Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, con vua leo núi Lê Thành Cát

Thưa quý thính giả, hồi xưa khán giả cải lương thích đặt tên cho người nghệ sĩ mà mình ái mộ và cái tên do khán giả đặt cho trở thành tên gọi chính thức của nghệ sĩ đó, làm cho người đời quên đi tên thật hay nghệ danh mà người nghệ sĩ đã tự chọn.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2008.11.16

Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng và cố nghệ sĩ Hoàng Giang.  Hình ngocanh. Nguồn: cailuongvietnam.com.
Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng và cố nghệ sĩ Hoàng Giang. Hình ngocanh. Nguồn: cailuongvietnam.com.
Photo courtesy of cailuongvietnam.com
Tôi biết có nhiều trường hợp trong lãnh vực danh ca hãng dĩa nhựa như cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, trong hát bội và kịch nghệ có bà Năm Sadec, trong cải lương có cô Lý Ngọc Thơ, cô Ba Tơ Vương và Bo Bo Hoàng…

Cô Lý Ngọc Thơ tên thật là gì không ai biết, chỉ biết đó là một cô nữ sinh thật đẹp, ca hát thật hay, cô thủ diễn vai Lý Ngọc Thơ trong tuồng Tối Độc Phụ Nhơn Tâm của giáo sư Phạm Công Bình sáng tác năm 1921 và tập cho học sinh trường tư thục Huỳnh Công Phát hát trong năm 1923. Diễn viên là giáo sư và các học sinh. Cô nữ sinh đóng vai Lý Ngọc Thơ đã được báo chí, khán giả và người đời gọi là Lý Ngọc Thơ mà quên đi cái tên do cha mẹ cô đặt cho trong tờ khai sinh chính thức của cô.

Cô Ba Tơ Vương là tên của khán giả và báo chí kịch trường gọi diễn viên thủ diễn vai cô Ba Tơ Vương trong tuồng Tơ Vương Đến Thác của tác giả Ngô Vĩnh Khang, phóng tác theo tiểu thuyết Pháp La Dame Aux Camélias diễn năm 1940. Cô Ba Tơ Vương nổi danh tài sắc một thời và người đời cũng không biết tên thật của cô.

Diễn viên Bo Bo Hoàng cũng là tên do khán giả gọi nghệ sĩ Thanh Hoàng khi cô diễn thành công vai Bo Bo trong tuồng Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An trong đợt khai trương bảng hiệu đoàn hát Thủ Đô trong thập niên 60. Cô giữ tên Bo Bo Hoàng thành nghệ danh mà cô xử dụng cho đến nay.

Xuất thân con nhà nòi

Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tên thật là Lê Thị Hoàng, sinh năm 1949 tại quận Nhứt Saigon thuộc về con nhà dòng dõi nghệ sĩ tài danh. Ông nội là Lê Thành Lư, bầu đoàn hát cải lương; Ông ngoại là Bầu Đẩu, bầu gánh hát bội; Mẹ tên là Ngọc Tín, nữ nghệ sĩ cải lương tài danh; Cha là nghệ sĩ Lê Thành Cát, diễn viên kiêm quản lý đoàn hát cải lương.

Nghệ sĩ Lê Thành Cát có lúc là bầu gánh hát Cải Lương Tinh Hoa - Lê Thành Cát nhưng ông nổi tiếng là Phượng Hoàng Lê Thành Cát, vua leo núi nhờ ông là tay đua xe đạp lừng danh, đã thắng oanh liệt trong chặn đua leo núi và đổ dốc đèo Hải Vân trong cuộc đua xe đạp vòng Đông Dương do trung tá hải quân Ducouroy tổ chức năm 1940. Phượng Hoàng Lê Thành Cát, vua leo núi là tên do báo chí thể thao tặng danh hiệu nầy, ông dùng nó đặt tên cho con trai là Lê Thành Phượng và con gái là Lê Thanh Hoàng.

