Phụ nữ nghĩ gì về việc sở hữu súng đạn?

Sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, Connecticute, giết chết 20 học sinh tiểu học và 6 nhân viên làm cho cả nước Mỹ kinh hoàng. Nhiều người lo sợ cho sự an nguy của con mình.
Phong Thu, thông tín viên RFA
2013.01.23
000_159740256-305.jpg Một cửa hàng bán súng ở Tinley Park, Illinois hôm 19 tháng 1 năm 2013.
AFP

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là làm thế nào để bảo vệ được sinh mạng con em chúng ta được an toàn và có một đời sống an bình trên một đất nước mà chúng ta tự hào là văn minh nhất thế giới? Câu hỏi thật nhức nhối và đau xót cho những ai còn quan tâm và có trách nhiệm đối với xã hội và tương lai đất nước Hoa Kỳ.

Có nên siết chặt buôn bán súng

Từ đầu năm đến nay, báo chí truyền thông và dư luận công chúng đã có những cuộc tranh cãi gay gắt sôi nổi, liên tục về đạo luật siết chặt việc buôn bán và sử dụng súng. Đây là cuộc tranh cãi bất tận hết năm  này sang năm khác nhưng kết quả của nó chưa biết sẽ về đâu. Tại Hoa Kỳ, năm 1791, Tu Chính Án thứ 2 ghi rõ trong Hiến Pháp là cho phép người dân được mua bán, sở hữu súng đạn và các tiểu bang có quyền quyết định về vần đề  này tùy theo luật của mỗi tiểu bang.

Theo phúc trình của Small Arms thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế có trụ sở tại Geneva khảo sát cho biết trong năm 2007, cứ 100 người Mỹ thì có 90 người sở hữu súng. Trên thế giới có 875 triệu vũ khí mới thì người Mỹ sở hữu 270 triệu. Ước tính mỗi năm trên thế giới sản xuất trên 8 triệu khẩu súng mới thì người Mỹ đã mua 4,5 triệu. Nước Yemen, công dân có vũ khí đứng thứ hai, cứ 100 người thì có 61 người có súng, Phần Lan 56/100, Thụy Sĩ 46/100, Iraq 39/100, Ấn Độ có 46 triệu vũ khí phi quân sự 4/100, Trung Quốc có 40 triệu khẩu súng tư nhân, 3/100 người.(*)


Nhà chúng tôi đã bị bọn này đập cửa kiếng đột nhập vào nhà. Bạn làm gì? Chờ cảnh sát đến giúp chăng? Quá trễ. Phải mua súng để bảo vệ và chống lại trộm cướp.

Bà Linda

Đâu phải chỉ có nam giới mới thích chơi súng. Phụ nữ Hoa Kỳ cũng mê và sưu tầm súng. Theo website About.com Civil Liberties trong bài viết “Phụ Nữ và Súng”, tác giả Ben Garret viết rằng năm 2009, tất cả các cửa hàng bán súng cho biết có 70% phụ nữ là khách hàng của họ. Phụ nữ đi mua súng nhiều hơn những năm trước và lý do hàng đầu là để tự vệ chiếm 80%, 35% sử dụng cho mục tiêu khác và 24% để đi săn. Trung Tâm Nghiên Cứu Ý Kiến Quốc Gia (National Opinion Research Center Survey) ước tính có khoảng 12 đến 15 triệu phụ nữ sở hữu súng, có 200 triệu người sở hữu súng thì phụ nữ chiếm 10.8%.(**)

Những người phụ nữ thích chơi súng ngày càng muốn song hành cùng nam giới tham gia nhiều hơn các các hiệp hội súng. Họ vận động hành lang bảo vệ và tranh đấu cho phụ nữ có quyền sử dụng súng và chống lại kiểm soát súng được thành lập vào những năm 1990.

Bà Linda một doanh nhân đang sinh sống tại Laurel, Maryland là người rất thành thạo về cách sử dụng súng. Bà thường theo gia đình tham gia những cuộc đi săn. Bà lớn lên trong một gia đình có truyền thống săn bắn và gia đình bên chồng bà cũng mê đi săn. Bà cho biết quan điểm của bà như sau:

