Có nên tiếp tục kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân?

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam ở tỉnh Ninh Thuận vẫn được chính phủ Hà Nội nói cho xúc tiến; tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không nên làm bởi lý do an toàn, khả năng cũng như kinh phí.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.09.24
000_Hkg1291673-305.jpg Các em học sinh trung học tham quan mô hình nhà máy điện hạt nhân ở cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2008.
AFP PHOTO

Trình độ phát triển thấp

Vào ngày 23 tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra hội thảo Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Tại hội thảo đó, bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học- Công nghệ Việt Nam lại lên tiếng trấn an dư luận là chỉ xây dựng điện hạt nhân khi các vấn đề an ninh và an toàn được bảo đảm.

Chính người đứng đầu Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam thừa nhận tại hội thảo vừa nói rằng ‘cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân bao gồm một phạm vi rộng lớn các vấn đề từ cơ sở và thiết bị liên quan đến khuôn khổ luật pháp, nguồn nhân lực, nguồn tài chính…, tất cả ở Việt Nam vẫn còn đang ở trình độ phát triển thấp.’

Ông Nguyễn Quân nêu rõ hai khó khăn trong vấn đề phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đó là nguồn tài chính và nguồn nhân lực.


Ngay trong nước Nhật, dân chúng phản đối rất nhiều về chuyện ‘lợi bất cập hại’, về kinh tế không lợi và nguy hiểm, xu thế của thế giới là loại dần năng lượng hạt nhân.

GS Nguyễn Thế Hùng

Trong trao đổi với báo giới bên lề hội thảo hôm ngày 23 tháng 8 về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam, ông bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết cho đến lúc này, chính sách đối với người được cử đi học và sẽ làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam nói chung, và nhà máy điện hạt nhân nói riêng vẫn chưa được công khai.

Dù chính sách chưa rõ ràng như thế nhưng trong thời gian qua Nhà Nước cũng đã cử 200 người sang Nga và chừng 300 người sang các nước khác tham dự những khóa học ngắn hạn hay dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.

Ông này thừa nhận ngành này chưa hấp dẫn đủ để có thể thu hút những người đủ năng lực tham gia; mặc dù theo chỉ tiêu của Việt Nam đề ra là đến năm 2020 có đủ nguồn nhân lực làm trong nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam cũng như tại các cơ quan pháp qui về hạt nhân của Việt Nam.

Kế hoạch đã đuợc quốc hội Việt Nam thông qua là đến năm 2014 sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận và đến năm 2020 bắt đầu phát điện. Tuy nhiên vừa qua lại có ý kiến từ Bộ Khoa học - Công nghệ có thể thời điểm đưa ra phải chậm lại.

Trí thức quan ngại

Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2008. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2008. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Quan ngại về tính an toàn và vấn đề tài chính của Việt Nam khi triển khai xây dựng điện hạt nhân đã được giới trí thức Việt Nam trong và ngòai nước nêu lên.

Hồi tháng 5 vừa qua, một số trí thức đã cho phổ biến lá thư kêu gọi ký tên gửi cho thủ tướng Nhật Bản là nước hiện có kế hoạch cung cấp nguồn vốn ODA để xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Sau đó nhóm này cũng có thư cho tổng thống Nga, là nước cũng có kế hoạch cung cấp vốn và tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.

Một trong những người ký tên trong những thư gửi cho thủ tướng Nhật và tổng thống Nga là giáo sư

Nguyễn Thế Hùng, vào ngày 28 tháng 8 cho biết kết quả của việc gửi thư như sau:

“Họ trả lời vấn đề ở đây là do Nhà Nước Việt Nam yêu cầu nên họ sẽ làm theo yêu cầu của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân.”

Đối với trả lời của phía nhận được thư yêu cầu của một số trí thức Việt Nam về vấn đề hỗ trợ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân như thế; giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho rằng trả lời của họ không logic và họ vẫn vì lợi ích của các nhóm kinh tế tại bản quốc mà không quan tâm đến an nguy của nước khác. GS Nguyễn Thế Hùng nói về điều này:


Nếu hiểu rõ mới làm thì may ra bớt lo âu. Chứ còn nếu vừa học vừa làm như Việt Nam là rước họa vào thân.

GS Nguyễn Thế Hùng

“Vấn đề mà ngay trong nước Nhật, dân chúng phản đối rất nhiều về chuyện ‘lợi bất cập hại’, về kinh tế không lợi và nguy hiểm, xu thế của thế giới là loại dần năng lượng hạt nhân. Chính phủ Nhật làm vì lợi nhuận mà không có lương tâm đối với nước mà họ xuất khẩu hạt nhân sang.”

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cũng nói lên quan điểm về những giải thích đuợc cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra khi cho triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong nước:

“Tôi thấy rằng những giải thích của họ không thuyết phục đối với giới trí thức am hiểu về điện hạt nhân. Nói điện hạt nhân an toàn là không đúng. Thứ hai nay các nước đứng hàng đầu về năng lượng điện hạt nhân đang loại bỏ. Việt Nam thì chưa có nguồn nhân lực. Nếu hiểu rõ mới làm thì may ra bớt lo âu. Chứ còn nếu vừa học vừa làm như Việt Nam là rước họa vào thân. Nếu Việt Nam gặp tai nạn hạt nhân sẽ bị hủy diệt vì không có sức đề kháng. Việt Nam theo kiểu làm chìa khóa trao tay sẽ bị lệ thuộc, và vốn vay lớn như thế sẽ làm đất nước kiệt quệ.”

