Việt Nam sẽ thành lập Lực lượng Kiểm ngư

Chính phủ Việt Nam cho ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động kiểm ngư với hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng giêng sang năm.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2012.12.03
Tàu đánh cá Việt Nam thường hoạt động từng toán hầu bảo vệ lẫn nhau. Tàu đánh cá Việt Nam thường hoạt động từng toán hầu bảo vệ lẫn nhau.
RFA


Tải xuống - download

Nghị định đó có những điểm quan trọng nào và mức độ giúp bảo vệ ngư dân đến đâu vào khi mà TQ đang có những hành động bị cho là mạnh mẽ xác quyết quyền của họ tại hầu hết khu vực Biển Đông.

Gia Minh phỏng vấn ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Hội Nghề Cá Việt Nam về những thông tin liên quan. Trước hết ông cho biết:

Bảo vệ an ninh vùng biển và thủy sản

Ông Trần Cao Mưu: Đến ngày 25 tháng 11 năm 2013 lực lượng kiểm ngư này mới ra đời. Lâu nay trong quá trình quản lý về biển thì Kiểm ngư nằm trong Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản. Sau nhiều năm làm việc thấy hiệu lực của nó chưa cao nên Tổng Cục Thủy Sản cũng như Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn có đề nghị Chính phủ cho thành lập Lực lượng Kiểm ngư để tăng cường quản lý về biển cho tốt hơn. Đặc biệt quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên biển chủ quyền của Việt Nam; để tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân Việt Nam trong quá trình khai thác gặp bão tố, gặp sự cố; thứ ba là bảo vệ an ninh vùng biển, phát hiện và xử lý những vụ việc tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, khai thác trộm cá cho kịp thời hơn, nhanh hơn. Nhiệm vụ của Kiểm Ngư là như thế.

Gia Minh: Và để có thể thực hiện cho được những nhiệm vụ rất quan trọng như vậy thì việc xây dựng lực lượng và năng lực ra sao rồi?

Ông Trần Cao Mưu: Đây mới bắt đầu và vào 25 tháng giêng mới có hiệu lực nên Tổng Cục và phía Bộ đang chuẩn bị nhân lực. Nhưng 'cái đó' thì trong quá trình để triển khai và phát huy hiệu quả thì chắc phải chờ đợi một thời gian dài nữa.

Chính phủ cho thành lập Lực lượng Kiểm ngư để tăng cường quản lý về biển cho tốt hơn. Đặc biệt quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên biển chủ quyền của Việt Nam; để tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân ... thứ ba là bảo vệ an ninh vùng biển

Ông Trần Cao Mưu

Gia Minh: Hiện nay ngay tại vùng Biển Đông, phía Trung Quốc đã có những động thái; nếu như mình ( Việt Nam) nếu không có những đối phó tích cực thì hiệu quả sẽ không cao?

Ông Trần Cao Mưu: Việc Trung Quốc có Ngư Chính này khác là cũng trên cơ sở bảo vệ chủ quyền biển đảo của họ, ngư dân của họ; phía Việt Nam cũng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, ngư dân của Việt Nam. Nếu là quan hệ thì đó là quan hệ hữu nghị giữa hai nước với nhau trong quá trình xử lý những công việc xảy ra trên biển...

Gia Minh: Nhưng phía Trung Quốc vừa rồi tuyên bố vào ngày 1 (tháng 1 năm 2013) sẽ cho lực lượng cảnh sát Hải Nam của họ lên các tàu mà họ cho vi phạm vùng biển của họ. Vậy Hội Nghề Cá đã có phản ứng, đối phó ra sao nếu họ lên tàu của ( ngư dân) mình ( Việt Nam)?

Ông Trần Cao Mưu: Họ đã có những dự định như vậy; thực ra còn khi xảy ra phía ngư dân sẽ có đấu tranh phản ứng trên cơ sở đảm bảo quyền khai thác của mình trên vùng biển chủ quyền của mình. Hai nữa đây là việc làm chưa xảy ra nên không biết nhận xét thế nào.

Gia Minh: Nhiều nước như Philippines, Hoa Kỳ và một số nước khác đã lên tiếng, Hội Nghề Cá có tham mưu thế nào cho phía cơ quan chức năng ( Việt Nam)?

