Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng

Hôm 13/8, nông dân Văn Giang lại gửi một đơn kiến nghị trực tiếp lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu được đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng thay vì với Thứ trưởng theo như kế hoạch của bộ này cho buổi đối thoại sẽ diễn ra vào tuần tới.
Khánh An, phóng viên RFA
2012.08.14
000_Hkg5086116-305.jpg Một vụ công an trục xuất người dân ra khỏi nhà tại Hà Nội hôm 07/7/2011 do người dân không đồng ý với giá đền bù.
AFP photo

Yêu cầu được gặp Bộ trưởng ...

Sau buổi làm việc hôm 10/8 của đại diện bà con nông dân huyện Văn Giang với Bộ Tài nguyên Môi trường để bàn về kế hoạch cho buổi đối thoại giữa người dân và bộ này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/8 liên quan đến vấn đề cưỡng chế và thu hồi đất ở ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, người dân Văn Giang đã có một số điểm không đồng tình với kế hoạch của Bộ Tài nguyên Môi trường nên đã gửi đơn kiến nghị trực tiếp đến Bộ trưởng.

Luật sư Trần Vũ Hải, trợ lý pháp lý cho bà con Văn Giang cho biết bốn nội dung chính của kiến nghị:

Thứ nhất chúng tôi đề nghị người gặp là ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường vì ông ta là thành viên chính phủ và ông tuyên bố sẽ đối thoại với nông dân Văn Giang tại diễn đàn quốc hội. Thứ hai, chúng tôi yêu cầu trước khi làm việc phải có một văn bản trả lời nội dung 12 kiến nghị mà chúng tôi đã gửi cho Bộ Tài nguyên Môi trường cách đây hai tháng để minh bạch hóa những vấn đề liên quan đến dự án tại Văn Giang và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Cho đến nay, họ (nông dân Văn Giang) vẫn chưa nhận được. Thứ ba, chúng tôi đề nghị mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải… là những bộ có quản lý liên quan đến dự án Ecopark và dự án đường hạ tầng. Đó là ba điểm chính. Ngoài ra chúng tôi còn đề nghị tạo điều kiện cho các phóng viên tham dự, đề nghị mời thêm chủ đầu tư, đại biểu quốc hội tham dự và chúng tôi cho rằng nếu cần thiết thì có thể tổ chức vào ngày chủ nhật cũng được.

Một người dân ở Văn Giang cho biết đã nhiều lần bà con đến Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu gặp trực tiếp với Bộ trưởng nhưng chưa bao giờ được đối thoại với ông như lời hứa.

Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường có đứng trước ti vi và nói là sẵn sàng đối thoại với dân Văn Giang, nhưng vừa rồi chúng tôi cũng đi ba bốn lần đến Bộ Tài nguyên Môi trường đòi hỏi ông ấy nhưng ông ấy vẫn tránh. Chỉ có ông Thứ trưởng là nhận sẽ tiếp chúng tôi.

Tuy vậy, người dân Văn Giang vẫn ghi nhận thiện chí của lãnh đạo bộ này trong việc tổ chức đối thoại với dân.

Được ông thứ trưởng thay mặt ông bộ trưởng tiếp dân chúng tôi thì thực sự chúng tôi cũng rất mừng. Nhưng ngược lại, trong cái mừng này chúng tôi cũng không biết phải nói thế nào bởi vì một mình Bộ Tài nguyên Môi trường thì qua mấy lần tiếp, ông thứ trưởng có nói một mình Bộ Tài nguyên Môi trường không giải quyết được. Chúng tôi yêu cầu bộ tổ chức để cho tất cả các ban ngành liên quan vào dự cuộc đối chất này thì mới phân biệt được người dân đúng thế nào và chính quyền sai ra sao.

Theo luật sư Trần Vũ Hải, ngay từ đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng dự án đô thị Ecopark có nhiều thiếu sót và chưa được thủ tướng phê duyệt. Ngay cả con đường được coi là quốc lộ mà theo luật là phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải thì cũng chưa bao giờ thấy ý kiến của bộ này.

Chúng tôi tìm hiểu quy hoạch của tỉnh Hưng Yên cũng như của quốc gia thì chưa bao giờ có đường lộ này. Sau khi nghiên cứu trực tiếp thì thấy rằng con đường chỉ phục vụ cho chính dự án đầu tư Ecopark, tức là phục vụ cho chính lợi ích kinh tế của chủ đầu tư thôi. Cho nên nó không thể là con đường mà chính phủ lấy ra để đổi đất lấy hạ tầng được.

