Cúm A-H1N1: Có thể dời ngày khai trường?

Tình hình virus cúm A-H1N1 lây lan tại một số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh khiến cơ quan chức năng lo ngại dịch bệnh sẽ nhanh chóng bùng phát, nên đã có một số chỉ thị nhằm phòng chống dịch bệnh trong giới học sinh- sinh viên, cũng như cho cả cộng đồng.

0:00 / 0:00

Quỳnh Như tổng hợp thông tin và trình bày một số chi tiết qua trao đổi với những người liên quan.

Có thể dời ngày khai trường

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan truyền, các cơ quan chức năng, ban ngành và các bệnh viện đang ráo riết tập trung lo phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, còn phụ huynh học sinh và giáo viên thì rất lo ngại vì mùa khai trường sắp đến.

Nếu nhiều, có khả năng là ngày khai giảng phải dời lại để cho người ta khắc phục hết được cái chuyện đó, người ta tẩy trùng hết.

Giáo viên Nguyễn Thanh Tùng, Quận 10

Anh Nguyễn Thanh Tùng, một giáo viên ở Quận 10, có ý kiến:

“Lo thì cũng lo đó chị. Không biết làm sao mà thấy được. Mình cũng không có thể xử lý được hết. Cũng chịu thôi, chị. Để coi tình hình có phát triển nhiều hay không. Nếu nhiều, có khả năng là ngày khai giảng phải dời lại để cho người ta khắc phục hết được cái chuyện đó, người ta tẩy trùng hết.”

Anh Nguyễn Văn Thành cũng là một giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh thì nói rằng:

“Cũng tâm trạng chung thôi, và giống như là chủ trương của những người lãnh đạo ngành giáo dục ở thành phố thì bây giờ người ta rất là lo ngại cái chuyện dịch bệnh bây giờ nó đã phổ biến rộng như thế. Mọi người dân chúng tôi cũng đều cảm thấy một cảm giác lo như thế thôi chớ bây giờ cũng không biết làm sao, chỉ theo chủ trương và chấp hành cho đúng. Chứ bây giờ có lo thì lo chớ biết làm sao bây giờ.”

Rất may là hiện đang là mùa nghỉ hè, chỉ có một số trường có nội trú tập họp học sinh để dạy hè, nên số học sinh chưa đi đông đủ.

Toàn bộ các trường nội trú trên địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh vừa có yêu cầu phải đóng cửa từ nay cho đến hết ngày 15 tháng 8. Đồng thời cũng có chỉ thị tạm thời đóng cửa trường học nếu ở đó có dịch cúm A-H1N1.

Triển khai phòng chống bệnh

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, từng là Viện Phó Viện Vệ Sinh Y Tế Công Cộng TP.HCM, và sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò chuyên viên vệ sinh y tế công cộng tại thành phố này, cho biết:

“Hiện nay ở cái mức độ thì Việt Nam đang ở mức độ lan ra cộng đồng, tức là rải rác chỗ này năm ba ca, chỗ kia năm ba ca, rồi xuất hiện ở Trường Ngô Thời Nhiệm, Quận 9. Chủ trương chung hiện nay là phối hợp liên ngành, đối với Bộ Giáo Dục thì triển khai phòng chống ở trong trường học, tất cả các cấp trường. Thứ hai nữa là đối với Bộ Giáo Thông Vận Tải thì chống ở tất cả các bến xe, truyền thông, giáo dục. Thế rồi đối với Bộ Lao Động-Thương Binh - Xã Hội thì phát động một chiến dịch phòng ngừa ở các nhà máy - xí nghiệp, triển khai rộng và toàn diện.”

Theo lời khuyên và hướng dẫn của ông Nguyễn Huy Nga, Cục Trưởng Cục Y Tế Dự Phòng và Môi Trường (Bộ Y Tế), "các ngành chức năng và địa phương cần phải tỉnh táo, khẩn trương trong việc phòng chống dịch, còn người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, mà nên thực hiện các biện pháp phòng vệ của cơ quan y tế."

Chủ trương chung hiện nay là phối hợp liên ngành, đối với Bộ Giáo Dục thì triển khai phòng chống ở trong trường học, tất cả các cấp trường.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai<i> </i>

Tuy lo lắng nhưng nhờ có những thông tin trên báo chí về dịch bệnh này nên người dân cũng không hoang mang hay hốt hoảng. Bảo Trâm, cô sinh viên của Đại Học Bách Khoa TP.HCM, cho biết:

“Tình hình là không có gì để mà nói là suy giảm hay không, bởi cái dịch này chưa thấy có dấu hiệu gì đáng lo sợ, mà thấy bình thường lắm.”

Về vấn đề liệu virus cúm A-H1N1 ở Việt Nam có dấu hiệu kháng thuốc hay không, Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới, nơi đang điều trị những bệnh nhân bị nhiễm cúm A-H1N1, cho biết:

"Về sự kháng thuốc thì chưa có chính xác, bởi vì nếu kháng thuốc thì đúng ra là thứ nhất về mặt lâm sàng thì nó không đáp ứng với thuốc điều trị, hai là về mặt sinh học thì mình phải tìm ra được cái đột biến điểm, ít nhất là cái H274i thì hiện nay vẫn chưa có phát hiện được con virus nào trong Việt Nam mà có cái đấy. Thứ ba là mình cũng phải đo được các chất thuốc trong cơ thể bệnh nhân, tại vì có nhiều người hoặc là không uống, hoặc uống mà không hấp thu, thành ra nói là kháng thì có thể nói là hiện nay chưa xác định là có."

Nếu tất cả các biện pháp ứng phó đề ra đều được áp dụng triệt để, các Ban Ngành đều thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh, cộng với việc người dân có ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, hy vọng Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khác ở Việt Nam nói chung, có thể kiểm soát được sự lây lan của dịch cúm A-H1N1.