Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Phan Rang

Ngày 03-6 qua Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận.

0:00 / 0:00
Nuclear_Power_Plant_wipipedia.jpg
Việt Nam đã lên kế họach dựng 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó lò nguyên tử ở Ninh Thuận được dư kiến bắt đầu sản suất 4 ngàn kW naăm 2020. (Hình minh họa từ Wikipedia)

Giáo sư-Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện Trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho phóng viên Mặc Lâm thêm thông tin kỹ nghệ mới này:

Mặc Lâm:

Thưa ông Viện Trưởng, việc Quốc Hội thông qua Luật Năng Lượng Nguyên Tử có ý nghĩa thế nào đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận mà chính phủ đang triển khai?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

Đấy là văn bản pháp lý cao nhất để Việt Nam thực hiện dự án điện hạt nhân. Việt Nam hiện nay năng lượng rất là thiếu. Chính phủ có chỉ đạo cho các cơ quan làm cái nghiên cứu xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ cả chục năm nay rồi.

Cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ thuật

Mặc Lâm:

Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đưa vào thực hiện nhà máy này cho tới nay đã có những tiến triển nào, thưa Ông?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

Đến thời điểm này, cơ bản đã có đưa ra cái quyết sách và chủ trương cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công xuất 4.000 megawatt, được xây ở vùng Ninh Thuận, miền Trung, dự kiến đi vào vận hành cái tổ máy đầu tiên vào năm 2020.

Để chuẩn bị cho việc phát triển hạt nhân thì có rất nhiều hoạt động, phải chuẩn bị từ các cơ sở hạ tầng, nói chung về pháp lý, về kỹ thuật, về nhân lực, rồi tài chính, rồi là những hoạt động liên quan trực tiếp tới dự án điện hạt nhân đầu tiên. Các cơ quan có liên quan đang triển khai thực hiện trong khuôn khổ của kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược của Thủ Tướng Chính Phủ ký năm 2007.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công xuất 4.000 megawatt, được xây ở vùng Ninh Thuận, miền Trung, dự kiến đi vào vận hành cái tổ máy đầu tiên vào năm 2020.

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn

Mặc Lâm:

Riêng về việc đào tạo nhân sự, có thể đây là một câu hỏi lớn cho Việt Nam mình vì kỹ nghệ điện hạt nhân rất mới mẻ đối với đất nước chúng ta, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch như thế nào, thưa Ông?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

Hiện nay Bộ Công Thương, tức là đơn vị chủ quản, đã có những kế hoạch đào tạo đã trình Thủ Tướng, thứ nhất là đào tạo nhân lực cho dự án, cho quản lý dự án, cho thực hành dự án. Một số hoạt động đã bắt đầu triển khai, ví dụ như gửi một số cán bộ sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Nga.

Cái thứ hai là nhân lực cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là cho cơ quan quản lý an toàn, cho cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, và cho các hoạt động nghiên cứu triển khai.

Mặc Lâm:

Còn vai trò các trường đại học trong nước thì sao, thưa Ông? Trong thời điểm này thì trường nào có thể góp phần đào tạo chuyên viên cho nhà máy điện hạt nhân tương lai?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

Đào tạo ở các trưòng đại học, xây dựng và nâng cấp các khoa riêng trong các trường đại học để đáp ứng cái nhu cầu có tính chất dài hạn, thì cũng đã có kế hoạch của bên Bộ Giáo Dục - Đào Tạo. Hiện có 3 Bộ tham gia vào vấn đề đào tạo thì họ cũng đã rất tích cực cho vấn đề chuẩn bị này.

An toàn hạch nhân?

Mặc Lâm:

Về an toàn hạt nhân Việt Nam đã có những công trình nào về nghiên cứu hay học hỏi từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thưa Ông?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

An toàn hạt nhân là vấn đề rất quan trọng, nhưng nó là vấn đề chung của thế giới. Trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì nói về an toàn không những Việt Nam quan tâm mà cả thế giới họ cũng đã quan tâm về vấn đề này, bởi vì sự cố hạt nhân nếu xảy ra thì nó ảnh hưởng rất là rộng lớn.

VuongHuuTan_Nuclear_VietnamNet_200.jpg
Giáo sư-Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện Trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam – (Hình VietnamNet)

Hiện nay về an toàn thì coi như mình phải chọn những loại công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn, vốn trên thế giới hiện nay có rất nhiều chọn lựa. Điều quan trọng đối với chúng ta chính là vấn đề quản lý và đào tạo đội ngũ nhằm quản lý và vận hành tốt nhà máy thôi.

Mặc Lâm:

Thưa ông Viện Trưởng, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Mã Lai khi dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì luôn gặp sự chống đối của dân chúng và các nhà hoạt động môi trường. Đây là lý do chính khiến các nước trong vùng Đông Nam Á không có nhà máy điện hạt nhân nào. Riêng Việt Nam chúng ta thì thái độ của người dân đối với nhà máy điện ở Phan Rang như thế nào?

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn:

Ở Việt Nam thì nói chung dân chúng rất ủng hộ chủ trương này. Chúng tôi đã đến các địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có tổ chức triển lãm ở đấy, rồi là cũng mời người dân ở địa phương đến trao đổi, toạ đàm, gặp gỡ dân và có những thăm dò dư luận ở đấy thì thấy là sự ủng hộ rất lớn.

Những nước chung quanh chúng ta như Thái Lan vừa rồi họ có hai hội thảo rất lớn về điện hạt nhân. Mã Lai là nước rất nhỏ nhưng bây giờ họ đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân, hay là Indonesia thì họ đã chuẩn bị khá kỹ rồi.

Trong những thông báo chính thức thì họ nói là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào vận hành năm 2016, sớm hơn nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ bắt đầu năm 2020.