Campuchia báo cáo lên LHQ về tình hình đụng độ ở biên giới

Vào rạng sáng thứ Bảy, một cuộc xung đột giữa Campuchia và Thái Lan lại tái diễn.

0:00 / 0:00

Phía Thái Lan cho biết tổng cộng có 2 người bị thiệt mạng và 19 người bị thương, còn phía Campuchia có hơn 10 người đã thiệt mạng và bị thương. Ngoài ra, ngôi đền cổ Preah Vihear được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao xứ chùa Tháp báo cho biết cũng bị thiệt hại khá nặng. Hiện, Campuchia đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc báo cáo về hành động xâm lược của Thái.

Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia đã gửi thư cho Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và tiếp tục lưu thông đến các thành viên, quan chức cao cấp của LHQ hướng sự chú ý đến tình hình bùng nổ tại biên giới giữa Vương quốc Campuchia và Thái Lan vào ngày 4 và ngày 5 tháng 2 năm 2011.

Báo cáo hành động xâm lược của Thái Lan

Bức thư Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết, vào ngày 04 tháng 2 năm 2011, từ 15:00-17:00, có khoảng 300 binh sĩ Thái Lan đã tiến vào lãnh thổ Campuchia và tấn công quân đội Campuchia tại 3 địa điểm, cụ thể là điểm Khmum chỉ cách từ cầu thang ngôi đền Preah Vihear khoảng 500 mét. Điểm Veal Entry và Phnom Trap cách khoảng 1.120 mét và 1.600 mét. Động thái xâm lược của các lực lượng binh sĩ Thái tiếp tục bắn nhiều đạn pháo số 130 mm và 155 mm và bắn vào sâu bên trong lãnh thổ Campuchia khoảng 20 km. Vụ tấn công này, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho ngôi đền Preah Vihear, một di sản thế giới, cũng như gây thiệt mạng và thương tích hơn 10 binh sĩ và người dân Campuchia.

Cambodian-soldier-250.jpg
Binh sĩ Campuchia tại khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Thái Lan. Photo by Savyuth/RFA (Photo by Savyuth/RFA)

Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia còn cho biết, một lần nữa vào lúc 6g30 sáng ngày 5 tháng 2 năm 2011, lực lượng binh sĩ Thái đã bắn đạn pháo số 105 mm vào đồi Phnom Trap. Đối mặt với sự xâm lăng trắng trợn này, quân đội Campuchia đã không có lựa chọn, cho nên họ buộc phải trả đũa tự vệ, để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, và cuộc đụng độ kéo dài khoảng 20 phút.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho Đài Á Châu Tự Do biết vào hôm thứ Bảy rằng, Thái Lan đã có hành vi gây hấn chống lại Campuchia 3 lần trước đó, cụ thể là vào 15 tháng 7 năm 2008; ngày 15 tháng 10 năm 2008, và ngày 03 tháng 4 năm 2009 trong các khu vực gần chùa Keo Sikha Kiri Swarak, Veal Entry, đồi Phnom Trap và Ta Sem, tất cả đều trong vùng lân cận của ngôi đền Preah Vihear. Những xâm lược vũ trang dẫn đến thương vong cũng như thiệt hại tài sản, đặc biệt là đền Preah Vihear được liệt kê như là một Di sản Thế giới vào ngày 7 tháng 7 năm 2008.

Việc báo cáo lên Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là muốn cho Hội đồng biết bên Thái Lan hay Campuchia là người vi phạm Điều 2.3, 2.4, 94.1 của Liên Hiệp Quốc.

Ông Koy Kuong

Ông Koy Kuong cho biết liên quan nội dung bức thư gửi lên Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc: "Việc báo cáo lên Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là muốn cho Hội đồng biết bên Thái Lan hay Campuchia là người vi phạm Điều 2.3, 2.4, 94.1 của Liên Hiệp Quốc; Bản án của Tòa án Quốc tế ngày 15 tháng 6 năm 1962; Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á; Thỏa thuận liên quan đến chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm, tính trung lập và thống nhất đất nước Campuchia. Đợt trước, chúng tôi cũng được gửi thư cho Liên Hiệp Quốc báo cáo về hành động xâm lược một cách trắng trợn của quân đội Thái Lan."

