Các bà nội trợ tính sổ cuối năm

Cũng như hầu hết các nước làm hàng xuất khẩu ở Châu Á, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các gia đình lao động ở Việt Nam cũng lao đao không kém khi gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai của các bà nội trợ.

0:00 / 0:00

Điệp khúc giá, lương

Người xưa hay bảo: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhưng khi thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm mà giá cả lại tăng vọt, thì chuyện thiếu hụt là điều dễ xảy ra.

Kinh tế gia đình là một gánh nặng đối với phụ nữ trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Phụ nữ là người quản lý việc chi tiêu của gia đình hàng ngày, nên họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề và nhận biết vật giá leo thang rõ rệt nhất.

Đặc biệt ở Việt Nam, thị trường mua sắm thường hay tăng giá vào thời điểm cuối năm, mà năm nay giá vàng lại biến động mạnh.

Bà Phạm Thị Nhị, một người nội trợ ở Biên Hòa cho biết:

“Mới mấy ngày hôm nay lại rục rịch lên giá, còn lên giá nhiều nữa. Thông thường hàng năm, cứ hễ vào mùa Noel, hay mùa Tết thì vật giá hay tăng lên, nhưng năm ngoái và năm nay tăng nhiều hơn vì nó có ảnh hưởng của khủng hoảng. Lúc thì xăng dầu lên giá, và giá vàng lên cũng làm những thứ khác tăng lên theo kiểu té nước theo mưa vậy, nên cái gì cũng lên giá hết.

Có những dịch vụ không liên quan đến vàng, nhưng khi thấy vàng lên giá người ta sốt ruột, thấy đồng tiền thu nhập có vẻ như ít đi, nên người ta cũng tăng giá theo. Tâm lý người ta thấy thu nhập như vậy là ít quá so với thời giá. Tôi thấy ở Việt Nam lên giá quá, trừ lương – không lên nữa.”

Do vậy, việc hoạch định ngân sách chi tiêu cho gia đình trở thành một bài toán hóc búa cho các bà nội trợ. Nếu không khéo thu vén trong gia đình thì khi có những khoản chi tiêu đột xuất, chuyện phải đi vay mượn là một điều hiển nhiên.

Khi thấy vàng lên giá người ta sốt ruột, thấy đồng tiền thu nhập có vẻ như ít đi, nên người ta cũng tăng giá theo. Tôi thấy ở Việt Nam lên giá quá, trừ lương – không lên nữa

Bà Phạm Thị Nhị<br/>

Chị Mai Trâm, nhân viên Kế toán của một Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy có một công việc ổn định nhưng trước cơn lốc của thị trường, dù đã tìm mọi cách xoay sở chị vẫn chưa thể trả hết khoản nợ vay trong năm. Chị kể:

“Mùa mưa năm trước nhà tôi bị thấm, dột nhiều, nên đầu năm nay tôi phải sửa nhà, nói chung là phải sửa chữa nhiều nên tốn kém. Nói chung là cũng thấy trong khả năng mình có thể trả hết nợ, nên tôi có vay trứơc một số tiền để sửa nhà. Định là hàng tháng sẽ lấy trong khoản tiền tích lũy để trả dần. Nhưng năm nay, cũng như năm ngoái tức là khủng hoảng kinh tế vẫn còn, mà thậm chí còn khó khăn hơn.

Vật giá các gì cũng tăng hết kể cả tiền học của con cũng tăng, tiền ăn uống, đi lại, tất cả tiền gì cũng tăng cho nên khoản thu nhập mà tôi có thể tích luỹ được hàng tháng như năm rồi có tháng để dành được ít hơn, thậm chí có tháng không để dành được đồng nào. Gặp tháng có việc gì phải chi tiêu đột xuất hoặc có một hai cái đám cưới được mời là tôi thấy còn bị thâm hụt chứ nói gì để dành được. Nên đến cuối năm, bây giờ là tháng 12 rồi mà khoản nợ đó tôi dự định sẽ trả được hết thì thật ra nó vẫn còn hơn quá phân nữa tôi chưa trả được. Trước đây tôi có dự định năm nay sửa nhà thì trong năm sau tôi sẽ đổi xe. Nhưng cứ theo cái đà này thì tôi cũng không biết là sẽ như thế nào, chứ trong năm sau sẽ cố trả tiền vay để sửa nhà trước cái đã, và chuyện đổi xe thì chắc phải coi lại.”

