TS Nguyễn Quang A: Đưa đồng VN về đúng giá trị

Việt Nam xuống một bậc trong bảng xếp hạng mức độ tín nhiệm do Tổ Chức Đánh Giá Quốc Tế Fitch công bố hôm 12/3 tại Luân Đôn.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2010.03.14
Tiền đồng VN tại một dịch vụ đổi tiền Tiền đồng VN tại một dịch vụ đổi tiền. (ảnh minh họa)
AFP photo

Tiền  VN tiếp tục  mất giá

Theo đó, vị trí hiện nay của Việt Nam ở mức BB được xem là không khả quan. Fitch dự báo Việt Nam chịu nguy cơ lạm phát cao và đồng tiền tiếp tục mất giá. Đánh giá của Fitch có sát với thực tế hiện nay ở Việt Nam hay không, Nam Nguyên nêu câu hỏi này với TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển ở Hà Nội tổ chức tư nhân đã giải thể. Trước hết TS Nguyễn Quang A đưa ra nhận định:

Thực sự là đối với thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao, năm ngoái do phải đối phó với khủng hoảng, phải thúc đẩy tăng trưởng, việc chi tiêu nhiều, cho nên nợ của chính phủ tăng lên nhiều.
TS Nguyễn Quang A

TS Nguyễn Quang A: Đánh giá của các tổ chức tín dụng quốc tế, theo tôi biết cụ thể là đối với các khoản nợ quốc gia, tức nợ công của Việt Nam, là các khoản nợ chính phủ vay ở nước ngoài và trong nước. Thực sự là đối với thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao, năm ngoái do phải đối phó với khủng hoảng, phải thúc đẩy tăng trưởng, việc chi tiêu nhiều, cho nên nợ của chính phủ tăng lên nhiều. Tôi nghĩ rằng đánh giá hạ một mức như thế, không phải chỉ có Fitch mà cả Moody’s và các nơi khác là chuyện hợp với tình hình mà thôi.

Nam Nguyên: Thưa TS, các tổ chức đánh giá đó có quá bi quan khi cho rằng, nhà nước VN không có biện pháp đủ nhanh và mạnh để ứng phó với nạn lạm phát, gây rủi ro cho sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng đánh giá chuyện chống lạm phát của Việt Nam như thế là không sát thực tế lắm. Đúng là chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới tăng trưởng và trước kia không để ý đến lạm phát lắm. Nhưng năm nay, theo tôi biết chính phủ Việt Nam đã hết sức chú tâm đến lạm phát, tuy có thể chính sách có lúc cập rập thế này thế nọ. Nhưng mà ý thức của chính phủ về vấn đề kinh tế vĩ mô, làm sao giữ cho những cân đối ấy đừng xấu đi, nhất là làm sao để chống lạm phát thì họ đã nhận ra, đã có những biện pháp siết chính sách tiền tệ và tín dụng.

Nam Nguyên: Nhưng các chuyên gia trong nước kể cả những người trong guồng máy chính phủ cũng e ngại về nguy cơ lạm phát cao. 2 tháng đầu năm nay đã bắt đầu có những chỉ dấu như thế.

get_imageCA5SN3XJ.jpg
Nhân viên một ngân hàng thương mại ở Hà Nội đang đếm đôla Mỹ. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam

TS Nguyễn Quang A: Chuyên lo nguy cơ lạm phát cao hơn thì rất nhiều người nói, bản thân chúng tôi cũng đã cảnh báo từ nhiều tháng trước và cái nguy cơ vẫn còn đang lơ lửng ở trước mặt và đó là thách thức rất lớn đối với chính phủ và nền kinh tế Việt Nam.

Nam Nguyên: Trong lúc này có thể nói hệ thống ngân hàng Việt Nam đang không được ổn định hay không?

TS Nguyễn Quang A: Tôi rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam có rất nhiều vấn đề nhưng không bị kiệt quệ trong khủng hoảng vừa qua. Các ngân hàng của Việt Nam vẫn còn hoạt động theo kiểu đầu những năm thế kỷ 20, theo kiểu cũ cho nên không bị ảnh hưởng lắm. Tôi nghĩ rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam như năm ngoái và có lẽ cả năm nay nữa tuy có nhiều vấn đề nhưng sẽ vẫn hoạt động tốt!

Nam Nguyên: Thưa, dù đã phá giá 2 lần trong 3 tháng nhưng chênh lệch tỷ giá hối đoái chính thức và chợ đen vẫn còn cao, Fitch cho rằng đây là áp lực phải tiếp tục giảm giá đồng tiền. Ông nhận định gì?

TS Nguyễn Quang A: Hiện nay độ vênh giữa tỷ giá hối đoái chính thức và thị trường tự do đã hẹp xuống rất nhiều, độ chênh lệch chỉ vài trăm đồng thôi và tình hình đã được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu làm cho đẩy giá lên cách đây vài ba tháng, mà phải dẫn đến những biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân Hàng Nhà Nước, đôi khi phải can thiệp hành chính là do một vài hệ quả không lường trước của những chính sách khác và nó khuyến khích các doanh nghiệp các tập đoàn giữ đô la lại và bây giờ với một vài biện pháp nóng tình hình đã cải thiện.

Nam Nguyên: Nhà nước nói giảm giá tiền đồng so với đô la là để giảm nhập siêu, còn tổ chức Fitch lại quan niệm việc này là đẩy mạnh xuất khẩu để đạt tăng trưởng cao trước Đại Hội Đảng tổ chức vào sang năm. Đây có thể là một chỉ dấu về nguy cơ tạo ra thêm áp lực lạm phát thưa ông?

Chuyên lo nguy cơ lạm phát cao hơn thì rất nhiều người nói, bản thân chúng tôi cũng đã cảnh báo từ nhiều tháng trước và cái nguy cơ vẫn còn đang lơ lửng ở trước mặt và đó là thách thức rất lớn đối với chính phủ và nền kinh tế Việt Nam.
TS Nguyễn Quang A

TS Nguyễn Quang A: Tôi cho là đánh giá của họ không khách quan, thực sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì nó gây tác động về vấn đề lạm phát, nhưng mà bản thân đồng VN so với đồng đô la đã thực sự lên giá giữ giá khá nhiều trong thời gian vừa qua và giá hiệu chỉnh để đồng VN và đồng đô la trở lại đúng giá trị của nó, theo tôi vẫn còn cần phải được điều chỉnh nữa, chứ không phải đây là chuyện phá giá để mà tăng xuất khẩu. Tất nhiên việc giảm giá đồng Việt Nam thì sẽ có lợi cho xuất khẩu. Nhưng đừng quên rằng lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cao, nghĩa là sẽ ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu nhiên liệu để làm ra hàng xuất khẩu đó, trong 1 USD xuất khẩu có thể 75-80 cent là nhập khẩu rồi.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A đã dành thì giờ cho Đài RFA.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.