Luật Sư Ðoàn Sài Gòn tẩy chay ông Lê Thúc Anh ?

Lại một lần nữa, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, nhân danh Đoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh, rút lui khỏi vị trí thành viên Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc.
Thiện Giao, RFA
2008.08.06
lawyerluatsu.jpg Những bất đồng đang diễn ra trong tiến trình thành lập Luật Sư Đoàn Toàn Quốc cho thấy phía Sài Gòn đang hành xử độc lập, và tính độc lập này được giới quan sát gọi là “một cuộc ly khai chưa từng có.”
Hình: Báo Pháp Luật

Trong văn bản gởi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, luật sư Trừng có đặt câu hỏi về “điều kiện và tiêu chuẩn” của ông Lê Thúc Anh, người được chỉ định làm Chủ Tịch Lâm Thời. Ông Lê Thúc Anh từng ngồi ghế Chánh Án, xử nhiều vụ liên quan đến những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Việt Nam, như giáo sư Đoàn Viết Hoạt và luật sư Đoàn Thanh Liêm. Vậy, ông Lê Thúc Anh là ai? Và những án lệnh do ông ban ra có tính chất như thế nào?

Nửa tháng sau khi Ban Chỉ Đạo Đại Hội Đại Biểu Luật Sư Toàn Quốc ra văn bản có nội dung không cho phép luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh, rút tên khỏi Hội Đồng Lâm Thời, thì cách đây ít hôm, luật sư Trừng, nhân danh Đoàn Luật Sư của mình, có công văn gởi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp trả lời về vấn đề này.

Bản văn trả lời ông Bộ Trưởng Tư Pháp có 3 ý chính: thứ nhất, Ban Chỉ Đạo không phải là người bổ nhiệm, do đó không có thẩm quyền từ chối quyết định rút lui của luật sư Trừng; thứ nhì, đặt câu hỏi về điều kiện và tiêu chuẩn của người được chỉ định là Chủ Tịch Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc; và thứ ba, khẳng định rằng quyết định của Luật Sư Trừng nên được hiểu là quyết định của toàn bộ Luật Sư Đoàn Sài Gòn.

Đây có lẽ là lần thứ ba phía Sài Gòn, bằng lý lẽ này hoặc lý lẽ khác, từ chối tham gia luật sư đoàn toàn quốc.

Và đây cũng không phải là lần đầu tiên phía Đoàn Luật Sư Sài Gòn đặt câu hỏi về khả năng chuyên môn của ông Lê Thúc Anh, người được trung ương chỉ định làm Chủ Tịch Hội Đồng Lâm Thời.

Không được đào tạo chuyên nghiệp

Một số người, hiện đang sống tại Hoa Kỳ, không chỉ đặt câu hỏi tương tự. Ký ức họ vẫn còn nguyên vẹn về danh xưng Lê Thúc Anh, dù đã gần 20 năm trôi qua.

Một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, từng bị cầm tù nhiều năm tại Việt Nam, là Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, nhớ lại.

“Ông Lê Thúc Anh là người xử chúng tôi năm 1993, trong đó ông Anh là chánh án phiên sơ thẩm. Và những gì chúng tôi nhớ về ông Lê Thúc Anh vẫn còn rất rõ.”

Luật sư Đoàn Thanh Liêm, một chuyên viên nghiên cứu về luật hiến pháp, cũng từng bị nhiều năm tù tại Việt Nam:

“Trong tất cả tù nhân chính trị sau 1975 bị ông Lê Thúc Anh ngồi xử, thì ông Anh là người xử nặng nhất. Ông ấy gần như không hề có án khoan hồng cho bất cứ ai. Án của ông ấy nặng ở mức tối đa, kể cả chung thân và tử hình.”

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nhớ lại là ông và các bạn của ông đã bị chánh án Lê Thúc Anh trấn áp rất mạnh mỗi khi các bị can đưa ra các luận điểm của mình tại toà. Giáo Sư Hoạt nói rằng, phiên xử năm 1993 do ông Lê Thúc Anh ngồi ghế Chánh Án. Mặc dầu ngồi ở vị trí chánh án, ông Anh luôn là người nghiêng về phía Viện Kiểm Sát, trấn áp bị can.

