3 ứng viên người Mỹ gốc Việt ứng cử chức Quản trị viên quận Cam

Sự hiện diện đông đảo của người Việt ở Hoa Kỳ trong hơn 3 thập niên qua là tiềm năng cho sự lớn mạnh của cộng đồng. Đóng góp, mưu cầu hạnh phúc tại xứ người biểu hiện thực tiễn hơn trong cuộc tranh cử địa phương miền Nam bang California giữa 3 ứng viên Mỹ gốc Việt.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2008.05.02
080501-Orange co- candidate.jpg Cả 3 ứng viên trong kỳ bầu sơ bộ chức Quản trị viên của Quận Cam , miền Nam bang California, Hoa Kỳ, là người Mỹ gốc Viêt.
courtesy photos
Orange County , tức quận Cam ở miền Nam California, là nơi người Việt cư ngụ đông nhất ở Hoa Kỳ , và được mệnh danh là thủ đô tị nạn của người Mỹ gốc Việt.
 
Một trong những sinh hoạt sôi động đang diễn ra tại đây là  cuộc chạy đua giữa ba ứng cử viên đều là người Mỹ gốc Việt cho chức vụ  Quản Trị Viên của quận Cam.   Một ứng viên là  luật sư  Janet Nguyễn hiện đương nhiệm chức vụ này. Hai người kia là luật sư Dina Nguyễn, đang là nghị viên thành phố Garden Grove trong cùng miếm Nam California,  và luật sư Trần Văn Hoà. Họ nói về nguyên nhân chính thúc đẩy họ ra tranh cử:
 
Vấn đề thiết thực hơn là gần đây ông thống đốc tiểu bang California muốn cắt giảm 10% ngân sách ,và chuyện đó  ảnh hưởng thẳng đến những người cao niên ở đây, hay về vấn đề giáo dục.
ứng viên Trần Văn Hoà

Ứng cử viên đáp ứng quan tâm của người dân


Dina Nguyễn: Tôi đắc cử chức nghị viên thành  phố Garden Grove hồi tháng 11 năm 2006. Bây giờ có chức vụ giám sát viên thì chúng tôi cũng thấy cộng đồng có nhiều cái mà chưa có được quyền lợi tròn vẹn, chúng tôi thấy có những luật không có lợi cho người già, cho trẻ em, thấy cái sự chi tiêu trong Hội Đồng Giám Sát Viên không được cân bằng .”
 
Luật sư Trần Văn Hoà, từng phục vụ trong quân đội 15 năm và làm việc trên 10 ở California, lần đầu tiên ra  tranh cử.  Ông nêu đường hướng của mình:
 
“Bây giờ bản thân của tôi cũng tạm yên ổn rồi, gia đình cuộc sống cũng tạm  yên ổn , bởi thế lúc này coi như lúc mình trả ơn về những cái gì mình đã được hưởng từ những quyền lợi ở nứơc Mỹ này. Bởi thế tôi ra tranh cử. Vấn đề thiết thực hơn là gần đây ông thống đốc tiểu bang California muốn cắt giảm 10% ngân sách ,và chuyện đó  ảnh hưởng thẳng đến những người cao niên ở đây, hay về vấn đề giáo dục Bởi thế tôi thấy đó là vấn đề thiết thực và  tôi  mạnh dạn ra ứng cử kỳ này.”
 
Nằm trong Orange County , hay Quận Cam , là Khu Vực I , bao gồm bốn thành phố có đông người Việt cư ngụ nhất,  gồm Garden Grove, Wetsminster, Santa Ana và Midway City. Trình bày về tình hình tranh cử sơ bộ cho ghế Giám Sát Viênsẽ diễn ra  ngày 3 tháng 6 tới đây, luật sư Đỗ Phủ, một cư dân ở thành  phố Westminster, nhận định:
 
“Trong kỳ bầu cử này sôi động nhất là chức vụ Quản trị viên mà nhiều người gọi là  Giám sát viên. ( Chức vụ này  là người coi ngân quỹ của cả một quận hạt, bao gồm  mấy chục thành phố . )Phía đảng Cộng Hoà thì có cô Janet Nguyễn cũng như cô Dina Linh, phía đảng Dân Chủ thì có luật  sư Trần Văn Hòa.”
 

