Gần 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong năm 2009
2010.03.07
Thanh Trúc trao đổi với bà Helen Huntley, giám đốc Viện Giáo Dục Quốc Tế ở Hà Nội, và thực hiện bài tường trình chi tiết sau đây:
Một trong 10 nước dẫn đầu về du học sinh tại Mỹ
Số du học sinh Việt Nam đang học tại các đại học và các trường cao đẳng ở Hoa Kỳ tính đến 2009 đã lên gần 13.000, đưa Việt Nam vào danh sách mười quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng du học sinh đến Mỹ học tập.
Đó là số liệu mới nhất từ phúc trình thường niên Open Doors 2009 của International Institute Of Education tức Viện Giáo Dục Quốc Tế, gọi tắt là IIE.
Nói một cách khác, từ 2008 đến 2009 đã có mười hai nghìn tám trăm hai mươi ba sinh viên Việt Nam sang du học ở Hoa Kỳ, tăng khoảng bốn nghìn so với năm trước đó.
Hiện Việt Nam được xếp hạng chín trong top mười quốc gia có đông sinh viên đến Hoa Kỳ nhất.
Từ Hà Nội, bà Helen Huntley, giám đốc Viện Giáo Dục Quốc Tế ở Việt Nam, cho biết: “Năm 1998, 1999, khoảng 1587 du học sinh Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ, đến 2009 thì tăng thành 12.823, có nghĩa là trong mười năm tiếp theo thì cứ mỗi năm mỗi tăng một cách đều đặn, đặc biệt nhanh nhất là năm ngoái với khoảng bốn ngàn.”
Theo tính toán của IIE ở Việt Nam, tỷ lệ tăng 46,2% vừa nói cũng là mức tăng mạnh nhất trên thế giới trong năm 2009, giúp Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng mười nước có số lượng sinh viên du học Mỹ nhiều nhất.
Hoa Kỳ có hệ thống giáo dục tốt nhất
Vì sao Hoa Kỳ có sức thu hút đối với sinh viên học sinh Việt Nam đến vậy. Bà Helen Huntley cho biết:
Sinh viên Việt Nam nghĩ rằng Hoa Kỳ có nền giáo dục dựa căn bản trên khoa học và kỹ thuật tiên tiến, họ cũng tin rằng ngành cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ là hệ thống giáo dục tốt nhất.
Bà Helen Huntley, GĐ IIEVN
“Kết quả thăm dò mà Open Doors thực hiện ở Việt Nam năm ngoái cho thấy lý do sinh viên học sinh Việt Nam thích đến Mỹ học là vì sự đa dạng của các trường và của những chương trình học sẵn có tại quốc gia này, là điều mà Việt Nam còn thiếu.
Sinh viên Việt Nam nghĩ rằng Hoa Kỳ có nền giáo dục dựa căn bản trên khoa học và kỹ thuật tiên tiến, họ cũng tin rằng ngành cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ là hệ thống giáo dục tốt nhất.”
Dưới mắt sinh viên học sinh Việt Nam, bà Helen Huntley nói tiếp, Hoa Kỳ hoặc chính sách của nước Mỹ là mở rộng cánh cửa cho du sinh quốc tế, được học ở đất nước này là một kinh nghiệm đáng quí.
Một điểm khác mà Open Doors thu thập được qua bản thăm dò ý kiến sinh viên học sinh Việt Nam là giới trẻ Việt Nam tin rằng học ở Mỹ sẽ có nhiều điều thú vị, nghĩa là ngoài việc học ra thì môi trường sống cởi mở nơi đây khiến sinh viên cảm thấy thoải mái, thích thú và yên tâm học hành.
Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE
Để giúp sinh viên học sinh Việt Nam cơ hội tiếp cận những thông tin liên quan đến việc du học tại Hoa Kỳ, Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE ở Việt Nam sẽ tổ chức hai cuộc triễn lãm, đúng ra là hai buổi giới thiệu về giáo dục, tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 và tại Hà Nội là ngày 11.
Đây là dịp cho sinh viên học sinh trong nước gặp gỡ, tìm hiểu và trao đổi trực tiếp với đại diện của hơn ba mươi trường đại học và trường cao đẳng ở Mỹ. Những ngành học nằm trong tầm ngắm của giới trẻ Việt Nam hiện giờ như Quản Trị Kinh Doanh, Tài Chính, Khoa Học, Công Nghệ vân vân… sẽ được trình bày cụ thể tại các buổi xê mi na (seminar) trong khuôn khổ hai cuộc triển lãm sắp đến.
Những cuộc triển lãm đó tạo điều kiện cho phụ huynh và sinh viên trực diện đặt câu hỏi cùng đại diện các trường đại học Mỹ. Mọi thắc mắc như ghi danh, bài thi, học bổng, các khóa học …sẽ được giải đáp cặn kẽ.
Đối với giám đốc IIE Việt Nam: “Mục đích khác của cuộc triển lãm sắp tới là cung cấp tất cả những thông tin cần thiết để sinh viên học sinh Việt Nam có được cái nhìn tự do và khách quan đối với những cơ hội học tập tại Hoa Kỳ.”
Mục đích khác của cuộc triển lãm sắp tới là cung cấp tất cả những thông tin cần thiết để sinh viên học sinh Việt Nam có được cái nhìn tự do và khách quan đối với những cơ hội học tập tại Hoa Kỳ.
Bà Helen Huntley, GĐ IIEVN
Được hỏi với số lượng du học sinh Việt Nam tăng mạnh như phúc trình Open Doors 2009 thì hướng tới năm 2010 này của IIE Việt Nam ra sao, bà Helen Huntley trả lời rằng “Viễn ảnh của năm nay là số du học sinh từ Việt Nam qua Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên vì nhiều lý do mà cái chính là kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng.”
Bà nhận định là: “Tuy kinh tế Việt Nam năm ngoái có phần chựng lại dưới tác động của sự suy trầm toàn cầu, song Việt Nam đã mau chóng gượng dậy, những gia đình tương đối dư ăn dư mặc vẫn nghĩ đến chuyện gởi con đi học ở ngoài trong lúc những xuất học bổng hay tài trợ luôn được thông báo ở trong nước.”
Một cách tổng quát, giám đốc IIE Việt Nam kết luận, cha mẹ Việt Nam, đặc biệt phụ huynh các tỉnh phía Nam, đánh giá cao khả năng giáo dục của Hoa Kỳ, bởi thực tế cho thấy sinh viên có bằng cấp của Mỹ, nói khác đi là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đẳng cấp quốc tế ở bên ngoài mà khi trở về thì rất được chuộng và rất dễ kiếm việc.
Theo dòng thời sự:
- Chia sẻ kinh nghiệm du học (phần 1)
- Chia sẻ kinh nghiệm du học (phần 2)
- Ý kiến hữu ích cho các sinh viên muốn du học Hoa Kỳ (phần cuối)
- Xung quanh dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh
- Giáo dục Việt Nam theo nhận định của các Đại học Mỹ
- Chất lượng đại học Việt Nam
- Vấn đề dạy và học tiếng Anh hiện nay
- Trường Tư không phải “trường Ta”
- Vì sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào giáo dục?