Một cửa hàng bán súng ở Tinley Park, Illinois hôm 19 tháng 1 năm 2013. AFP PHOTO.
Một cửa hàng bán súng ở Tinley Park, Illinois hôm 19 tháng 1 năm 2013. AFP PHOTO.
“Bạn không lớn lên trong môi trường đó. Gia đình Franch là những người săn bắn. Họ săn nai, săn sóc, những con vật hoang dã như heo rừng. Gia đình chồng tôi từ bao đời nay thích săn bắn nên họ lớn lên với những khẩu súng săn và từ nhỏ đã biết sử dụng súng. Những cây súng săn không phải chỉ bắn một viên đạn mà thông thường phải bắn ra nhiều viên đạn. Bởi vì người thợ săn không bao giờ muốn con vật bị bắn nhưng không chết. Nó bị thương và bỏ chạy. Họ sẽ mất rất nhiều thời gian để đi tìm. Nên họ phải hạ nó ngay bằng nhiều viên đạn. Một lý do khác là nơi bạn đang sống. Nơi tôi lớn lên không an toàn. Khi vợ chồng tôi có đứa con đầu lòng nơi chúng tôi sống hết sức mất an ninh. Xung quanh toàn là những thành phần nghiện ngập, trộm cắp và băng đảng. Nhà chúng tôi đã bị bọn  này đập cửa kiếng đột nhập vào nhà. Bạn làm gì? Chờ cảnh sát đến giúp chăng? Quá trễ. Phải mua súng để bảo vệ và chống lại trộm cướp.”

Mua súng để tự vệ

Càng có nhiều kẻ phạm pháp, giết người hàng loạt thì dân Mỹ càng mua súng. Người ta mua súng với lý do đơn giản là để tự vệ và chống lại những thành phần bất hảo.

Khi tâm lý xúc động còn chưa lắng dịu, dư luận vẫn lên tiếng gay gắt, nhất là gia đình các nạn nhân bị giết trong cuộc thảm sát tại Sandy Hook, Tổng Thống Obama quyết tâm thực hiện đưa ra đạo luật mới về mua bán, sử dụng súng. Ngay sau đó, tại Connecticute, New York người ta ào ạt đi mua súng.


“Mất trâu mới chịu làm chuồng”. Thảm trạng đau thương đã xảy ra nên người dân Mỹ mới phải chấp nhận những biện pháp mạnh để kiểm soát súng.

Bà Trần Thị Mỹ Dung

Ngày 13 tháng 1 năm 2013 đài truyền hình The RightScoop đưa một tin rất nóng và trở thành một bản tin hàng đầu. Tại cửa hàng bán súng Hoffman’s gun ở Newington, Connecticute, đã bán một linh kiện của các loại súng "Smith & Wesson loại M & Sport P15, súng trường bán tự động 10-vòng, có 2 hộp đạn trong đó bao gồm có 20 viên đạn loại 0,223 và một băng đạn MagPul với giá bán chỉ có $839. Nhiều người đã ào ạt đi mua và họ nói rằng mua để tự vệ, chống lại những kẻ điên loạn súng.(***)

Trong ngày 16 tháng 1, Tổng thống Obama lên đài truyền thông công bố và ký 23 sắc lệnh để các cơ quan hữu trách thi hành, cấm bán các loại vũ khí sát thương hàng loạt. Ông cũng quan tâm đến các vấn đề những bệnh nhân tâm thần để ngăn chặn các cuộc tàn sát đẫm máu tái diễn và cung cấp hỗ trợ để tăng cường an toàn cho các trường học.

Hôm thứ Ba 15 tháng 1, Hiệp Hội Súng toàn quốc lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ và vận động hành lang tấn công phủ đầu kế hoạch của Tổng Thống để chống lại việc kiểm soát súng, và cho rằng “kế hoạch kiểm soát súng đã thất bại nhiều lần. Nó cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đối với an toàn xã hội cũng như giảm bớt tội phạm.” Hiệp Hội  này hiện nay có 4.25 triệu thành viên và có thêm khoảng 250 ngàn người ủng hộ. Đây là một thách thức lớn cho tổng thống Obama.

Trung Tâm nghiên cứu Pew đã mở một cuộc khảo sát 1.502 người vào ngày 9 tháng 1 năm 2013 cho thấy đạo luật kiểm soát súng rất phức tạp bởi nó còn tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, đảng phái, quyền lợi, và trình độ văn hoá. Pew đã công bố một kết quả trái ngược nhau. Có 64% ủng hộ việc đưa nhân viên bảo vệ có vũ trang và cảnh sát vào kiểm soát các trường học và 32% không đồng ý. Một ý kiến khác cho rằng trang bị vũ khí cho giáo viên và viên chức nhà trường có súng để tự vệ, có 40% ủng hộ và 57% phản đối. Ngay trong hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cũng có sự chia rẽ rõ rệt: 56% đảng viên Cộng Hoà muốn giáo viên và nhà trường trang bị súng, trong khi đó đảng Dân Chủ chỉ có 23% tán thành. Nhưng hơn 85% dân cử của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ ủng hộ rộng rãi việc kiểm tra lý lịch của những người bán và mua súng để ngăn chặn những người bị bệnh tâm thần, và cấm bán những băng đạn có dung lượng cao hoặc bán vũ khí qua cách trực tuyến trên liên mạng.(****)

