Còn phải chở đợi
Trước đây từng có tin nói ông Bush sẽ thông báo quyết định vào ngày Chủ Nhật hoặc trễ nhất là nội ngày thứ Hai, tức là ngày hôm nay. Nhưng bây giờ hình như chuyện đã thay đổi, lý do là vì ông Bush không có mặt ở Mỹ, ông đi Iraq và Afghanistan trong chuyến viếng thăm đầy bất ngờ.
Mặc dù đến nay chuyến đi đã hoàn tất, nhưng chuyện bao giờ Tổng Thống Hoa Kỳ mới thông báo thì chưa ai rõ.
Đó là chưa kể đến một sự kiện rất quan trọng là cách đây không đầy 24 tiếng đồng hồ, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Corker đã nói chuyện với các phụ tá thân cận nhất của ông Bush, và sau đó ông cho báo chí biết câu trả lời nghe được từ Nhà Trắng là chưa rõ kế hoạch cứu nguy kỹ nghệ xe hơi Mỹ sẽ được thực hiện như thế nào, số tiền chính phủ bỏ ra cứu nguy là bao nhiêu.
Xin phép được nhắc lại là cả 3 tập đoàn GM, Ford và Chrysler nói cần tới 34 tỷ dollars để sống còn, nhưng số tiền được Quốc Hội và Tổng Thống Bush nói tới chỉ có 14 tỷ thôi.
Nói thì nói, chứ số tiền vẫn không được Thượng Viện thông qua, vì các vị Nghị Sĩ Cộng Hòa đòi điều kiện đi kèm là công nhân làm việc cho các công ty chế tạo xe hơi của Mỹ phải tự cắt giảm tiền lương và các quyền lợi khác.
Bên Công Ðoàn không đồng ý, nên bây giờ phía Nhà Trắng phải nhảy vào can thiệp, bằng cách sử dụng một phần khoản tiền 700 tỷ cứu nguy tài chánh để cứu nguy kỹ nghệ xe hơi.
Cứu nguy tạm thời?
Hiện câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là liệu ông Bush có chấp thuận đủ 14 tỷ dollars như Quốc Hội đã từng thảo luận không?
Theo những tin tức hành lang thì hình như các cố vấn kinh tế của ông Bush muốn chi một khoản tiền nhỏ hơn, tức chỉ giúp cho các công ty đang gặp khó khăn sống qua ngày và đợi đến khi Tổng Thống Ðắc Cử Barack Obama nhậm chức, lúc đó ông Obama sẽ có quyết định nên cứu nguy như thế nào, giải pháp được thực hiện ra sao.
Theo đó, dường như ông Bush chỉ muốn cứu nguy tạm thời, còn kế hoạch dài hạn sẽ được ông Obama đưa ra vào cuối tháng tới.

Tuy nhiên, ngay cả kế hoạch cứu nguy tạm thời này cũng có thể gây ra nhiều tranh cãi. Về phía các tập đoàn xe hơi Mỹ, họ muốn chính phủ của ông Bush trợ giúp dài hạn, thay vì chỉ sống sót một vài tuần rồi lại phải ngửa tay xin vay tiếp.
Với những người không ủng hộ, trong đó có cả các vị dân cử Mỹ thì giúp dài hạn hay ngắn hạn chẳng được lợi lộc gì, vì giải pháp cứu nguy duy nhất vẫn là giải pháp tự cứu, tức là chính các tập đoàn này phải có chương trình hành động hữu hiệu hơn, để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh với sản phẩm của những công ty xe hơi ngoại quốc.
Một điểm khác cũng được nhiều người nhắc đến là các cuộc thăm dò dư luận dân chúng Mỹ cho thấy chính người dân cũng đang đứng trước ngã ba đường.
Họ không hài lòng với lối làm việc được xem là “tắc trách” của những người điều hành các tập đoàn chế tạo xe hơi, nhưng họ lại lo âu là nếu không cứu các đại công ty này thì sẽ có thêm cả triệu người thất nghiệp, và các hãng GM lẫn Chrysler đều nói không được giúp đỡ thì có khả năng chỉ vài tuần nữa hoặc phải khai phá sản, phải tạm ngưng hoạt động.
Các con số mới nhất cho thấy tổng số công nhân làm việc cho 3 đại công ty là 239,000 người, và hơn 2 triệu người khác đang làm những việc liên quan đến kỹ nghệ sản xuất hoặc thị trường xe hơi của Mỹ.
Viễn cảnh nào
Theo các nhà phân tích, nếu những điều này xảy ra, không những các công ty xe hơi Mỹ phải phá sản, ngưng hoạt động; ma còn có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới các hãng chế tạo xe hơn Nhật Bản.
Các chuyên gia thị trường xe hơi cho biết là hiện nay những hãng xe Nhật Bản đang hoạt động ở Mỹ và các hãng chế tạo xe hơi Hoa Kỳ sử dụng chung nhiều công ty chế tạo bộ phận rời.
Số tiền các hãng GM, Chrysler và Ford đang nợ những công ty cấp bộ phần rời này rất lớn, do đó nếu ba tập đoàn xe hơi Hoa Kỳ ngưng hoạt động, các công ty làm ăn chung đương nhiên cũng phải ngưng hoạt động.
Ðiểm thứ nhì là nếu tình trạng thất nghiệp tăng cao hơn nữa, con số khách hàng mua xe hơi sẽ giảm hẳn đi và các công ty còn mở cửa hoạt động –như là các công ty xe hơi Nhật Bản- đang lo chuyện này. Không chỉ ở Hoa Kỳ mà ở nước nào cũng thế, hai món hàng đắt tiền nhất vẫn là cái nhà để ở và chiếc xe để đi.
Người thất nghiệp lo không có tiền trả tiền nhà thì không ai dám nghĩ đến chuyện bỏ tiền mua xe hơi.
Xin đơn cử một thí dụ là mới tháng trước cùng với tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng, số xe hơi của công ty Toyota bàn tại Mỹ giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, xe hơi Nissan bán giảm 42% và xe hơi hiệu Honda bán giảm 32%.
Nhưng cũng phải nhìn nhận là nếu các công ty chế tạo xe hơi Mỹ gặp trở ngại thì đương nhiên các công ty xe hơi nước ngoài sẽ nắm bắt lấy cơ hội để chiếm thị phần.
Giới chuyên gia đều cho rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng là chuyện của 5 hoặc 10 năm nữa chứ không đến ngay đâu. Ngay trước mắt, các công ty xe hơi nước ngoài cũng lo chung mối lo của các công ty chế tạo xe hơi Hoa Kỳ. và chính họ cũng đang chờ đợi quyết định của Tổng Thống George W. Bush.