Đời sống người Việt ở Ba Lan
2010.01.12
Cơ cực mưu sinh
Trong lúc chờ tàu lửa từ Praha sang Warszawa tôi tình cờ bắt chuyện với một người phụ nữ còn trẻ, tên là Lan. Cô cũng đợi cùng một chuyến tàu với chúng tôi. Cô rời Việt Nam sang Tiệp được 6 năm, mở gian hàng bán quần áo ở chợ người Việt tại Praha, đã có chồng còn hai con nhỏ thì gửi ở nhà cho ông bà nội.
Bây giờ thấy ở Ba Lan làm ăn
có vẻ khá hơn nên hai vợ chồng lại chạy sang mở quán bán phở, bún…ở chợ Sân vận
động hay còn gọi là chợ Vòm. Làm ăn có đồng ra đồng vào thật nhưng cũng “vất” lắm,
cô bảo tôi. Phải thức khuya dây sớm, chợ họp từ lúc 2 giờ sáng đến tận chiều tối,
làm hết ngày này sang ngày khác, chả bao giờ có ngày nghỉ.
Đến đây mới biết ơi trời
Giấy tờ không có lẽ lời như câm
Kêu ai chỉ biết khóc thầm
Việc làm thì thiếu khổ tâm cơ hàn
Anh Sơn, ở Ba Lan
Được bao nhiêu tiền phần thì gửi về, phần thì “cõng” bà con họ hàng từ Việt Nam qua, hai vợ chồng đã đưa được cả thảy 6 người em, cháu bên chồng qua Tiệp.
Ở trên tàu, cô bảo tôi em đi tàu như thế này quen rồi, có hôm trong buồng trên tàu chỉ có em và một ông Tậy , mỗi người nằm trên một ghế quay mặt vào trong ngủ, chả sợ gì sất.
Lan chỉ là một trong số hàng ngàn người phụ nữ Việt Nam nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung đang kiếm sống ở Ba Lan. So với Đức và Tiệp Khắc, số người Việt tại Ba Lan ít hơn, nhưng cũng lên đến khoảng ba, bốn chục ngàn người, về thành phần thì cũng giống như ở Tiệp.
Người Việt buôn bán tại Warszawa tập trung ở khu chợ sân vận động còn gọi là chợ Vòm với giá cả bình dân hơn và khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska giá cao hơn một chút, trong đó có các khu như ASG, ASH, Asean Eu, Asean Poland 1, 2 hoàn toàn là của người Việt đầu tư còn khu GD là của người Trung Quốc đầu tư nhưng người Việt bán hàng, khu EACC thì của người Thổ và người Việt.
Chúng tôi ghé qua khu chợ sân vận động cũng đúng vào buổi sáng hôm đó cảnh sát Ba Lan đã bắt được khoảng mười mấy người Việt Nam cư trú bất hợp pháp, không giấy tờ. Dạo sau này cảnh sát Ba Lan thường mặc thường phục khi đi vào các khu chợ này, gặp ai họ cảm thấy nghi ngờ thì họ hỏi giấy tờ, người nào xui thì bị bắt. Khi bị bắt về tội cư trú bất hợp pháp như vậy có thể bị tù cả năm.
Anh Thanh có một tiệm cắt tóc tên Duy Thanh nhỏ bé ở chợ Vòm, cứ luôn miệng bảo chúng tôi: “Nói chuyện vui thì được, em không thích thu âm, chụp hình gì cả. Chúng em đi ra ngoài này chủ yếu là mưu sinh thôi, cơ cực lắm, có gì ở nhà biết lại thấy mình sống nhếch nhác quá”. Chiều ý anh, chúng tôi không ghi âm, chụp hình gì cả.
