Trò chơi và đồ chơi truyền thống ngày càng mai một

Trò chơi và đồ chơi truyền thống của Việt Nam hiện đang bị mai một do sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số các nhà khoa học, văn hóa muốn duy trì và làm sống lại một số các trò chơi truyền thống của trẻ em.

0:00 / 0:00
computer-game-220.jpg
Ngày nay, trò chơi truyền thống đã được thay bằng trò chơi điện tử trên máy vi tính. AFP photo/Hoang Dinh Nam.

Việt Hà có bài phỏng vấn giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch hội Văn hóa Dân gian Việt Nam về vấn đề này.

Việt Hà: Thưa giáo sư, xin ông cho biết về hiện trạng các trò chơi và đồ chơi truyền thống ở Việt Nam?

Tô Ngọc Thanh: Về quan điểm, cách nhìn nhận, thì người ta không bao giờ tách rời đồ chơi khỏi trò chơi, phải có trò chơi thì mới có đồ chơi. Ví dụ ngày xưa có con trâu lá đa là mô phỏng lại cuộc sống con người, thì lá đa được cắt ra thành cái biểu tượng là hai cái sừng, thế là các cháu kéo hai cái sừng ấy cho nó chuyển động và nó kêu nghé ọ, nghé ọ. Đấy là trò chơi con trâu, mà lá đa tạo hình thành một biểu tượng của con trâu, do đó, trò chơi phải có, trò chơi phải gắn với đồ chơi, và ngược lại, nếu không có trò chơi thì đồ chơi cũng mất luôn, cho nên bây giờ các trò như nu na nu nống trẻ em không chơi, xỉa cá mè bè cá chép không chơi. Tóm lại những thứ đó hiện nay trẻ em không chơi. Thì làm gì còn đồ chơi. Chơi truyền ngày xưa là rất hay, nó rèn luyện đủ thứ, nhanh tay, nhanh mắt, tính kỷ luật, rồi thuộc thơ ca dân tộc, vân vân, nhưng ngày nay không chơi.

Tóm lại cuộc sống hiện nay đang tách con người ngày một xa so với thiên nhiên … mà thay vào đó thì nhịp sống của trẻ em cũng khác ngày xưa.

GS Tô Ngọc Thanh

Đời sống hiện đại

Việt Hà: Xin ông cho biết nguyên nhân tại sao những trò chơi và đồ chơi truyền thống bị mai một?

Tô Ngọc Thanh: Nó có nhiều nguyên nhân, ví dụ cuộc sống bây giờ ngày càng tách con người ra khỏi thiên nhiên, bây giờ ngay trẻ em nông thôn thì nó cũng không còn con cào cào châu chấu, vì người ta dùng phân hóa học, tất cả những con ấy chết hết, không còn châu chấu cào cào, đất thì không còn những chỗ để cho cỏ mọc, nên trò chơi chọi cỏ gà cũng không còn nữa vì lấy đâu cỏ gà mà chơi. Tóm lại cuộc sống hiện nay đang tách con người ngày một xa so với thiên nhiên mà trò chơi và đồ chơi của trẻ em Việt Nam thì có một bộ phận cực lớn gắn với thiên nhiên như chọi cỏ gà, trâu lá đa, nặn pháo đất, đi bắt chuồn, rồi dính chuồn chuồn bằng nhựa mít, vân vân, tất cả những cái đó giờ không còn nữa, mà thay vào đó thì nhịp sống của trẻ em cũng khác ngày xưa. Bây giờ trẻ em không phải đi chăn trâu như ngày xưa. Vả lại cũng chẳng có chỗ nào mà chăn. Người ta nuôi trâu bằng cỏ voi là cỏ nuôi trồng, người ta cho ăn tại nhà. Còn chuyện một đứa trẻ ngồi trên lưng trâu thổi sáo thì hình ảnh đó là xưa lắm rồi không còn nữa. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai để thích ứng với môi trường tách dần ra khỏi thiên nhiên, người ta phải tạo dựng những trò chơi khác cho trẻ em, mà những trò chơi ấy giờ đây gắn liền với mục tiêu giáo dục của xã hội, bây giờ cũng có nhiều trò chơi ví dụ như các cháu hát một bài rồi múa vòng quanh. Tất nhiên là nó nghèo nàn, bởi vì chỉ có một loại hình thôi. Thứ ba là với đời sống hiện đại, thì người ta thường làm những đồ chơi mô phỏng các vật thường ngày như mô tô, tàu hỏa, xếp hình, máy bay, càng ngày người ta càng đưa kỹ thuật điện tử vào thì càng ngày càng hiện đại và gây thích thú cho trẻ em. Ví dụ như một cái máy bay lên thẳng bằng Pin có thể bay được, tóm lại những cái đó cũng gợi lên những hình tượng về cuộc sống nhưng những hình tượng ấy không còn gắn với thiên nhiên nữa, không còn gắn với đời sống nông nghiệp làm lúa nước ngày xưa nữa. Nên cái trò chơi cổ truyền không thể có mặt ở đây được. Và một nữa là để đạt mục đích giáo dục trẻ em theo hướng xã hội mới, thì người ta cũng không nghĩ đến việc dạy trẻ em những trò chơi xưa nữa. Thì đấy là những nguyên nhân chính.

Vấn đề là bây giờ, giá như có thể được thì chúng ta chọn lọc trò chơi cổ truyền bên cạnh các trò chơi và đồ chơi hiện nay, để nó cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

GS Tô Ngọc Thanh

Cân bằng truyền thống và hiện đại

Việt Hà: Vậy có sự mâu thuẫn nào giữa các trò chơi, đồ chơi truyền thống với các trò chơi và đồ chơi hiện đại không?

Tô Ngọc Thanh: Hai xã hội có hai mục đích khác nhau. Người ta không thể giáo dục trẻ em để đáp ứng cho xã hội nông nghiệp làng xã trước kia nữa rồi, tôi lên Tây nguyên, ở dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, ngày xưa người ta làm cung và ná cho trẻ em để nó đi tập để sau này nó lớn lên săn bắt thú rừng. Cho nên ná của trẻ em chơi là bắn con chuồn chuồn, bắn con bọ, bây giờ chuồn chuồn và bọ cũng hiếm để mà bắn, thứ hai nữa là cho nó chơi ná thì sau này nó sẽ vi phạm luật lệ bảo vệ thú hoang dã. Bây giờ người Tây Nguyên trồng café, hồ tiêu, cây điều, chứ không phải là trồng lúa, phát rẫy, xâm phạm vào rừng nữa. Vậy thì người Tây Nguyên đã tách ra khỏi môi trường mà từ đó họ được sinh ra và lớn lên và giờ đây họ phải đáp ứng một xã hội khác thì trẻ em làm sao mà chơi cái ná được. Cho nên ở đây không nên trách xã hội mà cũng không nên trách các nhà giáo dục. Vấn đề là bây giờ, giá như có thể được thì chúng ta chọn lọc trò chơi cổ truyền bên cạnh các trò chơi và đồ chơi hiện nay, để nó cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng điều này chúng ta chưa kịp nghĩ đến và cũng chưa có ai đứng ra để làm cả.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.