Cúm gia cầm hiện vẫn đe doạ VN

Sau khi đã cướp đi sinh mạng 51 người VN trong 5 năm qua, cúm gia cầm H5N1 hiện vẫn đe doạ VN.

0:00 / 0:00

Trong tuần này, một gia đình ở Thanh Hoá có bé gái 8 tuổi được xác định là nhiễm vi rút H5N1 đang được điều trị. Trước đó một bé gái 13 tuổi cũng thuộc gia đình này qua đời hôm 2-1 nhưng được cho là vì nguyên nhân khác.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Văn Đăng Kỳ, Trưởng Phòng Dịch Tễ Cục Thú Y VN về các vấn đề liên quan. Từ Hà Nội ông cho biết:

Điều thứ nhất là không phải hai trường hợp mà chỉ có một trường hợp là cháu gái 8 tuổi thôi, còn cháu 13 tuổi kia thì không phải là do H5N1, cháu chết cùng thời điểm nên người ta tưởng là do cúm H5N1

TS Văn Đăng Kỳ

Trường hợp ở Thanh Hóa

TS Văn Đăng Kỳ: Vụ này chúng tôi đã theo dõi từ ban đầu, qua các thông tin từ địa phương gởi lên, chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo tại ổ dịch.

Điều thứ nhất là không phải hai trường hợp mà chỉ có một trường hợp là cháu gái 8 tuổi thôi, còn cháu 13 tuổi kia thì không phải là do H5N1, cháu chết cùng thời điểm nên người ta tưởng là do cúm H5N1 nhưng không phải.

Hiện giờ cháu nhiễm H5N1 mà Viện Dịch Tễ Trung Ương đã xác định dương tính, thì cháu đang được điều trị và có tiến triển tốt. Chúng tôi xin xác định là chỉ có một trường hợp thôi.

Nam Nguyên: Thưa TS, dịch có thể bùng phát mạnh ở miền bắc, miền trung hay vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa trước và sau tết không?

TS Văn Đăng Kỳ: Về khả năng đó thì chúng tôi không dám nói trước. Nhưng do kết quả tiêm phòng và chỉ đạo… hôm qua đã có một công điện chỉ đạo các mạnh mẽ tại các địa phương, tôi nghĩ là khả năng bùng phát không có, hoặc nếu có thì cũng chỉ như hồi trong năm với các ổ dịch nhỏ lẻ thôi, nếu có thì cũng phát hiện sớm và xử lý ngay, không có tính chất xảy ra dịch đồng loạt .

Tôi nghĩ là khả năng bùng phát không có, hoặc nếu có thì cũng chỉ như hồi trong năm với các ổ dịch nhỏ lẻ thôi, nếu có thì cũng phát hiện sớm và xử lý ngay, không có tính chất xảy ra dịch đồng loạt .

TS Văn Đăng Kỳ

Nam Nguyên: Thưa TS, virút H5N1 gây bệnh cho em bé ở Thanh Hoá và gia cầm ở Thái Nguyên thì độc lực có dấu hiệu biến đổi di truyền hay không?

TS Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi thường xuyên theo dõi, đến giờ phút này thì chưa ghi nhận biến đổi ở vi rút, vắc xin chủng ngừa H5N1 của Trung Quốc thì vẫn tốt. Đến nay bên dịch tễ cũng nói với chúng tôi là chưa thấy gì thay đổi cả.

Đây là trường hợp người ta tiếp xúc với ngan chết ngan mắc bệnh, có khả năng đã ăn thịt ngan bệnh nên đã bị nhiễm.

Nó xảy ra ở một huyện miền núi , người dân không hiểu biết kỹ về vấn đề nguy hiểm của bệnh, họ cứ tưởng là những loại bệnh thường xuyên xảy ra, vì bệnh tụ huyết cũng làm chết gia cầm, người ta không biết nguy hiểm của cúm gia cầm nên bị lây bệnh. Trường hợp khác người ta biết và xử lý triệt để thì không xảy ra như vậy.

Kiểm dịch gắt gao

Nam Nguyên: Thưa TS, bên TQ dịch bùng phát mạnh và có người chết, gà, trứng và nội tạng tràn qua biên giới phía bắc không qua kiểm soát rất nhiều, có thể đưa xuống đồng bằng. Theo ông những biện pháp ngăn chặn có triệt để hay chưa?

Đối với việc kiểm soát nhất là ở các tỉnh vùng biên giới, chúng tôi đã phân công những đơn vị trực tiếp thực hiện kiểm dịch biên giới. Trong nội dung công điện đã có chỉ đạo gắt gao đề phòng vấn đề liên quan tới sản phẩm gia cầm từ TQ.

TS Văn Đăng Kỳ

TS Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi đã cảnh báo nhiều, có những dự án quốc tế cũng tham gia vào việc này. Chúng tôi có những chương trình tập huấn, hướng dẫn truyền thông cho những sự việc như vậy.

Đối với việc kiểm soát nhất là ở các tỉnh vùng biên giới, chúng tôi đã phân công những đơn vị trực tiếp thực hiện kiểm dịch biên giới.

Trong nội dung công điện đã có chỉ đạo gắt gao đề phòng vấn đề liên quan tới sản phẩm gia cầm từ TQ.

Nam Nguyên: Thưa trong mùa Tết sắp tới, việc vận chuyển buôn bán tiêu thụ các sản phẩm gia cầm sẽ rất là lớn. Ông có lời khuyên gì với người kinh doanh và người tiêu dùng?

TS Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi thường xuyên nói là nên ăn thực phẩm cũng như gia cầm có rõ nguồn gốc và cảnh báo là phải có sự kiểm soát. Chúng tôi sẽ thiết lập hệ thống thú y kết hợp với các bộ phận về thương mại, y tế sẽ kiểm soát vấn đề thực phẩm.

Điểm mới là chúng tôi yêu cầu các địa phương cùng với trung ương thành lập nhiều đòan kiểm tra đôn đốc vấn đề kiểm soát kiểm dịch, rồi vấn đề ngăn chặn các dịch bệnh.

Tôi nghĩ rằng kiểm dịch chỉ là một phần thôi, còn vấn đề gia cầm không được tiêm phòng có thể gây tái phát các ổ dịch mới. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại phương pháp tiêm phòng, lượng vắc xin hiện rất đầy đủ thoải mái, sẵn sàng cung cấp cho các địa phương có yêu cầu tiêm phòng để gây miễn dịch tốt hơn.