Cải tổ xuất khẩu gạo chưa chú ý nông dân
2009.11.29
Dự thảo Nghị Định
Lãnh trách nhiệm của chính
phủ giao, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam và các bộ
ngành khác xây dựng dự thảo Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gạo.
Trong 9 tháng qua dù được sửa đổi nhiều lần, nhưng đến lần thứ tư hiện nay bản dự thảo vẫn bị các chuyên gia cho là, chưa giải quyết được vấn đề lợi nhuận công bằng cho người trồng lúa.
Trên báo Tuổi Trẻ Online, ông Chủ Tịch Hội Nông Dân VN Nguyễn Quốc Cường phát biểu rằng, qua bốn lần dự thảo Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gạo, toàn là doanh nghiệp, nhà buôn bàn với nhau chứ không bàn trực tiếp với nông dân.
Nhận định cay đắng của ông Chủ Tịch Nguyễn Quốc Cường cho thấy vai trò của Hội Nông Dân VN nặng về hình thức, trên thực tế không giúp ích gì nhiều cho người trồng lúa, như lời một nông dân Nam Bộ bộc bạch:
Hội Nông Dân hiện giờ cho có hình thức vậy thôi, tôi thấy không hoạt động gì cho lắm, ở xã ở huyện có Hội Nông Dân mỗi người được cấp cái thẻ hội viên, nhưng thực ra họ chẳng có thông tin gì cho nông dân, hoạt động yếu lắm.
Ô. Nguyễn Quốc Cường
“Hội Nông Dân hiện giờ cho có hình thức vậy thôi, tôi thấy không hoạt động gì cho lắm, ở xã ở huyện có Hội Nông Dân mỗi người được cấp cái thẻ hội viên, nhưng thực ra họ chẳng có thông tin gì cho nông dân, hoạt động yếu lắm.”
Nghị Định Kinh Doanh Xuất
Khẩu Gạo qua dự thảo lần thứ tư, ràng buộc hoạt động này trở thành ngành kinh
doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp phải đầu tư kho trữ và cơ sở chế biến gạo,
phải dự trữ lưu thông một tỷ lệ nhất định, thiết lập cơ chế giá sàn và bảo đảm
mức lãi tối thiểu cho nông dân.
Tuy vậy bản dự thảo Nghị Định vẫn dành một quyền rất lớn cho Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo phải đăng ký hợp đồng với Hiệp Hội như một thủ tục bắt buộc.
Khi phân tích bản dự thảo lần thứ tư của Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gạo, nhiều chuyên gia tham dự cuộc hội thảo hồi đầu tháng 11 ở Hà Nội đã đề xuất những ý kiến mạnh mẽ. TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập cho biết:
“Trong cuộc hội thảo thì ông Nguyễn Đình Cung, bà Phạm Chi Lan cũng có nêu lên rằng bản dự thảo này nên được thay đổi một cách cơ bản và trước mắt nên dừng chưa ban hành.”
Trung tuần tháng 11, một cuộc hội thảo khác được tổ chức ở TPHCM nhằm thu thập ý kiến doanh nhân, các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
GSTS Võ Tòng Xuân, nhà
khoa học gắn bó với cây lúa và nông dân nhận định rằng, người trồng lúa bao đời
nay vẫn nghèo vì làm ra hạt lúa nhưng không biết bán cho ai và với giá bao
nhiêu. Nông dân bán lúa còn doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu về lau bóng và xuất
khẩu, khoảng cách này được nối kết bởi tầng lớp thương lái.
Nếu thực trạng này kéo dài thì nông dân thiệt thòi chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu gạo giàu lên. Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gạo phải tạo ra được cơ chế để giải quyết mâu thuẫn này.
“Quan hệ người nông dân với nông dân rời rạc, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu càng không có, đi qua mấy ông trung gian hết. Do đó nếu tình trạng này tiếp diễn thì nông dân Việt Nam tiếp tục nghèo.”
Điều kiện xuất khẩu
Tuy vậy, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam cũng là Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam xác định rằng, việc doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp mua lúa cho nông dân là điều chưa khả thi. Được biết, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long canh tác nhỏ lẻ, hệ thống giao thông chủ yếu là sông ngòi kênh rạch, chỉ có thương lái mới đưa ghe tới tận ruộng của nông dân để mua lúa.
GSTS Võ Tòng Xuân cũng là người duy nhất nêu ý kiến là nghị định nên có thêm điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải thiết lập vùng lúa nguyên liệu, phải ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân. Theo lời ông làm được vậy nông dân sẽ không lo sản xuất bấp bênh thua lỗ.
Quan hệ người nông dân với nông dân rời rạc, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu càng không có, đi qua mấy ông trung gian hết. Do đó nếu tình trạng này tiếp diễn thì nông dân Việt Nam tiếp tục nghèo.
GS Võ Tòng Xuân
Trong dự thảo, Bộ Công
Thương và Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam muốn lập lại trật tự xuất khẩu, ràng buộc
nhiều điều kiện để loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ.
Tuy vậy có nhiều ý kiến phản
biện về chủ trương này, Ông Nguyễn Thanh Long Giám đốc công ty TNHH Gạo Việt được
báo Tuổi Trẻ trích thuật nói rằng, lập lại trật tự nhưng cần hài hòa lợi ích.
Theo lời ông thị trường gạo được phân chia nhiều phân khúc khác nhau, doanh
nghiệp lớn thực hiện hợp đồng lớn cho những nhà nhập khẩu lớn, còn doanh nghiệp
nhỏ buôn bán ở phân khúc hẹp, phục vụ đối tượng khách hàng nhỏ của mình.
Dự thảo nghị định ràng buộc điều kiện nhà xuất khẩu phải có kho trữ và nhà máy chế biến xay xát, doanh nhân Nguyễn Thanh Long đặt ngược vấn đề là, tại sao lại cấm những công ty chuyên ngành thương mại xuất khẩu gạo, dù họ không có nhà máy xay xát gạo, nhưng họ có kinh nghiệm thị trường thế giới, có vốn, có đối tác.
Mở ra nhiều cuộc hội thảo để thu thập ý kiến đối với bản dự thảo Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gạo, với nhiều ý kiến phản biện như vậy có lẽ còn bản dự thảo còn cần được sửa đổi, như lời ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trưởng Cục Trồng Trọt nhận định:
“Đây vẫn chỉ là dự thảo, mà là dự thảo thì còn nhiều ý kiến khác nhau.”
Nông dân Việt Nam thiệt
thòi đã lâu dù quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới. Năm 2009 này dự kiến
lượng gạo xuất khẩu đạt kỷ lục 6 triệu 200 ngàn tấn.
Tuy vậy người trồng lúa hưởng lợi rất ít, theo tính toán của các chuyên gia, trong cả chuỗi sản xuất chế biến tiêu thụ lúa gạo, nông dân đảm trách 50% công việc, những người buôn bán chỉ làm 10% công việc nhưng lại hưởng lợi tới 70% giá trị gia tăng.