So với khu chợ sân vận động, khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska có phần khang trang hơn. Những phận người Việt thì cũng muôn ngàn cảnh đời khác nhau. Vất vả, bấp bênh như những người kéo xe thuê trong chợ mà chúng tôi gặp, cả nhóm đều là người Nghệ An, cùng thuê chung một chỗ trọ, cùng làm chung một công việc và hầu hết đều chưa có giấy tờ hợp pháp và hầu hết là “vượt biên” từ Nga sang, người từ bên Tiệp qua, người nào gặp chuyến đi suông sẻ thì chỉ mất vài ba ngày, không may bị trục trặc thì vài ba tháng.
Trong đó có anh Trần Văn Sơn, có vợ và hai con ở nhà, qua đây gần 3 năm, ở Việt Nam xin giấy đi du lịch qua Nga rồi từ Nga có người dẫn đi vượt rừng mất 3 ngày sang Ba Lan, tổng cộng tốn hết 7000USD. Anh kể làm cửu vạn (kéo xe) vất vả nhưng nếu có việc đều thì ăn uống tiết kiệm mỗi tháng cũng để ra được 1000USD, nhưng dạo này kinh tế khó khăn, làm chỉ đủ ăn. Anh còn hào hứng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ do anh sáng tác:
“Chưa đi chưa biết Ba Lan
Đi rồi mới biết gian nan thật nhiều
Ngày đêm không kể trưa chiều
Băng rừng vượt tuyết thật liều hơn ai
Cuộc sống ngày ngắn đêm dài
Đi hoài đi mãi thế rồi cũng tới nơi
Đến đây mới biết ơi trời
Giấy tờ không có lẽ lời như câm
Kêu ai chỉ biết khóc thầm
Việc làm thì thiếu khổ tâm cơ hàn
Ra đường mà gặp phải công an
Bị đuổi như vịt giặc tràn bờ ao
Ở nhà có hiểu cho nào
Tưởng rằng cuộc sống như đào lụa nhung
…..........................................
Ai ơi đâu có sướng gì
Ba Lan như vậy đi thì cứ đi”
Anh tâm sự, cùng hoàn cảnh 9 người về trọ chung một chỗ,vợ con ở nhà nhiều lúc cũng nhớ lắm, nhớ nhiều lắm mà không biết làm sao, không có giấy tờ nên không về được. Cả nhóm có người đi sang Nga, có người đi sang Slovakia , người may mắn thì đi vài ngày, có người đường dây bị kẹt thì khoảng vài tháng thậm chí 5, 6 tháng mới đến nơi. Còn anh Nguyễn Đình Bân thì đi mất 3 tháng, anh qua đây năm 2005, cũng là đi từ Nga sang, để lại ở nhà một vợ một con. Người nào cũng chỉ mong có giấy tờ hợp pháp để có thể về thăm gia đình, thăm vợ con.
Tìm cách ở lại
Gần đây chính phủ Ba Lan có tổ
chức 2 đợt làm giấy tờ nhân đạo, một đợt vào năm 2003, một đợt vào năm 2008, mỗi
đợt cũng có nhiều người Việt không có giấy tờ được hợp thức hóa. Đầu năm 2010
có thể có đợt khác. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiêu chuẩn xin làm giấy tờ
nhân đạo, ví dụ có đợt chỉ xét những người qua từ trước năm 1997, chưa kể làm
xong còn phải “nuôi”giấy tờ. Đó là từ người Việt hay dùng để nói đến chuyện khi
có giấy tờ xong nếu không có công ăn việc làm,không trả thuế, trả bảo hiểm xã hội
thì một thời gian cũng bị cắt.
Lúc đầu không có giấy tờ, chị ra bán hàng được một năm thì nhập trại tị nạn, sau khi ra khỏi trại chị làm giấy tờ cưới giả một người Tiệp để có giấy tờ định cư 10 năm. Tổng cộng tốn cho cả chuyến đi, cả chuyện lấy chồng giả là 10.500 USD.
Nhưng có lẽ ít ai mà chuyến đi lại lâu như chị Lê Thị Tuyết, quê ở Nghệ An, bán xôi dạo ở đây. Có được tấm vé máy bay đi du lịch sang Nga, từ đó chị Tuyết và cả đoàn khoảng mười mấy người theo những người dẫn đường đi sang Ba Lan. Nhưng chuyến đi bị trục trặc, cả đoàn phải ở lại Nga chờ mất...một năm rưỡi.
