Nhân quyền tại Á Châu và Việt Nam trong năm 2009

Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12, chúng tôi muốn nhân dịp này nhìn lại quá trình tiến triển của nhân quyền trong thế giới năm qua, đặc biệt tại VN, thông qua sự nhận xét của các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế.

0:00 / 0:00

Hôm nay, chúng tôi phỏng vấn ông Antoine Bernard, Giám đốc Điều hành Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền được biết với danh xưng quen thuộc FIDH (International Federation for Human Rights), một tổ chức quốc tế ra đời tại Pháp vào đầu thập niên 20 thế kỷ trước, tổ chức có nhiều liên hệ với VN do sự kiện từ lúc mới ra đời Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã từng lên tiếng hủy án tử hình cho Cụ Phan Bội Châu, bênh vực cho Cụ Phan Chu Trinh và 13 chiến sĩ VN Quốc Dân Đảng, nhóm Ông Nguyễn Thái Học…

Mấy chục năm qua, trước cơ quan nhân quyền LHQ, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã hoạt động chung với Ủy ban bảo vệ Quyền Làm Người VN để bênh vực cho nhân quyền, tự do tôn giáo và những tù nhân chính trị tại Việt Nam.

Trụ sở Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đặt tại Paris, nhưng bao gồm 120 quốc gia thành viên, 30 tổ chức, thương hội từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Mỹ La Tin, Châu Phi và Châu Á. Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với Ông Antoine Bernard tại Paris:

Thực trạng

Ỷ Lan : Xin chào ông Antoine Bernard, ông là Giám đốc Điều hành Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights), là tổ chức nổi danh và lâu đời nhất tại Pháp. Xin ông có thể tóm gọn đôi lời cho quý vị độc giả Việt Nam được biết về tổ chức này được không?

Antoine Bernard : Vâng, Liên Đoàn Quốc tế Nhận quyền, gọi tắt là FIDH, là phong trào quốc tế bao gồm nhiều tổ chức nhân quyền tại các quốc gia, liên minh và tập họp để hỗ trợ cho nhau. Hiện chúng tôi có những hội viên trong 120 nước… hơn 150 thành viên tại 120 quốc gia, và Liên Đoàn hậu thuẫn họ cho những mục tiêu dân chủ, pháp quyền cũng như quyền phát triển.

Nói tóm, là để thực thi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền một cách cụ thể tại địa phương, dù phải để ý tới những đặc thù cũng như những khó khăn đang đặt ra tại các quốc gia liên hệ. Liên Đoàn là tổ chức bảo vệ, bênh vực cho những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền.

Cuộc đàn áp những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cũng như trong các nước khác, chỉ là sự lỗi thời chiếu theo lịch sử. Chúng ta cần nỗ lực chiến đấu để họ có thể thực hiện toàn vẹn tự do, dân chủ và nhân quyền.

Ô. Antoine Bernard

Ỷ Lan : Thưa ông, như vậy thì Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền có các tổ chức thành viên trong toàn thế giới, cũng như tại các nước Châu Á. Xin ông cho biết trong quốc gia nào và mối quan tâm cùng hành động của Liên Đoàn tại Châu Á, đặc biệt tại Việt Nam là nơi sẽ được theo dõi cuộc phỏng vấn này. Việt Nam có nằm trong sự quan tâm của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền không thưa ông?

Antoine Bernard : Hiển nhiên. Từ nhiều năm qua, Á châu là ưu tiên hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi có những tổ chức thành viên và đối tác hầu như trong tất cả các nước Á châu. Hai năm qua chúng tôi phát triển mối quan hệ tương tác với các tổ chức này. Có nhiều thách thức quan trọng, những thách thức va chạm tới các vi phạm nhân quyền quy mô trong những nước như Việt Nam hay Trung quốc. Hiển nhiên cũng là những vi phạm tại Miến Điện, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương. Chúng tôi quan tâm đến các nước này từng ngày một.

Đặc biệt ở Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là một tổ chức thành viên hầu như lịch sử của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền. Thật sự là chúng tôi rất quan tâm trước tình hình vi phạm nhân quyền quá hiển nhiên và có hệ thống.

Vừa qua, kết hợp với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã theo dõi và chất vấn khi chính quyền Việt Nam đến phúc trình theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện, là thể thức thẩm tra quốc tế về tình hình nhân quyền, nhân đó người ta có thể chứng kiến cũng như nêu lên những vi phạm hiển nhiên các tự do, đặc biệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là những tự do cực kỳ quan trọng, đang bị biện bạch một cách bất công và tùy tiện bằng các điều luật “an ninh quốc gia”.