Thanh Hoàng khi lên 4 tuổi đã theo cậu mợ là hề Tấn Lập và nữ nghệ sĩ Lệ Út hát cho đoàn Hoa Sen. Vai diễn đầu tiên của nữ nghệ sĩ tí hon Thanh Hoàng là ca tân nhạc trong lớp hoa sen nở tuồng Đoàn Chim Sắt của soạn giả Trần Văn May đoàn hát Hoa Sen.

Năm 1956, 7 tuổi Thanh Hoàng hát vai kép con trên sân khấu đoàn Tinh Hoa - Lê Thành Cát.

Năm 1957, Thanh Hoàng được nghệ sĩ bậc thầy Minh Tơ đào luyện một lượt với các nghệ sĩ tí hon con nhà nghề như Thanh Tòng, Thanh Loan, Xuân Yến, Bửu Truyện, Thanh Thế, Trường Sơn, Vũ Đức. Bé Thanh Hoàng hát vai Điêu Thuyền, Thanh Tòng vai Lữ Bố, Lê Thành Phượng vai Đổng Trác, Xuân Yến vai hề Cai Hưỡn khai trương đoàn hát Đồng Ấu Minh Tơ. Đoàn hát nầy được đánh giá như là một trường chuyên đào tạo nghệ sĩ cải lương tài danh mà hiện nay giới ái mộ sân khấu cải lương còn biết danh và thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ do Đồng Ấu Minh Tơ đào tạo như các nghệ sĩ Thanh Tòng, Đức Phú, Trường Sơn, Thanh Loan, Bạch Lê, Xuân Yến, Thanh Hoàng, Hoàng Trinh, Vũ Đức, Bữu Truyện, Thanh Thế…

Nổi danh với cải lương hồ quảng

Năm 1961, 13 tuổi, nữ nghệ sĩ Thanh Hoàng cùng với nghệ sĩ Đức Phú nổi danh trong tuồng cải lương hồ quảng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, khai sanh một thể loại sân khấu mới được gọi là tuồng cải lương hồ quảng, lấy các bài ca hồ quảng trích trong các phim Đài Loan làm bài ca chánh trong vở hát. Đoàn hát Minh Tơ với tuồng hồ quảng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài với hai diễn viên Thanh Hoàng và Đức Phú có một số doanh thu kỷ lục khiến cho báo chí kịch trường và các đoàn hát đại ban cải lương phải đặt biệt quan tâm và cho người nghiên cứu những thành tựu của nghệ thuật sân khấu mới nầy.

Cuối năm 1962, nữ nghệ sĩ Thanh Hoàng được ông Bầu Ba Bản ký hợp đồng về hát trên sân khấu Thủ Đô - Ba Bản. Cô đóng vai Bo Bo cô gái chàm trong tuồng Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An. Bo Bo bị tên khổng lồ một diễn viên cao hai thước tư, nắm ngang eo ếch, đi ngang qua sân khấu ngoài décors fixe khiến cho khán giả nhớ mãi cảnh nầy, gọi Thanh Hoàng tên Bo Bo, từ đó cô đổi nghệ danh là Bo Bo Hoàng.

Bo Bo Hoàng còn nổi danh qua dĩa hát “Bo Bo đánh cờ tướng” với Tía là thầy Chàm do quái kiệt Ba Vân thủ diễn do hãng dĩa hát Hoành Sơn phát hành.

Năm 1964, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng gia nhập đoàn hát Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An thành lập, hát với đào chánh Ngọc Hương huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1962. Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tiến bộ nhanh chóng về nghệ thuật ca diễn nên năm sau, năm 1965, Bo Bo Hoàng đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm qua vai Đào tuồng Tiếng Súng Một Giờ Khuya. Năm 1965, nữ nghệ sĩ Thanh Nguyệt đoàn hát Kim Chưởng cũng được tặng thưởng Huy Chương Giải Thanh Tâm một lượt với Bo Bo Hoàng.

Năm 1968, chiến cuộc Tết Mậu Thân khiến cho các thành phố bị giới nghiêm ban đêm, các gánh hát cải lương khó hát, số khán giả giảm sút nên nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng rời đoàn hát Hương Mùa Thu, cô về Châu Đốc mở quán bán cơm sinh sống qua ngày.

