Mỹ và đồng minh lên án vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn

Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn tiếp tục đưa ra những phản ứng khá gay gắt trước việc Bắc Hàn phóng vệ tinh, trong khi Hội Đồng Bảo An không đạt được thoả thuận về biện pháp cần làm đối với chính phủ Bình Nhưỡng.

0:00 / 0:00

Vệ tinh hay Phi đạn?

Nhiều nỗ lực ngoại giao đang đựơc xúc tiến, với hy vọng có thể tìm được sự đồng thuận của thế giới về một biện pháp cứng rắn đối với Bắc Hàn, sau khi chính phủ Bình Nhưỡng cho phóng vệ tinh hôm Chủ Nhật vừa rồi.

Cuộc họp kín và khẩn cấp kéo dài 3 giờ đồng hồ của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc diễn ra ngay sau đó đã không đem lại kết quả nào cả.

Lên tiếng với báo chí ngay sau khi rời phòng họp, Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Bà Susan Rice xác nhận vẫn còn những điểm bất đồng giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ, Anh, Pháp và 2 nước có quyền phủ quyết khác là Nga và Trung Quốc.

Tin tức ghi nhận được cho thấy trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh muốn Hội Đồng Bảo An đưa ra biện pháp chế tài cứng rắn đối với Bắc Hàn thì đại diện của Bắc Kinh và Maxtcơva tiếp tục kêu gọi tất cả mọi quốc gia nên kìm chế.

Bà Đại Sứ Mỹ không trả lời những câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hoặc Nga, chỉ nhấn mạnh đến sự kiện Bình Nhưỡng đã vi phạm những nghị quyết do chính Hội Đồng Bảo An thông qua, trong đó nói rõ Bắc Hàn phải đình chỉ tức khắc những vụ phóng thử nghiệm phi đạn hoặc nổ thử nghiệm hạt nhân.

Bà Đại Sứ Rice cũng nói rằng cho dù Bình Nhưỡng reo hò nói rằng vụ phóng vệ tinh của họ thành công, nhưng tất cả những tin tức mà Hoa Kỳ và đồng minh thu thập được đều cho thấy đây thuần tuý chỉ là một vụ phóng thử nghiệm phi đạn tầm xa, nhắm vào mục đích gây rối, cố ý đe doạ những nước khác, đặc biệt là hai nước đồng minh của Hoa Kỳ ở bán đảo Triều Tiên là Nam Hàn và Nhật Bản.

Seoul-NKorea-04052009-200.jpg
Người biểu tình tại Seoul đốt hình Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il, phản đối vụ phóng phi đạn của Bình Nhưỡng. (AFP PHOTO/Kim Jae-Hwan)

Cũng theo tin của các viên chức quân sự Mỹ, phi đạn này có thể bắn tới các bang của Hoa Kỳ, như bang Alaska và Hawaiii.

Chia rẽ ở Hội đồng Bảo an

Tại sao Hội Đồng Bảo An lại bất đồng về chuyện này? Theo lời ông Đại Sứ Mexico Claude Heller, Chủ Tịch Luân Phiên của Hội Đồng, nói rằng các nước thành viên, đặc biệt là những nước nắm quyền phủ quyết không nhất trí với nhau về giải pháp đối với Bắc Hàn.

Ông Heller giải thích thêm rằng vấn đề cần phải giải quyết là mức độ của bản nghị quyết, ý muốn nói Hoa Kỳ, Anh, Pháp đòi hỏi thái độ cứng rắn quyết liệt với Bắc Hàn, trong khi Nga và Trung Quốc muốn bản nghị quyết chưa đựng ngôn từ mềm mỏng hơn.

Không ai nói thế giới đã chia làm hai, nhưng ít nhất và thật rõ ràng, những gì xảy ra trong phiên họp khẩn của Hội Đồng Bảo An chứng tỏ các cường quốc đã không đồng thuận với nhau về biện pháp đối phó với Bắc Hàn.

Khác biệt này được thể hiện rõ hơn nữa qua phát biểu của Đãi Sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nhắc lại thế giới đang ở trong “thời điểm cực kỳ khó khăn” và tất cả mọi quốc gia phải bình tĩnh, trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama lại tuyên bố ở thủ đô Praha của Cộng Hoà Tiệp rằng đồng thuận là điều kiện phải có để giải quyết mọi vấn đề ảnh hưởng toàn cầu.

Ông Obama đưa dẫn chứng chính nhờ sự hợp tác chặt chẽ mà trong quá khứ, Hoa Kỳ và Châu Âu đã đạt được nhiều mục tiêu cho khu vực và thế giới, và đã đến lúc các quốc gia khác, các khu vực khác nên làm điều đó.

Ông Jose Manuel Barroso, Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu cũng đưa ra phát biểu tương tự, bảo rằng đã tới lúc chính quyền Bình Nhưỡng nên nhìn vào sự thật là họ sẽ không được cộng đồng quốc tế đón nhận cho đến khi nào đình chỉ hẳn những hành động gây rối.

Ông Barroso nói thêm rằng thế giới đã sẵn sàng mở rộng cửa đón Bắc Hàn vào sinh hoạt chung, tức sẵn sàng giúp Bắc Hàn về kinh tế hay mở rộng quan hệ ngoại giao, nhưng những điều này chỉ có thể thực hiện nếu Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí.

Ông Chủ Tịch Hội Đồng Châu Âu bảo thêm hành động mà Bình Nhưỡng vừa làm chỉ tạo thêm những bất lợi cho chính họ.

Nam Hàn và Nhật Bản cũng đưa ra phản ứng tương tự. Qua bài diễn văn đọc trên truyền hình chiều hôm nay, Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-Bak nói sẽ có thái độ cứng rắn nhất đối với nước thù nghịch anh em miền Bắc, và tại Tokyo, người phát ngôn của chính phủ Nhật cho biết đến thứ Sáu này sẽ loan báo những biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng.

Và những cuộc biểu tình phản đối hành động của Bắc Hàn vẫn tiếp tục diễn ra trên đất Nam Hàn và Nhật Bản.

Trong khi tại Washington và New York, các nhà ngoại giao cũng đang mở cuộc vận động con thoi, mong tìm được một giải pháp để áp dụng với chính quyền Bình Nhưỡng.

(Nguyễn Khanh, tường trình từ Washington)