
Vấn đề được nêu lên là liệu nguồn hàng này có duy trì được những tiêu chuẩn do phía Nga – và cả giới hữu trách VN - đề ra hay không? Và triển vọng của cá tra tại thị trường Nga ra sao? Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này qua cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Giám Đốc Công Ty Xuất Khẩu Thủy Sản An Giang (AGIFISH).
Tiêu chuẩn vệ sinh hay thủ đoạn kinh tế?
Ông Nguyễn Đình Huấn: Khó khăn thì tôi chưa rõ lắm bởi vì thực tế nó chưa xảy ra, nhưng mà theo ý tôi, nó gặp nhau ở chỗ cung cầu. Thực ra mà nói, vừa qua nó không gặp nhau cũng ở chỗ cung cầu thôi, và nó gặp nhau cũng ở chỗ cung cầu. Tức là trước đây một số nhà nhập khẩu Nga đã nhập quá nhiều cá của Việt Nam cho nên cái tạm ngưng là một cái thủ thuật để giữ giá, thế thôi. Nga mà ngưng nhập khẩu của mình thì nó phải nêu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là một thủ đoạn kinh tế chớ thực tế đâu phải vậy. Tại sao mình xuất sang Tây Âu được, xuất sang Mỹ được, mà qua Nga lại nói vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm?
Thanh Quang: Nếu nói vậy thì còn vấn đề chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm?
Nga mà ngưng nhập khẩu của mình thì nó phải nêu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là một thủ đoạn kinh tế chớ thực tế đâu phải vậy.
Ông Nguyễn Đình Huấn, PGĐ Cty Xuất Khẩu Thủy Sản An Giang
Ông Nguyễn Đình Huấn: Có thể có thôi. Tất nhiên là trong trăm ngàn lô hàng thì cũng có cái bị, giống như anh đi mua trái cây ngoài chợ thì vẫn có trái bị hư hỏng. Ngay cả hàng của Mỹ sản xuất tiêu chuẩn như xe hơi cũng bị thu hồi hoài, không thấy sao? Nhưng mà đừng lấy cái đó làm bản chất của vấn đề. Vấn đề là cung cầu. Cái mà tôi băn khoăn là thế này, các nhà nhập khẩu Nga họ cũng tranh giành nhau quá. Đây là mối lợi lớn mà nên họ tranh giành nhau rất là dữ. Nhiều khi họ tranh giành tới mức coi như là "được ăn cả ngã về không", tức là ngưng để sắp xếp nội bộ lại. Thời gian vừa qua cũng là thời gian họ ngưng để sắp xếp nội bộ lại. Sắp xếp nội bộ phía Nga đó.
Thanh Quang: Nhưng mà nếu họ tranh giành như vậy thì nó ảnh hưởng như thế nào tới nguồn cá tra Việt Nam?
Ông Nguyễn Đình Huấn: Ảnh hưởng tới chỗ là cái mua bán không suông sẻ. Họ tranh nhau đó anh, người này nhập thì người kia khịa, người kia đánh, giống như thị trường Ai Cập vừa qua đó. Y như trường hợp đó vậy. Tức là một số nhà nhập khẩu Ai Cập thu lợi quá nhiều từ con cá tra của Việt Nam: rẻ, cung cấp lớn, ổn định, ngon. Nhưng mà một số nhà buôn bán cá khác thì bị ảnh hưởng rất lớn nên họ mới tung tin đừng ăn cá tra Việt Nam vì cá tra Việt Nam dơ bẩn, nhiễm vi khuẩn tùm lum tà la. Họ bôi xấu thì đó chỉ là thủ đoạn về thương mại thôi. Nhà nước Ai Cập cũng kịp thời công bố, nhưng dù sao tâm lý người tiêu dùng là cái rất là khó.
Chưa có ổn định
Thanh Quang: Bây giờ trở lại việc cá tra Việt Nam được trở lại thị trường Nga thì nói chung sự hiện diện của cá tra Việt Nam tại thị trường Nga có triển vọng gì không?
