Sân chơi thiếu nhi, thiếu cả chất lẫn lượng

Saigon Giải Phóng nói, hiện thành phố Hồ Chí Minh có gần 3 triệu thiếu nhi nhưng số lượng sân chơi dành cho các em còn quá ít, rất cần cho trẻ sau một niên học căng thẳng.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011.06.15
000_APH2001070452040-305.jpg Trẻ em ngoại thành Hà Nội câu cá vào mùa hè
AFP photo

Mặt bằng hạn chế

Phần lớn bậc cha mẹ không có điều kiện cho con em mình đi nghỉ hè, xa nhà, nên chỉ còn trông cậy vào các trung tâm văn hóa, giải trí, sân chơi miễn phí. Không có nơi vui đùa, tung tăng, trẻ chỉ còn cách tụ tập thả diều, đá bóng, dang nắng, tắm mưa. Đỗ Hiếu hỏi chuyện giới hữu trách và phụ huynh về chuyện “thiếu sân chơi”.

Các viên chức phụ trách công tác văn hóa, giáo dục thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận là hiện nay có rất ít sân chơi dành cho các em thiếu nhi, do đó lãnh đạo thành phố đã khuyến khích và đẩy mạnh đầu tư vào các công trình xây dựng những khu vui chơi, giải trí và bước đầu gặt hái được một một số thành quả thiết thực.

Bên cạnh những khu vui chơi dành cho thiếu nhi, một số đơn vị và tổ chức xã hội cũng tạo những cơ hội tham gia giải trí miễn phí phục vụ thiếu nhi.

Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các hoạt động ca vũ nhạc, tặng quà bánh, sách, truyện cho các em.

Qua câu chuyện với RFA, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc sở Giáo dục, Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh trình bày về các hoạt động hướng đến thiếu nhi giúp các em phát triển về trí và thể dục:

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là học sinh quá đông, nhưng sân chơi, điều kiện mặt bằng, sân bãi trong thành phố giới hạn với lượng thiếu nhi trong thành phố, cũng như số học sinh nhập cư ngày càng đông.

Ô. Huỳnh Công Minh

“Trong xu hướng đổi mới của sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cố gắng để tạo điều kiện cho học sinh vừa học vừa chơi, trên cơ sở đó các em phát triển năng khiếu, thẩm mỹ, hình thành nhân cách của các cháu.

Đặc biệt trong mùa hè phải cho các em tham gia hoạt động xã hội, bổ sung cho phần thiếu thốn về rèn luyện toàn diện, trong 9 tháng học ở nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là học sinh quá đông, nhưng sân chơi, điều kiện mặt bằng, sân bãi, trong thành phố giới hạn, không đầy đủ, thoải mái so với yêu cầu, với lượng thiếu nhi trong thành phố, cũng như số học sinh nhập cư ngày càng đông.

Năm nay là năm “Thiếu Nhi”, chủ trương của nhà nước là đã tăng cường các sân chơi, ví dụ như hồ bơi, sân bóng đá, hoặc hoạt động vui chơi khác, có tăng cường nhưng vẫn rất chật hẹp, đó là khó khăn rất cơ bản. Chúng tôi đang vận động các cháu cũng như các tổ chức, hội đoàn, cho các em đi xa ra khỏi thành phố, ở khu vực ngoại thành, cũng là nơi giải quyết những khó khăn vừa nêu trên.”

Theo tờ Việt Báo thì nỗ lực của nhà nước cho các sân chơi và nhà thiếu nhi là không nhỏ, nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, còn chắp vá , kinh phí hạn hẹp, hiệu quả chưa cao. Nhiều trung tâm sinh hoạt thiếu nhi trông bề ngoài khang trang, bên trong thiếu bàn ghế, trò chơi thiếu thốn, lạc hậu.

Cô giáo Huyền, hiệu trưởng trường mầm non Bình Chánh, cho biết về thực trạng các sân chơi mà báo chí cho là “thiếu cả chất lẫn lượng”:

“Có thể điều đó chính xác, tại vì sân dành cho thiếu nhi chơi rất là ít, chất lượng là dành cho những công trình, cao ốc thôi, về chất lượng sân chơi thì không đảm bảo mấy.”

Sân chơi thiếu

Rất nhiều ý kiến, đề nghị được nêu lên, nhưng kết quả thì chắc còn phải chờ khá lâu:

033_RIA10-622566_4096-250.jpg
Trẻ em chơi đánh bài. AFP photo
Trẻ em chơi đánh bài. AFP photo
“Tụi em ở dạng thấp thôi, cơ sở hạ tầng thấp, có phản ảnh nhưng chuyện đầu tư hay không là chuyện của nhà nước, làm sao mình biết được? Đương nhiên nhìn vào thì người ta biết là sân chơi phục vụ cho thiếu nhi không đủ, công trình xây dựng không chất lượng, phụ huynh, tầng lớp trí thức phản ảnh cũng nhiều, tụi em chỉ nghe thôi và cũng có ý kiến nhưng đó là chuyện của lãnh đạo, mình đâu có ý kiến gì hơn.”

Ông Dũng, một phụ huynh học sinh ở Saigon cũng góp ý về việc tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, giải trí thoải mái, sau một năm học cam go:

“Đúng rồi, sân chơi cho học trò rất là thiếu, chương trình học căng thẳng quá, trong năm học lu bù, không có thời giờ giải trí. Khi hè, thi xong, phụ huynh cho con đi Vũng Tàu, Dalat, Phan Thiết, ra biển, tắm hồ, piscine… Đứa thì thích đàn, âm nhạc, hội họa, cũng có lớp thể thao. Nói chung sân chơi còn thiếu nhiều, thường tập trung ở quận, ở phường không có. Chuyện học hành cần thoải mái hơn, rảnh rỗi để vận động, rất tốt cho học trò, chương trình học bây giờ nặng quá thành ra không có giờ chơi các môn thể thao.”

Đối với phần lớn tầng lớp lao động thì lo là con em họ không có sân chơi, giải trí sau một năm học miệt mài, tuy nhiên, cũng có những đại gia sẵn sàng chi cho con em của mình vài ngàn đô la để du học hè.

Vietnam Net mới có bài phóng sự và hình ảnh nói rằng, một vài năm trở lại đây vào dịp bãi trường, cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiều gia đình khá giả tính chuyện cho con du học hè, do các trung tâm tư vấn tổ chức. Các quốc gia hấp dẫn học sinh nhà giàu là Australia, Hoa Kỳ, Anh Quốc,  Canada, Singapore. Theo các em từng được đi du học hè ở nước ngoài thì ngoài kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, giao tiếp, các em còn có sự tự tin trong việc sử dụng tiếng Anh, trong và ngoài học đường.

Còn đối với người dân lao động thì thêm một mùa hè nữa lại đến, thêm một lần kỷ niệm Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, một tháng 6, mà thiếu nhi Việt Nam vẫn còn thiếu sân chơi, để giải trí, vui đùa.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.