Các đại biểu quốc hội kiến nghị ngưng cấp phép khai thác bô-xít
2010.10.25
Các đại biểu cho rằng ngành công nghiệp này không có lợi cho đất nước mà lại rất nguy hại về nhiều mặt, nhất là sau khi xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary, ảnh hưởng đến sự an toàn và vệ sinh môi trường tại Châu Âu.
Cảnh báo thảm họa
Theo một số đại biểu thì việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên dẫn tới thảm họa tương tự như ở Hungary là điều có thể xảy ra ở Việt Nam, vì thế quốc hội cần phải rà soát lại vấn đề kỹ thuật, cân nhắc lại quy mô và mức độ đầu tư. Từ nhiều tháng qua, đã có nhiều chuyên gia, quan chức, nhà khoa học, tướng lãnh, đảng viên, giới trí thức gởi kiến nghị đến quốc hội và chánh phủ yêu cầu ngưng cấp phép cho các dự án đầu tư khai thác bô-xít, mà phần lớn là do doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn.
Địa bàn Tây Nguyên cũng rất đặc biệt, vì là vùng cao, vào mùa mưa thì có mưa xối xả, cho nên nếu cho khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, thì rất dễ xảy ra thảm họa tràn bùn đỏ.
Ô. Nguyễn Minh Thuyết
Là một trong những tiếng nói trước diễn đàn quốc hội, ngay từ đầu không tán thành việc cho phép khai thác các dự án bô-xít ở Tây Nguyên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội đơn vị Lạng Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, trình bày quan điểm của ông, trong câu chuyện với RFA:
“Trong kỳ họp thứ 5 của quốc hội khóa 12 này, vào tháng 5 năm 2009, tôi đã có phát biểu trước quốc hội về việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Tôi không đồng tình vì 3 lý do, thứ nhất là không có hiệu quả kinh tế, thứ hai là nguy cơ cho môi trường, thứ ba là vấn đề an ninh, quốc phòng. Rất không may cho Hungary là xảy ra thảm họa bùn đỏ, đây là một lời cảnh báo rất kịp thời và nghiêm khắc cho Việt Nam.
Sáng hôm nay, tôi đã phát biểu vấn đề này trên báo VNExpress, theo quan điểm của tôi, Hungary là một nước công nghiệp phát triển, người dân có kỹ thuật cao và có tác phong công nghiệp.Việc xảy ra thảm họa bùn đỏ là ở vùng đồng bằng, mà còn nguy hiểm đến như vậy, còn Việt Nam thì không thể nói là một nước công nghiệp phát triển được, tác phong lao động của người dân lao động rất là yếu, mà địa bàn Tây Nguyên cũng rất đặc biệt, vì là vùng cao, vào mùa mưa thì có mưa xối xả, cho nên nếu cho khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, thì rất dễ xảy ra thảm họa tràn bùn đỏ, nếu không muốn nói là bị vỡ đập.”
Cùng nhận định như bạn đồng viện của ông, Giáo sư Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội đơn vị Đồng Nai, cho biết đã có kiến nghị với chủ tịch quốc hội về vấn đề bô-xít:
“Tại kỳ họp trước, chúng tôi đã phát biểu quan điểm của mình rồi, trên thực tế quốc hội tuy có thảo luận nhưng chưa bao giờ có nghị quyết về vấn đề bô-xít cả. Do nảy sinh hiện tượng vỡ đập bùn đỏ ở Hungary, đương nhiên tạo ra dư luận xã hội lo lắng, và sự lo lắng đó là chính đáng. Trước khi quốc hội họp, tôi đã có văn bản gởi ông chủ tịch quốc hội yêu cầu nên quan tâm đến việc này, với tư cách là cơ quan giám sát tối cao, với dự án này công việc giám sát phải thường trực, thường xuyên và quốc hội phải có thái độ. Ông chủ tịch quốc hội đã có hồi âm với tôi là quốc hội cũng rất quan tâm, và giao cho ủy ban về tài nguyên, môi trường thường xuyên theo dõi và sau vụ ở Hungary thì tiếp tục tăng cường kiểm tra hơn nữa.
