Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua tổng hợp những sự kiện nổi bật xảy ra tại Việt Nam trong tuần vừa qua.
RFA 22.09.2012
Ngư dân Việt Nam bị bắt trên Vịnh Thái Lan.
RFA photo

Ngư dân Cà Mau bị bắt

Tuần rồi có 108 ngư dân Cà Mau khi hành nghề trên biển phía nam bị Thái Lan bắt đưa về giam giữ tại nhà tù tỉnh Rayong.

Ngay sau khi được tin đó, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do có mặt tại thủ đô Bangkok đã liên lạc với viên chức chuyên trách phần vụ bảo hộ công dân tại đại sứ quán Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn, để hỏi thăm tình hình và được ông này cho biết:

Còn việc sẽ làm là chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống thăm lãnh sự các công dân và phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn chỉnh nhanh nhất thủ tục pháp lý để sớm đưa số ngư dân Việt Nam trở về nước.

Ô. Phạm Minh Tuấn

“Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát Thái Lan ở nơi bắt giữ các ngư dân ấy thì sơ bộ được biết là họ đang làm thủ tục để xét xử số ngư dân này ở tỉnh Rayong, còn việc sẽ làm là chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống thăm lãnh sự các công dân và phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn chỉnh nhanh nhất thủ tục pháp lý để sớm đưa số ngư dân Việt Nam trở về nước.

Còn hiện nay cũng chưa có thông tin gì thêm bởi vì chúng tôi chưa trực tiếp gặp gỡ ngư dân được.”

Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết số 108 ngư dân trên 10 chiếc tàu bị bắt khi đang hành nghề câu mực. Phía Thái Lan cho rằng tàu của những ngư dân này đã đi vào vùng biển của nước này để đánh bắt trái phép.

Một viên chức cảnh sát tại tỉnh Rayong, không muốn nêu tên, khẳng định điều đó với Đài Á Châu Tự Do.

Về phía cảnh sát thì những người này bị khởi tố tội đánh bắt cá trái phép trong hải phận Thái Lan.

Theo luật của Thái Lan, những ngư dân bị bắt đều phải đóng tiền phạt và chủ tàu phải nộp tiền để chuộc tàu về. Nếu không có tiền để đóng phạt, họ phải ở tù theo qui định, và tàu không chuộc sẽ mất.

Dân Bắc Trà My tiếp tục lo sợ động đất

Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Thanh Niên
Ngư dân đi biển gặp khó như vừa nêu và trên cạn người dân ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, vẫn hoang mang lo sợ vì đất lại tiếp tục rung chuyển.

Thêm năm cơn động đất nhẹ xảy ra sau ngày 12 tháng 9, khi mà các nhà khoa học thuộc Viện Vật Lý Địa Cầu và Bộ Khoa học - Công nghệ có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thông báo kết luận các trận động đất trước đó là động đất kích thích, tức động đất do việc tích nước trong hồ thủy điện gây nên.

Sáng hôm qua xảy ra một trận động đất nhưng nhỏ hơn và cũng quen rồi.

Một giáo viên ở huyện Bắc Trà My

Các nhà khoa học cho biết động đất sẽ còn xảy ra; tuy nhiên các chấn động  sẽ không lớn hơn mức thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2 là có thể chịu được động đất khoảng 5 độ Richter.

Một số người dân địa phương tại huyện Bắc Trà My cho rằng nay họ phải sống chung với động đất như ý kiến của một giáo viên đang dạy học ở đó cho biết:

“Sáng hôm qua xảy ra một trận động đất nhưng nhỏ hơn và cũng quen rồi.”

Tuy vậy, nhiều người dân vẫn lo lắng, nhất là những người sống trong các căn nhà tái định cư bị nứt nẻ, hư hỏng do động đất gây nên. Một số đang tìm đường vào rừng để tìm đất làm nhà ở.

Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My xác nhận đã có 24 hộ dân ở các khu tái định cư thủy điện thuộc một số thôn của xã đã bỏ nhà tái định cư đi vào rừng dựng nhà để ở.

Lãnh đạo ngân hàng ACB thay đổi

Từ trái, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương Mại Á Châu ACB Trần Xuân Giá, và 2 cựu Phó chủ tịch  Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang. RFA file.
Từ trái, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương Mại Á Châu ACB Trần Xuân Giá, và 2 cựu Phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang. RFA file.
Dư luận quan tâm đến tình hình tài chính của đất nước cũng xôn xao trước tin được cho là ‘chấn động’ trong ngành. Đó là tin truyền miệng từ hồi chiều ngày 18 tháng 9 nói rằng ông cựu Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu Tư Trần Xuân Giá bị bắt nhưng không bị’ còng tay’ và được tại ngoại.

Đến ngày hôm sau, truyền thông trong nước chính thức loan tin ông Trần Xuân Giá từ nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương Mại Á Châu, ACB. Hôm sau nữa, chính ông Trần Xuân Giá nói với báo Tiền Phong phải từ nhiệm vì lý do sức khỏe.