Sức mạnh của số đông


Phân tích sự kiện là kỳ này chỉ có ba ứng cử viên Mỹ gốc Việt mà thôi chứ không có ứng cử viên người Mỹ hay người thuộc các nhóm sắc tộc khác, luật sư Đổ Phũ cho rằng có thể người Mỹ bản xứ , người Mỹ gốc Phi Châu hay người Mỹ gốc La Tinh thấy họ khó  có thể thắng người Mỹ gốc Việt :
 
“Vì thế trong kỳ bầu cử này người Mỹ trắng, hay người Mỹ nâu, cũng như người Mỹ đen đã ủng hộ ba ứng cử viên Mỹ vàng, và những cư dân vùng này thì sẽ phải chọn một trong ba. Dù muốn hay không muốn cũng phải có người đại diện . Khả năng làm việc thì chưa biết nhưng mà theo quá trình thì những người này tôi nghĩ họ đủ khả năng. Ăn thua sự chọn lựa do người dân. Ba người này theo tôi nghĩ thì coi như ngang nhau. Phe nào cũng có người ủng hộ và con số rất ư là đông .”
 
Cử tri Mỹ gốc Việt khi đi bầu thì họ hỏi về những vấn đề chẳng hạn như của người già làm sao có vấn để về sức khỏe, về bảo hiểm y tế, vấn đề giao thông.
        luật sư Đỗ Phủ

Thế thì cử tri người Mỹ gốc Việt nói riêng ở quận Cam để ý đến điều gì trước khi quyết định dồn phiếu cho hoặc là đương kim giám sát viên Janet Nguyễn, nghị viên Dina Nguyễn hoặc ứng cử viên Trần Văn Hòa? Cũng luật sư Đỗ Phủ cho biết:
 
“Cử tri Mỹ gốc Việt khi đi bầu thì họ hỏi về những vấn đề chẳng hạn như của người già làm sao có vấn để về sức khỏe, về bảo hiểm y tế, vấn đề giao thông, rồi học vấn, nhất là ngân sách tại tiểu bang California bị thâm thủng,  hậu quả từ chiến tranh Iraq, ảnh hưởng rất lớn đến cư dân ở đây.”

 
Trên thực tế, chức vụ Giám sát viên tuy quan trọng nhưng theo nguyên tắc thì không đòi hỏi ứng cử viên phải thuộc đảng nào. Tuy nhiên chiếc ghế Giám sát viên  là bàn đạp để vươn tới những vai trò chính trị tầm cỡ hơn như chức vụ thị trưởng, phó thị trưởng hay đại điện quốc hội.
 
Chi tiết này được nêu lên nhắm trình bày cùng quí vị câu chuyện tiếp theo trong lãnh vực bầu cử ở quận Cam với số cử tri Mỹ gốc Việt ý thức về quyền đầu phiếu và đi bầu càng ngày càng đông , nắm phần quyết định thắng bại cho ứng cử viên mà họ ủng hộ. Kinh nghiệm của một Giám sát viên quận Cam, ông Lou Corea , được bầu vào chức nghị sĩ tiểu bang, theo lời ông Phủ:
 
Hai người Việt Nam đứng nhất và đứng nhì.  Người Việt Nam mình mặc dù bị chia phiếu rồi mà vẫn đứng nhất và đứng nhì, là vì con số người Mỹ gốc Việt đi bầu trong kỳ đó là  hơn 50%.
            ông  Đỗ Phủ

“Năm 2006 ông đắc cử chức  nghị sĩ tiểu bang  California, cho nên ghế của ban quản trị tức là ban giám sát viên quận Cam bị trống. Bởi vậy quận Cam phải đưa ra một cuộc bầu cử đặc biệt năm 2006.  Có  tất cả 7 người ra ứng cử, trong đó hai ứng cử viên người Mỹ gốc Việt là cô Janet Nguyễn và anh Trung Nguyễn , và năm  người da trắng trong đó có một hai là gốc Latino.