Sau biến cố vừa qua, cộng đồng Việt Nam cũng rất quan tâm, lo lắng. Bà Trần Thị Mỹ Dung, cán bộ Xã Hội và là Hiệu Trưởng trường Việt Ngữ Hùng Vương Tacoma, Seattle tâm sự về nỗi lo của bà trước những cuộc thảm sát tập thể trong những năm gần đây ngày càng nhiều và mức độ tàn ác của nó đã giáng xuống đầu những trẻ thơ vô tội. Bà nói:

Người dân biểu tình phản đối việc cho phép vũ khí tấn công tại Washington DC hôm 17/12/2012. AFP Photo / Paul J. Richards.
Người dân biểu tình phản đối việc cho phép vũ khí tấn công tại Washington DC hôm 17/12/2012. AFP Photo / Paul J. Richards.
“Thảm cảnh 26 nạn nhân bị sát hại tại 1 trường tiểu học đã gây chấn động mọi người, đem lại nỗi lo sợ hoang mang cho giới giáo viên, phụ huynh và học sinh.Tôi hoàn toàn không tán đồng ý kiến “giáo viên được mang súng vào trường để bảo vệ học sinh”. Khẩu súng làm phản tác dụng vai trò của một nhà mô phạm. Thầy cô giáo có trách nhiệm mở mang trí tuệ, nuôi dưỡng và phát triển sự hiểu biết cho tâm trí các em. Chúng ta không thể để hình ảnh khẩu súng gợi lên sự giết chóc ghê rợn len lỏi vào tâm hồn các em được. “Tăng cường an ninh cảnh sát bảo vệ trường học”. Điều  này có thể hữu hiệu, nhưng có lẽ khó thực hiện vì ngân khoảng dành cho nhân viên thừa hành là một vấn đề nan giải giữa lúc kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn suy thoái.

Thầy cô giáo rất lo ngại và cố gắng chú ý nhiều hơn, gia tăng các phương cách để bảo đảm sự an toàn cho học sinh. Chúng ta đề cao cảnh giác thật nghiêm túc, không được xao lãng. Phải quan sát người lạ mặt, để ý theo dõi những người ra vào trường học. Cần huấn luyện nhân viên của trường học để ứng phó trong tình huống nhà trường bị người cầm súng hăm dọa, tấn công. Và khi gặp trường hợp khẩn cấp, yêu cầu nhân viên công lực nhanh chóng hổ trợ cứu giúp kịp thời.”

Pew cũng tổng kết sự khác biệt giới tính, giáo dục về vấn đề súng. Có 51% nam giới bảo vệ quyền được sở hữu súng theo ý muốn, và 44% muốn phải kiểm soát súng. Phụ nữ ngược lại, họ quan tâm nhiều hơn về vấn đề an toàn cho gia đình. Đa số lên án bạo lực, phê phán gay gắt việc buôn bán vũ khí bừa bãi, vô trách nhiệm. Do đó, trong các cuộc thăm dò của Pew, phụ nữ chiếm 57% ưu tiên cho việc kiểm soát súng và chỉ có 38% người cho rằng ưu tiên quyền sở hữu súng. Phụ nữ cũng chiếm 67%, hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm vũ khí có sát xuất tàn sát cao, trong khi đàn ông chiếm 48%. Có hơn 75% phụ nữ hỗ trợ và tán đồng việc Liên Bang cần theo dõi chặt chẻ doanh số súng bán ra thị trường so với nam giới chỉ chiếm 61%. Ngược lại, đàn ông ưu tiên cho giáo viên và viên chức nhà trường có súng tại trường học là 47% so với phụ nữ chỉ chiếm 32%.

