Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi trình bày chi tiết hơn trong bài sau đây.
Liên minh tan vỡ
Liên minh cầm quyền ở Hà Lan đã chính thức tan vỡ từ hôm Thứ Bảy vừa rồi, sau khi không giải quyết được việc có nên tiếp tục duy trì số binh sĩ tham gia lực lượng do NATO điều khiển ở Afghanistan hay không.
Rất tiếc là đồng minh trong liên minh chính trị của chúng tôi lại không thì hành những gì đã cam kết, nên chúng tôi phải quyết định rút khỏi liên minh.
Ông Wouter Bos.
Quyết định giải tán chính phủ được Thủ Tướng Jan Peter Balkenende đưa ra sau cuộc thảo luận kéo dài cho tới nửa đêm giữa các chính trị gia của Liên Minh, đi kèm theo lời phát biểu ngắn nói rằng "khi không còn tin tưởng ở nhau thì rất khó làm việc chung" và "chính phủ không còn cách nào khác hơn là phải tự giải tán".
1.600 binh sĩ Hà Lan được đưa sang phục vụ ở Afghansitan từ năm 2006 theo thời hạn là 2 năm, nhưng sau đó chính phủ quyết định để họ ở lại cho đến tháng Tám này sẽ đưa về nước. Gần đây khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra chiến lược mới cho Afghanistan, ông có tham khảo ý kiến của các nước đồng minh NATO trong đó có Hà Lan, và Thủ Tướng Balkenende đồng ý trên nguyên tắc sẽ duy trì lực lượng đang có thêm một thời gian nữa.
Ý của nhà lãnh đạo chính phủ không nhất thiết là ý của dân chúng. Trong thời gian phục vụ ở thành phố Uruzgan, có 21 binh sĩ tử trận và các cuộc thăm dò chính trị được liên tục thực hiện trong những tuần gần đây, hơn 70% người dân Hà Lan không muốn liên can gì đến cuộc chiến mà họ gọi là "cuộc chiến của nước Mỹ".

Trước áp lực của cử tri, Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vẫn muốn từ từ cắt bớt số quân đang có nhưng đảng Lao Động không đồng ý, nói rằng phải rút hết các binh sĩ Hà Lan về nước theo đúng lịch trình đã định, tức là vào tháng Tám. Ông Wouter Bos, Chủ Tịch Đảng Lao Động nói rõ:
"Cách đây 2 năm, liên minh đã đồng ý với kế hoạch gia hạn thêm thời gian phục vụ là 2 năm và sau đó dù tình hình như thế nào thì cũng phải rút quân về nước. Bây giờ là lúc thi hành đúng những gì đề ra, không phải là chuyện bàn cãi tiếp nữa. Rất tiếc là đồng minh trong liên minh chính trị của chúng tôi lại không thì hành những gì đã cam kết, nên chúng tôi phải quyết định rút khỏi liên minh."
Sự đổ vỡ này dẫn đến việc Thủ Tướng Jan Peter Balkenende và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của ông chỉ có 47 đại biểu trên tổng số 170 ghế ở Quốc Hội, nên đang giữ vai trò của một chính phủ tạm thời trong lúc chờ tổ chức bầu cử quốc hội sớm hơn dự định. Hiến Pháp của Hà Lan cũng quy định cuộc bầu cử phải tổ chức trong vòng 83 ngày, nên trễ nhất là vào đầu tháng Sáu tới đây phải hoàn tất.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nếu quân đội Hà Lan rời chiến trường thì điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược mà Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đại Tướng Tư Lệnh Stanley McChrystal đang cho thực hiện nhằm giải quyết cuộc chiến kéo dài đã hơn 9 năm. Chiến lược này bao gồm nhiều điểm, trong đó có việc ông Obama đưa thêm 30.000 binh sĩ sang Afghansiatan và yêu cầu đồng minh NATO đóng góp 10.000 quân.
EU từ bỏ Afghansiatan?
Hà Lan quyết định hết quân ra khỏi Afghanistan thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới các nước NATO khác và tới các quyết định của Hoa Kỳ trong thời gian sắp đến.
Ông Edwin Parker.
Không chỉ ở Hà Lan, người dân lẫn chính phủ của các nước đồng minh Châu Âu khác cũng không muốn gửi thêm quân sang Afghanistan. Chẳng hạn như tại Đức, Bà Thủ Tướng Angela Merkel đã bày tỏ cử chỉ cho thấy ngần ngại không muốn gửi thêm quân, tháng trước Tổng Thống Nicholas Sarkozi của Pháp phát biểu trên truyền hình là chính phủ Paris sẵn sàng giúp cải thiện tình hình an ninh và đời sống của người dân Afghanistan, nhưng cũng không gửi thêm quân. Ngay Anh Quốc, đồng minh thân tín nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố cũng thông báo chỉ đưa thêm 500 binh sĩ sang Afghanistan, trong lúc dư luận nước Anh cho rằng Thủ Tướng Gordon Brown nên học bài học của Hà Lan và nên giữ vị trí độc lập, thay vì thường ủng hộ vô điều kiện những ý kiến mà Hoa Kỳ đưa ra.
Tại sao dư luận Châu Âu lại không mấy mặn mà với cuộc chiến Afghanistan? Câu trả lời đến từ nhà phân tích Laurence Horne ở The Hague.
"Dư luận phản ánh sự suy nghĩ của người dân Châu Âu với cuộc chiến Afghanistan. Họ bảo rằng để cho nước Mỹ lo cuộc chiến của Mỹ, chúng ta đã góp phần rồi, đã làm trách nhiệm của mình rồi. Số binh sĩ Châu Âu hy sinh ở chiến trường Afghanistan như thế cũng đã quá đủ, bây giờ đến lượt người khác phải lo cho cuộc chiến này."

Tin mới nhất cho hay Thủ Tướng Hà Lan vừa loan báo sẽ chiều theo ý của dân chúng, bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào tháng Tám tới đây và chương trình sẽ hoàn tất vào tháng 12. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, không thể phủ nhận ảnh hưởng của chuyện xuất phát từ Hà Lan sẽ lan rộng sang những nước khác. Nói với hãng thông tấn AP, ông Edwin Parker thuộc Viện Quan Hệ Đối Ngoại Hà Lan bảo:
"Hà Lan từng được xem là một trong những đồng minh sẵn sàng ủng hộ, sẵn lòng thực hiện những yêu cầu của Hoa Kỳ. Bây giờ Hà Lan quyết định hết quân ra khỏi Afghanistan thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới các nước NATO khác và tới các quyết định của Hoa Kỳ trong thời gian sắp đến."
Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng nói gì về biến chuyển chính trị xảy ra ở Hà Lan, các viên chức hành pháp Mỹ đều tìm cách tránh né không muốn trả lời các câu hỏi liên quan đến việc này. Tại Brussels, người phát ngôn James Apparthurai của NATO cho hay tổ chức không bình luận về chuyện nội bộ của nước hội viên, nhưng nhắc lại rằng ông Tổng Thư Ký NATO Anders Fogh Rasmussen tin rằng giải pháp hay nhất vẫn là có một lực lượng quân sự Hà Lan hiện diện ở Afghanistan, để giúp xây dựng quốc gia này và giúp đỡ chính quyền địa phương hoạt dộng hữu hiệu hơn.