Ông Nguyễn Đình Huấn: Tôi nghĩ nhìn về đường dài tổng thể thì nó vẫn có chỗ đứng trên thị trường Nga, nhưng mà trước mắt thì đường còn mới, gập ghềnh, chưa có ổn định. Vả lại thị trường thế giới còn bị ảnh hưởng bởi quan hệ chính trị giữa hai nước. Gần đây quan hệ chính trị giữa hai nước nói chung nó cũng ấm lên nên cũng đỡ. Cái này ảnh hưởng ghê lắm nghe anh mà mình không để ý đó. Quan hệ chính trị mà nó lạnh đi thì nó gây khó khăn liền. Đó là cái thứ nhứt. Cái thứ hai nữa, thật ra mà nói cá của Nga ngày càng ít đi thành ra về con đường xa lâu dài thì nó ổn định. Nhưng cái mà chúng ta không lường được trước là sự khủng hoảng kinh tế của Nga như thế nào thì mình không đánh giá hết. Giống như bây giờ tôi thích lắm mà tôi nghèo quá, tôi không có tiền mua, thì cái vụ đó là gây kẹt cho mình rồi. Mình bán ra bằng đồng đôla còn họ thì bán ra bằng đồng ruble, tức là cái tỷ giá giữa ruble và đôla ảnh hưởng rất lớn.
Vừa qua một trong những khó khăn là đồng ruble mất giá quá, hàng của mình tự nhiên đắt lên, đắt lên so với con cá nội địa của họ. Thị trường khác cũng vậy, Úc cũng vậy, tự nhiên đồng đôla Úc mất giá 30% và nó đòi mình chia sẻ cái 30% mất giá đó với nó. Ví dụ như vậy đi. Mình bán thì lời có bao nhiêu đâu. Đối với Nga cũng vậy đó.
Tôi nghĩ nhìn về đường dài tổng thể thì nó vẫn có chỗ đứng trên thị trường Nga, nhưng mà trước mắt thì đường còn mới, gập ghềnh, chưa có ổn định.
Ông Nguyễn Đình Huấn, PGĐ Cty Xuất Khẩu Thủy Sản An Giang
Vả lại thị trường Nga là thị trường mới mở. Nền kinh tế Nga là thị trường mới mở giống như Việt Nam mình những năm 90-95, tồn tại những khiếm khuyết của một thị trường nửa là thị trường, nửa là bao cấp, nửa là quản lý hành chính mà nửa là thị trường, thành ra có nhiều khiếm khuyết lắm, mà khiếm khuyết đó ảnh hưởng tới mình. Nhiều khi nó xen chính trị vô nên khó lắm. Thí dụ như bây giờ trong số những công ty nhập khẩu của Nga lại có những anh rất là có thế lực với nhà nước, cái tiếng nói của họ chi phối tới chính sách nhà nước và họ buôn bán theo kiểu hơi lưu manh.
Thanh Quang: Một khi cá tra trở lại được thị trường Nga như hiện giờ thì phía Việt Nam có thể khai thác cái lợi thế đó để xâm nhập sang các thị trường của các nước láng giềng Nga ở Châu Âu không?
Ông Nguyễn Đình Huấn: Các nước Đông Âu thì mình có mặt hết rồi. Ba Lan, Ukraina này kia thì mình có mặt hết rồi, nhưng mà ít. Thị trường Ba Lan mình phát triển khá tốt. Ukraina cũng khá tốt. Có hết rồi. Đầu tiên mình đi Ba Lan. Nói chung thị trường Đông Âu là thị trường tương đối hấp dẫn và phù hợp với chuyện con cá nuôi của mình. Cũng giống như các thị trường khác thôi, nhưng vấn đề ở chỗ là người ta nói "thị trường Nga sớm nắng chiều mưa giữa trưa có tuyết". Nói cụ thể là vậy đó.
Thanh Quang: Xin cảm ơn anh Nguyễn Đình Huấn rất nhiều.