Hai người Việt Nam đứng nhất và đứng nhì.  Người Việt Nam mình mặc dù bị chia phiếu rồi mà vẫn đứng nhất và đứng nhì, là vì con số người Mỹ gốc Việt đi bầu trong kỳ đó là  hơn 50%. Vì lý do đó người bản xứ trong kỳ bầu cử này đã  thấy cái sức mạnh của cộng đồng Việt Nam mình , bởi vậy họ đề nghị là những người đại diện cho họ sẽ là những người Mỹ gốc Việt trong kỳ bầu cử 2008 này.”

Lá phiếu quyết định chọn lựa người cho việc chung


Trước nay, cộng đồng người Mỹ gốc Việt không riêng ở California mà cả những tiểu bang khác khi được hỏi đều trả lời là nếu có ứng cử viên Mỹ gốc Việt nào thì họ ưu tiên dồn phiếu cho người đó.
 
Thế nhưng cũng có ý kiến là  trong một xã hội mà quyền ứng cử và tranh cử rất minh bạch và công bằng như ở Mỹ thì không nhất thiết và không nên mang ý nghĩ là cứ người Việt thì phải bầu cho người Việt. Mặt khác,  điều này có thể khiến những ứng cử viên giòng chính hoặc các sắc tộc khác hiểu lầm rằng người Mỹ gốc Việt có tính phân biệt và cục bộ, chỉ thích bầu cho người của mình hơn là nhắm bầu cho người xứng đáng và có khả năng.
 
Một người thường quan tâm đến những chuyện bầu bán và sinh hoạt chính trị của người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, ông Phạm Thư Đăng, phát biểu:
 
Một ứng cử viên với cái thành  tích , khả năng của họ  và với cái sự gọi là mong muốn thực  hiện một cái chuyện nào đó để giúp cho đơn vị đó để phục vụ người dân tốt hơn đẹp hơn , thì đó mới là yếu tố quan trọng.
ông Phạm Thư Đăng

“Đây là lần đầu tiên ba ứng cử viên người Việt tranh một chức mà không có ứng cử viên của bất cứ một sắc dân nào của địa phương đó ra tranh cử. Vậy  thì người đắc cử trong tương lai sẽ là một  người Mỹ gốc Việt. Như vậy cử tri sẽ bỏ phiếu dựa trên chương trình làm việc đề nghị bởi từng ứng cử viên , ai là người có khả năng, ai là người thật tình, ai là người có thể làm được chuyện để giúp cho cư dân của Đơn Vị I.
Những yếu tố đó quyết định bỏ phiếu cho người nào.

Thứ hai, không phải một người bỏ phiếu vì sắc dân hay màu da của ứng cử viên, tôi nghĩ điều đó không đúng và cũng không nên. Nếu nói  người Việt bỏ phiếu cho người Việt, người Mễ bỏ phiếu cho người Mễ, thì có ảnh hưởng không tốt. Tôi không nhìn như vậy, điều tôi nhìn là một ứng cử viên với cái thành  tích , khả năng của họ  và với cái sự gọi là mong muốn thực  hiện một cái chuyện nào đó để giúp cho đơn vị đó để phục vụ người dân tốt hơn đẹp hơn , thì đó mới là yếu tố quan trọng để cử tri dựa vào mà bỏ phiếu.”
 
