42 năm, lại nói chuyện hòa hợp hòa giải

Cát Linh, phóng viên RFA
2017.04.21
000_APH2000041810580.jpg Tổng thống Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của Sài Gòn, rời dinh tổng thống ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh.
AFP photo

 

Tròn 42 năm kết thúc cuộc nội chiến của người dân Việt Nam, tháng 4 năm 1975 – 2017, vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc được nhà nước Việt Nam nhắc đến nhiều lần nhưng thực tế như thế nào?

Rất khó

Trong suốt mấy mươi năm đó, không phải một lần, mà rất nhiều lần, cụm từ “hoà hợp hoà giải dân tộc” được nhắc đến trong các cuộc họp Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, hay bất cứ nơi nào có lời phát biểu của những vị đứng đầu nhà nước.

Cụ thể là Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị và nghị quyết 23 NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Chưa kể đến những chương trình giao lưu họp mặt do Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Thế nhưng, 42 năm, một quãng thời gian đủ dài để đánh dấu sự trưởng thành của một con người, nhưng không đủ nhiều để cho một dân tộc có thể quên đi những tổn thương nặng nề do chiến tranh để lại. Đó cũng là điều Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận thấy về chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc:

“Tôi nghĩ vấn đề hoà giải dân tộc là một vấn đề rất là khó, do lịch sử để lại rất nhức nhối. Người ta nói nhiều về chuyện ấy nhưng làm không được mấy, bởi vì cái hố ngăn cách giữa bên này bên kia, người này người nọ, nhất là hố phân cách do cái tư duy chỉ có đen và trắng.”

Tôi nghĩ vấn đề hoà giải dân tộc là một vấn đề rất là khó, do lịch sử để lại rất nhức nhối
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Đối với ông, thực chất cuộc sống phong phú hơn rất nhiều. Giữa đen và trắng còn có màu xám và triệu gam màu khác tồn tại ở giữa.

Không cần suy xét đâu xa, chỉ cần nhìn lại những sự kiện diễn ra rất gần đây, có thể thấy cái khó mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A e ngại hoàn toàn có cơ sở.

Chỉ trong nửa đầu năm 2017, Hàng loạt những câu chuyện “cười ra nước mắt” đã diễn ra ngay trong xã hội Việt Nam, nơi có cả người thuộc “bên này”, kẻ thuộc “bên kia” cùng chung sống.

Từ việc  ra mắt cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Trương Vĩnh Ký bị "lệnh miệng" đình lại cho đến những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng từ trước năm 1975, cụ thể là năm ca khúc Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương)  bị cấm hát vĩnh viễn, rồi lại cho phép trình diễn trở lại vài ngày sau đó.

Theo lời giải thích của ông Lương Hồng Quang, việc cấm các ca khúc trước 1975 hoàn toàn không liên quan đến ý thức hệ, mà vấn đề là do Việt Nam đang tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ. Và ông cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước đang gặp nhiều lúng túng.

Có lẽ cái lúng túng ông Lương Hồng Quang nhắc đến chính là gam màu xám ở giữa mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhắc đến?

Từ Nghệ thuật

Mặc dù, không thể phủ nhận rằng rất nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc đã quay trở về phục vụ cho người Việt trong nước sau mấy mươi năm rời quê hương. Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Đông Thức, từ Sài Gòn có đưa ra một nhận xét: “Cho tới giờ, tất cả những show diễn của Phạm Duy, Khánh Ly đều không được phép quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, một cái bandrole cũng không có. Cuộn phim tài liệu về Phạm Duy về nước làm tám năm nay vẫn không được phép phát hành!”

Ông từng nói mình không tin bên nội địa thật lòng. Những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải là “Màu mè, hình thức thôi. Còn lâu mới có hoà hợp hoà giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu.”

Còn lâu mới có hoà hợp hoà giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu.
- Nhà văn Nguyễn Đông Thức

Vào đầu năm nay, tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 2016, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hoa) về tham dự.

Nhà văn Phạm Phú Minh, được biết với bút danh là Phạm Văn Đài, từ California khẳng định không thể thực hiện được trong thời gian này. Ông tiếp nhận và xem sự việc này như “thái độ thăm dò có tính chính trị.” Đặc biệt ông khẳng định điều đó cần một thời gian rất dài, nếu không muốn nói là rất khó xảy ra.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đặt ra sự nghi vấn về “thâm ý chính trị”.

“Đối với Hữu Thỉnh, trước mắt phải làm sao để Hội nhà văn tồn tại và có kinh phí tồn tại. bây giờ phải bày ra chuyện để làm. Thực chất nó là như vậy và nó nằm trong chủ trương chiêu dụ người Việt hải ngoại.”

“Thứ hai nữa là họ muốn làm cũng không có khả năng, vì việc đi quan hệ tiếp xúc và thuyết phục giới nhà văn hải ngoại để về nước rồi nói cái gì là vô cùng khó đối với họ. Ở đây chỉ có vài văn đoàn độc lập mà họ còn không chịu tiếp cận, không chịu tiếp xúc không chịu chia sẻ thì làm sao tiếp cận giới nhà văn hải ngoại?”

