Đô La: Mua Vào, Bán Ra Cùng Một Giá?

Thị trường ngoại hối diễn biến khá sôi nổi trong tuần vừa qua. Hệ thống ngân hàng thậm chí đánh đồng giá mua vào và giá bán ra cho đồng đô la.
Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok
2009.04.22
Chợ đen giá một đồng Mỹ kim có khi lên đến 18 ngàn 300 đồng Việt Nam. Chợ đen giá một đồng Mỹ kim có khi lên đến 18 ngàn 300 đồng Việt Nam.
AFP photo

Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam nói nhiều ngân hàng kiến nghị “kết hối,” tức là bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức có ngoại tệ phải bán 1 phần do ngân hàng.

Hiện tượng “găm giữ” đồng Mỹ kim

Giá đô la trên thị trường cuối tuần qua tăng cao. Trên thị trường tự do, giá một đồng Mỹ kim có khi lên đến 18 ngàn 300 đồng Việt Nam.

Giá đô la trên thị trường cuối tuần qua tăng cao. Trên thị trường tự do, giá một đồng Mỹ kim có khi lên đến 18 ngàn 300 đồng Việt Nam.

Báo chí trong nước nói rằng thời gian gần đây, có hiện tượng là các ngân hàng thương mại đặt giá mua và giá bán đồng đô la bằng nhau, ở mức cao nhất của biên độ dao động cho phép.

Các mức giá mua và bán trên thị trường chợ đen thì luôn luôn cao hơn mức quy định của nhà nước.

Chẳng hạn, theo lời một người kinh doanh ngoại tệ tại Sài Gòn, thì ngày 22 tháng Tư, một đô la mua vô có giá 18 ngàn 180 đồng; và bán ra là 18 ngàn 210 đồng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại niêm yết giá mỗi đô la chỉ gần 17 ngàn 800 đồng.

Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, là ông Trần Văn Giàu, vào ngày 21 tháng Tư nói với báo chí rằng, “có hiện tượng găm giữ và làm giá ở thị trường trong vài ngày qua.”

Ông Giàu cũng nói, và được báo điện tử VnEconomy đăng tải, rằng lý do có hiện tượng “găm giữ” đồng Mỹ kim là “do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đánh giá khủng hoảng và thông tin khủng hoảng có nhiều ý kiến trái ngược.”

Lý do có hiện tượng “găm giữ” đồng Mỹ kim là “do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đánh giá khủng hoảng và thông tin khủng hoảng có nhiều ý kiến trái ngược.”
Báo điện tử VnEconomy

Ông Thống Đốc cũng nói, “những ý kiến này làm ảnh hưởng thị trường” và do đó cơ quan chức năng “đang có những văn bản chỉ đạo phối hợp với các ngành hữu quan xem xét vấn đề, chẳng hạn Bộ Công An, lực lượng quản lý thị trường, ủy ban nhân dân các địa phương.”

Điều khá thú vị đối với phát biểu của ông Thống Đốc là, trong khi ông khẳng định Việt Nam “biết điều hành tỷ giá là linh hoạt và theo quan hệ cung cầu,” thì ông lại quan ngại hiện tượng đô la tăng giá, mà theo đánh giá của nhiều người, là đúng theo quan hệ cung cầu của thị trường.

Một chủ doanh nghiệp nhỏ trong nước nhận định, hiện tượng “găm” Mỹ kim là vì người ta tin rằng đồng tiền này sẽ còn tăng giá; và khi một món hàng được tin là sẽ còn tăng giá, điều tự nhiên, người ta sẽ quyết định chưa bán món hàng ấy ra.

Hiện tượng “găm” Mỹ kim là vì người ta tin rằng đồng tiền này sẽ còn tăng giá; và khi một món hàng được tin là sẽ còn tăng giá, điều tự nhiên, người ta sẽ quyết định chưa bán món hàng ấy ra.
Một chủ doanh nghiệp

"Kết hối" đã từng được làm và cũng bình thường

Khi được hỏi về khả năng đưa đến việc “kết hối,” tức là bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức có ngoại tệ phải bán một phần cho ngân hàng, ông Trần Văn Giàu nói “điều này đã từng được làm và cũng bình thường thôi.” Hiện có nhiều ngân hàng thương mại yêu cầu đưa ra biện pháp kết hối, nhưng, theo ông Thống Đốc, “đó là quyền của Thủ Tướng, không phải quyền của Thống Đốc.”

Chủ doanh nghiệp nhỏ trong nước nhận định, rằng nếu có hiện tượng “cháy” đô la ở chợ đen thì chắc chắn sẽ có biện pháp kết hối. Tuy nhiên anh không tin là tình hình sẽ nóng đến mức cần phải kết hối.

Trong một lần trả lời phỏng vấn với báo điện tử VnExpress gần đây, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành đưa ra nhận xét, là gần 220 ngàn tỷ đồng trong chính sách bù lãi suất đã được giải ngân trong thời gian qua. Con số này tương đương 17% số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân Hàng Nhà Nước cho thấy chỉ số này chỉ tăng 2%.

Khi được hỏi về khả năng đưa đến việc “kết hối,” tức là bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức có ngoại tệ phải bán một phần cho ngân hàng, ông Trần Văn Giàu nói “điều này đã từng được làm và cũng bình thường thôi.”

Ông Thành nhận định, là sự chênh lệch lượng dư nợ giữa con số đã giải ngân thông qua các chương trình kích cầu so với số liệu do Ngân Hàng Nhà Nước công bố đặt ra vấn đề “tiền giải ngân đi đâu và [hiện tượng] đảo nợ cần được quan tâm.”

Thời gian gần đây, thị trường ngoại hối có nóng lên đôi chút và thị trường chứng khoán thì diễn biến khá sôi động.

Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước, Trần Văn Giàu, khẳng định với báo chí là “không nên chỗ này đổ chỗ kia, mà phải tạo lòng tin cho thị trường.”

Ông khẳng định, suy luận khả năng dùng nguồn vốn kích cầu để đầu tư chứng khoán là không có cơ sở, và khoản cho vay đầu tư chứng khoán đến nay vẫn ở mức bằng với hồi đầu năm, gần 7 ngàn tỷ đồng.

Không thấy ông giải thích sự sai biệt lượng dư nợ giữa con số đã giải ngân thông qua các chương trình kích cầu so với số liệu do Ngân Hàng Nhà Nước công bố.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.