Văn bản mới về người tị nạn tại Campuchia

Thưa quí thính giả, Chính phủ Campuchia vừa hoàn thành dự thảo nghị định nói về việc tiếp nhận người tị nạn chính trị.

0:00 / 0:00

Từ thủ đô Phnom Penh, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau:

Lãnh đạo Bộ Nội vụ Campuchia nói với báo địa phương vào ngày 27 tháng 3 rằng nước này vừa hoàn thành dự thảo nghị định nói về việc tiếp nhận người tị nạn chính trị nước ngoài. Nhưng chưa thông báo rõ thời hạn đưa ra thi hành.

Không tiếp nhận người Thượng tị nạn từ VN

Báo Ka-set trích dẫn lời ông Trung tướng Sok Phol nói rằng nghị định này không cho phép chính phủ ông tiếp nhận người Thượng tị nạn từ Việt Nam, vì vấn đề người Thượng vẫn còn giao cho Văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đảm trách dựa vào bản ghi nhớ do 3 bên ký kết tại Hà Nội vào năm 2005, bao gồm đại diện chính phủ Campuchia, đại diện chính phủ Việt nam và đại diện UNHCR. Theo đó, chính quyền Hà Nội sẽ không phân biệt đối xử với người Thượng hồi hương từ Campuchia, và cho phép phái đoàn UNHCR đến thăm viếng người Thượng hồi hương nói trên.

Đồng thời chính phủ ông sẽ không cấp qui chế tị nạn cho cộng đồng Khmer Krom từ đồng bằng sông Cửu Long, vì theo Hiến pháp, thì cộng đồng này được xem là công dân Campuchia chính thức.

Tiếp nhận người Kinh bất đồng chính kiến

Do đó theo dự thảo nghị định, chính phủ Campuchia chỉ tiếp nhận người Kinh bất đồng chính kiến sang tị nạn tại đây như UNHCR từng thông báo hồi năm ngoái.

Ông Đỗ Hữu Nam từng là lãnh đạo phong trào Trà đàm Dân chủ tại Campuchia cho biết hồi năm ngoái có 2 thành viên của tổ chức ông từng được UNHCR giao cho Bộ Nội vụ Campuchia phỏng vấn nhưng không được cấp qui chế tị nạn chính trị. Hiện cả 2 người này tiếp tục ẩn náu tại Campuchia.

Còn đối với cộng đồng Khmer Krom, báo Ka-set tiếp tục nhắc đến vụ nhà sư mất tích Tim Sakhorn, mặc dù được chính phủ Campuchia thừa nhận là công dân của họ nhưng vẫn bị bắt cóc đem đi bỏ tù ở Việt nam vào cuối tháng 6 năm 2007.

Theo ông Sok Phol, dự thảo nghị định quy định người nước ngoài muốn xin tị nạn chính trị, trước hết phải có thị thực nhập cảnh vào Campuchia, rồi đến liên hệ với cục di trú. Sau khi được phỏng vấn thấy hội đủ tiêu chuẩn hưởng quy chế tị nạn chính trị, thì chính phủ mới cấp qui chế và thông báo cho văn phòng UNCHR tại Phnom Penh biết. Còn UNHCR vẫn tiếp tục giúp đỡ tài chính và quyết định cho người tị nạn đi định cư ở nước thứ 3.