ASEAN yêu cầu Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi

Các viên chức cao cấp ASEAN tán thành đề nghị kêu gọi ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên trong hiệp hội, cùng lên tiếng yêu cầu Miến Điện trả tự do cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, bị quản chế tại gia thêm 18 tháng nữa.

0:00 / 0:00
Lãnh tụ dân chủ bà Aung San Suu Kyi
Lãnh tụ dân chủ bà Aung San Suu Kyi (Photo courtesy campaingforburma.org)

Quyết định đó được đưa ra sau phiên họp kéo dài 2 ngày, tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia và sẽ được đệ trình lên các chánh phủ liên hệ cứu xét.

Ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn bộ ngoại giao Indonesia tuyên bố với báo chí, đây là một tín hiệu tích cực đạt được qua phiên họp vừa rồi và sẽ đệ trình trực tiếp đến các vị ngoại trưởng ASEAN.

Ông cũng cho hay là chánh phủ Jakarta sẵn sàng ra thông báo yêu cầu Miến Điện trả tự do tức khắc cho bà Aung San Suu Kyi.

Đại diện của Indonesia tại hội nghị này, ông Imgron Cotan, tổng thư ký bộ ngoại giao cũng phát biểu rằng, sự quan tâm đặc biệt mà toàn thể tham dự viên bày tỏ đối với trường hợp bà Aung San Suu Kyi, tiếp tục bị quản thúc, sẽ được đúc kết thành một thỉnh nguyện thư hay một thông cáo chung, để các vị ngoại trưởng ASEAN đi đến quyết định chính thức.

Theo giới quan sát thời cuộc , nếu quyết định vừa nêu trở thành hiện thực thì đây là biện pháp chính trị và ngoại giao mạnh nhất, mà các quốc gia ASEAN muốn gây áp lực đối với chế độ quân nhân cầm quyền Miến Điện.

Theo giới quan sát thời cuộc , nếu quyết định vừa nêu trở thành hiện thực thì đây là biện pháp chính trị và ngoại giao mạnh nhất, mà các quốc gia ASEAN muốn gây áp lực đối với chế độ quân nhân cầm quyền Miến Điện.

Lâu nay, các nước thành viên ASEAN vẫn chủ trương không can thiệp vào nội bộ của nhau, cho dù Rangoon bị công luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ về thành tích vi phạm nhân quyền, đàn áp dân chủ, giam cầm đối lập.

Lên tiếng với hãng thông tấn AFP, ông Simon Tay, viện trưởng viện quan hệ quốc tế của Singapore nhấn mạnh, khối ASEAN sẽ không đặt vấn đề trục xuất hay trừng phạt Miến Điện, nhưng cũng sẽ không ngồi yên và cho phép nhà cầm quyền Rangoon cứ tiếp tục hành xử theo ý họ.

Chánh phủ Thái Lan mới đây cũng đề nghị với ASEAN hãy đồng thanh khuyến cáo Miến Điện sớm trả tự do cho bà Aung san Suu Kyi.

Bộ ngoại giao Indonesia đã ngay lập tức ủng hộ lời kêu gọi của chánh phủ Bangkok.

Trong câu chuyện với đài chúng tôi, luật sư U Nyan Win, từng biện hộ cho bà Aung San Suu Kyi trước tòa, yêu cầu chánh phủ Miến sớm trả tự do để bà có thể tham gia vào tổng tuyển cử năm 2010, đưa đất nước trở lại con đường dân chủ.

Trong vòng 20 năm qua, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã bị chế độ cầm quyền Miến Miện quản chế tại gia suốt 14 năm.

Liên Đoàn toàn quốc đấu tranh vì dân chủ Miến Điện do bà lãnh đạo đã thắng cử vẻ vang hồi năm 1990, nhưng các tướng lãnh cầm quyền đã xoá bỏ kết quả đó để duy trì một chế độ độc đoán và toàn trị.

Trong vòng 20 năm qua, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã bị chế độ cầm quyền Miến Miện quản chế tại gia suốt 14 năm.

Tuần trước, tòa án Rangoon ra quyết định quản chế bà Suu Kyi thêm 18 tháng nữa , nhằm ngăn chặn không cho bà tham gia cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm tới.

Lý do khiến bà Suu Kyi bị gia hạn quản chế là đã chứa chấp một người đàn ông Mỹ, bơi qua ao hồ, đột nhập vào tư gia, ở lại qua đêm, mà không báo cáo với công an.

Ông Thakin Chan Htun, một chính trị gia đối lập tại Miến Điện nói với RFA chúng tôi rằng, qua sự can thiệp của thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, ông John Yettaw, người bí mật đột nhập vào tư gia của bà đã được phóng thích thì bà Aung San Suu Kyi, một người vô tội, cũng phải được hưởng tự do tức khắc.

Hoa Kỳ và EU cũng mạnh mẽ phản đối việc Rangoon tiếp tục quản thúc bà Aung San Suu Kyi, tuy nhiên ảnh hưởng của Âu Mỹ đối với Miến Điện còn nhiều giới hạn.

Về kinh tế và thương mại, Miến Điện đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và Ấn Độ.

Gần đây cũng có tin nói là Rangoon đang nhờ Bắc Hàn giúp họ trong kế hoạch sản xuất võ khí hạt nhân, tốn kém hàng trăm triệu đô la, trong lúc người dân Miến Điện vẫn còn chịu cảnh nghèo khó.