Người dân thật sự tẩy chay sản phẩm Vedan?
2010.08.11
Ý thức cao?
Biện pháp vừa nêu được một số báo trong nước cho là phản ứng của người tiêu dùng đối với công ty gây ô nhiễm môi trường như Vedan. Tuy vậy cũng có băn khoăn liệu có phải thực sự người dân trong nước có ý thức cao đến mức tẩy chay sản phẩm của một doanh nghiệp như thế hay không? Gia Minh trình bày trong phần sau.
Truyền thông trong nước cho biết kể từ tuần rồi hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, BigC, Citimart, Maximark, Metro ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh lại áp dụng biện pháp ngưng kinh doanh bột ngọt và bột nêm của Công ty Vedan, như một số đã từng làm hồi năm 2008 khi Vedan bị bắt quả tang xả thải trực tiếp ra Sông Thị Vải.
Tôi nghĩ ở Việt Nam, luật môi trường chưa chặt chẽ, việc thực thi luật này chưa đuợc nghiêm, cho nên các doanh nghiệp phá hoại môi trường vẫn cứ thoải mái và ung dung như thế.
Cô Hoàng Minh Hồng
Tin cũng cho biết tại Hà Nội một số siêu thị như BigC Thăng Long cũng tham gia đợt tẩy chay sản phẩm của Vedan. Một số hàng sạp tư nhân cũng không bày bán bột ngọt, bột nêm do Vedan sản xuất.
Mục tiêu được cho hay nhằm ủng hộ người nông dân tại ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh kiện đòi Vedan bồi thường về những thiệt hại đã gây ra cho người dân.
Ông Đỗ Gia Phan, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam, cho biết ý kiến về biện pháp được cho là trừng phạt một công ty gây ô nhiễm môi trường như thế:
“Vấn đề mua hay không là của người mua nếu như không vi phạm hợp đồng. Quyền của người tiêu dùng là mua hay không mua theo lựa chọn của họ; đó là chuyện bình thường.
Dù chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhưng không có vận động gì. Chuyện tự phát của người tiêu dùng cũng bình thường. Không chỉ đối với Vedan mà đối với những công ty khác nếu người tiêu dùng không bằng lòng, bất bình với sản phẩm thì có quyền không mua. Siêu thị cũng là hộ tiêu dùng nên cũng có quyền mua hay không mua; nếu không vi phạm hợp đồng.”
Cô Hoàng Minh Hồng, hiện làm việc cho Tổ chức WWF, và tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, cũng thống nhất với biện pháp tẩy chay sản phẩm của Vedan, thủ phạm bị bắt xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải hồi năm 2008:
“Sự việc xảy ra gần hai năm rồi mà đến bây giờ Vedan mới quyết định bồi thường cũng chỉ vì gần đây các siêu thị tẩy chay sản phẩm của Vedan. Nếu các siêu thị và người tiêu dùng không tẩy chay như thế Vedan vẫn tiếp tục chây lỳ trong việc bồi thường cho người dân. Tôi nghĩ ở Việt Nam, luật môi trường chưa chặt chẽ, việc thực thi luật này chưa đuợc nghiêm, cho nên các doanh nghiệp phá hoại môi trường vẫn cứ thoải mái và ung dung như thế.
Theo tôi đây là một tín hiệu tốt: cộng đồng và người dân Việt Nam bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường; lâu nay họ chưa quen khái niệm biết tẩy chay những sản phẩm không thân thiện với môi truờng.
Ý thức chẳng qua chỉ là bề nổi thôi, còn thực sự người dân thiếu hiểu biết vẫn sử dụng, chứ không thể đánh đồng được.
Người dân TPHCM
Vụ Vedan này chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm thôi, còn nhiều doanh nghiệp phá hoại môi trường chưa đuợc phát hiện như Tung Kuang, rồi Khu công nghiệp ở Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nếu ngay như các chính quyền địa phương nếu biết giúp cho ngừời dân kiện những công ty đó thì quyền lợi của dân được bảo vệ hơn.”
Hay chỉ là bề nổi?
Trong khi đó thì một người nông dân tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nơi chịu tác động của tình hình ô mhiễm do các công ty xả thải ra sông gây thiệt hại cho cuộc sống thì lại cho biết từ lâu không dùng sản phẩm Vedan và cũng không để ý gì đến đợt tẩy chay bột ngọt, bột nêm Vedan hiện nay:
“Hồi đó đến giờ không xài sản phẩm Vedan chứ không phải thấy người ta làm vậy rồi không xài.”
Một phụ nữ khác ở thành phố Hồ Chí Minh thì tỏ ra băn khoăn trước chiến dịch tẩy chay hàng của Vedan hiện nay:
“Vấn đề không đưa bột ngọt Vedan vào siêu thị bản thân cũng chưa hiểu hết từ hai phía nên không kết luận được sớm. Có nhiều ‘cái’ người ta quyết định tại thời điểm đó là đúng nhưng chưa hẳn là đúng. Ý thức chẳng qua chỉ là bề nổi thôi, còn thực sự người dân thiếu hiểu biết vẫn sử dụng, chứ không thể đánh đồng được.”
Tương tự băn khoăn của người phụ nữ vừa phát biểu, có thắc mắc cho rằng tại sao đến lúc này mới nổi lên một đợt tẩy chay rầm rộ như thế đối với sản phẩm của một công ty xả thải đến độ ‘bức tử’ một khúc sông dài 10 kilômét trong hơn chục năm qua như thế.
Đợt tẩy chay trùng khớp với những quyết định của các cơ quan chức năng từ cấp cao nhất là Bộ Tài Nguyên - Môi trường/ hỗ trợ nông dân tại khu vực bị ảnh hưởng đi khởi kiện.
Cùng lúc đó, người đứng đầu Bộ Tài Nguyên- Môi trường, Phạm Khôi Nguyên cũng lên tiếng tuyên bố mạnh mẽ có thừa bằng chứng để buộc tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết các bằng chứng đó mà thôi.
Biện pháp tẩy chay sản phẩm của một nhà sản xuất hay từ một quốc gia nào nhập vào không phải mới lạ gì trên thế giới. Chính ông Đỗ Gia Phan, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết lâu nay đang tiến hành chiến dịch kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam:
“Hiện chúng tôi có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Điều này không vi phạm gì; không phân biệt hàng nội - hàng ngoại.”
Vedan đúng là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho người dân nên cần phải có biện pháp xử lý thích đáng theo luật pháp của Việt Nam. Đó là chuyện tất yếu hiển nhiên; thế nhưng hành xử của các cơ quan chức năng Việt Nam khiến nhiều người thấy vẫn chưa tâm phục, khẩu phục.