Tôi nghĩ rằng vấn đề bô-xít nên đưa ra chương trình nghị sự của quốc hội và nhất là trong báo cáo của chánh phủ, trước hết là để an dân, sau đó là để bàn bạc lại, thật chu đáo, tránh thảm họa xảy ra, không phải trong vòng 5 hay 7 năm, trong nhiệm kỳ mà tiềm ẩn lâu dài, cho nên cần cân nhắc sự kiện đó. Còn dư luận xã hội thì một số nhà trí thức, cựu quan chức đã lên tiếng và chúng tôi đang chờ đợi động thái từ quốc hội, trong thời gian tới như thế nào.”
Nên dừng dự án
Làm cái gì cũng phải nghĩ đến tương lai, có những cái nên để dành cho con cháu làm, khi đó ngành công nghệ có độ an toàn cao hơn.
Ô. Dương Trung Quốc
Về một giải pháp trước mắt đối với dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh:
“Theo quan điểm của tôi, đối với nhà máy ở Tân Rai, thì kể như gần hoàn thành xong rồi, thì đằng nào chúng ta cũng cần phải có sự thí nghiệm, để có kinh nghiệm về sau, do dó chỉ nên giới hạn hoạt động ở nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng thôi. Còn khu Nhân Cơ, hiện chỉ mới giải phóng mặt bằng thôi, thì nên dừng lại, để đợi khi chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ thuật khai thác, thì sẽ tốt hơn. Vả lại, nếu khai thác ngay trong lúc này thì không có hiệu quả gì về kinh tế.”
Trong khi đó, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc trình bày cái nhìn của ông khi hướng về các thế hệ mai sau:
“Làm cái gì cũng phải nghĩ đến tương lai, có những cái nên để dành cho con cháu làm, khi đó, ngành công nghệ có độ an toàn cao hơn. Tôi không tán thành vì khi có một chút tài nguyên gì thì cứ cố gắng khai thác ngay, đó là sự lãng phí. Nước nghèo thì có thể chấp nhận điều đó, là nước nghèo thì cũng phải nghĩ đến con cháu sau này, vì thế tôi không tán thành việc làm bô-xít. Tuy nhiên, nếu có tài nguyên thì cần phải khai thác, nhưng khai thác vào lúc nào, khai thác như thế nào để có hiệu quả nhất, an toàn nhất, đấy là cái điều mà cá nhân tôi quan tâm và cũng có nhiều người chia sẻ với tôi điều ấy.”
Qua phản ảnh trên báo chí, có nhiều ý kiến cho rằng, thung lũng Tây Nguyên là khu vực có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, nếu xảy ra thảm họa bùn đỏ tại đây, bùn đỏ sẽ ngấm dần xuống mạch nước ngầm và từ đỏ sẽ chảy xuống cả vùng đồng bằng Nam Bộ, gây ra một nguy cơ không thể lường trước được trong vòng vài chục năm tới.
Báo VNExpress số ra ngày 25 tháng 10 năm 2010 cho hay, bên cạnh các ý kiến và nhận định của các đại biểu quốc hôi, sắp tới đây liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo hầu đạt tới những kết luận cụ thể về vấn đề môi trường, kinh tế, đầu tư giúp cho các cơ quan hữu trách có thêm yếu tố, chứng cứ để cân nhắc và quyết định xem có nên ngừng hay cứ tiếp tục các dự án cho khai thác bô-xít tại Tây Nguyên.
Vẫn theo báo điện tử này, nếu các công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên thật sự có lợi cho hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực chiến lược này, đồng thời bảo đảm an toàn cho con người và môi trường thì chánh phủ cần giải thích và chứng minh cho người dân được biết rõ. Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi hậu quả lâu dài có thể khiến hàng triệu người dân Việt bị ảnh hưởng bởi các chất thải độc hại do các mỏ bô-xít gây ra như bài học mà Hungary phải trả bằng sinh mạng của hàng chục người, hàng trăm người khác bị thương và cuộc sống của hàng triệu người bị xáo trộn, như bài học thực tiễn mà Hungary đang phải ứng phó.
Theo dòng thời sự:
- Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary (phần 1)
- Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary (phần 2)
- Thảm họa bùn đỏ đối với môi trường
- Diễn tiến vụ lũ bùn đỏ tại Hungary
- Hungary có nguy cơ đối diện lũ bùn đỏ thứ nhì
- Hungary xây đập ngăn lũ bùn đỏ thứ 2
- Lũ bùn đỏ Hungary – bài học cho Việt Nam
- Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary