Laura Bush: Thế giới không quên Miến Điện

Ngày mai cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra ở Miến Điện.

0:00 / 0:00

Trước khi phòng phiếu mở cửa, nhiều quốc gia đã lên tiếng cho rằng cuộc bầu cử không thể diễn ra tự do và công bằng, vì tất cả những tổ chức chính trị đối lập, các nhà bất đồng chính kiến đều không được quyền ứng cử và tham gia bầu cử.

Nhân dịp này Đài Á Châu Tự Do chúng tôi đã phỏng vấn Bà Laura Bush, Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ về những cảm nghĩ của bà với tình hình Miến Điện hiện nay. Phần chuyển ngữ do Nguyễn Khanh và Thanh Trúc thực hiện.

Luôn quan tâm, theo dõi

Nguyễn Khanh: Trước hết xin cám ơn Bà đã dành thì giờ cho Đài chúng tôi. Bà là người luôn quan tâm đến tình hình Miến Điện, nhưng thế giới thì sao? Có phải thế giới đã quên Miến Điện không?

Laura Bush: Tôi không nghĩ thế giới quên Miến Điện, và đó là lời mà tôi muốn gửi đến toàn thể nhân dân Miến.

Tôi cũng muốn người dân Miến Điện biết rằng biết bao người trên thế giới luôn luôn theo dõi và nghĩ đến nhân dân Miến, luôn hy vọng Miến Điện sẽ thay đổi để trở thành một quốc gia dân chủ.

Bà Laura Bush<br/>

Lúc này, trước khi cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 11, tôi muốn người dân Miến biết là chính phủ của họ không cho các quan sát viên vào theo dõi cuộc đầu phiếu để đảm bảo cuộc bầu chọn diễn ra trong tự do và công bằng.

Tôi cũng muốn người dân Miến Điện biết rằng biết bao người trên thế giới luôn luôn theo dõi và nghĩ đến nhân dân Miến, luôn hy vọng Miến Điện sẽ thay đổi để trở thành một quốc gia dân chủ.

Chúng tôi cũng không quên là Bà Aung San Suu Kyi và rất nhiều tù nhân chính trị khác vẫn đang bị chính quyền Miến cầm tù, con số này lên đến hơn 2,000 người.

Tôi muốn nhân dân Miến Điện biết rằng thế giới biết điều đó, luôn luôn quan tâm tới điều đó, và chúng tôi hy vọng sẽ có ngày tình hình trở nên sáng sủa hơn.

Cuộc bầu cử không công bằng

aung-san-suu-kyi-husband-son-250.jpg
Ông Michael Aris, người chồng quá cố của Bà Aung San Suu Kyi, và người con trai út Kim nhận giải thưởng tại Strasbourg, Pháp hôm 10/07/1991. AFP Photo/Jean-Philippe Ksiazek.

Nguyễn Khanh: Bà đã từng thấy và trực tiếp tham dự vào những cuộc bầu cử, nhận xét của bà về cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Miến Điện như thế nào?

Laura Bush: Sau bao nhiêu năm trời, từ năm 1990 cho đến giờ, đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức.

Theo tôi hiểu thì 25% ghế đại biểu được dành cho quân đội và những người như bà Aung San Suu Kyi lại không được quyền tranh cử, vì những điều khoản được chính quyền ghi trong bản hiến pháp, chẳng hạn như cấm những công dân lập gia đình với người nước ngoài tham gia hoạt động chính trị. Người chồng quá cố của bà Aung San Suu Kyi là người Anh. Tôi nghĩ điều đó không công bằng.

Tôi cho rằng cuộc bầu cử lần này chỉ nhắm vào mục đích buộc mọi người phải công nhận chính quyền quân sự hiện nay là một chính quyền hợp pháp, và đó là điều mà rất nhiều người đang nghĩ về cuộc bầu cử ở Miến Điện.

Chuyện nhà cầm quyền không cho quan sát viên quốc tế vào quan sát cuộc bầu cử là điều khác biệt hẳn với những nước khác, nhất là khi tổ chức một cuộc bầu cử mới thì bao giờ họ cũng mời thế giới vào quan sát, để mọi người chứng kiến thấy cuộc bầu chọn được tổ chức đúng với ý nghĩa tự do và công bằng.

Tôi cho rằng cuộc bầu cử lần này chỉ nhắm vào mục đích buộc mọi người phải công nhận chính quyền quân sự hiện nay là một chính quyền hợp pháp.