Thông báo đưa ra hồi ngày 18 tháng 9 của Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB cho biết chấp nhận việc từ nhiệm của ông chủ tịch Trần Xuân Giá và hai ông phó chủ tịch. Lý do là cả ba nhân vật này liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác cho 19 nhân viên của ngân hành nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào một ngân hàng khác.

Ông Lý Xuân Hải là tổng giám đốc Ngân hàng ACB. Ông này bị bắt giam hồi cuối tháng 8 để điều tra về tội danh cố ý làm trái qui định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Nói đến ACB và tổng giám đốc Lý Xuân Hải, thì người ta không thể không nhắc đến ông Nguyễn Đức Kiên, hay còn gọi là ‘Bầu Kiên’ hay ‘gã đầu bạc’. Ông là một trong những người sáng lập ra Ngân hàng ACB.

Vào ngày 19 tháng 9 vừa qua, cơ quan tố tụng Việt Nam cho biết công an điều tra cho bổ sung thêm hai tội danh đối với ông Nguyễn Đức Kiên. Đó là tội cố ý làm trái các qui định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội danh đầu tiên mà cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố đối với ông Nguyễn Đức Kiên là tội kinh doanh trái phép.

Phó thủ tướng Đức gốc Việt thăm Việt Nam

Ông Philipp Roesler và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. AFP photo.
Ông Philipp Roesler và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. AFP photo.
Tin đáng chú ý khác nữa trong tuần qua là chuyến thăm Việt Nam của phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rosler, từ  ngày 17 đến 19 tháng 9 vừa qua.

Một sự cố báo chí đã xảy ra trong làng báo Việt Nam khi một báo mạng đăng tấm ảnh ông phó thủ tướng Philipp Rosler trên đó có cờ của Việt Nam Cộng Hòa. Bức ảnh đã được lấy xuống ngay sau vài phút. Tuy nhiên một số trang mạng khác vẫn lưu giữ hình ảnh đó.

Một điểm cũng được bàn tán là nhân vật ra đón ông phó thủ tướng Đức Philipp Rosler tại phi trường chỉ là một vị nữ thứ trưởng Bộ Công Thương, chứ không phải một vị tương nhiệm nào từ phía chính phủ Việt Nam.

Tự do không hề là mối hiểm họa nào cả mà là nền tảng cho sự phồn thịnh của xã hội. Các bạn thấy rõ điều đó ở đất nước quê hương tôi, nước Đức.

PTT Philipp Rosler

Tuy vậy trong lịch trình làm việc ba ngày từ 17 đến 19 tháng 9 vừa qua, phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rosler cũng có những cuộc gặp với các giới chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gồm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hòang.

Những cuộc gặp làm việc như thế không để lại mấy ấn tượng cho bằng  cuộc nói chuyện của ông phó thủ tướng Philipp Rosler tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nơi ông được phía Việt Nam trao bằng tiến sĩ danh dự.

Trong bài nói chuyện, ông phó thủ tướng Philipp Rosler nhấn mạnh đến vai trò của tự do trong phát triển kinh tế thị trường.

Ông nói rõ với sinh viên tham dự rằng ‘tự do không hề là mối hiểm họa nào cả mà là nền tảng cho sự phồn thịnh của xã hội. Các bạn thấy rõ điều đó ở đất nước quê hương tôi, nước Đức.’

Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông phó thủ tướng Philipp Roesler được một tờ báo Đức gọi là ‘Chuyến trở về một quê hương xa lạ’.

Nữ bất đồng chính kiến Phạm Thanh Nghiên mãn hạn tù

Cô Phạm Thanh Nghiên. RFA photo
Cô Phạm Thanh Nghiên. RFA photo
RFA photo
Trong tuần rồi, thêm một nhà bất đồng chính kiến mãn hạn tù trở về gia đình là cô Phạm Thanh Nghiên. Sau khi về đến nhà, cô dành cho Đài Á Châu Tự do một cuộc phỏng vấn. Qua đó cô kể lại những đấu tranh ngay tại trong tù cho quyền lợi của các tù nhân. Cô cũng cho biết qua thời gian ở tù, cô nghiệm ra một số điều chỉnh để công cuộc đấu tranh được hiệu quả hơn, Cô cho biết sẽ tiếp tục con đường đấu tranh lâu nay:

Bây giờ thì tôi càng thấy rằng không có lý do gì để mình không đấu tranh tiếp cả.

Cô Phạm Thanh Nghiên

“Tôi không dám tự hào với ai nhưng tôi tự hào với bản thân rằng trong khoảng thời gian 4 năm tù đày thử thách như thế, tôi đã giữ vững tinh thần. Bây giờ thì tôi càng thấy rằng không có lý do gì để mình không đấu tranh tiếp cả. Thậm chí, nhà tù đã cho tôi một bài học rằng mình càng phải vững bước để tranh đấu và những người vì dân tộc mình mà tranh đấu, những người vì tự do và công bằng mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại."

Về mặt thể chất, cô Phạm Thanh Nghiên thuộc dạng ‘thấp bé, nhẹ cân’. Trước khi đi tù, cô chỉ cân nặng 36 kilogram. Tuy nhiên, những lời cô vừa nói cho thấy sức mạnh tinh thần mà không phải ai cũng có được như cô.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.