Và việc giải ngân một số lượng lớn tiền đồng từ các chương trình này có thể đưa đến hiện tượng “đảo nợ,” tức là lấy vốn sau, lãi suất rẻ, trả cho vốn trước với lãi suất cao hơn.
Thị trường ngoại tệ và chứng khoán sôi động
Một số chuyên gia tin rằng có thể có một số tác động nhất định từ các chương trình bù lãi suất lên các thị trường ngoại tệ và chứng khoán, đồng thời nhấn mạnh, là cần có thêm dữ liệu để đánh giá tình hình hiện tại của nền kinh tế, không nên vội lạc quan trước những biểu hiện nhất thời của thị trường.
Báo điện tử VnExpress đăng tải bài phỏng vấn chuyên viên tài chánh Bùi Kiến Thành, trong đó, chuyên viên này nói, rằng ông “giữ cách nhìn thận trọng về phục hồi kinh tế.”
Sự chênh lệch lượng dư nợ giữa con số đã giải ngân thông qua các chương trình kích cầu so với số liệu do Ngân Hàng Nhà Nước công bố đặt ra vấn đề "tiền giải ngân đi đâu và đảo nợ cần được quan tâm."
Ông Bùi Kiến Thành
Ông nói, mặc dầu chỉ số lạc quan của giới doanh nghiệp có tăng lên trong quý đầu năm nay, các chỉ số kinh tế khác có thể đưa đến tín hiệu khác.
Xuất khẩu là một trong các chỉ số quan trọng của kinh tế Việt Nam. Trong khi số liệu cho thấy xuất khẩu tháng Ba tăng 2,4%, ông Bùi Kiến Thành cho rằng trên thực tế, xuất khẩu đang giảm. Lý do được đưa ra để giải thích hiện tượng này là do Việt Nam xuất khẩu một số lượng lớn vàng và đá quý. Đồng thời, Việt Nam phải nhập hàng thô để xuất thành phẩm. Khi xuất khẩu giảm thì nhập khẩu cũng phải giảm theo, đưa đến hiện tượng “xuất siêu.”
Số liệu báo cáo cho thấy, các chương trình kích cầu bằng cách bù lãi suất đã giải ngân được gần 219 ngàn tỷ đồng Việt Nam trong thời gian qua. Ông Bùi Kiến Thành nhận định với VnExpress rằng, con số ấy tương đương 17% số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân Hàng Nhà Nước cho thấy chỉ số này chỉ tăng 2%, tức là có thể có hiện tượng đảo nợ.
Hiện tượng đảo nợ
Một chủ doanh nghiệp nhỏ trong lãnh vực vận tải tại Sài Gòn nói rằng, có thể có hiện tượng này nhưng “rất khó” vì phải chứng minh “đích đến” của số tiền được vay, đồng thời phải chứng minh được mục đích “sản xuất hoạt động kinh doanh.”
Cho đến nay, Chính Phủ Việt Nam đã công bố 2 “gói” kích cầu bằng chương trình bù lãi suất. Gói đầu tiên, được đưa ra hồi đầu tháng Hai, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp vay vốn lưu động trong thời gian ngắn khoảng 8 tháng để tiếp tục duy trì sản xuất.
Chương trình thứ hai, công bố đầu tháng Tư, nhắm vào các loại vốn trung và dài hạn. Cả hai chương trình đều hỗ trợ cùng 4% lãi suất cho các loại vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những người đầu tiên bày tỏ quan ngại đối với phương cách "bù" lãi suất để kích cầu, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói rằng vấn đề lãi suất thấp có thể giải quyết thông qua chính sách tiền tệ mà không cần phải vận dụng đến ngân sách thuộc lãnh vực tài khóa. Ông nói, rằng "Đây là vấn đề nguyên tắc. Trong lãnh vực tiền tệ, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề lãi suất thấp đối với doanh nghiệp bằng cách cấp vốn cho ngân hàng thương mại cùng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn thấp cho ngân hàng."
Chương trình kích cầu thứ hai là sự mở rộng đối tượng vay mượn. Bây giờ thì số đi vay nhiều hơn, còn các doanh nghiệp lớn thì đã hưởng từ chương trình đầu tiên rồi.
Một chủ doanh nghiệp vận tải
Ông Thành nhận định, là sự chênh lệch lượng dư nợ giữa con số đã giải ngân thông qua các chương trình kích cầu so với số liệu do Ngân Hàng Nhà Nước công bố đặt ra vấn đề “tiền giải ngân đi đâu và đảo nợ cần được quan tâm.”
Thời gian gần đây, thị trường ngoại hối có nóng lên đôi chút và thị trường chứng khoán thì diễn biến khá sôi động.
Chủ doanh nghiệp vận tải nhận định, rằng việc sử dụng vốn từ chương trình kích cầu để đầu tư dài hạn trong thị trường chứng khoán là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, đầu tư ngắn hạn theo lối “cơ hội” khi vốn đang nhàn rỗi là điều có thể có.
Nhận định về các chương trình bù lãi suất, doanh gia này nói rằng “chương trình kích cầu thứ hai là sự mở rộng đối tượng vay mượn. Bây giờ thì số đi vay nhiều hơn, còn các doanh nghiệp lớn thì đã hưởng từ chương trình đầu tiên rồi.”
Cách đây ít hôm, báo điện tử VnEconomy cho đăng tải ý kiến của ông Võ Trí Thành, trưởng ban Nghiên Cứu Chính Sách Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế thuộc Viện Nghiên Cứu và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương. Ông Thành nói rằng sự phát triển của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tình hình bên ngoài, và rằng, với phân tích sơ khởi mà Viện đang thực hiện, thì mức tăng trưởng 5% là mục tiêu khó khăn cho Việt Nam trong năm nay.