Cần một sự thỏa hiệp để bảo tồn và phát triển phố cổ
2009.11.28
Để tìm hiểu thêm quan điểm của chuyên gia, Khánh An phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, nhà sử học cũng là một chuyên gia về lịch sử - văn hóa thời tiền thực dân và lịch sử đô thị. PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ cũng là tác giả của rất nhiều công trình và đề tài nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội. Mời quý vị theo dõi sau đây.
Khó khăn
Khánh An: Xin chào PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Được biết ông là một chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội. Khánh An xin được hỏi quan điểm của ông như thế nào về kế hoạch di dời dân phố cổ của thành phố Hà Nội?
PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ: Chính quyền cũng có kế hoạch di dời nhưng chưa thực thi vì còn nhiều khó khăn. Trong khu phố cổ bây giờ có một sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Nếu bảo tồn tất cả thì phải di dời một số ra khỏi khu phố cổ. Người dân có hai ý thích, họ muốn trụ lại ở đấy vì đó vừa là nơi cổ kính, kinh tân, vừa quen thuộc với họ từ lâu đời, mặt khác, họ lại yêu cầu phải phát triển đời sống đô thị sao cho phù hợp với tiện nghi hiện đại, nếu không thì sẽ rất bất tiện. Họ cũng sẵn sàng di dời nhưng với điều kiện đến nơi nào đó, có thể mất đi địa điểm kinh doanh, nhưng phải có tiện nghi tương đối đầy đủ, ít nhất là như hiện tại. Tâm lý của người dân là vẫn bám trụ cho đến khi có một nơi thuận tiện cho họ. Bây giờ người dân và chính quyền cũng đang loay hoay với nhiều vấn đề như tâm lý, kinh tế, tiền nong, cho nên kế hoạch di dời khu phố cổ hiện nay vẫn chưa phải là cấp thiết và cũng chưa thật sự đặt ra. Mới có một số thí điểm là một số khu vực kinh doanh nhưng cũng chưa khuyến khích di dân ra đấy.
Còn vấn đề di dời toàn bộ dân hay phục chế hoàn toàn theo kiểu cổ thì đó là vấn đề lâu dài, không thể làm ngay, mà trong tương lai cũng khó vì có nhiều vấn đề phức tạp.
PGS TS Nguyễn Thừa Hỷ
Khánh An: Thưa Tiến sĩ, theo như ước tính của UBND TP Hà Nội thì chi phí dự trù cho giai đoạn 1 của kế hoạch giãn dân là khoảng 4.000 tỉ đồng. Theo ông, kế hoạch này có khả thi và có phải là một bước đi đúng hướng?
PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ: Di dời chỉ là một trong những biện pháp thôi chứ không nhất thiết phải xúc tiến một cách mạnh mẽ. Theo tôi biết thì di dời bây giờ mới chỉ mới có lý thuyết trên giấy thôi chứ chưa có kế hoạch, và có thể thực hiện được trong tương lai. Trước mắt thì vấn đề đầu tiên khả thi là phải chỉnh trang lại khu phố cổ, thứ hai là hiện đại hóa đời sống ở phố cổ cho tiện nghi hơn. Còn vấn đề di dời toàn bộ dân hay phục chế hoàn toàn theo kiểu cổ thì đó là vấn đề lâu dài, không thể làm ngay, mà trong tương lai cũng khó vì có nhiều vấn đề phức tạp.
Mâu thuẫn
Khánh An: Thưa Tiến sĩ, trong kế hoạch bảo tồn và phát triển phố cổ, người ta cũng đặt ra vấn đề là làm sao giữ được cái hồn của phố cổ bởi vì, dạo gần đây có nhiều du khách than phiền rằng khó tìm lại được những nét đặc thù của phố cổ xưa.
PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ: Phố cổ ở VN có phần nào đó giống phố cổ ở Đông Nam Á nhưng lại hơi mâu thuẫn ở chỗ, nếu để tự phát buôn bán thì sẽ mất vệ sinh, vi phạm trật tự an ninh thương mại. Còn nếu không cho buôn bán ở vỉa hè, các bảng hiệu cho hết vào trong thì cũng mất đi hình ảnh phố cổ, còn về tính cộng đồng thì khu phố cổ không giống như ở phố lớn, nghĩa là ở đây lúc nào cũng có người đi lại tất bật. Nghĩa là bên ngoài thì làm sao cho có hình dáng sinh hoạt phố cổ đông vui, bên trong nội thất thì phải đạt, về sinh hoạt thì đó là linh hồn và biểu hiện tính tinh thần, những lễ hội thì vẫn có thể khôi phục được với điều kiện phải văn minh, hiện đại, vệ sinh và sạch đẹp. Gọi là linh hồn cũng không có nghĩa là ta phải khôi phục lại theo truyền thống hoàn toàn, vì như thế cũng không được, nhưng nếu chúng ta hoàn toàn hiện đại hóa thì khi bước vào khu phố cổ sẽ thấy trơ trụi, mất đi hình ảnh phố cổ. Những ngôi nhà thì kiểu cổ nhưng sinh hoạt ngoài đường phố không còn nữa thì cũng không phù hợp. Nhiều nhà quy hoạch phải làm thế nào để có được một phương án tối ưu, thường là sự thỏa hiệp, nghĩa là thêm cái mới nhưng vẫn giữ được cái cũ. Một phương án đơn thuần và cực đoan thì khó mà thực hiện được.
Nhiều nhà quy hoạch phải làm thế nào để có được một phương án tối ưu, thường là sự thỏa hiệp, nghĩa là thêm cái mới nhưng vẫn giữ được cái cũ.
PGS TS Nguyễn Thừa Hỷ
Khánh An: Như Tiến sĩ vừa mới đề cập, cần phải có một sự thỏa hiệp hay nói cách khác là chọn lọc và kết hợp ưu điểm của các phương án bảo tồn và phát triển phố cổ. Thế nhưng lúc đầu Tiến sĩ có nói đến sự mâu thuẫn, xin cho Khánh An hỏi đây có phải là tình trạng hiện nay của thành phố Hà Nội, tức là có sự mâu thuẫn giữa các phương án đối với phố cổ?
PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ: Với tư cách là nhà khoa học chứ không phải chính trị hay kinh tế, tôi nhận thấy bản thân sự phát triển đô thị cũng có những quan điểm mà bản thân nó đối chọi nhau. Tôi không nói về mặt chính trị mà chỉ nói về mặt kỹ thuật và những lợi ích. Bản thân các quan chức cũng không thống nhất một hướng mà chỉ có một nét chung mà thôi. Người dân thì họ nghĩ làm thế nào để đời sống của họ được thoải mái, tiện nghi. Một sự phát triển đô thị thì phải theo xu hướng của sự thỏa hiệp các khuynh hướng. Tôi nghĩ rằng ở VN bây giờ không có một cái gì đủ mạnh để cuốn người ta đi theo một hướng nào đó. Hiện nay có rất nhiều lực lượng vừa nâng đỡ, vừa đối chọi nhau. Tương lai thì chưa biết thế nào, nhưng chúng ta làm gì cũng phải thuận lòng dân và phù hợp với lịch sử. Tất nhiên cũng cần có thời gian chứ không thể ngày một ngày hai được. Tôi tin chắc rằng thủ đô của chúng ta sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, nhưng bằng con đường nào hay đi theo kịch bản nào thì bây giờ khó ai biết được.
Khánh An: Vâng, xin cám ơn PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã dành thời gian cho RFA.