Bangkok: Yên bình mong manh?
2009.04.16

Đang
có mặt tại Bangkok, biên tập
viên Thiện Giao của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do tường thuật các diễn biến mới nhất.
Vui, Lo lẫn lộn
Người Thái Lan bước vào ngày thứ Năm, 16 tháng Tư với tâm trạng ngầy ngật giữa các cảm xúc lẫn lộn; không khí lễ hội vẫn còn, ngày cuối tuần đang đến, và thanh bình đang trở lại sau hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động làm xáo tung cả thành phố.
Hôm nay, một thành phần thị dân Bangkok bắt đầu đi làm trở lại.
Và cũng hôm nay, thủ tướng Abhisit Vejjajiva sẽ chủ trì cuộc họp nội các đặc biệt đánh giá lại toàn bộ tình hình những ngày vừa qua. Chính phủ cũng sẽ bàn thảo xem có nên gia hạn tình trạng khẩn cấp ở miền Nam nước này hay không.
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biểu tình nội địa cũng là đề tài nóng được mang lên bàn nghị sự.
Địa điểm cuộc họp chưa được tiết lộ, và lộ trình hàng ngày của thủ tướng Abhisit cũng sẽ được bảo mật cho đến khi tình hình trở lại bình thường.
Uy tín của đương kim thủ tướng Abhisit tăng mạnh sau cuộc trấn áp thành công hôm 13 tháng Tư, đem lại trật tự và tình trạng thanh bình hiếm hoi cho Bangkok trong mấy ngày qua.
Tờ Bangkok Post viết, hành động của ông Abhisit chứng minh cho người dân thấy, rằng “không phe nhóm nào có thể đứng trên luật pháp.”
Một số khác thì nói, thời điểm của hòa giải đã đến, và thủ tướng Abhisit cần nắm ngay, phải làm “một lần cho vĩnh viễn.”
Kêu gọi hòa giải
Nhiều bài bình luận trên báo chí cũng như giới chính trị đối lập nói rằng sự hòa giải với phía Áo Đỏ phải là ưu tiên số một của chính phủ hiện thời.
Một thiếu nữ Thái, tên là Autcharee, nói rằng, cô ủng hộ sự hòa giải. Autcharee nói, hiện tượng xã hội Thái chia thành 2, 3 thành phần, hết áo vàng lại đến áo đỏ, không bắt tay được với nhau, sẽ tạo khó khăn cho Thái Lan, và đất nước này không còn đủ thời gian để tập trung vào các vấn đề kinh tế hiện nay.
Đảng Puea Thai nỗ lực thúc đẩy dự luật hòa giải để dứt điểm các xáo động chính trị. Đại diện của Đảng này nói rằng một trong các phương cách chấm dứt xung đột là quốc hội thông qua dự luật hòa giải.
Dự luật có cả điều khoản khoan hồng những ai dính líu đến các hoạt động chính trị từ tháng Chín năm 2006, tức thời điểm cuộc đảo chính gần nhất, cho đến nay.
Dự luật cũng yêu cầu phục hồi quyền chính trị cho nhiều chính trị gia, và thông qua quyền này, họ có thể trở lại chính trường. Trong số này có những nhân vật cao cấp của các đảng, hay cựu đảng, như Thai Rak Thai, Chart Thai, Matchimathipataya và People Power.
Cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra cũng có thể trở thành một trong các đối tượng áp dụng của dự luật.
Trong khi đó, Chính Phủ cũng đã quyết định thu hồi hộ chiếu của cựu thủ tướng lưu vong để ngăn chặn sự di chuyển của ông này tại nước ngoài, điều mà chính phủ cho là một “nguy cơ tiềm ẩn” đối với Thái Lan.
Mong manh…
Ngay sau khi trật tự được vãn hồi tại Bangkok, kỹ nghệ du lịch Thái Lan lên tiếng kêu gọi thủ tướng Abhisit Vejjajiva nỗ lực tái tạo hình ảnh của Thái Lan trong mắt quốc tế.
Thống kê do tờ The Nation đưa ra, tiên đoán số du khách quốc tế đến Thái Lan trong giai đoạn 2007 đến 2010 giảm gần 12 triệu người, tương đương với hơn 47 tỷ bath, tiền Thái.
Một người bán hàng trên đường phố tại một trung tâm du lịch của Bangkok nói rằng “ai làm thủ tướng cũng được, miễn đừng có biểu tình.” Anh nói, là người buôn bán trên lề đường, điều quan trọng là phải có du khách. Hết áo vàng biểu tình, rồi nay lại đến áo đỏ biểu tình, du khách e ngại không đến thì không bán được hàng.
Bản tin của The Nation cho biết, nhiều khách sạn tại Bangkok chỉ cho thuê được 30% số phòng do ảnh hưởng của biểu tình.
Liên Đoàn Du Lịch Thái Lan, một hiệp hội bao gồm nhiều công ty du lịch nhóm họp vào ngày hôm nay để lượng định tình hình.
Lễ Hội Nước, gọi là Songkran, một trong những thời điểm thu hút du khách, bị ảnh hưởng nặng nề do biểu tình. Tỷ lệ thuê mướn phòng khách sạn trong giai đoạn này chỉ đạt 20 đến 30%, thấp hơn cả những mùa ế ẩm bình thường của các năm trước.
Ngành du lịch cảnh báo: du khách đang đổi hướng và quyết định đến các nước láng giềng của Thái Lan, trong đó có Việt Nam.
Hôm thứ Tư, một quan chức cao cấp Thái Lan nói rằng chính phủ có thể sẽ phải vay mượn nhiều hơn dự tính để chi tiêu và kích thích nền kinh tế trì trệ do sự bất ổn chính trị nội tại cũng như sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nội các của thủ tướng Abhisit sẽ thảo luận các giải pháp vay mượn, và có thể quyết định cuối cùng sẽ đến trong tuần sau.
Thanh bình đang trở lại Bangkok. Và tin tức cho thấy, không khí thanh bình hết sức mong manh. Bạo loạn, biểu tình sẽ tái diễn.
Báo chí Thái Lan dẫn lời một số nguồn tin tình báo, cho biết phía Áo Đỏ lên kế hoạch tái nhóm, sẽ đánh trả, và đánh trả mạnh hơn nữa, một khi chinh phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại thủ đô.
(Thiện Giao, tường trình từ Bangkok, Thái Lan)