Trong suốt thời gian đó những người tổ chức đã tìm việc cho họ làm nhưng lương thì không được lãnh, họ giữ để còn nuôi ăn cho cả nhóm. Đàn ông thì đi trồng rau, còn phụ nữ như chị Tuyết thì đi giữ trẻ.
Cả một năm rưỡi như thế rồi chuyến đi mới lại được tiếp tục và chị cũng sang được đến Ba Lan, vào làm cho một tiệm may mới được vài tháng thì bị bắt vì tội không có giấy cư trú hợp pháp, bị ở tù cả năm mới được ra. Bây giờ chị làm thuê cho chủ một tiệm phở người Việt, buổi sáng thì đi bán xôi dạo ở chợ, buổi chiều phụ bán phở, tối lại phụ bán cơm bình dân cho công nhân.
Làm vất vả cả tháng để dành được 500 USD gửi về 300 nuôi chồng con, giữ lại cho mình 200. Chị kể: “Hai đứa con đang ăn học, đứa đầu năm ni 24 rồi, đứa sau 20, chồng ở nhà “ngất ngơ ngất ngưởng”, say sưa”. Hỏi chị có vè thăm nhà không, chị trả lời không về, không có tiền và cư luôn miệng: “Khổ lắm, đời tôi vất vả kinh khủng luôn”.
Chúng tôi hỏi chị câu chuyện về những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục trên đường đi vượt rừng từ nước này sang nước khác là có hay không, chị xác nhận: “Đây hắn thấy mình già thì lại rất nể mình. Trẻ thì chết. Đứa nào trẻ hắn cũng lôi vào ngủ luôn”.
Hỏi “hắn” là ai, chị nói: “Bọn tàu bọn tây cả cộng mình, mà hư nhất là cộng mình...Mấy thằng đưa người mất dạy lắm....Có trường hợp có chửa, sang Đức đẻ nữa. Khổ lắm. Đi tưởng chết cơ, không nghĩ là quay về được nữa”. Chúng tôi hỏi chị có tính ở đây luôn không hay một thời gian rồi về, chị than: “Giờ về cũng chết mà ở cũng chết. Về không biết làm gì ăn. Ở bên này tháng bươi ra được 500 đô chứ về không bươi ra được...Vất vả lắm, 500 đô một tháng không phải đơn giản đâu”
Chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Hà Tây, chủ một gian hàng bán quần áo trong chợ thì có vẻ thong thả hơn. Chị sang Ba Lan được 5 năm, trước đó thì ở Tiệp 4 năm. Cũng xin sang Nga rồi từ Nga vượt rừng sang Tiệp. Đi mất 2 tháng là vì bị bắt ở Slovakia 1 tháng.
Lúc đầu không có giấy tờ, chị ra bán hàng được một năm thì nhập trại tị nạn, sau khi ra khỏi trại chị làm giấy tờ cưới giả một người Tiệp để có giấy tờ định cư 10 năm. Tổng cộng tốn cho cả chuyến đi, cả chuyện lấy chồng giả là 10.500 USD.
Lúc đầu chị sang Tiệp có một mình, sau một năm thì làm giấy cho chồng sang kinh doanh, còn khi “cưới” được một ông “Tây” thì lại làm giấy tờ bảo lãnh cho con theo mẹ, ba đứa con nhưng chỉ có hai đứa sang còn thằng út không chịu sang, ở với bà ngoại. Tôi hỏi chị thấy cuộc sống ở đây thế nào, chị bảo: cuộc sống dễ chịu hơn ở nhà. Tôi lại hỏi chị có định ở đây luôn không? Chị trả lời: “Bọn em bây giờ xác định là ở đây chứ về nhà cũng khó khăn. Ở đây bây giờ bọn em vững vàng rồi làm gì tháng chả kiếm được vài nghìn....
