VN tham gia lần đầu tiên buổi Kiểm điểm nhân quyền toàn cầu định kỳ vào ngày 8/5

Ngày 1/4 tại Quốc hội Mỹ đã diễn ra buổi Hội thảo bàn về thực trạng nhân quyền Việt Nam do Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế tổ chức.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009.04.04
combo-305.jpg Nhiều ký giả, blogger, nhà tranh đấu... tiếp tục gặp khó khăn với chính quyền. RFA PHOTO
RFA PHOTO

Mục đích cuộc hội thảo là bàn bạc, thu thập ý kiến của các tổ chức hoạt động nhân quyền khắp nơi để chuẩn bị cho buổi Kiểm điểm nhân quyền toàn cầu định kỳ mà Việt Nam sẽ tham gia lần đầu tiên vào ngày 8/5 tới đây tại Geneva.

Tiến sĩ Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã dành cho Trà Mi cuộc phỏng vấn liên quan đề tài này. (Phần chuyển ngữ do Nguyễn Khanh trình bày).

Về kết quả buổi Hội thảo hôm 1/4 ở Quốc hội Mỹ, ông Flipse cho biết:

Thế giới chất vấn VN về nhân quyền

Tiến sĩ Flipse: Buổi hội thảo diễn ra rất tốt đẹp. Đây là một cuộc vận động, một buổi gặp để bàn bạc kế hoạch chuẩn bị cho buổi Kiểm điểm nhân quyền toàn cầu định kỳ.

Không chỉ có Mỹ mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến tình hình vi phạm nhân quyền của Hà Nội, vì nhân quyền là vấn đề mang tính toàn cầu, không thể nào làm ngơ.

TS Scott Flipse

Kiểm điểm định kỳ toàn cầu tại Liên Hiệp Quốc là sự kiện được tổ chức 4 năm một lần. Tại lần tham gia đầu tiên vào ngày 8/5 tới đây, Việt Nam sẽ phải đối đầu với những chất vấn do các quốc gia trên thế giới đặt ra. Rất cần thiết để quốc tế hóa những mối quan tâm về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. Không chỉ có Mỹ mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến tình hình vi phạm nhân quyền của Hà Nội, vì nhân quyền là vấn đề mang tính toàn cầu, không thể nào làm ngơ.

Trà Mi: Những điểm chính nào đã được đúc kết từ cuộc hội thảo? Sau sự kiện này, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế sẽ mang đến buổi Kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam vào ngày 8/5 tới đây tại Geneva những gì, thưa ông?

Tiến sĩ Flipse: Chúng tôi muốn các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc nêu lên những câu hỏi chất vấn Việt Nam trong các lĩnh vực như tự do ngôn luận, tự do internet, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn, và quyền công dân được tự do phê bình chính phủ một cách ôn hòa. Đây là những điều được bảo vệ trong tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, nhưng lại là những vấn đề khó khăn tại Việt Nam.

Trà Mi: Theo ông, Kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu có tầm ảnh hưởng tới đâu, tác động như thế nào đối với các nước vi phạm nhân quyền?

Tiến sĩ Flipse: Không ai biết chắc được, nhưng chúng tôi hy vọng đây là dịp quốc tế hóa các mối quan tâm về nhân quyền và quan trọng là sự lưu tâm trực tiếp của Liên Hiệp Quốc vào các vấn đề vốn trước đây chỉ là mối quan tâm trong bang giao song phương Mỹ-Việt. Khi Việt Nam tham gia vào “Kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu”, chúng ta có thể đánh động sự chú ý của cả thế giới về vấn đề nhân quyền của Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang tìm kiếm chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận Việt Nam là một thành viên của cộng đồng thế giới bằng danh hiệu hội viên WTO không thôi, mà bên cạnh đó còn có những cam kết quốc tế về nhân quyền đi kèm với việc trở thành hội viên của cộng đồng thế giới.

Đây là những điều được bảo vệ trong tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, nhưng lại là những vấn đề khó khăn tại Việt Nam.

TS Scott Flipse

Trà Mi: Mọi người hiểu rằng hình thức Kiểm điểm nhân quyền quốc tế định kỳ không phải để tố cáo các vi phạm nhân quyền, mà là để phát huy nhân quyền. Thế nhưng làm thế nào có thể thực hiện mục tiêu đó, khi mà các quốc gia vi phạm vẫn cứ phủ nhận những cáo buộc do các tổ chức bảo vệ như Ủy ban Tôn giáo Quốc tế đưa ra?

Tiến sĩ Flipse: Vấn đề ở đây là buổi Kiểm điểm nhân quyền quốc tế định kỳ là dịp cho các nước đặt các câu hỏi chất vấn mà Việt Nam phải giải đáp. Và khi vấn đề nhân quyền của Việt Nam được nêu ra trước quốc tế, khi thế giới bày tỏ những quan ngại chung về tình trạng của Việt Nam thì Hà Nội phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Họ có hành động đáp ứng tức thì hay không là điều khó nói, nhưng quan trọng là chúng ta chất vấn họ công khai trước thế giới để nhận câu trả lời công khai của họ.

Trà Mi: Nhưng làm thế nào để dịp này không trở thành một buổi tranh cãi giữa bên tố cáo và phía bị cáo buộc, mà là cơ hội để các vi phạm được nêu lên và được giải quyết với tinh thần trách nhiệm và sự cam kết, thưa ông?

Tiến sĩ Flipse: Vấn đề nhân quyền của Việt Nam được đặt ra trong các mối quan hệ song phương giữa Mỹ, Úc, Liên hiệp Châu Âu, Thụy Sĩ, Na-uy với Việt Nam. Tất cả đều có các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Kiểm điểm nhân quyền quốc tế định kỳ chỉ là một bước giúp đảm bảo các cuộc đối thoại nhân quyền song phương ấy trong tương lai sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn và đó là yếu tố quan trọng. Đây chỉ là một trong hàng loạt các phương thức để tiếp tục bày tỏ sự quan tâm của quốc tế đối với nhân quyền Việt Nam để tìm kiếm những thay đổi tích cực từ Hà Nội.

Những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Iran..v..v. luôn luôn phủ nhận những lên án của quốc tế về thực trạng nhân quyền của họ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cần phải liên tục nêu vấn đề với họ qua các phương thức như Kiểm điểm định kỳ toàn cầu này. Và để nâng cao tính hiệu quả của nó, chúng ta cần phải đưa ra những câu hỏi xác đáng.

Mong rằng họ sẽ không phớt lờ những câu hỏi nghiêm túc, và hiểu rõ rằng nếu như muốn trở thành hội viên quốc tế thì tiêu chuẩn gia nhập không chỉ là WTO mà còn là những cam kết về nhân quyền với thế giới mà họ đã đồng ý ký kết.

TS Scott Flipse

Thông điệp của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế

Trà Mi: Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế có thông điệp gì muốn gửi đến giới hữu trách Việt Nam trước thềm cuộc gặp ở Geneva vào ngày 8 tháng 5 tới đây?

Tiến sĩ Flipse: Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thái độ nghiêm túc về tiến trình này và sẽ đáp ứng các mối quan tâm của quốc tế một cách thích hợp. Mong rằng họ sẽ không phớt lờ những câu hỏi nghiêm túc, và hiểu rõ rằng nếu như muốn trở thành hội viên quốc tế thì tiêu chuẩn gia nhập không chỉ là WTO mà còn là những cam kết về nhân quyền với thế giới mà họ đã đồng ý ký kết.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Flipse đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Tiến sĩ Scott Flipse là chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại thủ đô Washington DC.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.