Một đám tang người lính Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa, nay được gọi là nghĩa trang Bình An. Ảnh chụp hôm 29/4/1975.
Một đám tang người lính Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa, nay được gọi là nghĩa trang Bình An. Ảnh chụp hôm 29/4/1975.
AFP photo

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết, sau khi đề ra Nghị quyết 36, rất nhiều trí thức hải ngoại nói chung vẫn chưa tìm được tiếng nói tương đồng với chính quyền Việt Nam. Sức mạnh sáng tác của họ vẫn phải bó hẹp trong những qui chuẩn mang tính chính kiến.

Tất cả những nhận xét ấy cho thấy có một tầng lớp thuộc giới trí thức trong xã hội Việt Nam chưa tin rằng hoà hợp hoà giải sẽ là điều có thể xảy ra.

Đến văn hoá

Khi chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam vẫn đang được kêu gọi, thì trong lúc đó, người dân Sài Gòn phải ngậm ngùi chia tay từng di tích văn hoá lịch sử một. Từ hình ảnh Thương xá Tax từng đi vào ca khúc Chiều trên phá Tam Giang của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cho đến những bậc tam cấp giản dị của nhà hát Công Nhân, thánh đường cải lương được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước… tất cả lần lượt bị xoá bỏ.

Người dân tiếc thương như một phần ký ức cuộc đời của họ bị lấy mất. Họ không chấp nhận đó là sự thay đổi theo chủ trương phát triển của quốc gia.

Những trận đánh Gạc Ma, chiến tranh biên giới hoàn toàn không tồn tại trong sách giáo khoa lịch sử thời Xã hội chủ nghĩa. Người trẻ đi tìm kiếm thông qua thế giới mạng, để họ kêu gọi nhau trân trọng những gì vốn dĩ thuộc về sự thật và lịch sử.

Thừa nhận lịch sử

Nói về vấn đề này theo phương diện sử học, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến hoà hợp hoà giải dân tộc, đó là thừa nhận vai trò của Việt Nam Cộng Hoà.

“Theo tôi bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, nó sẽ dễ dàng hoà hợp."

“Các nhà nghiên cứu, làm sử đặt ra vấn đề là phải thừa nhận Việt Nam Cộng hoà là một thực thể. Trong giai đoạn đó có một thực thể, trong đó có vấn đề đối nội đối ngoại, có những điểm tốt, không tốt, lịch sử phải khách quan. Ví dụ như trong vấn đề Hoàng Sa, phải chấp nhận là Việt Nam Cộng hoà đã có trách nhiệm, và Hoa Kỳ cũng đã có phản ứng. Mà khi có phản ứng tức là Trung Quốc đã xâm lược. Đó là một điều phải khẳng định.”

Khi nói về hoà hợp hoà giải ở lĩnh vực văn học trước đây, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên có bày tỏ rằng để đi đến sự hoà hợp đó thì

“Về phía phát tín hiệu trong nước là thật tâm, thật tình. Và phía người Việt ngoài nước là con dân mang trong mình dòng máu Việt, thấy đó là thật tâm thật tình thì đáp ứng.”

Đây cũng là một yếu tố được Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc đến phương cách thực hiện chủ trương hoà hợp hoà giải.

“Nếu người cầm quyền mà người ta có thật tâm, lúc đó đã có những hành động, cử chỉ có thể tạo điều kiện cho điều khoản này thực hiện tốt hơn, êm thấm hơn, nhưng đáng tiếc nó đã không xảy ra.”

“Có lẽ là phải đợi đến thế hệ sau, thế hệ mà ký ức đau buồn đó nó đã bớt đi rất nhiều. Những người mà không sinh ra sau năm 1975. Hiện tại số người đó chiếm một phần rất lớn của người Việt ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ chỉ có những người thoát ra khỏi cái tư tưởng trắng đen đó, thắng thua, Bắc Nam…lúc đó chuyện này mới tiến triển được.”

Nhân nói đến thế hệ trẻ, câu chuyện về những thanh niên sinh ra sau năm 1975 bày tỏ thái độ và chí hướng đối với lá cờ của Việt Nam Cộng hoà trên mạng xã hội được nhắc đến. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đó là những người trẻ vẫn còn mang nặng tư duy trắng đen.

Theo tôi bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, nó sẽ dễ dàng hoà hợp.
- Tiến sĩ Nguyễn Nhã

“Nếu họ thoát khỏi tư duy đó thì có lẽ họ không gợi lại cái đấy để làm gì, mà xây những viên gạch mới, viên gạch khác thay vì những việc làm cho hố ngăn cách càng nhức nhối thêm.”

Chiến tranh kết thúc 42 năm. Song không thể phủ nhận trong tâm trí của người dân Việt Nam yêu nước vẫn còn đó nỗi trăn trở sâu thẳm bởi vết thương chiến tranh của dân tộc Việt Nam quá lớn. Thế nhưng, cũng có rất nhiều người đặt hy vọng như Tiến sĩ Nguyễn Quang A,“mọi người bắt tay vào làm những việc chung như kinh doanh, học tập, sáng tạo, tìm ra những giá trị mới trong khoa học, văn học nghệ thuật, chứ không cần phải nói đến những điều to tát nhưng trống rỗng.”

Thông điệp này có lẽ không xa lạ với những ai đọc qua sự tích Trăm trứng nở trăm con và câu chuyện cổ tích về bài học Bó đũa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.