Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 27.2.2009)

Tuần này RFA nhận được nhiều thư và email của thính giả từ trong và ngoài nước, với những thắc mắc giống nhau.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2009.02.27
RFAwebGlobe305.jpg Trang Web RFA.
Graphic: RFA & Istock

Đó là vì sao đang vào được, đang đọc đang nghe được tin tức của RFA mỗi ngày rồi bổng dưng không thể nào truy cập được nữa.

Với từng câu hỏi như thế qua hộp thọai, qua thư và qua email, thì RFA đã  mau mắn gởi bản tin hàng ngày trở lại kèm proxy vượt tường lửa để thính giả xa gần có thể vào trang nhà, nghe và download trở lại các chương trình hàng ngày của Ban Việt Ngữ.

Thanh Trúc tin chắc quí vị thông cảm và không phiền vì những trở ngại thường xuyên ấy.

Nhưng mà trong trường hợp bị gián đoạn vì trục trặc kỹ thuật, vì đường truyền internet bị tạm thời đứt quảng, thì quí vị thính giả ở trong nước vẫn nghe được RFA qua đài chứ phải không ạ.

Dù có như thế nào, mỗi khi ra làn sóng phát thanh xin quí vị nhớ RFA luôn có mặt ở đó chỉ vì thính giả trông chờ chúng tôi, và đã tìm thì sẽ gặp…

Nghe và đọc RFA ở VN

Khi nói đến làn sóng phát thanh của RFA, bất kể trên sóng trung bình 1503 KHz hoặc trên các băng sóng ngắn  19, 22, 25, 41 của radio, Thanh Trúc chợt nhớ hai đoạn âm thanh nhận được trong hộp thọai.

Đó là trích đoạn hai buổi phát sóng của RFA mà quí vị thấy phần trứơc nghe rất rõ nhưng phần sau thì tiếng chữ không được trong trẻo lắm.

Cảm ơn hai vị thính giả trong nứơc đã có nhã ý gởi vào hộp thư thoại để RFA biết chất lượng âm thanh của chúng tôi khác nhau từng lúc như thế nào.

Nguyên nhân thì nhiều lắm, vừa kỹ thuật, vừa điều kiện thời tiết và cả chuyện phá sóng nữa.

Có thính giả đã nói với chúng tôi rằng nhiều khi nghe tiếng được tiếng mất mà vẫn cứ phải nghe cho được, và lá thư ấy đã đựơc anh chị em trong ban Việt ngữ coi như một trong những lời khích lệ mạnh nhất trong năm 2008.

Internet-Cafe-Hanoi-305.jpg
Một quán càphê internet ở Hà Nội.
AFP PHOTO
Bây giờ Thanh Trúc trả lời thư quí thính giả báo cho chúng tôi biết bổng dưng không còn truy cập RFA được nữa.

Thính giả Nguyễn Gia hay Nguyễn Giá, đã gởi bản tin hàng ngày đến ông hay bà. Nhưng nếu ông hay bà chuyển qua gmail thay vì yahoo thì tiện hơn. Đa tạ.

Thưa thính giả Hồ Minh, đã gởi link để vào bản tin hàng ngày trở lại. Thưa bạn Harry Phạm, đã gởi bản tin hàng ngày đến hai địa chỉ gmail.com và comcast.net. Cảm ơn bạn nhiều.

Newsletter của RFA cũng đã được gởi tới thính giả Aba Lương, nhưng bạn đang ở đâu vậy, bởi dùng yahoo ở Việt Nam thì nhiều phần khó khăn đấy.

Thưa thính giả Trần Chương, chắc hẳn ông đã nhận được bản tin hàng ngày và không  còn trở ngại nào  phải không?  Xin vui lòng báo ngay  nếu không truy cập được. Kính thư

Thính giả họ Nguyễn ở Việt Nam nhắn với RFA: “Hôm nay tại thành  phố Sài Gòn mạng internet VNPT không còn tường lửa nữa, vào web RFA rất tốt.”

Chào bạn, Thanh Trúc chỉ mong lúc nào đường truyền cũng thông  như vậy bạn ạ, nghĩa là đừng có không dưng mà biến mất trên không gian ảo khiến quí thính giả và quí độc giả trung thành của RFA cũng bị rối theo. Chúc bạn vui.

Thính giả họ Trần, quốc tịch  New Zealand, viết cho RFA:  

“Lúc còn bên New Zealand hay Australia thì ngày nào tôi cũng nhận được mail của quí đài. Nhưng từ ngày công tác ở Việt Nam thỉnh thoảng tôi nhận được email của quí đài hoặc nói cách khác là hiếm khi như bốn tháng nay tôi chỉ nhận được một hoặc hai mail của quí đài.