Bà Irene Bueno, một người Mỹ gốc Philippines, cựu thứ trưởng Bộ An Sinh Xã Hội thời tổng thống Clinton, tán đồng ý kiến của ông Phạm Thư Đăng:  
 
Tôi không bao giờ nghĩ  vì tôi là người Mỹ gốc Phi thành thử tôi phải dồn phiếu cho ứng cử viên Mỹ gốc Phi. Gốc gác về sắc dân của ứng cử viên không quan trọng bằng chính khả năng và  tài đức của họ. Thế nhưn , giả  dụ có một ứng cử viên người da trắng và một  ứng cử viên Mỹ gốc Việt thì tôi có thể nói  chắc tôi chú ý và tìm hiểu kỹ về  ứng cử viên Mỹ gốc Việt hơn vì dầu sao họ với tôi cùng là người Châu Á và có thể có nhiều điểm giống nhau.
 
Còn chuyện hai hay ba  ứng cử viên cùng một sắc tộc ra tranh cử thì cũng đã xảy ra trong cộng đồng Mỹ gốc Phi chúng tôi .   Điều này chứng tỏ  trong  môi trường  sinh hoạt chính trị ở Mỹ . Bất cứ ai  tới đây định cư , từ người Ái Nhĩ Lan, Ý , Đức, Philippines, Việt Nam,  một khi trở thành công dân và muốn trở thành một phần của xã hội này thì  có quyền ra ứng cử hay đi bỏ phiếu, được người bản xứ chấp nhận nếu mang lại  phúc lợi cho họ.”
 
Khi  bỏ phiếu cho một ứng cử viên không phải là người Mỹ chính gốc như tôi thì câu trả lời là tôi không do dự, bởi tôi kỳ vọng là khi người đó đắc cử thì họ không chỉ phục vụ riêng cho cộng đồng sắc tộc của họ mà còn phải phục vụ một cộng đồng rộng lớn hơn.
        Ông Dustin Derollo

Ông Dustin Derollo, từng là cựu trợ lý thị trưởng thành phố San Jose miền Bắc California, nhận xét về sự kiện ba người Mỹ gốc Việt tranh cử chức Giám sát viên quận Cam lần này:
 
“Có thể nói đây là sự  lớn mạnh về mặt chính trị của cộng đồng Mỹ gốc Việt, một cộng đồng với những đóng góp đáng kể vào xã hội Hoa Kỳ.
Cái đáng nói ở đây là cả ba ứng cử viên Mỹ gốc Việt này đều có chung một nghề là luật sư, vì thế người này phải làm sao vượt trội người kia để giành  chiến  thắng. Tôi nghĩ cử tri người Mỹ và cử tri không phải người Mỹ chính gốc đều nhìn vào sự khác  biệt đó để chọn lựa và quyết định.
 
Còn nếu hỏi là tôi có do dự không khi  bỏ phiếu cho một ứng cử viên không phải là người Mỹ chính gốc như tôi thì câu trả lời là tôi không do dự, bởi tôi kỳ vọng là khi người đó đắc cử thì họ không chỉ phục vụ riêng cho cộng đồng sắc tộc của họ mà còn phải phục vụ một cộng đồng rộng lớn hơn, tôi muốn nói đó là cộng đồng của chúng ta, cộng đồng Hoa Kỳ .”
 
Được biết tại cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3 tháng 6 ,  hai ứng cử viên thắng cuộc sẽ  vào vòng bầu cử chính thức , tức cuộc tổng tuyển cử tháng 11, để trở nên thành viên trong Hội đồng Giám sát Quận Cam với nhiệm kỳ bốn năm.
 
Theo luật bầu cử ở bang California, trong vòng sơ bộ ứng viên nào đạt số phiếu quá bán , tức trên 51% , thì coi như đắc cử mà không cần vào vòng hai.  
 
Tưởng cần nói thêm, cũng tại vòng bầu cử sơ bộ 3 tháng 6 sắp tới, có hai người Mỹ gốc Việt cùng ra tranh cử chức vụ chánh án quận Cam.
 Vị chánh án đương nhiệm ở quận Cam là ông Nguyễn Trọng Nho, và  đối thủ là luật sư Nguyễn Sĩ Tường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.