“Trong phiên toà, chúng tôi thấy rõ ông Lê Thúc Anh không phải là người được đào tạo chuyên nghiệp về luật. Mà hệ thống luật lúc ấy rất tệ. Luật sư gần như không có. Chánh Án thì hoàn toàn trấn áp không cho bị can lên tiếng đối chất với Viện Kiểm Sát Nhân Dân, tức Công Tố Viên. Chánh Án hoàn toàn đứng về phía Công Tố Viên.”

Về trường hợp luật sư Đoàn Thanh Liêm, ông bị đưa ra toà vì viết một văn bản có tên là “Thoả Thuận Căn Bản” gồm 5 điểm, dài chưa đến 1 trang giấy, mà ông cho là có thể làm căn bản gợi ý cho hiến pháp mới.

“Họ bắt tôi năm 1990, và đưa tôi ra toà xử ngày 14 tháng Năm năm 1992, xử tôi tại Sài Gòn. Lúc ấy ông Lê Thúc Anh là Chủ Tịch Hội Đồng Xét Xử. Tôi nhớ điều này, ông ta nói với tôi một cách miệt thị, rằng tôi ‘là cáo già chính trị’ và phải cách ly lâu ngày khỏi xã hội, tức là tù lâu. Tội của tôi là tội mà họ gọi là tuyên truyền chống Chủ Nghĩa Xã Hội. Tôi bị tuyên án tối đa trong khung hình phạt, là 12 năm.”

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhớ lại phiên toà chính trị cách đây 15 năm với chánh án Lê Thúc Anh, rằng nhóm của ông có tất cả 8 người. Lúc ấy là phiên sơ thẩm, và Giáo Sư Hoạt bị kêu án 20 năm tù. Về sau, trong phiên kháng án, do một người khác chủ toạ, án được giảm xuống còn 15 năm. Theo lời Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, thì ông Lê Thúc Anh còn là chánh án trong nhiều phiên xử các nhân vật nổi tiếng khác.

“Tất cả các bản án năm 1990 đều do ông Lê Thúc Anh ngồi ghế chánh án. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông Anh xử cả bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Trong trường hợp bác sĩ Quế, chúng tôi được nghe là ông Anh trấn áp bác sĩ Quế rất mạnh. Và hình như chính Lê Thúc Anh nhiều lần ra lệnh còng tay bác sĩ Quế ngay tại toà. Luật sư Đoàn Thanh Liêm cũng bị ông Lê Thúc Anh xử, trước chúng tôi vài tháng.”

Ðáng khích lệ

Cả hai người, giáo sư Đoàn Viết Hoạt và luật sư Đoàn Thanh Liêm đều cho biết có nghe về vụ Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng rút lui khỏi Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc. Giáo Sư Hoạt nhận định rằng giới luật sư và báo chí của Việt Nam đang nằm trong tiến trình xã hội dân sự đáng khích lệ.

“Điều đáng mừng là những luật sư, đặc biệt những luật sư miền Nam, tại Sài Gòn, ngày càng tỏ ra có tinh thần độc lập hơn và muốn bảo vệ quyền độc lập của luật sư. Đó là điều đáng khích lệ, nhất là tinh thần này ngày càng phát triển và nằm chung trong tiến trình phát triển tạm gọi là xã hội dân sự, mặc dầu không được phép. Điều này thể hiện khá rõ trong giới luật sư và báo chí.”

Trong khi ấy, luật sư Đoàn Thanh Liêm thì nhận định là Luật Sư Đoàn Sài Gòn “có cái lý của họ” khi từ chối đơn xin gia nhập của ông Lê Thúc Anh.

“Trong chuyện này, Luật Sư Đoàn có lý của họ. Lê Thúc Anh có thể làm mất uy tín của luật sư đoàn, vì ‘thành tích’ của ông ấy. Tôi nghĩ không chỉ cá nhân ông Trừng, mà ban lãnh đạo của đoàn luật sư Sài Gòn cũng từ chối ông Anh. Tôi cho là họ có lý của họ. Và lý ấy đủ trầm trọng để người ta từ chối như vậy.”

Một luật sư tại Sài Gòn cho rằng nếu ông Lê Thúc Anh là Chủ Tịch Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc thì rất có thể uy tín quốc tế của luật sư Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì thành tích của vị Chủ Tịch đầu tiên.

Ngoài ra, những bất đồng đang diễn ra trong tiến trình thành lập Luật Sư Đoàn Toàn Quốc cho thấy phía Sài Gòn đang hành xử độc lập, và tính độc lập này được giới quan sát gọi là “một cuộc ly khai chưa từng có.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.