Tại cuộc phúc trình này, người ta đã có thể tố cáo chính quyền Việt Nam về sự biện minh tình trạng vi phạm như “những trường hợp đặc thù”. Nhưng điều mà Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đòi hỏi là phải tôn trọng pháp luật phổ quát.

Một ngẫu nhiên khá bối rối, là Việt Nam khước từ các lời khuyến thỉnh của LHQ qua cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện, thì một vài tuần lễ sau trong tháng 10 năm nay, người ta được nghe những án lệnh gán cho 10 nhà dân chủ, khi họ chẳng làm chi khác hơn là hành xử quyền tự do ngôn luận phổ quát được công nhận. Nhân danh “an ninh quốc gia” những người này đã bị những án tù quá nặng.

Chúng tôi rất quan tâm trước tình hình vi phạm nhân quyền quá hiển nhiên và có hệ thống.

Ô. Antoine Bernard

Khuyến nghị

Ỷ Lan : Nói về Việt Nam, thì sang năm Việt Nam sẽ làm Chủ tịch Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời làm Chủ tịch một cơ cấu mới của ASEAN là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ. Lần đầu tiên Hiệp hội Đông Nam Á mới có một cơ cấu bênh vực cho Quyền con người. Ông nghĩ sao về sự kiện này?

Antoine Bernard : Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cùng với tất cả các tổ chức thành viên, chúng tôi trông cậy rất nhiều vào các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trên lĩnh vực nhân quyền. Thực tình chúng tôi rất kỳ vọng, và kỳ vọng Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) là điểm tựa cho Châu Á, nơi thảo bàn tự do cho sự thực hiện cũng như những thách thức thực hiện các tiêu chuẩn phổ quát nhân quyền. Thế thì, việc làm Chủ tịch luân phiên của Việt Nam vào đầu tháng Giêng 2010 thực sự đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi.

Hơn nữa, Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) vừa hình thành một Ủy hội Nhân quyền, một Ủy hội liên chính phủ mà Việt Nam sẽ chủ trì. Chúng tôi chờ đợi những hành động cụ thể khi Việt Nam làm Chủ tịch năm 2010, để Ủy hội Nhân quyền liên chính phủ của ASEAN, và để ASEAN trở thành nơi củng cố sự đối thoại, chân thành, hữu hiệu, kể cả những vấn đề vi phạm. Nơi của sự thẳng thắn, nơi các xã hội dân sự độc lập, những tác nhân độc lập của các tổ chức Phi chính phủ, các tổ chức Phi chính phủ Á châu, như Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, có thể tận dụng dự tự do ngôn luận của họ trong khung cảnh đối thoại cởi mở.

Chúng tôi không che giấu sự lo lắng. Vì vậy mà tất cả tổ chức của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền được động viên để năm 2010 là năm tiến sâu vào Quyền con người, đồng thời nâng cao Quyền con người ở Châu Á, để nhân quyền không bị thoái bộ.

Ỷ Lan : Xin ông một câu hỏi chót : Nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, là người hoạt động nhân quyền ông có đôi lời gì gửi gắm những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam không, thưa ông?

Antoine Bernard : Đúng hôm nay là Ngày Quốc tế Nhân quyền, tôi cũng như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đặc biệt nghĩ tới các ông bà Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Túc, Ngô Qùynh, Nguyễn Mạnh Sơn, vừa bị kết án hồi tháng 10 với những án tù quá nặng, cũng như những người sắp bị ra tòa.

Chúng tôi nghĩ đến họ vì chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đánh giá sự phát triển kỳ diệu của phong trào bảo vệ nhân quyền trong toàn thế giới. Những người vừa kể trên đang tham dự phong trào nhân quyền toàn cầu, họ là danh dự của quê hương họ. Chúng tôi nghĩ đến họ là chúng tôi muốn thấy họ được tự do, được quyền ăn nói, được hành động như bạn bè của họ là những người đấu tranh cho nhân quyền trong thế giới.

Cuộc đàn áp những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cũng như trong các nước khác, chỉ là sự lỗi thời chiếu theo lịch sử. Chúng ta cần nỗ lực chiến đấu để họ có thể thực hiện toàn vẹn tự do, dân chủ và nhân quyền.

Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Antoine Bernard.