... và họp tại nơi bị cưỡng chế

Nông dân Văn Giang dựng lều giữ đất trước ngày bị cưỡng chế.
Nông dân Văn Giang dựng lều giữ đất trước ngày bị cưỡng chế.
Nông dân Văn Giang dựng lều giữ đất trước ngày bị cưỡng chế.
Chính vì những khúc mắc trên mà luật sư đại diện và người dân Văn Giang yêu cầu trong buổi đối thoại phải có đại diện của ít nhất hai bộ là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải để có thể xem xét, giải quyết rốt ráo vấn đề.

Ngoài ra, địa điểm tổ chức đối thoại cũng là một vấn đề gây bất đồng giữa người dân và chính quyền. Nhiều người dân Văn Giang cho biết họ mong muốn buổi đối thoại sẽ được tổ chức ngay trên mảnh đất đã xảy ra vụ cưỡng chế, nhưng yêu cầu này đã không được chính quyền chấp thuận.

Dân chúng tôi muốn về Văn Giang là vì thế này, trực tiếp họ phá, họ cướp đất ở Văn Giang chúng tôi thì họ phải đối thoại với chúng tôi ngay trên mảnh đất đấy nhưng họ không nghe. Tỉnh Hưng Yên thì bảo cho chúng tôi xuống tỉnh. Nói thật với chị đi xuống tỉnh đến 50, 60 cây số mà dân chúng tôi đi như thế thì trên đoạn đường từ Văn Giang đến tỉnh là bao nhiêu sự cố xảy ra. Họ dùng xã hội đen, như chị biết đấy, lao cả vào nhà mấy ông đầu đơn để giết hại. Cho nên họ muốn đưa chúng tôi đi như thế là họ cũng sẽ dùng hình thức mà tôi cho là đen tối để hãm hại chúng tôi nên chúng tôi không nghe.

Cuối cùng, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đưa ra giải pháp tổ chức đối thoại ngay tại bộ này. Mặc dù vẫn phải di chuyển một đoạn đường khoảng 20 cây số nhưng người dân Văn Giang đã chấp nhận giải pháp trên. Ông Dật, một đại diện đứng đơn, cho biết:

Càng xa càng nguy hiểm, người dân tiền nong không có mà đi xuống mấy chục cây số thì phương tiện xe máy ít, thuê ô tô thì nhiều lần thuê, người ta lại bắt bớ, có đủ biện pháp để người ta chặn ô tô lại, không cho ô tô đi để kéo dài thời gian ra thì mình lại xuống chậm. Nó lắm vấn đề lắm!

Chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến ngày diễn ra đối thoại, người dân Văn Giang cho biết họ rất mong những người có thẩm quyền sẽ trở thành những quan tòa nghiêm minh và có trách nhiệm, biết đứng ra bảo vệ lợi ích cho người dân.

Đợt này chúng tôi mong muốn Bộ Tài nguyên có một ông quan tòa xét xử nghiêm minh, bảo vệ được dân. Nói thật, dân chúng tôi mà sai thì chúng tôi sẵn sàng chịu pháp luật trừng trị. Thế nên quan chức sai thì chúng tôi cũng mong pháp luật phải trừng trị những kẻ như thế. Qua bao nhiêu lần chúng tôi đi thì cứ mỗi một lần lại có thanh tra chính phủ.

Tôi chả hiểu thanh tra như thế nào nhưng thanh tra chính phủ cứ bảo là sẽ đối thoại với dân mà hai đợt thanh tra là hai đợt chúng tôi mất đất. Như hôm 4/5 vừa rồi, họ dùng hình thức cưỡng chế, nói thật với chị là nói thì hơi quá đáng, nhưng theo dân chúng tôi thì họ dùng hình thức đi ăn cướp. Nói thì bảo là nói xấu chế độ nhưng thực sự là họ đi ăn cướp.

Theo dự kiến, buổi đối thoại sẽ diễn ra vào ngày 22/8 tại Bộ Tài nguyên Môi trường nhưng luật sư Trần Vũ Hải và một số đại diện của nông dân Văn Giang cho biết bộ này vừa gọi điện thoại nói sẽ dời ngày đối thoại sang ngày 21/8, tức sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Thông tin này hiện vẫn chưa có thông báo chính thức bằng văn bản.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.