Thiếu trước hụt sau

Câu chuyện của chị Ngọc Yến ở Tiền Giang cũng không khác mấy, mặc dù hoàn cảnh mỗi gia đình một khác. Chị Ngọc Yến hiện là lao động chính trong gia đình; chồng chị làm việc cho một xưởng mộc sản xuất hàng xuất khẩu. Khi xưởng không có đơn đặt hàng, người ta giảm dần số thợ, và cuối cùng anh bị mất việc. Một mình xoay sở cho đủ bốn miệng ăn trong gia đình không phải là chuyện đơn giản. Chị bộc bạch:

Số tiền mượn của người ta vẫn không trả được hết, đành phải khất sang năm sau. Nhưng càng ngày vật giá món gì cũng cao hết, không biết đến năm sau có trả hết được không nữa <br/>

Chị Ngọc Yến<br/>

“Năm nay con trai tôi vào Đại học thành ra phải ráng mua cho nó chiếc xe để con tự đi học, mà không đưa đón như hồi cháu còn học phổ thông nữa. cứ nghĩ rằng vợ chồng cùng đi làm, thì việc mua xe cho con đi học bằng số tiền hằng tháng tiết kiệm được để trả dần. Nhưng cuộc sống khó khăn, số tiền tích lũy chẳng được bao nhiêu hết. Con được vào Đại học thì ở Đại học năm nay cũng đóng tiền nhiều hơn. Đến bây giờ là tháng 12 rồi, còn đâu được bao nhiêu ngày nữa là hết năm nay rồi, mà số tiền mượn của người ta vẫn không trả được hết, đành phải khất sang năm sau. Nhưng khi nghĩ tới sang năm sau phải tiếp tục trả nợ, mà thấy càng ngày vật giá món gì cũng cao hết, nên cứ nơm nớp lo sợ không biết số tiền còn nợ đó sang đến năm sau có trả hết được không nữa.

Rồi cũng còn phải dành dụm để khi con lớn, đi học, thì nhu cầu nó còn cần nhiều thứ hơn, rồi cuộc sống chung quanh. Cho nên trước mắt coi như còn phải tiết kiệm nhiều hơn nữa, nhiều hơn năm rồi nữa kia. Trong cuộc sống có nhiều cái mình phải lo hơn nữa, chưa kể sắp tới là Tết nhứt. Trước mắt thấy khó khăn, ai cũng vậy, đi làm mà sống cũng phải tiết kiệm hơn, mua sắm cái gì cũng đắn đo, chứ không được thoải mái như những năm trước. Thành ra năm nay phải lo làm. Trước mắt là coi như Tết này cũng không dám mua sắm thoải mái, phải lo trả nợ và phải có chút tiền để dành trong nhà để tiêu xài khi hữu sự, ví như có người bị bệnh.”

Trong khi chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán, các bà nội trợ này chắc chắn sẽ phải thắt chặt hầu bao của mình hơn nữa. Chị Mai Trâm nói thêm:

“Chắc là việc mua sắm Tết năm nay cũng sẽ không được chu đáo như những năm trước. Chắc là tôi sẽ chỉ mua sắm cho những nhu cầu thật thiết yếu trong những ngày Tết mà thôi. Chứ thật sự ví dụ như quần áo mới hay những thứ gì khác thì không dám nghĩ tới.”

Quả thật nói không ngoa, phụ nữ thời nay chính là người chủ trong gia đình.