Bà Trần Thị Mỹ Dung cũng trình bày quan điểm của bà như sau:

“Tục ngữ Việt Nam mình có câu “mất trâu mới chịu làm chuồng”. Thảm trạng đau thương đã xảy ra nên người dân Mỹ mới phải chấp nhận những biện pháp mạnh để kiểm soát súng. Luật lệ kiểm soát súng quá dễ dãi. Có những người dùng súng thiếu tinh thần trách nhiệm, không bảo đảm cất giữ súng nơi an toàn, để con cái hoặc người khác lấy được súng và gây ra bao cảnh thương tâm trong quá khứ.”

Với kinh nghiệm gia đình và bản thân, bà Linda cũng cho biết những khe hở của luật pháp trong việc mua bán súng:

Bạn có thể mua những bộ phận của các loại súng rất dễ dàng trực tuyến trên Ebay và ráp lại mà không cần phải kiểm tra lý lịch. Bạn muốn mua súng bạn có thể đến Walmart mua dễ dàng không cần kiểm tra lý lịch nhưng nếu bạn muốn mua đạn thì chờ 7 ngày họ mới bán vì họ phải xem xét lại lý lịch của bạn. Điều đáng lo ngại là những tên giết người có thể mua nhiều bộ phận và ráp lại thành súng mà không cần phải qua sự kiểm tra lý lịch. Phải nghiêm cấm bán tất cả những gì có liên quan đến vũ khí trên liên mạng. Tại sao chúng ta có thể tiếp tục sống trong nỗi kinh hoàng như thế. Hôm nay là con em người láng giềng nhưng ngày mai con chúng ta sẽ là nạn nhân.”

Có thể nền giáo dục Đông Phương không thích hợp cho nền giáo dục tại Hoa Kỳ? Nhưng thiết tưởng những quan điểm của bà Mỹ Dung cũng có thể đánh thức phần nào sự suy nghĩ của nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học và các tổ chức nghiên cứu Xã Hội Học. Bà Trần Thị Mỹ Dung nói:

“Về mặt giáo dục, chương trình hoc của các cấp Tiểu Học và Trung Học thiếu phần hướng dẫn về Đức Dục và bộ môn Công Dân Giáo Dục. Bên cạnh đó ảnh hưởng của giáo dục trong gia đình, tự do quá mức, cha mẹ ly dị dễ dàng. Rồi môi trường sống của xã hội, gương xấu vây quanh, tác hại của phim ảnh cướp bóc băng đảng, bắn giết bừa bãi và trả thù không nương tay. Trẻ con bị đầu độc bởi các trò chơi video bạo lực, đánh đấm, bắn giết. Không có sự hướng dẫn lành mạnh. Thiếu tình yêu thương, thiếu lòng nhân ái, thiếu sự tha thứ cảm thông. Trong xã hội Mỹ, có nhiều người đã đang loại bỏ niềm tin, chính lý trong tâm hồn. Đó là điều mà mỗi người dân Mỹ phải nhận thức để sửa đổi.”

Người viết tự hỏi liệu rằng tiếng nói tha thiết, sự đòi hỏi và mơ ước có cuộc sống an bình, yên vui cho tương lai con em chúng ta có được thực hiện hay chăng? Và nước Mỹ sẽ đi về đâu? Tôi vẫn hy vọng, mong đợi có một cuộc góp ý rộng rãi của tất cả quý vị về đề tài  này. Xin đừng thờ ơ. Cầu xin ơn trên ban phước lành cho mỗi người chúng ta trong năm 2013.

---

Tài liệu tham khảo: Quý vị muốn biết thêm chi tiết xin và kiểm chứng nội dung vào các website dưới đây:

*http://www.reuters.com/article/2007/08/28/us-world-firearms-idUSL2834893820070828

**http://civilliberty.about.com/od/guncontrol/a/Women-Gun-Rights.htm

***http://www.therightscoop.com/people-flood-connecticut-gun-shop-to-buy-semi-auto-sporting-rifle-with-high-capacity-magazine-and-ammo/

****http://www.people-press.org/2013/01/14/in-gun-control-debate-several-options-draw-majority-support/

http://www.today.com/id/44690575/site/todayshow/ns/today-today_news/t/chicks-guns-some-million-us-women-pack-heat/

http://www.rawstory.com/rs/2012/04/04/nine-u-s-state-capitals-allow-right-to-bear-arms/

http://www.cnn.com/POLITICS/pollingcenter/polls/3375 )

http://www.people-press.org/2013/01/14/in-gun-control-debate-several-options-draw-majority-support

http://www.cnn.com/2013/01/15/politics/gun-law-polls/index.html?iid=article_sidebar

http://www.cnn.com/2013/01/16/politics/gun-laws-battle/index.html

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.