Khi mở mail ra có khi không thấy được gì hết, nếu có thấy đi chăng nữa thì những link kèm theo dành cho thính giả trong nứơc cũng không vào được.

Nếu vào được thì computer của tôi báo là link có virus. Nếu nhận được mail này làm ơn cho tôi biết tại sao và làm cách nào để cập nhật bản tin hàng ngày của quí đài.”  

Đầu tiên Thanh Trúc thay mặt toàn thể ban Việt Ngữ cảm ơn lời khuyến khích quí báu cũng như lời chúc tốt đẹp của ông. Về câu hỏi của ông.

Thanh Trúc có thể trả lời ngay bởi  nó  hiển nhiên. Thưa địa chỉ email ông đang sử dụng là yahoo, vì thế ở ngoài này thì không có vấn đề gì, nhưng khi vào Việt Nam mà vẫn dùng yahoo thì bản tin RFA có thể bị chận lại. Xin ông mail lại cho RFA qua một địa chỉ khác. Rất mong.

Cùng người bạn thân quí ở Hà Nội, cảm ơn Hà đặc biệt quan tâm đến RFA. Bản tin hàng ngày vẫn tiếp tục được phóng đến địa chỉ gmail của  Hà  cho đến khi nào bạn nhận được mới thôi, bạn nhé.

Listen-Live-305.jpg
Nghe trực tiếp - Live 6:30-7:30 sáng và 9-10 giờ tối (giờ Việt Nam)
RFA
Thanh Trúc tuy không thể làm gì khác nhưng lòng vui vì có bạn như một thính giả kiên trì của đài.

Bạn Sang thân mến, đến hôm nay bạn còn gặp trở ngại khi download bài vở từ RFA không? Hãy chỉ cho Thanh Trúc biết bạn đã phải reset Firefox webpage như thế nào?

Thưa vị thính giả tên Long thường nghe RFA qua làn sóng ngắn từ trong nước. Có phải ông muốn nói là khi bắt sóng thì đừng rà ngay nơi 49 mét mà nên dừng ở chỗ non 49 , tức là khoảng 48 hơn một tí phải không ạ, và như thế sẽ nghe rõ hơn là bắt đúng 49?

Sở dĩ Thanh Trúc hỏi dài dòng như vậy là bởi nếu đúng cách này thì cũng là điều hay mà quí thính gỉa khác có thể thử xem sao. Đa tạ.

Thư đến, Thư đi 

Thư gởi qua đường bưu điện của thính giả tên Quang ở Khánh Hoà đã đến với chúng tôi. Nếu có thể xin ông vui lòng nhắn vào hộp thoại RFA số điên thoại của ông. Kính thư.

Thưa ông Nguyễn Tân hay Nguyễn Tấn. RFA rất vui khi biết ông thích thú với ý kiến về luật pháp Việt Nam mà hai vị luật sư Trần Lâm và Trần Thanh Hiệp cùng trao đổi trên RFA.

Tuy nhiên, cũng xin thưa rõ với ông rằng những ý kiến đó không nhất thiết phản ánh quan điểm của RFA. Chúng tôi chỉ là một diễn đàn thảo luận tự do thôi.

Bạn trẻ Shou Yong, ra em là một thính giả mới của RFA?  Tất nhiên không có gì trở ngại nếu em muốn góp tiếng và trao đổi với RFA. Nếu Thanh Trúc mời em tham gia Diễn Đàn Bạn Trẻ thì em có bằng lòng không?

Và nhân nói  đến Diễn Đàn Bạn Trẻ,  mời quí vị nghe thư sau:    

 “Trong những cuộc đàm luận ở mục Diễn Đàn Bạn Trẻ, có nhiều bạn trẻ thường dùng  cụm từ  “xã hội chủ nghĩa”. Khi có lời yêu cầu các bạn ấy giải thích về “xã hội chủ nghĩa” là gì thì lại cho rằng xã hội chủ nghĩa rất phức tạp, sâu xa, khó mà giải thích trong một thời gian ngắn được.

Mặt khác thì cũng chính những bạn ấy đánh giá dân trí Việt Nam rất thấp , đồng thời quả quyết là dân Việt Nam luôn ủng hộ đảng cộng sản tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Đây là sự mâu thuẫn trong lời biện luận mà tôi thường nghe, không những từ miệng các bạn trẻ tham gia tranh luận trên RFA mà còn từ rất nhiều bạn trẻ khác “bị” lớn lên trong xã hội chủ nghĩa.

