Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp với các bộ ngành để thu thập ý kiến trong việc thực hiện chính sách pháp luật về tiến trình thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo giáo dục đại học.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.04.13
Nơi dạy học và văn phòng Trường ĐH Tây Đô. Nơi dạy học và văn phòng Trường ĐH Tây Đô.
Photo courtesy of giaoduc.edu.vn

Quy mô vượt xa năng lực

Hiện diện tại phiên họp, có phó chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng và phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Theo báo chí đưa tin về phiên họp này thì chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập.

Đoàn giám sát thuộc  ủy ban thường vụ quốc hội đã đúc kết khá đầy đủ về bức tranh tổng hợp nền giáo dục đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay, với kết luận cho rằng những hạn chế, bất cập đang là nỗi lo âu, băn khoăn của toàn xã hội.

Một số hiện tượng còn tồn tại, vướng mắt được đoàn giám sát nêu lên gồm có: quy mô đào tạo vượt xa năng lực, không tương xứng với sự phát triển của đội ngũ giáo viên, kế đó là chuyện giáo viên “chạy show” dạy tới 1000 tiết, một năm, trong khi quy định chỉ cho phép dạy 260 tiết, mỗi năm.

Hiện nay vấn đề bức xúc nhất đối với giáo dục đại học Việt Nam là chiến lược thấp, số lượng mình đã nhiều, cái quy mô đã vượt quá năng lượng thục tế giáo dục đại học.

Ô. Trần Hồng Quân

Ngoài vấn đề nhân lực, thành phần giảng dạy, đội ngũ thầy cô, cơ sở vật chất của các trường cũng là điều rất đáng ngại, với diện tích chật hẹp, chưa có cơ sở riêng, vì thề có nhiều trường hợp nhà trường dùng lợi nhuận đầu tư vào bất động sản thay vì dồn ngân sách vào công việc đào tạo.

Ngoài những thiếu thốn về trang bị, điều kiện học tập, ăn ở, sinh viên còn phải chen chúc, khó khăn lắm mới tìm một chỗ ngồi hay đứng nơi giảng đường. Theo quy định của bộ giáo dục thì,  diện tích phòng học, giảng đường phải đạt tiêu chuẩn 6m2 cho một sinh viên, trên thực tế tại đại học luật Hà Nội, mỗi sinh viên chỉ chia nhau có 0,65 m2, các trường đại học kinh tế, kỹ thuật ở Sài Gòn chỉ có được 1m2, cho mỗi sinh viên.

Với những hạn chế và bất cập về giáo dục được ủy ban thường vụ quốc hội ghi nhận và đệ trình phiên họp khoán đại vào tháng 5 tới, Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi chuyện ông cựu bộ trưởng giáo dục đào tạo Trần Hồng Quân, thì được ông phân tích như sau:

Nhà hàng Vườn Hồng, nơi sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đang học. Photo courtesy of giaoduc.edu.vn
Nhà hàng Vườn Hồng, nơi sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đang học. Photo courtesy of giaoduc.edu.vn
“Hiện nay vấn đề bức xúc nhất đối với giáo dục đại học Việt Nam là chiến lược thấp, cũng không thể nói, số lượng mình đã nhiều, cái quy mô đã vượt quá năng lượng thục tế giáo dục đại học. Phải phấn đấu để nâng cao năng lực lên, được thể hiện bằng, thứ nhất là đội ngũ giáo viên phải đủ và có chất lượng, thứ hai là cơ sở vật chất, nếu có ai đó mà nói mình đã lạm phát đại học, quy mô quá lớn, đất nước chúng ta với hơn 60 triệu dân, số lượng sinh viên đại học chưa phải là nhiều. Phải nâng cao chất lượng đồng thời không thể hạ số lượng, mà có thể nâng cao chất lượng được, vấn đề là ở chỗ đấy. Đây là một vấn đề khó giải quyết, vì đào tạo thầy giáo cần phải có thời gian.”

Phương hướng giải quyết

Về phương hướng giải quyết những bất cập đó, ông Trần Hồng Quân đưa ra một số đề nghị thực tiễn:

“Ngay cả việc đào tạo đội ngũ cũng vậy, hay phát triển cơ sở vật chất cũng thế, đều phải huy động thêm nguồn lực, về phía nhà nước cũng đã cố gắng, với ngân sách dành cho giáo dục đã hơn 20% rồi, do đó cần phải huy động thêm lực lượng ngoài xã hội, cần phải làm mạnh tay, hiện nay chúng ta chưa mạnh tay lắm, để huy động thêm lực lượng xã hội. Nếu có thêm tiềm lực lớn về phương diện tài chánh, thì mình có thể phát triển cơ sở vật chất, đồng thời đào tạo thêm đội ngũ giáo chức, đương nhiên là nó khó hơn vì đòi hỏi phải có thời gian. Hiện nay với khoảng 60 ngàn thầy cô giáo đại học cao đẳng, chúng ta phải cần đào tạo thêm, ít ra là 2 phần 3 số đó nữa,  hoặc gấp đôi tức là thêm một phần như thế nữa, thì mới tạm đáp ứng nhu cầu hiện nay, do đó, nếu muốn tính thời gian thì có thể tính được.”

Hiện nay với khoảng 60 ngàn thầy cô giáo đại học cao đẳng, chúng ta phải cần đào tạo thêm, ít ra là 2 phần 3 số đó nữa.

Ô. Trần Hồng Quân

Ngoài những hạn chế và bất cập về mặt chất lượng giảng dạy, học phí đại học năm nào cũng tăng cao, các trường công lập hay ngoài công lập đều tính mức học phí đến hàng chục triệu đồng mỗi năm. Học phí thấp nhất là trên dưới 5 triệu đồng một năm, tùy ngành học, còn đối với đại học quốc tế thì sinh viên phải chi 150 triệu đồng/một năm.

Ông Nguyễn Trần Phong, một công chức ở Sài Gòn có con học đại học nói, khi nhìn vào mức học phí lên tới hàng chục triệu mỗi năm thì người ta xem các trường đại học là cơ sở kinh doanh chứ không còn là nơi giảng dạy, đào tạo nhân tài cho đất nước nữa:

“Với con số 40 hay 50 triệu đồng học phí đại học thì báo chưa nêu lên đó là chi phí đóng cho trường hay còn những món tiền khác phải nộp thêm. Bình quân nếu cần đóng 4,5 triệu đồng tiền học mỗi tháng thì mức lương một công nhân viên không thể nào đạt  tới con số đó được. Theo tôi thì ngành giáo dục đang kinh doanh, chứ phông phải phục vụ cho nhu cầu phát triển xã hội, đầu tư cho tương lai. Thi nhau mở trường nhưng chất lượng giảng dạy, đầu vào, đầu ra đều không bảo đảm. Với học phí cao như vậy, liệu phụ huynh hay sinh viên có đủ khả năng để bước vào ngưỡng cửa đại học hay không?” 

Qua lời góp ý của một nguời từng lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam thì mặc dù gặp lắm khó khăn bất cập, tuy nhiên nếu toàn xã hội muốn sớm chấm dứt những âu lo, mọi người cần phải kiên trì dồn mọi nỗ lực, chứ không nên giao tất cả trọng trách cho chánh phủ hay thành phần giáo chức, hậu quả sẽ có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, có nghĩa là hàng trăm năm về sau, vì việc đào tạo nhân tài cho một đất nước tiến bộ, văn minh, thịnh vượng,  là kế hoạch phải chu toàn đúng hướng và hiệu quả, ngay từ bây giờ.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.