Đối với phát biểu của bộ truởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng Việt Nam chỉ xây dựng nhà máy khi bảo đảm an toàn, thì giáo sư Nguyễn Thế Hùng phản bác:

“Rõ ràng không thể nói bảo đảm an toàn được. Đó chỉ là câu nói đầu môi chót lưỡi của những nguời không có chút gì tự trọng hết thì giới khoa học rất khinh miệt những câu nói như thế.”

Các em học sinh trung học tham quan mô hình nhà máy điện hạt nhân ở cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2008. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Các em học sinh trung học tham quan mô hình nhà máy điện hạt nhân ở cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2008. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cũng là một trong những người tham gia biên dịch một tài liệu của Hoa Kỳ đưa ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua cho biết Ủy ban Pháp quy Hạt Nhân Hoa Kỳ (NRC) ngưng tất cả giấy phép xây cất và hoạt động lò phản ứng hạt nhân trên toàn nước Mỹ.

Theo nguyên văn lời dẫn của nhóm biên dịch “Ngay tại Hoa Kỳ, một nước to lớn với nhiều vùng sa mạc hoang vu, cho đến hôm nay sau hơn 20 năm tìm kiếm nhưng họ không tìm đuợc địa điểm nào thích hợp để tồn trữ lâu dài (vài ngàn năm hay lâu hơn) nhiên liệu hạt nhân phế thải từ các nhà máy điện nguyên tử của họ, và kết quả là Tòa kháng án Hoa Kỳ ngày 14 tháng 8 năm 2012 đã ra lệnh Ủy ban Pháp quy Quốc gia ngưng cấp giấy phép xây cất và tái cấp giấy phép tiếp tục vận hành nhà máy điện hạt nhân trên khắp nuớc Mỹ vì tình trạng nguy hiểm và không an toàn do việc tồn trữ các thanh nhiên liệu uranium phế thải ngay tại khu vực các lò phản ứng hat nhân.”

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng có phát biểu về điều này:

“Người ta thấy rằng những chất thải phóng xạ này bao năm nay nằm ỳ ra đó và xử lý rất khó thì tòa án Mỹ họ không chấp nhận khối lượng khổng lồ chất thải nhà máy điện hạt nhân quá nguy hiểm như thế. Với công nghệ ngày nay nguời ta có thể có những năng lượng sạch, nên bắt đầu tòa án có những phản ứng mãnh liệt như thế. Điều đó cho thấy những thể chế văn minh vì quyền lợi đất nước trên hết và các cơ quan chức năng làm việc có sự giám sát của quốc hội và dân chúng. Đó là điều quí.”

Kêu gọi từ Nhật

Tại Nhật Bản, sau tai biến điện nguyên tử Fukushima hồi tháng ba năm ngóai đến nay, nhiều người dân Nhật tiếp tục biểu tình chống điện hạt nhân. Thăm dò cho thấy có chừng 70% người Nhật được hỏi ý kiến đều cho rằng không nên phát triển điện hạt nhân nữa.


Những thể chế văn minh vì quyền lợi đất nước trên hết và các cơ quan chức năng làm việc có sự giám sát của quốc hội và dân chúng.

GS Nguyễn Thế Hùng

Mới hôm 24 tháng 8. Tờ Asahi Shimbun của Nhật có bài xã luận đặt câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách của chính phủ hiện nay là trong nước thì nói đến chuyện giảm lệ thuộc vào điện hạt nhân vào năm 2030, thậm chí đến mức không còn lệ thuộc vào loại năng lượng này nữa; thế nhưng các quan chức chính phủ lại tích cực đến Việt Nam để thúc đẩy hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Bài xã luận nhắc lại cam kết của bộ trưởng kinh tế Edano Yukio với phía Hà Nội sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt nam bảo đảm an toàn ở trình độ cao nhất.

Ngòai ra ông này còn ký Bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng cơ chế bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố nhà máy điện nguyên tử.

Bài xã luận cho rằng ngay tại Nhật, nguyên nhân sự cố Fukushima vẫn chưa được làm rõ và những khoản bồi thường cần thiết chưa biết sẽ gia tăng đến mức nào, thì liệu chính quyền Nhật Bản hiện nay có đủ tư cách để cam kết những điều như đưa ra với phía Việt Nam hay không.

Bài xã luận của tờ Asahi Shimbun hồi ngày ngày 24 tháng 8 vừa qua đưa ra kết luận nói rằng các đoàn nghiên cứu và các cơ quan truyền thông không được chính phủ Việt Nam cho đến khu dự kiến xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo tờ báo này cần phải bãi bỏ một dự án mà những thông tin cần thiết cho nhân dân hai nước không đuợc công khai như vậy.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.