Ông Trần Cao Mưu: Nếu những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân Việt Nam, ảnh hưởng đến lãnh thổ, rồi ảnh hưởng đến biển và hải đảo Việt Nam; đương nhiên không chỉ Hội Nghề Cá mà cả nhân dân Việt Nam sẽ có những phản ứng nhất định vì đây là việc làm sai trái. nếu họ có những vi phạm về quyền khai thác của ngư dân Việt Nam; vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Đấu tranh “mềm dẻo” nhưng cương kết bảo chủ quyền

Gia Minh: Ông thấy những đấu tranh lâu nay có hiệu quả thế nào mà phía Trung Quốc vẫn lấn tới?

Ông Trần Cao Mưu: Nói chung đấu tranh vẫn tiếp tục đấu tranh còn việc họ lấn tới là việc của họ. Việc đấu tranh là việc của mình; và trên tư tưởng đấu tranh của người dân Việt Nam thì cũng lấy tình hữu nghị làm chính. Đấu tranh cũng kiên quyết. Mặc dù thế nào đó vẫn phải bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Gia Minh: Làm thế nào cho có hiệu quả khi lực lượng của họ mạnh lên và của phía mình chưa mạnh?

Ông Trần Cao Mưu: Đương nhiên phải có biện pháp. Nhà nước Việt Nam cũng có biện pháp đấu tranh: thứ nhất là mềm dẽo; thứ hai giữ vững mối quan hệ, thứ ba dứt khoát không để bất cứ một ai xâm phạm chủ quyền.

...

Nhà nước Việt Nam cũng có biện pháp đấu tranh: thứ nhất là mềm dẽo; thứ hai giữ vững mối quan hệ, thứ ba dứt khoát không để bất cứ một ai xâm phạm chủ quyền

Ông Trần Cao Mưu

Gia Minh: Vừa qua, biện pháp cấm đánh bắt của Trung Quốc từ tháng năm đến tháng 8, và những hoạt động ngoài Biển Đông như vậy có ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam ra sao?

Ông Trần Cao Mưu: Việc họ cấm đánh bắt từ giữa tháng năm đến 1 tháng 8 hằng năm là việc của họ; nhưng nếu họ cấm vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì đó là một việc làm sai trái. Chúng tôi đã có những văn bản phản đối trong thời kỳ họ cấm. Còn ảnh hưởng thì lệnh cấm đó đương nhiên có ảnh hưởng, tất yếu thôi.

Gia Minh: Mức độ ảnh hưởng có nhiều không? Có thống kê chưa?

Ông Trần Cao Mưu: Thống kê thì chưa có; nhưng ngư dân ra biển vẫn có những trắc trở nhất định. Về khai thác cũng không được thanh thản lắm, về mặt tư tưởng có ức chế.

Gia Minh: Vậy cơ quan chức năng như Hội Nghề cá rồi các tỉnh thành có hỗ trợ gì cho ngư dân để ổn định được tư tưởng và giữ vững nghề làm ăn lâu nay của họ?

Ông Trần Cao Mưu: Đương nhiên nhiều tổ chức chứ không riêng gì Hội nghề cá ví dụ các hội nghề nghiệp của ngư dân, các tổ chức hội đoàn của ngư dân liên kết nhau giúp đỡ trong quá trình khai thác trên biển khi gặp sự cố kể cả thiên tai, hay một số trắc trở như tàu nước ngoài đâm, gây khó, các tổ chức này hỗ trợ lẫn nhau. Và khi có sự việc gì thì khi về đất liền, ngư dân đến động viên, thăm hỏi và khuyến khích về mặt tinh thần để họ có thể tham gia nghề nghiệp của mình.

Gia Minh: Trong thời đại hiện nay, việc hợp tác để cùng khai thác một cách bền vững và không có xung đột lẫn nhau, công tác hợp tác với các nước ra sao?

Ông Trần Cao Mưu: Đó là quan điểm của Việt Nam, của ngư dân Việt Nam và cũng là mong muốn của các nước trong khu vực là phải có sự hợp tác để khỏi có tranh chấp. Cùng hợp tác với nhau để khai thác vùng biển, tài nguyên của biển đó là mong muốn không chỉ của Việt Nam mà của các nước nữa. Còn việc hợp tác trong khu vực thì ASEAN và một số hội nghị ra tuyên bố DOC, rồi chuẩn bị cho COC. Các nước trong khu vực đang bàn. Khi bàn xong việc này thì sự hợp tác, tính ổn định sẽ cao hơn, và trách nhiệm của từng nước cũng sẽ cao hơn trong quá trình bảo đảm cho sự hợp tác bền vững hơn ở khu vực Châu Á.

Gia Minh: Cám ơn ông Tổng thư ký Hội Nghề Cá về những chia xẻ vừa rồi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.