Bà Laura Bush

Tôi cũng biết rằng Miến Điện là một quốc gia rất giầu tài nguyên. Tôi mong rằng sự giầu có này được chia sẻ cho mọi người dân chứ không chỉ cho những người cầm quyền.

Nguyễn Khanh: Bà cũng biết là người dân Miến Điện muốn bỏ phiếu cho những tổ chức chính trị mà họ ủng hộ, nhưng trong trường hợp này, tức là những đảng được dân chúng ủng hộ lại không được quyền tham gia bầu cử, thế thì theo bà, cử tri Miến phải làm gì?

Laura Bush: Tôi không biết điều này có thể làm được ở Miến Điện hay không, nhưng ở Hoa Kỳ thì cử tri có quyền viết tên ứng cử viên mà họ ủng hộ vào lá phiếu.
Tôi chỉ mong rằng người dân Miến Điện hiểu rõ chuyện gì xảy ra ở đất nước của họ trong cuộc bầu cử lần này, hiểu rằng chính quyền cấm đoán không cho thành phần đối lập được tham dự, hiểu rằng cuộc bầu cử không tự do, không công bằng như mọi người trông chờ.

Hy vọng tự do, dân chủ cho Miến Điện

laura-bush-250.jpg
Cựu Đệ nhất Phu nhân Laura Bush trong một lớp học ở trại tỵ nạn Mae La gần biên giới Thái Lan - Miến Điện hôm 07/08/2008. AFP Photo/Pornchai Kittiwongsakul.

Nguyễn Khanh: Khi còn ở Nhà Trắng, trong cương vị Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ bà đã đến thăm vùng biên giới Thái Lan và Miến Điện. Muốn hỏi bà là thế giới có thể làm gì để cải thiện tình trạng nhân quyền Miến Điện?

Laura Bush: Điều mà thế giới có thể làm là cùng lên tiếng cho người dân Miến Điện, và trình bày thẳng với người dân Miến Điện qua các chương trình phát thanh như chương trình này.

Tôi mong rằng người dân đang cư ngụ ở Miến Điện và nhân dân thế giới bên ngoài có thể bắt tay với nhau qua những phương tiện như internet, tôi hy vọng internet ở Miến không bị ngăn chặn để nhân dân Miến có thể trình bày những gì đang xảy ra với họ cho thế giới bên ngoài biết, tương tự như khi cuộc tranh đấu do các nhà sư Miến Điện khởi xướng diễn ra cách đây một vài năm. Lúc đó dân chúng thế giới biết chuyện và theo dõi chuyện này nhờ vào những hình ảnh được chính người dân Miến Điện gửi ra.

... nhưng thế giới vẫn theo dõi, vẫn mong mỏi thấy tự do, dân chủ hiện diện trên đất Miến, mong mỏi những vụ bắt bớ, giam giữ những người tranh đấu như bà Aung San Suu Kyi sẽ chấm dứt.

Bà Laura Bush

Tôi cũng hiểu là chính quyền Miến Điện vẫn tìm cách ngăn chận thông tin, nhưng tôi tin tưởng người dân sẽ tìm được cách để vượt qua, vì chính những thông tin như vậy sẽ giúp thế giới bên ngoài biết những gì xảy ra ở Miến Điện, biết cuộc bầu cử diễn ra như thế nào.

Cũng chính vì thế mà tôi muốn lên tiếng trên Đài, muốn cho nhân dân Miến Điện biết là dù nhà cầm quyền không cho quan sát viên vào quan sát bầu cử, nhưng thế giới vẫn theo dõi, vẫn mong mỏi thấy tự do, dân chủ hiện diện trên đất Miến, mong mỏi những vụ bắt bớ, giam giữ những người tranh đấu như bà Aung San Suu Kyi sẽ chấm dứt.

Nguyễn Khanh: Bà có điều gì muốn nhắn gửi cho bà Aung San Suu Kyi?

Laura Bush: Có. Tôi lúc nào cũng muốn nói với bà Aung San Suu Kyi rằng khắp nơi trên thế giới mọi người đều kính trọng bà, kính trọng cuộc tranh đấu ôn hòa mà bà đang theo đuổi, và kính trọng lòng can đảm của bà, lòng can đảm mà bà đã thể hiện khi lên tiếng bênh vực cho người dân Miến, bênh vực cho các sắc tộc thiểu số.

Tôi cũng mong tất cả người dân Miến Điện biết là thế giới theo dõi sát những gì đang xảy ra đối với họ, biết những gì đang xảy ra, và tất cả đều hy vọng sẽ có ngày tự do đến với nhân dân Miến Điện.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Laura Bush.

Theo dòng thời sự: