Sinh viên VN được quyền đánh giá giảng viên

Kể từ tháng Giêng 2010, Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam sẽ chỉ đạo các trường thực hiện việc cho sinh viên được đánh giá giảng viên trên nguyên tắc tôn trọng người giảng dạy.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.12.20
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Tại hội nghị sơ kết công tác sinh viên đánh giá khả năng giảng dạy của giảng viên, diễn ra tại Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Sáu, cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán Bộ quản lý các cơ sở giáo dục, giáo sư Phạm Mạnh Hùng, cho biết những qui định về việc này sẽ được Bộ Giáo Dục Đào Tạo ban hành vào tháng Giêng năm 2010.

Báo chí trong nước trích dẫn lời ông Phạm Mạnh Hùng là Bộ Giáo Dục Đào Tạo sẽ chỉ đạo các trường thực hiện theo hướng mở nhưng phải thống nhất và phải bảo đảm truyền thống tôn sư trọng đạo.

Giới sinh viên ủng hộ

Cô sinh viên Thùy An, khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại Học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cô ủng hộ ý kiến cho sinh viên đánh giá giảng viên:

“Ở trường đại học kinh tế cũng có đánh giá giảng viên, nhưng mà theo cái dạng nội bộ, đánh giá xong rồi đưa lên cho lớp trưởng rồi lớp trưởng đưa lên cho trường chứ không có trực tiếp giữa giáo viên và sinh viên. Sau này em nghĩ nếu có thay đổi thì những suy nghĩ trong lúc phản hồi sẽ cải thiện được cách dạy, sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái và có thể bày tỏ suy nghĩ cũng như cách đánh giá của họ đối với giảng viên một cách trực tiếp công khai mà không phải lo sợ giảng viên đó sẽ không thích mình hoặc không cho mình điểm cao... Nếu một giảng viên chịu nhìn nhận theo đạo đức nghề nghiệp thì họ sẽ ủng hộ điều này.”

Trước giờ chủ yếu là một chiều thôi, giảng viên thế nào thì sinh viên phải tiếp thu như vậy chứ không được phản hồi để cải thiện chất lượng giáo dục.

Sinh viên Thể, ĐHQG TP HCM

Một sinh viên khác, Thể, vừa tốt nghiệp khoa kinh tế tại Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, đồng ý với chủ trương cho sinh viên đánh giá giảng viên với yêu cầu là đã thực hiện thì phải thực hiện công khai:

“Trước giờ chủ yếu là một chiều thôi, giảng viên thế nào thì sinh viên phải tiếp thu như vậy chứ không được phản hồi để cải thiện chất lượng giáo dục. Nếu không thực hiện công khai thì mình không biết được kết quả thế nào. Còn nói là đi ngược lại với tôn sư trọng đạo thì nếu một giảng viên thực sự tốt thì họ cũng không lo lắng gì về vấn đề đó cả.”

Giảng viên: Tôn sư trọng đạo

Được yêu cầu giải thích cũng như bình luận về điều gọi là sinh viên đánh giá, hay còn gọi là thẩm định khả năng cũng như trách nhiệm của người thầy, người giảng viên, một thành viên của Bộ Giáo Dục Đào Tạo là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội, nói rằng trước đây chỉ có ông thầy đánh giá sinh viên chứ không có chuyện sinh viên đánh giá giảng viên, thế nhưng thực ra chuyện sinh viên đánh giá giảng viên cũng không phải là mới ở Việt Nam:

“Nhiều trường đại học cũng đã thí điểm cái việc này rồi, có trường làm có trường không. Nhìn chung thì việc sinh viên đánh giá giảng viên thường mang lại kết quả rất tốt. những cơ sở áp dụng việc này là học được từ các đại học ở nước ngoài. Họ muốn nâng cao trách nhiệm của người giáo viên đối với học viên.”

Vẫn theo lời tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, phải hiểu là chuyện sinh viên đánh giá giảng viên không dẫn đến sự phức tạp trong quan hệ thầy trò:

“Hình thức này không còn xa lạ đối với một trường đại học nữa, và cái biểu mẫu để đánh giá giáo viên thường đi vào những điều là vấn đề soạn bài, vấn đề bài giảng có dễ hiểu hay không, giáo viên có theo đề cương bài giảng hay không, giáo viên có hay bỏ giờ không, giao bài tập về có chấm không. Những đánh giá này khi được phản hồi lại thì đưa về ban giám hiệu hoặc tổ bộ môn. Nhìn vào đấy thì có thể đánh giá giáo viên đã tham gia dạy như thế nào. Nếu không làm tốt việc đó thì có thể nhắc nhở nhau. Nó cần thiết ở chỗ, lấy thí dụ, là lên lớp mà bài giảng không chuẩn bị. Cái trách nhiệm của người giáo viên sau khi thu bài là bao nhiêu ngày phải chấm và trả lại bài cho học viên. Trên thực tế có những giáo viên đã thu bài về sau đó không chấm mà cũng không trả lại hoặc là để quá lâu. Nếu ban giám hiệu hoặc cấp trên không biết để nhắc nhở thì hiện tượng này có thể trôi qua và dần dần thành thói quen xấu trong giảng dạy.”