Nhà em bây giờ sang đây quá đông. Riêng nhà em đã 5 người. Em đón nhiều cháu, em nọ em kia, bây giờ nhà em ở đây phải có chục người”. Chị kể bây giờ ở đây cũng có khác gì ở nhà, một năm cứ đến Noel, họp hội đồng hương riêng cả làng chị cũng phải mấy trăm người. “Giấy tờ bên Tiệp dễ. Sang được giấy 1 năm rồi 2 năm rồi 10 năm.
Một mình em đi kéo theo chục người. Nhà khác cũng thế. Chị bảo bây giờ ở Việt Nam vất vả như thế thì cứ giúp được người nào thì giúp thôi chứ cho đồng nào mất đồng đó. Cứ cho sang, cho vay rồi nó làm nó trả dần dần”.
Hôm chúng tôi ghé trung tâm thương mại Wólka Kosowska tại đây đang có buổi lễ khai trương một khu thương mại Aseaneu giai đoạn II, có đại sứ Việt Nam tại Ba Lan cũng như nhiều nhân vật khác phía Ba Lan, các đại diện thương mại và đông đảo quan khách đến dự.
Vẫn mong ngày trở về
Bên cạnh những cuộc đời vẫn
còn nhiều khó khăn, phải làm thuê đủ việc, sống không giấy tờ thì số người Việt
làm ăn khấm khá cũng nhiều.
Ai có quê hương, có Tổ Quốc mà chẳng muốn sống trên đất nước mình, đem sức lực ra xây dựng và làm giàu cho chính quê hương máu thịt của mình? Và ai chẳng mong có một ngày đất nước thực sự đổi thay để trở về...
Có những người phải nói là thành đạt, giàu có ví dụ như những người chủ đầu tư vào các khu chợ Đồng Xuân ở Berlin hay khu trung tâm thương mại có hàng trăm gian hàng ngàn gian hàng này.
Thế hệ thứ nhất như đã nói ở trên, chỉ lo lao vào mưu sinh, làm để trả nợ, làm để có chút vốn lận lưng, nuôi gia đình hoặc giúp đỡ người thân ở Việt Nam và nhất là vì tương lai con cái. Vì ngôn ngữ kém, vì không có thời gian, không có điều kiện, họ không hội nhập được vào xã hội nước người, sống khép kín trong cộng đồng với nhau. Nếu người Hoa đã từng nổi tiếng đi tới đâu là thành lập Chinatown tới đó thì cũng có thể nói người Việt bây giờ đi tới đâu là lập Vietnammarket tới đó!
Như một cộng đồng chỉ mượn đất người ta mà sống tạm mà mưu sinh, họ cũng không quan tâm đến tình hình chính trị ở quê nhà, ngày đi làm tối về xem VTV4 và đọc báo An ninh thế giới, báo Công An ...nên nhận thức chính trị, quan điểm, tư tưởng cũng chẳng khác gì người đang sống trong môi trường bị bưng bít thông tin trong nước. Nhưng thế hệ thứ hai thứ ba thì khác hơn, rõ ràng là thế.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ người Việt rời bỏ đất nước ra đi nhiều như thế suốt 34 năm nay. Ra đi bằng mọi cách, chấp nhận trả mọi giá, từ những đoàn thuyền nhân vượt biển đối mặt với cái chết giữa biển khơi cho đến những con người lao động vượt rừng hôm nay.
Tình cảm với quê hương đất nước nặng trong lòng lắm nhưng rồi người Việt vẫn phải bỏ đi, ra đi dù cuộc sống ở nước người có thoải mái hơn, tương lai con cái tốt đẹp hơn nhưng ai có quê hương có Tổ Quốc mà chẳng muốn sống trên đất nước mình, đem sức lực ra xây dựng và làm giàu cho chính quê hương máu thịt của mình? Và ai chẳng mong có một ngày đất nước thực sự đổi thay để trở về...