Nếu  nói xã hội chủ nghĩa là việc phức tạp thì với dân trí thấp như dân Việt Nam ta thì họ có lý gì ủng hộ cái mà họ không biết gì hết?

Tôi có cảm giác đa số bạn trẻ trong nước hiểu xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với đảng cộng sản toàn quyền độc trị. Còn những lời các bạn dùng đảng để diễn tả xã hội chủ nghĩa nghe giống học thuộc  lòng để trả bài.”

Thưa đó là thư góp ý của thính giả ký tên Tiếng Nói Tự Do.

Trả lời bạn Bùi Vinh hay Bùi Vĩnh, thư bạn khá vắn tắt và font chữ bạn chọn không ra hẳn tiếng Việt, vì thế Thanh Trúc không chắc đã nắm hết ý bạn muốn nói. Có khi nào bạn thư lại cho Thanh Trúc được không?

Cùng Tuyên hay Tuyển ở Việt Nam, lâu lắm mới có thư em. Đồng ý và chia sẻ những ưu tư về tình hình ngừơi lao động thất nghiệp càng ngày càng tăng ở bên nhà.

Em nghe RFA đều nhé. Em cũng thấy là RFA quan tâm đến những người dân đang phải vất vả đối phó với cụôc sống thế nào!

Đã nhận và đã đọc thư của quí vị Peter Nguyễn ở New Jersey, Đinh Việt ở Canada, Havanera ở  Praha, Larry Win, Hoà Bình Tự Do, Brian Hồ, và một thính giả Sài Gòn dặn chúng tôi đừng nêu tên.

Chân thành cảm ơn và xin ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng của quý vị!

Thưa thính giả Trí Trần, tên cuốn phim đã thống lĩnh Oscar 2009 là Slumdog Millionaire, cảm ơn ông đã chỉ cho thấy lỗi typo trên máy. Kính thư.

Và sau cùng, lời của một thính giả cao tuổi đời mà cũng dày tuổi đảng trong nứơc gởi qua hộp thoại. Mạn phép nhắc lại rằng đây chỉ là ý kiến của thính giả, tất nhiên là không phản ánh quan điểm của RFA:

“…Tôi cũng xin trình bày một vài cảm nghĩ về Hồ Chủ Tịch, hy vọng được phổ biến trong mục góp ý của thính giả. Theo phong tục và tập quán của Việt Nam người sau khi quá vãng đều được thân nhân hoặc địa táng hoặc hoả táng.

Chỉ  có một mình bác Hồ không được đảng cộng sản Việt Nam chôn cất theo luân lý và phong tục tập quán của mọi người. Tính đến nay bác đã về với cụ Mao cụ Lê gần bốn mươi năm.

Mỗi năm ngân sách quốc gia phải bỏ ra hàng tỷ đồng để bảo trì và bảo vệ an ninh cho cái xác khô của cụ. Trong lúc đó hàng trăm ngàn ngừơi nghèo khổ đang đói, đúng như lời bộ trưởng nông nghiệp Cao Đức Phát đã phát biểu trứơc quốc hội là hiện nay có hàng trăm ngàn ngừơi đang đói, họ chỉ ăn cơm trong những ngày lễ, ngày Tết và những khi bị ốm. Đó là tin trên báo  điện tử VNExpress.

Mặt khác, trong chuyến viếng thăm Bắc Hàn trứơc đây, ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh hứa tặng hai ngàn tấn gạo để cứu đói cho đồng bào Bắc Hàn. Tại sao ngài tổng bí thư Nông Đức Mạnh không nghĩ đến việc cứu đói hàng trăm ngàn ngừơi Việt mà ông Cao Đức Phát đã trình bày trứơc quốc hội?

Nhân đây tôi cũng xin trích một đoạn trong bài thơ Thức Dậy Hà Nội của thi sĩ Lê Vi:

 

Thức dậy đi Hà Nội,

Thời gian đâu thế, ở mãi cùng gian dối

Cái xác khô càng tô đỏ, lăng  miếu càng lõa lồ

Và đền đài triều Nguyễn càng trở nên khiêm tốn …

             

Ngưng trích ở  đây.

Thưa quí vị tháng Hai đang vẫy tay chào, tháng Ba đang chờ ở cuối đường với  “cỏ non xanh tận chân trời” của đại thi hào Nguyễn Du. Ban Việt Ngữ  kính chào tạm biệt quí vị  ở phút này.  Thanh Trúc sẽ trở lại trong mục Trả Lời Thư Tín tối thứ Sáu tuần tới.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.