Khi đưa ra biện pháp học viên đánh giá giảng viên đúng theo qui chuẩn, đúng theo qui định hướng dẫn và có suy nghĩ thì ông thầy phải ra ông thầy và trò phải ra trò, mối quan hệ đó là tôn sư trọng đạo.

GSTS Nguyễn Ngọc Hùng

Đối với truyền thống gọi là tôn sư trọng đạo, cái nhìn của nhà mô phạm Nguyễn Ngọc Hùng là:

“Khi đưa ra biện pháp học viên đánh giá giảng viên đúng theo qui chuẩn, đúng theo qui định hướng dẫn và có suy nghĩ thì ông thầy phải ra ông thầy và trò phải ra trò, mối quan hệ đó là tôn sư trọng đạo. Còn ông thầy nếu không làm hết nhiệm vụ của mình, không rèn cho học trò để sau này thành người phát triển toàn diện thì chắc chắn sẽ có người nhắc nhở ông thầy để ông thầy làm tốt cái việc này. Còn nếu không biết làm mà mang ra để học viên đánh giá giảng viên, mà mang ra lớp như là đấu tố ấy thì nó sẽ sai với truyền thống văn hóa của mình. Mà tôi cũng không nghĩ có nơi nào trên thế giới người ta phải làm cái việc như vậy.”

Đối với giáo sư tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, viện trưởng Viện Công Nghệ Giáo Dục, phải khuyến khích, phải công khai hóa, và phải tin vào khả năng đánh giá của sinh viên vì họ là những người thụ hưởng trực tiếp giáo dục từ giảng viên:

“Họ là những người từ mười tám tuổi trở lên rồi, họ có tư cách để đánh giá, không những chỉ giáo viên mà cả cấp cao hơn, cả tổng bí thư cũng được chứ đừng nói là giáo viên. Tôi tin vào ý kiến của họ, bởi ngày cả cái chúng ta cho là sai đi nữa thì cái sai ấy có cơ sở của nó. Nếu như sinh viên nó nhận định mình như thế tức là mình có một cái cơ sở để cho nó nhận định như thế, và điều đó là mình phải tự sửa lấy mình.”

Ý kiến du học sinh

Đó là cái nhìn của những nhà giáo, những người bao năm đứng trên bục giảng các trường đại học. Phía du học sinh thì sao?

Bạn Du, sinh viên năm thứ hai Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, chuyển sang học hai năm cuối tại Đại Học Công Giáo Mỹ ở Washington DC, so sánh việc cho sinh viên đánh giá giảng viên từng tham gia khi học tại đại học nước ngoài:

“Nó giúp mình hiểu được mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên có thể cải tiến thế nào cho tốt hơn. Ở đây thì không đánh giá trực tiếp mà thông qua những cái “form” để bạn điền vào. Còn ở Việt Nam thì nếu bạn có yêu cầu gì về giảng viên thì cứ đến gặp phòng giáo dục đào tạo của trường rồi có ý kiến của bạn về giảng viên đó trước hội đồng trường. Chỉ có vậy thôi.”

Thanh Vân, sang Hoa Kỳ được hai năm, theo học tại đại học cộng đồng bang Maryland, nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực và tích cực của vấn đề này tại Mỹ:

“Tụi nó thứ nhất là đánh giá giáo viên có “nice” không. Thứ hai là có quan tâm đến học sinh không. Cái đó cũng tốt nhưng cũng tùy sinh viên thôi. Đôi khi có nhiều đứa bị điểm thấp trong lớp đó xong nó đánh giá ông thầy đó dỡ, ông thầy đó không tốt. Có nhiều đưa bất bình với ông thầy sao đó mà đánh giá ông thầy là không có phẩm giá của người thầy giáo, không “respect” học trò. Còn tích cực thì về phía học sinh nhiều hơn vì học sinh được chọn thầy giáo. Bên Việt Nam đâu có phải mình chọn giáo sư mình thích đâu, người ta chọn lớp cho mình. Vô trong lớp thì giáo viên đọc xong rồi học sinh chép. Ít ra phải cho học sinh phát biểu ý kiến chứ. Bên Việt Nam không bao giờ được cãi với thầy hết. Tranh luận với thầy là không được. Thầy nói không đúng thì mình phải cãi chứ, thầy cũng phải học mà, đâu phải cái gì thầy nói cũng đúng đâu.”

Theo các đại biểu trong quốc hội Việt Nam, thời điểm tốt nhất để đánh giá giảng viên là buổi dạy cuối hoặc lúc học kỳ kết thúc. Nhiều vị còn cho rằng nên giải quyết kết quả đánh giá trong nội bộ, áp dụng biện pháp chế tài đối với giảng viên nào nhiều lần bị sinh viên đánh giá không tốt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/12/2009 02:37

..Và càng quí hóa hơn nếu các tầng lớp nhân dân được quyền đánh giá và cho điểm "lãnh đạo" đất nước (utopie?)

Anonymous
20/12/2009 02:34

..Và càng quí hóa hơn nếu các tầng lớp nhân dân được quyền đánh giá và cho điểm "lãnh đạo" đất nước

Anonymous
21/12/2009 10:17

Ở các nước văn minh,sự đánh giá của học sinh-sinh viên đối với thầy giáo hay giáng viên qua hinh thức "servey" thể hiện trên một "form" chứ không phải như hình thức "ĐẤU TỐ ".