Đến năm 1972, cô được đoàn Tấn Tài - Thành Được mời cộng tác. Sau đó cô lại gia nhập đoàn hát Thái Dương 2 của bà bầu Tiêu Thị Mai, hát chung sân khấu với nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm và Mỹ Châu.

Về gia đình, nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng thành hôn với nghệ sĩ Văn Bảnh, khôi nguyên vọng cổ năm 1959, trước khôi nguyên vọng cổ Minh Vương một năm. Danh ca Văn Bảnh có một giọng ca vọng cổ truyền cảm, kỷ thuật ca chân phương, được giới mộ điệu đánh giá cao. Danh ca Văn Bảnh chỉ chuyên ca tài tử nên không được đoàn hát đại ban mời về hát nên anh không phát triển được khả năng nghề nghiệp như các bạn khôi nguyên vọng cổ đến sau anh là Minh Vương, Minh Cảnh.

Người nghệ sĩ đa tài

Năm 1976, Bo Bo Hoàng gia nhập đoàn hát cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, thành công trong vai Cám tuồng Tấm Cám, một vai độc lẳng. Trước năm 1975, Bo Bo Hoàng hát vai chánh thành công trong loại tuồng Hồ Quảng với kép Đức Phú. Khi cô chuyển qua hát cải lương tuồng cổ hay cải lương xã hội, Bo Bo Hoàng thường thủ vai đào nhì sau Ngọc Hương, Mỹ Châu, Bạch Lê, vì vậy cô chuyển qua diễn vai đào độc, lẳng. Cô thành công dễ dàng qua vai Cám và sau nầy cô cũng thành công trong vai độc, lẳng trong các đoàn hát Sông Hương ở Huế, đoàn Cửu Long 2, đoàn Sông Bé 2 và đoàn Trần Hữu Trang 1.

Năm 1987, Bo Bo Hoàng phóng tác theo phim Mùa Tôm của Ấn Độ thành tuồng Tình Yêu và Nước Mắt được nhiều đoàn biểu diễn. Các nghệ sĩ Vũ Linh, Châu Thanh, Linh Tâm, Cẩm Thu từng diễn thành công qua tuồng hát nầy. Nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng còn có những vở tuồng phóng tác: Nữ Chúa Rắn - Phò Mã Cùi, Long Vương Kén Rể, Nữ Thần Đèn, Nữ Tỷ Phú, Duyên Nợ Với Nghề…Đặc biệt nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng đặc biệt thành công khi phóng tác và dàn dựng các tuồng mang màu sắc Ba Tư - Ấn Độ.

Bo Bo Hoàng đã làm đạo diễn các vở do cô phóng tác và vở Bóng Hồng Sa Mạc của soạn giả Hoàng Việt - Loan Thảo trên sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang 1.

Sau khi sân khấu cải lương mất dần khán giả, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tham gia chương trình tấu hài với danh hề Hiếu Cảnh và nghệ sĩ Tô Châu, cô cũng tạo được những trận cười cho khán giả qua một số tiểu phẩm hài.

Trong những năm cuối thập niên 90, Bo Bo Hoàng chuyển qua làm nghề thực hiện những mũ, mão, vương miện, anh quang, trâm cài dùng đội đầu cho các vai tuồng Vua, Hoàng Hậu, Tể tướng, quan văn, quan võ hay các công tử vương tôn trên sân khấu cải lương tuồng cổ. Cô được các nghệ sĩ trong và ngoài nước tín nhiệm đặt cho cô sản xuất các mặt hàng nầy.

Do sân khấu cải lương xuống cấp, nữ nghệ sĩ tài danh Bo Bo Hoàng trở thành một nghệ sĩ đa năng, đáp ứng mọi hoạt động và mọi yêu cầu của sân khấu trích đoạn, tấu hài hay trong phần phục trang cầu kỳ nhất của đoàn chuyên hát loại tuồng cổ. Cũng chỉ là để tạm sống qua ngày và cho đở nhớ nghề hát thôi.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.