Hề Hiếu Cảnh, 20 năm theo Hát Bội và Tuồng Cổ

Hiện nay ở Việt Nam, tình hình sân khấu cải lương ngày một xuống dốc thì sân khấu tấn hài ngày một phát triển, nghệ sĩ cải lương và một số nghệ sĩ hát bội đã chuyển qua hát tấu hài để kiếm sống và có nhiều người được nổi danh là những danh hề.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2008.08.30

HieuCanh-200.jpg
Danh hài Hiếu Cảnh trên sân khấu Tuồng Cổ.
Nghệ sĩ Hiếu Cảnh, một nghệ sĩ hát bội và tuồng cổ hơn hai mươi năm, khi chuyển qua tấu hài Hiếu Cảnh cũng được khán giả ái mộ. Anh sống được với nghề mới, nghề đem lại những nụ cười thư giản cho khán giả khắp bốn phương.

Khời đầu từ Hát Bội

Nghệ sĩ Hiếu Cảnh tên thật là Trần văn Cảnh, con nuôi của nghệ sĩ hát bội Trần Văn Châu, nghệ danh Chín Châu và nữ nghệ sĩ hát bội Lệ Khanh, tên thật là Huỳnh Thị Ương.

Nghệ sĩ Chín Châu (1918 – 1989), người nghệ sĩ hát bội nổi danh cùng thời với các nghệ sĩ hát bội Minh Tơ, Khánh Hồng, Thành Tôn, Châu Kỷ, Ba Mách, Thiệu Của. Ông từng có nhiều vai diễn hay khi hát ở đoàn Vĩnh Xuân - Bầu Thắng ở đình Cầu Quan đường Yersin.

Nữ nghệ sĩ Lệ Khanh (1918 – 1994) là con của nghệ sĩ hát bội Huỳnh văn Đại. Cô ruột của Lệ Khanh là đào Sáu Tố, đào chánh gánh hát bội Phước Long Ban, Vĩnh Long. Cô Lệ Khanh nổi danh trên nhiều sân khấu của gánh Phước Long Ban, gánh Vĩnh Tân, gánh Tấn Thành Ban của Bầu Cung và gánh Vĩnh Xuân Ban Bầu Thắng.

Nữ nghệ sĩ Lệ Khanh là một trong số ít đào hát thanh sắc song toàn. Cô sắm tuồng rất đẹp, giọng hát trong và cao, nổi tiếng từ thập niên 40 đến 60 trong các vai đào văn, đào võ, đặc biệt là các vai độc lẳng như Đắc Kỷ, Điêu Thuyền, Hàn Tố Mai, Bàng Quí Phi…

Nữ nghệ sĩ Lệ Khanh nổi danh đồng thời với các danh tài Ba Đắc, Hai Nhỏ, Hai Ngà, Ba Út, Sáu Hương, Ba Sáng: những nghệ sĩ được giới mộ điệu quý trọng như những hạt minh châu trong ngành hát bội Việt Nam.

Nữ nghệ sĩ Lệ Khanh thành hôn với kép Chín Châu tại gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban - Bầu Thắng. Hai ông bà không có con nên nuôi một dưỡng tử, đào tạo thành nghệ sĩ Hiếu Cảnh. 

Năm Hiếu Cảnh được 8 tuổi, nghệ sĩ Chín Châu thành lập đoàn hát bội Thanh Bình hát thường trực ở đình Thắng Tam Vũng Tàu và lưu diễn ở các đình miếu vùng Phước Hải, Bà Rịa trong những dịp cúng Kỳ Yên hàng năm.

Hiếu Cảnh đêm đêm ngồi bên cánh gà xem cha mẹ và các nghệ sĩ chú bác biểu diễn, em học lóm thuộc được nhiều vai tuồng. Khi có dịp, cha em cho em làm quân sĩ cầm cờ hiệu chạy múa trên sân khấu. Có những dịp thiếu kép con, Hiếu Cảnh cũng được dạy cho hát vai kép con như vai Na Tra tuồng Na Tra Lóc Thịt…

Hiếu Cảnh thích nhứt những vai hề trên sân khấu hát bội nên khi cha mẹ em về hát cho gánh Vĩnh Xuân Ban - Bầu Thắng, em theo dõi học theo lối diễu của các danh hài hát bội như Thiệu Của, Ba Mách, Châu Kỷ của đoàn hát nầy.

Năm 15 tuổi Hiếu Cảnh gia nhập gánh hát bội Nghĩa Thành. Hiếu Cảnh có giọng ca khoẻ khoắn, vũ đạo đúng trình thức hát bội nên anh được giao đóng nhiều loại vai tuồng trên sân khấu hát bội như các vai kép, vai tướng, vai hề…]

Hiếu Cảnh đã hát qua nhiều gánh hát bội và có mặt biểu diễn trong các đêm hát cúng Kỳ Yên ở các đình miếu lớn, nhiều nhứt là hát cúng Kỳ Yên ở đình Thắng Tam Vũng Tàu.

DanhHaiHieuCanh-200.jpg
Danh hài Hiếu Cảnh ngoài đời
Sau năm 1975, anh chuyển qua hát cải lương tuồng cổ. Anh gia nhập đoàn hát Huỳnh Long và được khán giả thành phố thưởng thức qua vai Huỳnh Hoa Lá Liểu trong màn thử giày của vở tuồng Tấm Cám.

Sau đó, được khán giả ưa thích nên nghệ sĩ Hiếu Cảnh được phân vai diễn hài hoặc vai Thái Giám để mang lại những nụ cười thỏa thích cho khán giả trong các vở tuồng Lá Chắn Biên Thùy, Về Đất Kinh Châu, Hùm Thiêng Yên Thế, Tấm Cám, Bí Mật Thành Cổ Loa, Thất Trảm Sớ, Xử Án Phi Giao… 

Thành công với vai hề

Năm 1996, sân khấu cải lương mất dần khán giả, nhiều đoàn hát cải lương giải tán, trong số đó có hai đoàn hát tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long. Nghệ sĩ hài Hiếu Cảnh theo các nghệ sĩ Hữu Huệ, Minh Long về hát cho đoàn Hữu Long – Sông Bé, sau đó anh đi hát cho đoàn Minh Phụng.

Cuối năm 1997, Hiếu Cảnh xuất hiện trên sân khấu đoàn hát Kim Hương, hát tại rạp Đại Đồng Quận Ba, hề Hiếu Cảnh là một trong những diễn viên ăn khách nhất của đoàn Kim Hương.

Tên hề Hiếu Cảnh được kẻ chữ thật lớn trên banderole, quan trọng như kẻ tên của các danh ca kép, đào chánh của đoàn hát.

Về đoàn Kim Hương, Hiếu Cảnh vào vai người ở trong tuồng Duyên Kiếp, vai lão Tư trong tuồng Giang Sơn Mỹ Nhân, vai Thái Giám tuồng Hoàng Đế Du Xuân và vai Tiểu Bảo trong tuồng Cuồng Vọng Và Tình Yêu. Những nhân vật hề của Hiếu Cảnh thủ diễn đã góp phần làm cho sân khấu đoàn Kim Hương them phần tươi trẻ, vui nhộn và khan trường được có nhiều trận cười và vổ tay nồng nhiệt.

Hơn mười mấy năm hát trên sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long, nghệ sĩ hài Hiếu Cảnh tuy không có một vai diễn để đời nhưng anh khắc ghi được hình ảnh một nghệ sĩ hài bình dị, tạo ra những nụ cườì gần gủi với tính chất người nông dân miền Nam nên anh vẫn được khán giả đặc biệt yêu thích.

Nghệ sĩ Hiếu Cảnh cho rằng đi tấu hài chỉ là một phương cách để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, tuy dễ gặt hái được tiếng cười của khán giả khi đề cặp đến những thói hư tật xấu cần phê phán, những tiêu cực của xã hội nhưng cũng rất là nguy hiểm vì nếu không biết tiết chế cách diễn và cách đặt vấn đề, người diễn hề sẽ phải lảnh hậu quả không hay vì phản cảm của người tiêu cực bị phê phán.

Nhắc đến hai chữ tiêu cực, Hiếu Cảnh thè lưởi ra, nói: “Phải là người cở nào mới dám tiêu cực lớn. Mình gải sơ sơ, chỉ cho họ ngưa ngứa thôi, chớ nếu mà  làm cho tới chấu thì coi như mình phải bỏ nghề.”

Bởi vậy anh tự gò mình theo định hướng nên nghệ sĩ Hiếu Cảnh vẫn một lòng chung thủy với cái nôi hát bội của mình. Anh tham gia Câu Lạc Bộ Sân Khấu Truyền Thống, hát bội tuồng Chuyện Tình Bảy Núi của đoàn hát bội thành phố hay tham dự chương trình liên hoan hát bội tại Huế.

Mấy năm nay, từ khi có chủ trương về nguồn, hát bội sống được ở các lễ hội, cúng đình, cúng Kỳ Yên thì nghệ sĩ Hiếu Cảnh cũng có show hát chầu ở các đình, miếu ở Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh với nhóm nghệ sĩ hát bội Ngọc Khanh, Hữu Dung, Minh Sen…

Ngoài ra Hiếu Cảnh còn tham gia hát trích đoạn cải lương tuồng cổ An Lộc Sơn, Hoa Bướm Ngày Xưa, Tam Đã Châu Ngọc Long, với các nghệ sĩ Trinh Trinh, Ngân Tuấn, Thanh Uyên, Trọng Nghĩa ỏ Đầm Sen, Hồ Kỳ Hòa, rạp Đại Đồng.

Theo nghề hát trên 20 năm, nghệ sĩ Hiếu Cảnh chưa nổi bật bằng nhiều nghệ sĩ khác, tuy chưa có vai hát để đời nhưng Hiếu Cảnh là nghệ sĩ được khán giả dành cho nhiều tình thương mến.

Hiếu Cảnh hiện nay vẫn sống một mình trong căn nhà ở quận 3 của cha mẹ để lại, anh sống vui vẻ, sẳn sàng giúp đở bạn đồng nghiệp và tham gia hát gây qủy từ thiện, ngoài ra các bạn anh còn quý mến anh vì anh là một người hiếu khách, pha trò giỏi và có tài nấu những món nhậu rất ngon.

Qua niệm sống của Hiếu Cảnh rất giản dị: Anh nói anh muốn sống vui và đem niềm vui lại cho mọi người. Miển là anh không bị đói rách, anh muốn có cuộc sống giản dị, tạm đủ qua ngày thì anh còn tìm cách tạo ra nụ cười cho khán giả và những người mà anh có dịp giao tiếp. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.