Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 2)
2010.07.19
Văn hóa khác biệt
Cái chết của cô gái 20 tuổi, Thạch Thị Hoàng Ngọc là vụ án mới nhất trong một dãy những án mạng xảy ra cho các cô dâu Việt lấy chồng Hàn qua những dịch vụ hôn nhân mà không có nhiều thời gian tìm hiểu nhau. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, và sự thiếu chuẩn bị tinh thần khi bước vào một cuộc hôn nhân đa chủng là những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thất bại trong cuộc sống vợ chồng và đôi khi, cái chết là kết quả của những lý do này.
Những gia đình nào có con cái có vấn đề tâm thần mà vẫn muốn kết hôn với người ngoại quốc thì phải thông báo với gia đình cô dâu.
Bà Kang Bok-Jung
Theo tờ Yonhap News của Hàn Quốc, ngày 14/7, nhiều người dân xứ Hàn cho rằng đây là một việc lớn hơn các cá nhân, nó là vấn đề của hai đất nước và họ không muốn điều này gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương nhưng họ cũng hiểu là người Việt đang rất giận và nếu như một công dân Hàn Quốc bị giết như thế này thì chắc chắn họ cũng sẽ rất giận dữ.
Cảnh sát thành phố Busan cho biết hiện vụ án đã được chuyển đến tay các công tố viên của tòa án và phiên tòa thẩm định vụ án sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Điều tra viên của ty cảnh sát thành phố nói rằng ông Jang sẽ bị buộc tội giết người vì họ đã có bằng chứng đầy đủ và theo luật Hàn Quốc, kẻ giết người sẽ phải trả số tiền khoảng 20.000 USD cho gia đình nạn nhân nhưng họ không rõ số tiền này sẽ được giao cho ông bà Thạch Sang khi nào, nhưng việc này chắc chắn sẽ xảy ra trước khi tòa kết án.
Ty cảnh sát cũng cho biết, ông Jang Du Hyo đang mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, do đó hình phạt tội giết người của ông có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, sự việc sẽ diễn tiến như thế nào trong tương lai thì phải đợi sự phán quyết của các thẩm phán, vì tại Hàn Quốc không có bồi thẩm đoàn.
Ngoài ra, dịch vụ môi giới hôn nhân đã giới thiệu cô Ngọc cho ông Jang cũng sẽ bị phạt vạ vì tổ chức này đã làm việc không có giấy phép của chính phủ nhưng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô Ngọc.
Bà Kang Bok-Jung, trưởng nhóm ủng hộ gia đình đa văn hóa, dưới quyền Bộ Gia đình và Bình đẳng giới của Hàn Quốc, cho biết.
“Tôi nghĩ đây là một điều rất đáng buồn. Hàn Quốc có một chương trình gia đình đa văn hóa rất chắc chắn. Hiện tại, Bộ Gia đình và Bình đẳng giới là đơn vị đứng đầu của chương trình này. Tôi nghĩ rằng giữa các gia đình và cục quản lý về vấn đề này nên có sự liên hệ chặc chẽ hơn. Những gia đình nào có con cái có vấn đề tâm thần mà vẫn muốn kết hôn với người ngoại quốc thì phải thông báo với gia đình cô dâu. Cuộc hôn nhân này đáng lý ra phải chấm dứt hoặc là ông Jang phải đợi đến khi ông ta hoàn toàn lành bệnh rồi mới kết hôn. Thật là một điều đáng buồn khi gia đình của ông Jang đã không nhận trách nhiệm trong việc này. Ông Jang phải nhận một bản án thích đáng cho tội ông đã phạm. Theo suy nghĩ của tôi, vụ án này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Có rất nhiều công ty và công dân Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam, họ sẽ phải chịu những ảnh hưởng không tốt.”
Gia đình và hàng xóm của ông Jang đã từ chối trả lời khi phóng viên RFA tại Hàn Quốc tiếp xúc với họ.
Vấn nạn xã hội
Thảm kịch như thế này xảy ra gần như mỗi năm. Những dịch vụ môi giới như thế này giống như là những công ty buôn người. Tôi nghĩ đây là một vấn nạn rất lớn cho xã hội
Bà Kang Bok-Jung
Bà Lee In-Kyoung, giám đốc trung tâm Gia đình đa văn hóa Uhulrim tại thành phố Busan, Hàn Quốc bày tỏ sự phẩn nộ.
“Tổ chức của chúng tôi tích cực phê bình những dịch vụ thương mại hôn nhân quốc tế. Thảm kịch như thế này xảy ra gần như mỗi năm. Những dịch vụ môi giới như thế này giống như là những công ty buôn người. Tôi nghĩ đây là một vấn nạn rất lớn cho xã hội khi chính phủ để cho việc này xảy ra.”
Hiện, tại Hàn Quốc có 171 trung tâm Ủng hộ gia đình đa văn hóa và 171 trung tâm này đều được chính phủ bảo trợ. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của phóng viên RFA khi tiếp xúc với những trung tâm này thì các nhân viên làm việc hầu như không nghe và nói được tiếng Anh. Do đó, dù các cô dâu Việt Nam hay một nước nào đó cần sự giúp đỡ thì cũng rất khó nhận được.
Khi chúng tôi tiếp xúc với đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thì thư ký của ông Trần Trọng Toàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Hàn Quốc, cho biết ông đại sứ không có thời gian để trả lời báo giới và không biết khi nào phóng viên RFA mới có thể lấy hẹn với ông.
Việt Nam và Hàn Quốc có một mối tương giao khá tốt và trong thời cận đại, sự thân thiện giao ban này thêm bền chặt với ngày càng nhiều công dân Hàn Quốc sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nền văn hóa Hàn cũng được người Việt trong nước đón tiếp nồng hậu qua những bộ phim tình cãm lãng mạng.
Tuy nhiên, đây chỉ là khía cạnh tích cực của Việt Nam đối với Hàn Quốc, liệu thật sự người dân Việt cũng có được sự ưu ái và tôn trọng này từ xứ sở Kim chi chăng khi ngày càng nhiều những cảnh các cô gái Việt Nam xếp hàng để đàn ông Hàn Quốc chọn làm vợ?
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng chính thức yêu cầu Hàn Quốc phải xin lỗi hay bồi thường cho cái chết của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc, vậy người dân Việt có thể nào nghĩ rằng nhà nước không quan tâm đến họ bằng những mối lợi về kinh tế không?
Theo dòng thời sự:
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 1)
- Cô dâu Việt bị chồng Hàn quốc giết chết
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?
- Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay
- Những suy nghĩ về hôn nhân dị chủng đã thay đổi như thế nào?
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?