Song song với lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia, Phát ngôn viên quân đội Thái Lan, Đại tá Sansern Kaewkamnert cho báo bưu điện The Nation biết vào hôm thứ Bảy rằng, cuộc đụng độ xảy ra vào chiều thứ Sáu đã gây thiệt mạng một người dân Thái và 15 binh sĩ bị thương. Còn cuộc nổ súng vào rạng sáng thứ Bảy, thì có một binh sĩ Thái bị thiệt mạng và 4 binh sĩ khác bị thương.

Hoa Kỳ và ASEAN kêu gọi 2 nước tự kiềm chế

Cũng liên quan cuộc đụng độ giữa hai nước láng giềng Campuchia-Thái Lan, vào hôm thứ Sáu, ngày 4 tháng 2, Hoa Kỳ đã kêu gọi hai nước láng giềng này kiềm chế tối đa trong cuộc xung đột biên giới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Philip Crowley nói trong một thông cáo rằng, Hoa Kỳ đã theo dõi rất chặt chẽ sự kiện biên giới Campuchia-Thái Lan. Hoa Kỳ kêu gọi cả hai bên kiềm chế tối đa và thực hiện tất cả các bước cần thiết để giảm bớt căng thẳng và tránh xung đột.

Còn Giáo sư Surin Pitsuwan, Tổng thư ký Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nói trong một tin nhắn khẩn cấp của mình với hai nước thành viên ASEAN vào hôm thứ Bảy, ông bày tỏ quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở biên giới giữa hai nước. Ông cho biết, ông đã liên lạc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Kasit Piromya. Ông kêu gọi hai nước phải bình tĩnh kiềm chế tối đa, và bày tỏ sự nhiệt thành của ông mong muốn nhìn thấy cả hai bên trở lại bàn đàm phán. Ông Pitsuwan nhận định rằng, tình hình đã leo thang thành xung đột, và đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sự tự tin trong khu vực, du lịch và triển vọng cho đầu tư nước ngoài.

Thỏa thuận ngưng chạm súng

thai-cambodian-foreign-ministers-250.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Kasit Piromya (trái) và Cambodia, Hor Nam Hong (phải) tại buổi họp ngày 04.02.2011 ở Siem Reap, Cambodia. AFP photo.

Sau cuộc va chạm vào rạng sáng ngày 5 tháng 2, hai nước được tổ chức một cuộc họp tại cửa khẩu Chorm Sa Ngam ở huyện Anlong Veng, phía Campuchia có sự tham dự của Thiếu Tướng Srey Doek, tư lệnh Quân đoàn 3 và Thiếu Tướng Chea Mon, tư lệnh Quân khu 4, trong khi phía Thái Lan có Trung tướng Thawatchai Samutsakorn, tư lệnh quân đội khu vực 2 và Thiếu tướng Chawalit Chunprasan để nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự đụng độ giữa hai nước.

Thiếu Tướng Srey Doek nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng, Campuchia đã quyết định trả tự do cho 4 binh sĩ Thái bị bắt giữ hồi hôm thứ Sáu. Ông nói thêm rằng, tại cuộc họp hai bên đã đồng ý ba vấn đề. Tướng Srey Doek nói: "Bên Thái yêu cầu chúng ta ngừng hoạt đông khai hoang làm đường bộ ở khu vực biên giới, chúng ta đồng ý. Chúng tôi cũng yêu cầu Thái thúc giục Ủy ban biên giới chung để đo lường và phân ranh giới biên giới càng sớm càng tốt, nếu như họ không làm được thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm đường. Còn nếu như phía Thái Lan còn có hành động xâm lược, thì chính phủ sẽ kiện họ lên Tòa án Quốc tế."

Tướng Srey Doek còn cho biết, cả hai bên đồng ý sẽ không thêm quân và tái triển khai vũ khí, không có vụ nổ súng nữa. Tuy nhiên, nếu như Thái Lan vẫn tiếp tục xâm nhập lãnh thổ Campuchia, thì Campuchia sẽ sử dụng quyền tự vệ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Theo dòng thời sự: