Hy vọng mới cho những người bị nhiễm HIV/AIDS

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi HIV/ AIDS được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới. Đến nay đã có hàng chục triệu người ở khắp nơi nhiễm virut HIV, và đã có khoảng 30 triệu người chết vì các bệnh cơ hội liên quan đến AIDS.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.11.29
Trần Thị Huệ luôn nở những nụ cười rạng rỡ với mọi người Trần Thị Huệ luôn nở những nụ cười rạng rỡ với mọi người
Source Petrotimes


Tải xuống - download

Những năm trở lại đây, thế giới cũng chứng kiến nhiều những tiến bộ trong y học khiến căn bệnh AIDS không còn đáng sợ như trước kia và thậm chí đã có những hy vọng về khả năng điều trị, hay phòng tránh căn bệnh này. Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, mùng 1 tháng 12 hàng năm, mời quý vị cùng Việt Hà tìm hiểu chủ đề này trong trang tạp chí Sức Khỏe và Đời sống.

Kéo dài tuổi thọ người bệnh

Lần đầu tiên khi phát hiện mình bị nhiễm HIV vào năm 2006, Trần Thị Huệ, hoa hậu HIV đầu tiên ở Việt Nam năm 2011, tưởng chừng như mình không sống nổi. Đối với cô và rất nhiều người biết mình bị nhiễm HIV vào thời gian đó, HIV/AIDS đồng nghĩa với ốm đau, mệt mỏi, với cái chết.

Trần Thị Huệ: thời gian đầu tiên khi em mới bị bệnh, tư tưởng của em không thoải mái. Lúc nào mình cũng có cảm giác trong người mình lúc nào cũng ốm yếu.

Năm 2009, Trần Thị Huệ bắt đầu uống thuốc ARV là thuốc kháng virut HIV. 6 năm trôi qua kể từ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, đến giờ Trần Thị Huệ tự hào mình có sức khỏe không kém gì những người không có HIV khác:

Hoa hậu HIV Trần Thị Huệ
Hoa hậu HIV Trần Thị Huệ
petrotimes
Trần Thị Huệ: nhiều lúc em vẫn tự hào là em chỉ bị HIV thôi chứ sức khỏe em còn tốt hơn nhiều người. Thực sự nhiều khi người ta cũng ngộ nhận là khi nhiễm HIV thì sẽ luôn yếu đau hoặc là không thể làm bất cứ việc nặng nào. Đó chỉ là bệnh tư tưởng, tâm lý thôi. Em nghĩ bệnh hay không bệnh thì mình vẫn phải lao động, phải làm việc, tự nhiên mình có niềm vui trong cuộc sống thì mình sẽ thấy con người mình khỏe hơn.

Bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sang kiến phát triển cộng đồng, nói về quan niệm mới về căn bệnh AIDS như sau:

Bây giờ HIV/AIDS được coi là một bệnh mãn tính giống như các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp, là những bệnh người ta phải điều trị thường xuyên liên tục

Bác sĩ Khuất Hải Oanh

BS Khuất Hải Oanh: bây giờ HIV/AIDS được coi là một bệnh mãn tính giống như các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp, là những bệnh người ta phải điều trị thường xuyên liên tục.

Những người nhiễm HIV chuyển sang AIDS được điều trị bằng thuốc ARV. Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, việc điều trị thuốc đúng liều, đúng lúc, cộng với đời sống lành mạnh có thể giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ của mình.

BS Khuất Hải Oanh: có một nghiên cứu ở Đan Mạch với những người nhiễm HIV ngoài 25 tuổi thì người ta thấy là trung bình họ có thể sống thêm được 39 năm nữa. 39 năm cộng với 25 năm thì cũng không đến nỗi tệ. Đó là ở Đan Mạch. Nhưng có điều là nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thời điểm thì kết quả điều trị tốt hơn.

Các thống kê ở  Việt Nam thời gian gần đây cho thấy hơn 80% các bệnh nhân vẫn còn sống sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu bước vào điều trị ARV. Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh thì đáng lẽ con số này còn có thể cao hơn nếu những người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Ví dụ về những người nhiễm HIV/AIDS sống lâu tại Việt Nam hay trên thế giới ngày nay cũng không còn hiếm. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990 đến giờ vẫn còn sống khỏe mạnh. Còn ở Mỹ, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Magic Johnson phát hiện nhiễm HIV từ 21 năm trước, đến nay vẫn mạnh khỏe và làm việc bình thường.

Về những người nhiễm HIV/AIDS sống lâu tại Việt Nam hay trên thế giới ngày nay cũng không còn hiếm. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990 đến giờ vẫn còn sống khỏe mạnh

Thuốc ARV và điều trị AIDS

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người nhiễm HIV khi có tế bào bạch cầu CD 4 từ 350 đến 500 thì nên bắt đầu điều trị thuốc ARV. Tại Việt Nam các bệnh nhân có CD 4 ở mức dưới 350 được khuyến cáo nên bắt đầu sử dụng thuốc 

Poster cổ động chống HIV/AIDS ở TPHCM. Photo AFP
Poster cổ động chống HIV/AIDS ở TPHCM. Photo AFP
Photo AFP
ARV.

Thuốc ARV là thuốc kháng virut. Thời đầu tiên khi mới phát hiện HIV/AIDS, bệnh nhân phải uống đến 30 viên thuốc một ngày. Hiện nay, với tiến bộ của y học, bệnh nhân đã giảm được số thuốc phải uống một ngày xuống còn 2 viên. Tại Việt Nam, phần đông bệnh nhân vẫn uống 6 viên một ngày, mỗi lần 3 viên.

Thuốc ARV được phát miễn phí tại Việt Nam nhờ các quỹ trợ giúp của quốc tế, điển hình là quỹ Pepfar của Hoa Kỳ. Các bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt nam khi tham gia vào các chương trình này còn được khám bệnh miễn phí.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, các bệnh nhân cần phải cẩn thận với các trường hợp kháng thuốc vì các loại thuốc được phát phổ biến hiện nay tại Việt Nam vẫn là thuốc bậc 1.

BS Khuất Hải Oanh: thuốc bây giờ ở Việt nam loại phổ biến thông thường khá là dễ tiếp cận, ở các chương trình điều trị miễn phí bệnh nhận đều có thể tiếp cận được, không phải chi trả gì hết, thậm chí các chương trình đó còn chi trả cho tiền xét nghiệm các thứ. Chỉ có thuốc bậc 2 và 3 thì vẫn còn khó khăn, ở việt Nam giờ còn khó khăn, nếu phải mua thì rất đắt, thuốc bậc 3 thậm chí còn không có để mua. Nhưng thuốc bậc 1 là thuốc đầu tay thì giờ dễ kiếm.

Thuốc bây giờ ở Việt nam loại phổ biến thông thường khá là dễ tiếp cận, ở các chương trình điều trị miễn phí bệnh nhận đều có thể tiếp cận được, không phải chi trả gì hết, thậm chí các chương trình đó còn chi trả cho tiền xét nghiệm các thứ.

BS Khuất Hải Oanh

Tại Việt Nam, thuốc bậc 2 có thể có chi phí từ 2 ngàn đến 5000 đô la một năm, trong khi thuốc bậc 3 có thể lên đến 20 hay 30,000 đô la một năm, thậm chí còn không có để mua vì các công ty không nhập loại thuốc này về do nhu cầu quá thấp.

Thường bệnh nhân sau một thời gian dùng thuốc bậc 1 có thể sẽ có kháng thuốc và phải dùng bậc 2 và tăng dần lên theo thời gian. Tuy nhiên thời gian kháng thuốc tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người và nhất là việc tuân thủ điều trị đúng mức của bệnh nhân. Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không nên quên quá 3 liều trong một tháng để tránh tình trạng kháng thuốc.

Một trường hợp kháng thuốc khác có thể xảy ra là khi người bệnh bị lây nhễm HIV kháng thuốc từ bệnh nhân khác. Hiện tại những trường hợp kháng thuốc bậc cao vẫn có thể điều trị được tại các nước phát triển nhưng rất khó tại Việt Nam. Bác sĩ Khuất Hải Oanh cho biết:

Timothy Ray Brown (giữa) cùng những người bạn tới Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS để kêu gọi sự giúp đỡ cho những người mắc bệnh.
Timothy Ray Brown (giữa) cùng những người bạn tới Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS để kêu gọi sự giúp đỡ cho những người mắc bệnh.
Photo VTV/Tin mới
BS Khuất Hải Oanh: ở các nước phát triển, người ta có nhiều sự lựa chọn, có trường hợp trước đây người ta gặp bệnh nhân kháng tất cả các loại thuốc, thì lúc đấy người ta phải nghiên cứu không phải phác đồ thường quy nữa, người ta phải phân tích con hiv của người đấy xem là nó kháng những nhóm thuốc nào, còn nhóm thuốc nào còn có thể dùng được cho bệnh nhân đấy, nó đòi hỏi phải xét nghiệm gene của con virut đó, xem là nó đã có gene kháng thuốc nào, nó phức  tạp rất nhiều. ở Việt Nam vẫn chưa làm được như vậy, ở Việt Nam vẫn áp dụng các phác đồ phổ thông.

Hiện tại những trường hợp kháng thuốc tại Việt Nam chưa phải là nhiều so với thế giới một phần vì việc dùng thuốc kháng virut HIV mới chỉ phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại là trong các năm tới, có khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với các trường hợp kháng thuốc và sẽ phải áp dụng các phác đồ điều trị phức tạp hơn cho các trường hợp này.

Hy vọng cho điều trị HIV/AIDS

Trải qua hơn 30 năm sống chung với HIV/AIDS, thế giới cũng dường như đang tiến gần hơn tới việc tìm ra phương cách phòng chống căn bệnh này một cách hữu hiệu hơn.

Một trong những hướng điều trị được các nhà khoa học chú ý là tìm cách tiêu diệt hoàn toàn virut HIV trong máu người bệnh. Một phát hiện mới của y học thế giới theo hướng này được báo chí nói đến gần đây là trường hợp của bệnh nhân Timothy Ray Brown, người Mỹ, gốc Đức.

Bệnh nhân này bị phát hiện nhiễm HIV vào năm 1995 và đã điều trị thuốc ARV khá hiệu quả trong suốt 11 năm cho đến khi phát hiện bị bệnh ung thư máu vào năm 2006. Bác sĩ đã điều trị ung thư máu cho bệnh nhân này bằng cách cấy tủy từ một người có khả năng miễn dịch với HIV. Sau khi được cấy tủy mới, bệnh nhân đã hết ung thư và từ đó đến nay hoàn toàn không phải uống thuốc ARV. Giải thích về trường hợp này, bác sĩ Khuất Hải Oanh cho biết:

ác nhà nghiên cứu cho biết loại vacxin này không gây tác dụng phụ với bệnh nhân đã tiêm thuốc. Ở một số bệnh nhân đã có sự hình thành và gia tăng đáng kể kháng thể với virut HIV

BS Khuất Hải Oanh: Không phải người nào cũng nhiễm HIV, có người không thể nào nhiễm HIV vì trên tế bào bạch cầu của người ta không có bộ phận tiếp nhận con HIV, con HIV phải gắn vào đâu đó, nó giống như chìa khóa phải gắn được vào ổ khóa để nó có thể chui vào tế bào của cơ thể mình và từ đó nó mới nhân lên được. Nên nếu không có ổ khóa đó thì nó không thể chui vào cơ thể được, đó cũng mở ra hướng để điều trị.

Tuy đây chỉ là trường hợp hy hữu trên thế giới vì rất hiếm người có khả năng miễn dịch tự nhiên với HIV, nhưng các nhà khoa học cũng hy vọng có thể tìm ra cách điều trị căn bệnh AIDS theo hướng này.

Một cách khác được các nhà khoa học nói đến là việc cho bệnh nhân nhiễm HIV uống thuốc ARV từ sớm, tức là trước khi tế bào CD 4 của họ xuống đến mức báo động. Các nghiên cứu trên thế giới vào năm ngoái cho thấy, bằng cách này có thể giảm được 97% khả năng lây nhiễm. Các nhà khoa học hy vọng, áp dụng phương cách này có thể dẫn đến việc loại bỏ hoàn toàn HIV, tức là có lợi trên mặt y tế cộng đồng. Tuy nhiên đối với những người bị nhiễm HIV thì chưa chắc đây đã là điều có lợi vì thuốc ARV cũng có những tác dụng phụ nhất định cho cơ thể, đó là chưa tính đến khả năng kháng thuốc tăng.

Việc nghiên cứu vacxin phòng bệnh cũng đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Mới đây, các nhà khoa học Canada cho biết đã phát triển loại vacxin SAV001-H  và được Cơ quản quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đồng ý cho tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với người từ tháng 3 năm nay. Những người nhiễm bệnh có độ tuổi từ 18 đến 50 đã tham gia vào thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho biết loại vacxin này không gây tác dụng phụ với bệnh nhân đã tiêm thuốc. Ở một số bệnh nhân đã có sự hình thành và gia tăng đáng kể kháng thể với virut HIV.

Về phương diện phòng tránh HIV, một ban nghiên cứu về phòng chống bệnh tại Hoa Kỳ mới đây cũng đã khuyến nghị đưa việc kiểm tra HIV vào trong các xét nghiệm máu định kỳ của mọi người.

For magazine only: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình thứ tư tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.