
|
Cuộc sống trên đất khách những ngày đầu cái gì cũng lạ. Những người tị nạn đầu tiên giống như những học trò ngày đầu đến trường mà thiếu giáo viên, họ phải tự dò dẫm học mọi thứ, từ chuyện đi lại, gọi đồ ăn, bỏ thư cho đến ngôn ngữ, việc làm. Một cựu viên chức kể:
“Chúng tôi biết thùng thư để bỏ thư vì có chữ “Post Office”, có hình chim bồ câu nên chúng tôi biết đó là thùng thư. Nhưng cả ba tôi không biết làm sao để bỏ thư vào thùng vì ở Việt Nam, thùng thư có một cái kẽ để bỏ thư vào, còn thùng thư ở Mỹ thì không có kẽ. Chúng tôi đi lòng vòng rồi đem thư về, nói cho anh bạn biết “Sao tao thấy đó là cái thùng thư mà sao không có chỗ bỏ thư?”. Anh kia chê cười bảo “Để tao! Tao ra tao bỏ cho mày coi”. Rồi anh ra anh cũng chẳng biết chỗ nào để bỏ thư vào!”
Những lúng túng buổi đầu, cộng với việc người dân bản xứ còn hiểu biết rất ít về Việt Nam càng khiến cho những người Việt tị nạn thêm mặc cảm. Một trong những người tị nạn đầu tiên đến Mỹ kể, bạn đồng nghiệp người Mỹ đã hỏi ông “Có phải bên xứ ông, người ta còn ngủ trên… cây không?!”.
Thêm vào đó, những tiện nghi của một đất nước phát triển, sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ càng khiến cho nhiều người Việt tị nạn mất tự tin. Cựu viên chức trên kể tiếp:
“Tôi có một anh bạn là bác sĩ ở Việt Nam. Anh qua đây, thấy một cái machine (máy) bán nước uống, thấy sinh viên Mỹ đến bấm nút thì ra một lon Coca. Ảnh lại ảnh cũng bấm thì nó không ra. Ảnh đi khỏi machine thì một anh Mỹ khác đến bấm lại ra một lon Coca. Ảnh về ảnh nói với tôi là tại sao cái máy ở Mỹ nó kỳ thị quá, nó biết mình người Việt Nam tị nạn (nên) bấm mà không ra lon Coca nào hết!!!”
Hai vợ chồng tôi đi đâu cũng sợ. Không dám rời xa bác trai đâu, đi đâu cũng nắm tay cứng ngắc, thấy xứ Mỹ sao mà rộng lớn, đi đâu cũng đi xe không à, mà không có đường nào giống đường nào, tùm lum đường hết trơn.
Vợ một cựu viên chức VNCH
Hầu hết những người đến đất Mỹ những ngày đầu đều trải qua kinh nghiệm về món thịt gà trong trại tị nạn. Vì không quen với các món ăn Mỹ nên thịt gà trở thành món khoái khẩu của người Việt. Nhiều người kể, khẩu phần ăn của những ngày có món thịt gà thường phải tăng gấp đôi đến gấp ba trong khi những ngày khác luôn luôn dư.
“Khi ở trong trại, lúc nào mà nghe mấy bà rủ nhau là hôm nay đi ăn cơm thịt gà thì hàng (người) đông thiệt đông. Người ta sắp nhau, mẹ con mỗi người một cái dĩa đặng đi lãnh thịt gà ăn. Còn hôm nào bà con xúm nhau hỏi hôm nay cho ăn cái gì, họ nói cho ăn cá tuna mà trộn chèm bẹp là không có người nào đi hết trơn. Ở nhà, tại vì Việt Nam mình thích thịt gà, còn cá thì đâu biết ăn, nhất là cá tuna mà họ trộn chèm bẹp như có nước trong đó thì Việt Nam mình chê là cho heo ăn, mình hổng ăn. Chê! Họ ngạc nhiên nói món này mắc tiền lắm đó mà sao bà con không ăn. (Mình) nói tại mày làm sao mà giống như bên tao trộn cơm cho heo ăn quá, bởi vậy không ăn.”
Tự do và thành công
Rồi những ngày khó khăn cũng qua khi nhiều người Việt cố gắng chắt bóp chi tiêu để đầu tư vào công việc học hành và kinh doanh. Xứ Hoa Kỳ vốn rộng rãi với những người có ý chí, quyết tâm và chăm chỉ. Chỉ trong vòng 5 năm, cuộc sống của người tị nạn bắt đầu theo kịp người dân bản xứ, các cơ sở thương mại của người Việt bắt đầu mở ra trên nhiều tiểu bang.
Bây giờ, sau 35 năm, những dòng người tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ hầu hết đã thành đạt. Thế hệ con cháu họ đã hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ và đạt được không ít thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cái được lớn nhất đối với nhiều người Việt ở Mỹ, lại là:
“Cái mà mình được ở Hoa Kỳ là cái người Việt Nam ở trong nước không được, đó là sự tự do.”
Cái mà mình được ở Hoa Kỳ là cái người Việt Nam ở trong nước không được, đó là sự tự do.
Bước ngoặt 30/4 có thể đã tước mất của nhiều người Việt tị nạn nhiều điều: tiền bạc, vật chất, danh vọng, người thân… Hỏi nhiều người rằng đâu là lựa chọn giữa một cuộc sống đầy đủ vật chất trên đất Mỹ và một cuộc sống bình thường, kha khá trước đây ở quê nhà, câu trả lời luôn là “quê nhà”.
Tuy vậy, con đường hội nhập với cuộc sống trên đất Mỹ dĩ nhiên không phải là một lựa chọn tồi. Nhờ nó, nhiều người bắt đầu được hít thở bầu không khí trong lành của sự tự do thực sự.
Theo dòng thời sự:
- Sự thành tựu của người Việt định cư nước ngoài
- Lê Thị Trang Đài - phụ nữ Việt đầu tiên tranh cử dân biểu ở Úc
- Lễ vinh danh người Việt tự do trên Hàng không Mẫu hạm Midway
- Cái giá của Tự Do
- Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai
- Cuộc sống người Việt tại Đức
- Đời sống người Việt ở Ba Lan
- Người Việt ở Tiệp
- Cộng đồng Houston chia vui với Nghị viên đắc cử gốc Việt
- Thẩm phán Jacqueline Nguyễn và giấc mộng Hoa Kỳ
- 3 ứng viên người Mỹ gốc Việt ứng cử chức Quản trị viên quận Cam