Năm học mới, có gì mới?

Đầu tuần này là ngày chính thức khai giảng năm học mới 2010 - 2011 tại Việt Nam. Vậy năm học mới này có nhiều nét mới hay không?
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.08.19
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai,TPHCM. Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai,TPHCM.
Photo courtesy of zing.vn

Báo chí trong nước đều có bài viết cùng hình ảnh ghi lại mùa tựu trường trên toàn quốc, được quảng bá là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới, với nhiều kế hoạch, chỉ tiêu và sự đổi mới, vì sẽ có các đề án lớn được khai triển với chi phí đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.Vậy ngày khai trường sắp tới, thật sự  có nhiều nét mới hay không? Đỗ Hiếu hỏi chuyện Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trung học dân lập Lương Thế Vinh, ở Hà Nội, người thầy giáo có kinh nghiệm của gần 50 năm giảng dạy.

Nhiều dự án?

Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, theo dõi các báo online của Việt Nam, thì được biết học sinh cả nước vừa bước vào niên học mới, với nhiều sự phấn khởi, như tờ Thanh Niên có bài viết với hàng tít “ Tựu trường với nhiều nét mới, ông có ý kiến gì về sự “đổi mới” được báo đài nói tới?

Nếu báo chí nói có nhiều thứ mới, thì năm nào cũng có nhiều dự án đấy, nhưng nói là có điều gì thật sự mới trong giáo dục thì chúng tôi chưa thấy.

GS Văn Như Cương

GS Văn Như Cương: “Tôi cũng có đọc trên net về năm học mới, nhiều dự án mới, theo tôi thì tất cả những điều ấy không có gì mới cả, nói như thế có phải là nghịch lý không? Giáo dục của chúng tôi thì cho đến hiện nay, và trong năm học mới thì không có gì mới, nếu báo chí nói có nhiều thứ mới, thì năm nào cũng có nhiều dự án đấy, nhưng nói là có điều gì thật sự mới trong giáo dục thì chúng tôi chưa thấy.”

Đỗ Hiếu: Nếu Giáo Sư nói tựu trường năm nay không có gì mới hay chưa thấy chuyện gì mới, tuy nhiên giới phụ huynh thì lại âu lo về chuyện học phí, có thể tăng trong năm học 2010-2011, vậy điều đó có phải là mới không, vì khác với mức học phí cũ?

GS Văn Như Cương: “Cái chuyện học phí thì nhà nước đề ra bao nhiêu năm nay rồi, có đề nghị tăng lên, rồi lại không tăng, có nơi cho thực hiện, có nơi không thực hiện, thì tôi thấy điều đó, không có gì mới cả.”

Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi,TPHCM. Photo courtesy of mdc4rum.info
Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi,TPHCM. Photo courtesy of mdc4rum.info
Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, nói riêng về sách của học trò thì bộ Giáo dục khẳng định sẽ không tăng giá sách giáo khoa và đang chuẩn bị 90 triệu bản sách giáo khoa, từ lớp 1 đến lớp 12 phát hành cả nước, vẫn giữ theo giá của năm 2009, theo thầy thì đây có phải là chuyện mới không, vì thông thường, sách giáo khoa năm nào nội dung cũng thay đổi và giá thì cứ nhích lên hoài?

GS Văn Như Cương: “Không tăng giá sách giáo khoa thì đó là chuyện phải thôi, không phải bao giờ sách giáo khoa năm sau cũng tăng hơn năm trước, chuyện sách giáo khoa không tăng giá, thì cũng không có gì mới, nếu mà giảm giá sách thì mới là mới.”

Chỗ thừa chỗ thiếu

Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, từ lúc bắt đầu cuộc mạn đàm, thầy phát biểu ý kiến về những nét mới mà bộ Giáo dục cố giải thích với người dân, trong đó có thành phần phụ huynh và học sinh là chiếm đa số, tuy nhiên có một chuyện khá cũ mà vẫn được xem là một vấn đề mới , đó là tình trạng thiếu giáo viên, theo Giáo Sư thì bộ Giáo dục, Đào tạo có cách gì để khắc phục sự thiếu hụt này không?

Không phải bao giờ sách giáo khoa năm sau cũng tăng hơn năm trước, chuyện sách giáo khoa không tăng giá, thì cũng không có gì mới, nếu mà giảm giá sách thì mới là mới.

GS Văn Như Cương

GS Văn Như Cương: “Thiếu giáo viên à, ai nói là thiếu giáo viên, nói thật ra là có nơi rất thừa giáo viên, có nơi rất thiếu. Bây giờ, các sinh viên sư phạm tốt nghiệp, là thầy cô giáo đó, có đủ bằng cấp rồi mà không tìm ra việc làm, thế là thừa hay thiếu? Còn ở các vùng sâu, vùng xa, không có đủ giáo viên, như thế là thiếu, nhưng lại có chỗ thiếu, chỗ thừa. Nếu tổng kết hết số giáo viên so với số học sinh cả nước thì xem thừa hay thiếu? Đúng không à, thiếu chỗ này lại thừa chỗ kia. Chuyện ấy vẫn luôn luôn có, cho nên không thể nói là Việt Nam thiếu giáo viên, mà nếu nói rằng thiếu giáo viên, nhưng tôi nói là có thừa giáo viên, thì điều đó vẫn đúng.”

Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, báo chí cũng có bài viết đặt vấn đề là cha mẹ cần phải chuẩn bị gì, khi con em mình bước vào niên học mới, rồi cho biết ngay đó là chuyện chạy tiền, nhưng ngoài việc chi tiền thì phụ huynh còn có nhu cầu nào khác,  khi lo cho con được ăn học?

Học sinh lớp 1 Trường Chính Nghĩa, quận 5,TPHCM. Photo courtesy of nld.com.vn
Học sinh lớp 1 Trường Chính Nghĩa, quận 5,TPHCM. Photo courtesy of nld.com.vn
GS Văn Như Cương: “Cha mẹ học sinh cần cái gì khi cho con em đến trường, tất nhiên là tiền, người ta nói như thế, tôi đồng ý rồi, phải có tiền để mua sắm cho con, phải mua sách giáo khoa, nhưng cần chuẩn bị cái gì nữa, thì nếu đúng như trước kia, thì chẵn phải lo gì cả. Nếu giáo dục có sự thay đổi, thì khi đó mới chuẩn bị tinh thần cho các bố mẹ, xin nói thêm là nền giáo dục của chúng tôi chưa có gì đổi mới cả mà cứ như cũ thôi.”

Đỗ Hiếu: Hướng về tương lai nền giáo dục nước nhà, thì Giáo Sư có ý nghĩ lạc quan không?

GS Văn Như Cương: “Tất nhiên tôi phải kỳ vọng vào một sự thay đổi sâu sắc của nền giáo dục Việt Nam, nói tóm lại, cái sự thay đổi ấy là gì? Giáo dục Việt Nam cần đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đang đổi mới, đang đòi hỏi, làm điều cần phải làm ngay. Sự đổi mới, phát triển của xã hội, yêu cầu thế nào thì giáo dục phải đáp ứng, hiện nền giáo dục của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Sự đổi mới là điều tất yếu, phù hợp với nhu cầu, với sự biến đổi của kinh tế và đời sống xã hội, nếu giáo dục không đổi mới thì không thể nào đáp ứng và thực hiện được những đòi hỏi đó.”

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Giáo Sư Văn Như Cương đã dành thời giờ cho RFA chúng tôi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.